Với Trần Đức Thảo, một chút duyên nợ

Tôi đành dùng hai tiếng duyên nợ vì không tìm ra từ nào chính xác hơn. Nợ thì đúng rồi, dứt khoát. Duyên thì không hẳn, vô duyên có lẽ đúng hơn.

Xin bắt đầu bằng mối vô duyên. Trước hết, chưa lần nào tôi được gặp ông, chỉ có hai lần thấy ông. Lần thứ nhất, khi ông thuyết trình về Triết học của Stalin tại Trường đại học Denis Diderot (Paris VII, Jussieu). Ông trình bày xong thì tôi ra về, không ở lại nghe phần hỏi đáp (tôi cũng không nhớ là có hay không). Vì hai lẽ: thứ nhất, tôi không tiện gặp ông (vì sao, dưới đây sẽ nói); thứ nhì, nghe ông nói bữa ấy, tôi buồn quá. Dường như tôi không phải là người duy nhất cảm thấy buồn. Anh Lê Thành Khôi cũng ra về trước khi bài thuyết trình chấm dứt, nghe nói nước mắt lưng tròng mà ra về. Tình cờ mấy năm sau, đọc cuốn La mémoire du chien (nxb Fourbis 1993), biết Francis Marmande cũng có mặt bữa ấy, và thất vọng chừng nào khi thấy nhà triết học mà bấy lâu mình ngưỡng mộ qua cuốn Phénoménologie et matérialisme dialectique nay bỏ ra mấy tiếng đồng hồ để nói những chuyện không có gì đáng nói. Lần thứ hai, cũng là lần cuối cùng, tôi được thấy Trần Đức Thảo là lúc ông đã nằm trong quan tài, tại nhà hoả táng nghĩa trang Père Lachaise. Bữa ấy, nỗi buồn chuyển sang đau xót: người ta đã đặt lên áo quan Trần Đức Thảo chiếc huy chương "Độc Lập" hay "Kháng Chiến" hạng nhì hay hạng ba gì đó mà Nhà nước vội vã quyết định trao tặng sau khi nhà triết học từ trần (ngày 24.04.1993). Nghe nói khi ông mất, căn phòng nhỏ của ông ở chiêu đãi sở thuộc đại sứ quán, số 2 phố Le Verrier (Quận 6, Paris) đã được niêm phong kỹ càng: người ta sợ nhất những giấy tờ ông để lại, biết đâu có những dòng "lề trái", lọt ra ngoài...

Từ vô duyên vận rất đúng vào một nghịch lí lâu lâu vẫn ám ảnh tôi. Nguyên ủy là một lần nghe mẹ tôi kể lại, thời trẻ, gia đình ông Thảo ngỏ ý dạm hỏi mẹ tôi, tôi không nhớ vì sao (tuổi tác xung khắc chăng?) ông bà ngoại tôi khước từ, cuộc đính hôn không thành, sau đó ông Thảo sang Pháp — nhà ông bà ngoại tôi ở phố Hàng Thuốc Bắc, nhà cụ Tiến (thân phụ ông Thảo) ở phố hàng Ngang hay hàng Bạc gì đó, không xa. Thỉnh thoảng, tôi lẩn thẩn tự hỏi: nếu như cuộc xe duyên ấy được tác thành thì sao? Thì sao, không biết, nhưng chắc chắn là... không có tôi, và tôi không có thì câu hỏi vô duyên ấy lại càng không đặt ra !

Thực ra thì giữa ông và tôi cũng có một chút duyên: những năm "đổi mới", khi tôi phụ trách trung tâm văn hoá "Nhà Việt Nam" (ở số 23 rue Cardinal Lemoine, quận 5 Paris), ông có trao phó cho tôi xuất bản cuốn La philosophie de Staline, I. Lúc đó, hình như theo gợi ý của hai ông Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng, Trần Đức Thảo được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh mời vào ở khách sạn Embassy (Bến Nghé?). Khí hậu và đời sống ở thành phố dầu sao cũng thuận lợi với tuổi tác, sức khỏe thân thể (ông bị xơ gan nặng, không thể tiêu hoá chất mỡ và thịt có nhiều chất mỡ như thịt lợn) và tinh thần (từ sau vụ Nhân văn Giải phẩm, ông mắc chứng mặc cảm truy bức khá trầm trọng) thuận lợi, thoải mái hơn. Ông tiếp tục nghiên cứu về đề tài hình thành ý thức con người, tìm đọc những công trình nghiên cứu về khảo cổ học, ngôn ngữ học và tâm lý trẻ em để phát hiện thời điểm phát sinh ý thức của từng con người cá thể, của cộng đồng con người. Mặt khác, ông viết cả về những vấn đề lí luận liên quan tới thời sự: ông cho rằng sự trì trệ của nghiên cứu triết học tại các nước xã hội chủ nghĩa bắt nguồn từ Stalin, cụ thể là từ lúc mà y đã "cố định hoá" biện chứng pháp vào mấy "quy luật" cứng nhắc và tầm phào; mặt khác, ông suy luận về nền tảng chủ nghĩa Pol Pot, và cho rằng, ngoài chủ nghĩa Mao, nạn diệt chủng ở Cam pu chia còn bắt nguồn từ... chủ nghĩa "lý luận không có con người" (ám chỉ antihumanisme của Louis Althusser). Chính trong bối cảnh này mà cuối năm 1987, đầu năm 1988, tôi đã nhận được bản thảo Triết học của Stalin, I. Cuốn sách còn sơ lược, nhưng hé ra những triển vọng nghiên cứu về biện chứng pháp, chuẩn bị cho sự "tái xuất giang hồ" của tác giả Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Khó khăn lớn nhất là tìm ra nguồn tài trợ để xuất bản. Quỹ vận hành của "Nhà Việt Nam" eo hẹp (tiền thuê nhà mỗi tháng đã ngốn hơn 20 000 FF), cuối cùng cũng phải giật gấu vá vai để tìm ra chi phí in 500 bản. Chị Vân (Bùi Mộng Hùng) chấp nhận ấn hành với danh nghĩa nhà xuất bản MÂY mà chị làm giám đốc. Khó khăn thứ nhì là xếp chữ. Năm 1988, máy vi tính chưa phổ biến để xếp chữ, dàn trang thuận tiện như bây giờ. Chúng tôi phải nhờ anh Tiểu Đồng đánh máy lại trên một máy điện tử của ngành in lúc đó đã thay thế chiếc máy linotype của anh Phùng Công Khải ở Meudon (là nơi đã in toàn bộ bán nguyệt san Đoàn Kết khổ lớn trong những năm 60 và 70). Bản thảo là bản đánh máy, có những chỗ sửa viết tay của tác giả Trần Đức Thảo, nét chữ rắn rỏi, nắn nót, dễ đọc. Trong quá trình xếp chữ, tôi nhớ ông có gửi thêm những chỗ chỉnh sửa. Tiểu Đồng đánh máy, tôi làm thầy cò, cả hai làm việc ăn ý và khá nghiêm chỉnh nên sách in xong, không thấy tác giả chê trách gì, kể cả đối với phần thư mục và tiểu sử mà tôi soạn, chủ yếu theo bản của tác giả, nhưng tất nhiên phải thêm phần liên quan tới thời kỳ Nhân văn Giai phẩm và sau đó — mà tác giả để trống. Sách in xong, nộp lưu chiểu ở Thư viện Quốc gia Pháp và gửi về tác giả, ông gửi tiếp cho tôi mấy lá thư, dặn dò gửi tặng một số nhà triết học ở Pháp, Cộng hoà dân chủ Đức và Liên Xô, và trao đổi về việc xuất bản công trình tiếp theo, là "Nghiên cứu nhân học".

Thư từ trao đổi với ông đến mùa xuân 1989 thì ngừng. Mùa xuân nở rộ ở Bắc Kinh và kết thúc trong vũng máu Thiên An Môn. Mùa hè bắt đầu với cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở Ba Lan. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh — mà tên tuổi gắn liền với cuộc đổi mới bắt đầu từ tháng 12.1986, mà ông Trường Chinh mới chính là cột trụ thực sự — hoảng sợ; hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam họp cấp tốc, lên án cuộc "đảo chính" ở Ba Lan. Các "đoàn thể nhân dân" được lệnh gửi kiến nghị phản đối đến đại sứ quán Ba Lan ở Hà Nội (và bị các nhà ngoại giao Ba Lan gửi trả lại "người gửi"). Đổi mới chuyển thành co cụm, và siết lại về mặt tư tưởng. Gorbatchev bắt đầu bị phê phán nghiêm khắc trên báo chí chính thức. Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng (Tô Hoà) bị "nghỉ hưu", trang 2 tờ nhật báo đăng một loạt bài "lề phải". Một trong những bài đầu tiên mang chữ ký Trần Đức Thảo (nếu tôi nhớ không lầm, khoảng trung tuần tháng 8.1989). Qua lời tâm sự của ông với một vài anh em thân quen, Trần Đức Thảo linh cảm một cuộc đàn áp tư tưởng sẽ bắt đầu, và, kinh cung chi điểu, ông sợ rằng mình sẽ là "đối tượng đấu tranh" của cuộc "uốn nắn" mới này. Năm 1956, ông đặt bao nhiêu kỳ vọng vào cuộc "giải Stalin hoá", năm 1987, ông phấn chấn chừng nào với cuộc perestroika của Gorbatchev, thì nay ông lo ngại bấy nhiêu. Chứng "mặc cảm bị truy bức" của ông, chưa bao giờ thuyên giảm, nay càng trầm trọng.

Không nhận được thư ông, tôi cũng tránh liên lạc với ông, vì ngại sẽ đặt ông vào tình thế khó xử. Tôi vẫn còn nhớ những mẩu chuyện của chị Françoise Corrèze, người bạn chí cốt của Việt Nam, bạn thân của Trần Đức Thảo và Nguyễn Khắc Viện. Mỗi lần chị tới thăm ông ở căn phòng khu tập thể Kim Liên, sau khi ông chỉ trỏ lên trần và hướng về mấy bức tường, là cuộc bút đàm, sau đó, ông bật diêm đốt hết những mẩu giấy, phi tang.

Cuối năm 1989, đầu năm 1990, chúng tôi soạn và công bố bức Tâm Thư. Tôi bị kéo dài tình trạng cấm cửa (thực ra đã bắt đầu từ mùa hè 1982, và mãi tới mùa thu 2001 mới chấm dứt). Tên của anh Bùi Văn Nam Sơn và tên tôi được trưng bày ở Viện bảo tàng Tội ác Mỹ-ngụy (đường Võ Văn Tần), chúng tôi được coi là "đầu sỏ" của một âm mưu lật đổ gì khá ghê gớm. Tôi càng bặt tin Trần Đức Thảo. Cuối năm 1991, được tin ông sang Pháp, ở số 2 rue Le Verrier (quận 6, Paris), chiêu đãi sở của đại sứ quán Việt Nam (thời ông Mai Văn Bộ ở Pháp, đây là trụ sở Tổng đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà). Tiểu sử Trần Đức Thảo do TS. Cù Huy Chử soạn, cho biết ông sang Pháp "nghiên cứu khoa học, do Ban bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cử". Theo những anh chị em có dịp tiếp cận, Trần Đức Thảo cho biết ông được tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Ban bí thư cử sang Pháp để "giải độc trí thức Việt Kiều" khỏi ảnh hưởng xấu của... Nguyễn Ngọc Giao và "nhóm Tâm Thư" (sic).

Đó là lí do tại sao tôi phải kính nhi viễn chi: đến gặp ông, chẳng khác gì làm hỏng kịch bản "giải độc", mà, trong cơn mặc cảm truy bức, ông tưởng đã thuyết phục được ông Linh (tôi không nghĩ ông Nguyễn Văn Linh lại ngây thơ đến thế). Vấn đề đặt ra cho tôi: có thể làm gì, và làm cách nào, giúp ông mà không lộ "bàn tay lông lá" của mình ra?

Đầu tiên, một việc đáng mừng: những người bạn Pháp trong ngành triết học, cựu học sinh của "Normal’Sup" (trường cũ của Trần Đức Thảo), nay là giáo sư đại học ở Paris, đã liên lạc để mời ông tới thuyết trình. Được tin ông nhận lời, tôi rất mừng vì đây là dịp đầu tiên ông sẽ tiếp xúc với thế hệ đại học và triết học "hậu sinh" — tôi biết ông đã gặp lại vài triết gia cùng thế hệ với ông như Paul Ricoeur, Jean-T. Desanti... Tiền thù lao khiêm nhường, nhưng cũng đáng kể vì ông không có thu nhập nào. Thế nhưng mọi việc đổ vỡ: sau khi nhận lời, ông lại hủy bỏ các cuộc thuyết trình đã được thông báo, mà không cho biết lí do. Dần dà, chúng tôi hiểu được nguyên ủy: ông được biết những người mời ông đều là môn sinh của Louis Althusser, mà "học thuyết phi nhân bản" ("lí luận không có con người"), theo ông, chính là "nền tảng triết học" của chủ nghĩa Pol Pot, và đằng sau nó, chủ nghĩa Mao. Của đáng tội, thế hệ giảng viên, giáo sư triết học 4x, 5x, 6x.. ở Pháp, thì ai chẳng là môn sinh của Althusser, học sinh "Normal’Sup" ban khoa học xã hội và nhân văn những năm 60, ai mà chẳng ít nhiều tham gia UEC-ML (Sinh viên Cộng sản Mácxit-Lêninit) với những Robert Linhart, Etienne Balibar...? Họ đã li khai với Đảng cộng sản Pháp vì cho rằng Đảng quá xét lại, hoặc bị Đảng khai trừ, cô lập vì quy họ là mao-ít. Điều đáng tiếc, và đáng buồn, là trong tâm trạng bị truy bức ám ảnh, Trần Đức Thảo cho rằng đây là một âm mưu của "đám Althusser", giăng bẫy ông để Đảng cộng sản Pháp sẽ coi ông là thù nghịch. Thoạt nghe tôi không khỏi sửng sốt, nhưng sau, nghĩ lại, tôi hiểu hơn. Ông như con chim đã bị trúng tên: thời gian 1945-51, ủy viên ban Tổng đại diện Việt kiều tại Pháp, ông đã đấu tranh kiên định chống khuynh hướng trốt-kít (coi Hiệp ước sơ bộ 6-3-1946 là "phản bội cách mạng"), nhưng trong vụ đàn áp phong trào Nhân văn - Giai phẩm, ông lại bị ông Phạm Huy Thông, vừa là đồng chí, vừa là đồng môn ở Normal’Sup, tố cáo là... "trốt-kít". Hiểu được bối cảnh đường lối co cụm của ĐCSVN đầu thập niên 1990, tâm trạng phập phồng của Trần Đức Thảo, và những gì ông phải trải nghiệm từ năm 1956 về sau, chúng ta hiểu tại sao nhìn đâu Trần Đức Thảo cũng thấy âm mưu và cạm bẫy, khiêu khích...

Nhưng rồi một hôm, chị X., một trong những anh chị em Việt Kiều vẫn thường xuyên tới phố Le Verrier thăm hỏi và đỡ đần ông, gọi điện gấp cho tôi: "Anh Thảo muốn... chọn tự do, yêu cầu giúp anh ấy ra khỏi chiêu đãi sở, tìm nơi ăn chốn ở an toàn, và giúp tổ chức họp báo". Sau giây phút bàng hoàng, tôi mường tượng ra tâm trạng hoảng loạn của anh, và xót xa nghĩ tới cảnh tượng một Trần Đức Thảo "chọn tự do" khi phe xã hội đã sụp đổ, giữa sự thờ ơ của thế giới phương Tây đang đọc điếu văn lần thứ n+1 cho chủ nghĩa Marx, và sự hí hửng hả hê của giới Việt Nam chống Cộng đến chiều. Nghiêm trọng gấp vạn lần màn hài kịch thảm thương ấy, là viễn tượng, đối với tôi, không thể chấp nhận được: mất đi khả năng tạo ra chung quanh Trần Đức Thảo một khung cảnh vật chất và tinh thần cần thiết để ông tiếp tục nghiên cứu những đề tài mà ông đã bắt đầu trong điều kiện thiếu thốn cùng cực về mọi mặt.

Tôi bàn với chị X., và chúng tôi nhanh chóng thống nhất mấy điều: (1) nói với anh Thảo, nếu anh vẫn giữ ý định "chọn tự do", chúng tôi sẽ tôn trọng quyết định ấy, và sẽ giúp đỡ anh trong tất cả phạm vi có thể, nhưng cũng bình tĩnh nói với anh là sự chọn lựa ấy chẳng hay ho gì, về mọi mặt; (2) điều hay nhất là tìm được nơi ăn ở và điều kiện làm việc tối ưu để anh có thể dành tâm trí vào công trình triết học.

May thay, anh nhanh chóng đồng ý. Nhờ tài vận động và quan hệ rộng rãi của mình, chị X. đã tranh thủ được Hội tương trợ những người bạn của khoa học (trong những người trách nhiệm, có khá đông cựu học sinh Normal’Sup) quyết định tài trợ hàng tháng một số tiền (tôi không nhớ là 10 000 FF hay 15 000 FF). Số tiền không lớn, nhưng thừa đủ để bảo đảm một cuộc sống thanh đạm mà đàng hoàng cho một người độc thân. Nhưng vấn đề là tìm cho ra một nơi ăn chốn ở thế nào để nhà triết học không phải lo lắng gì hết về bếp núc, giặt giũ, và có trong tầm tay mọi thứ sách vở, tạp chí, tài liệu để làm việc. Có thể tôi "ăn mày đòi xôi gấc", nhưng mỗi lần đọc những bài viết của Trần Đức Thảo về nguồn gốc ý thức con người, tôi đau xót thấy tư liệu về khảo cổ học mà ông tham khảo là những công trình của Leaky ngừng ở năm 1970, và không thấy ông viện dẫn gì tới những công trình về "thần kinh khoa học" (neurosciences). Tôi tin tưởng, ít nhất mong ước rằng, một khi cập nhật hoá được những thành tựu mới nhất của thần kinh khoa học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, nhân học, tâm lý học trẻ em, sinh học... bộ óc Trần Đức Thảo sẽ mang lại cho chúng ta những soi sáng mới.

Nơi ăn chốn ở lý tưởng mà tôi vừa nói, không phải là chuyện không tưởng. Nó nằm ngay ở khuôn viên Normal’Sup, 45 rue d’Ulm, nơi ông đã học nội trú một năm trước khi cùng trường sơ tán xuống Clermont-Ferrand khi Đức chiếm Paris, và trở lại làm cao học và thi thạc sĩ sau ngày nước Pháp giải phóng. Vấn đề là làm sao ban giám hiệu nhận cho một cựu học sinh 75 tuổi trở lại trường? Tôi thấy chỉ có một cách: gõ cửa Laurent Schwartz. Tôi vốn tránh phiền nhà toán học vĩ đại, chỉ chạy lại nhà mỗi lần ông gọi tới. Nhưng lần này, thì nhất thiết phải phiền ông. Vả lại, lúc ấy cũng đang bùng nổ "vụ Boudarel" (*) (đám cực hữu vu cho Georges Boudarel là đã "hành hạ" tù binh Pháp ở trại M113 Tuyên Quang), chúng tôi đã họp mấy lần ở nhà Laurent Schwartz cùng với ông bà để tìm cách bảo vệ Boudarel (sau này Laurent Schwartz nhận làm chủ tịch "Hội những người bạn của Boudarel" cho đến ngày ông từ trần, năm 2002, hơn một năm trước Boudarel). Tôi điện thoại để xin hẹn, nhưng vừa nói tại sao xin gặp, thì Schwartz đã nhận lời liên lạc ngay với hiệu trưởng Normal’Sup.

Đầu tháng 4.1993, tấm ngân phiếu đầu tiên của Hội những người bạn của khoa học đến tay Trần Đức Thảo. Chúng tôi lạc quan đợi tin của trường Normal’Sup để tổ chức dọn nhà cho ông: từ 2 Le Verrier đến 45 rue d’Ulm, chỉ cần đi xuyên qua vườn Luxembourg là tới. Tôi không rõ các anh chị thường gặp ông đã giúp ông mở tài khoản ngân hàng để chuyển số tiền ấy chưa. Chỉ biết là ông đã ngả bệnh, phải đưa cấp cứu vào bệnh viện Broussais. Trái tim Trần Đức Thảo ngừng đập lúc 2g sáng ngày 24 tháng 4 năm 1993.

Từ ấy, mỗi lần đi qua phố Ulm nơi Trần Đức Thảo theo học Normal’Sup, hay đi dọc theo bức tường cao của nhà tù La Santé, nơi Trần Đức Thảo bị giam năm 1945, hay dạo bộ quảng trường Maubert, là nơi nghe kể lại Trần Đức Thảo từng lộc cộc đôi guốc đi mua thức ăn về phòng làm việc... tôi thường nghĩ tới ông, và ngậm ngùi mối duyên nợ đối với ông. Duyên ít, nợ nhiều, không bao giờ trả được.

Nguyễn Ngọc Giao
Paris, 29 tết Tân Mão (1.2.2011)

(*) Về Boudarel, xin đọc bài "Đại đồng tiểu truyện" (http://www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-004/dai-dong-tieu-truyen/)