Những cách thấy (1)

John Berger

Sự thấy có trước ngôn từ. Đứa trẻ nhìn và nhận biết trước khi nó có thể nói.

Song cũng có một sự-thấy-có-trước-ngôn-từ kiểu khác. Đó là sự thấy, nhờ đó, chúng ta phân biệt bản thân mình với thế giới xung quanh. Nhờ ngôn từ, chúng ta tìm cách mô tả thế giới ấy. Song ngôn từ thì lại không bao giờ có thể giúp chúng ta lý giải được những gì nằm phía sau thế giới xung quanh ấy. Như vậy, mối quan hệ giữa những gì ta thấy, và những gì ta hiểu sẽ luôn luôn không ổn định.

Họa sĩ siêu thực Magritte đã bình luận về cái khoảng cách luôn hiện hữu giữa ngôn từ và sự thấy trong một tác phẩm có tên là “Chìa khóa của những giấc mơ”.

“Chìa khóa của những giấc mơ”. René Magritte (1898-1967)

Việc sự vật trông ra sao trước mắt chúng ta cũng còn bị tác động bởi sự hiểu biết, hay niềm tin của chúng ta. Vào thời Trung cổ, khi người ta tin rằng có sự hiện hữu thực của địa ngục, hình ảnh của ngọn lửa chắc hẳn phải có ý nghĩa nào đó khác với ý nghĩa mà nó đang sở hữu ngày nay. Tuy nhiên, ý tưởng của những con người thời Trung cổ về Địa ngục đã vay mượn rất nhiều từ hình ảnh của ngọn lửa khi nó thiêu đốt mọi sự ra tro- cũng như từ kinh nghiệm đau đớn của việc bị bỏng.

Khi ta yêu, hình ảnh người tình sở hữu một tính hoàn hảo mà không ngôn từ và sự khái quát nào diễn tả nổi; tính hoàn hảo mà may ra chỉ có thể đạt tới được một cách nhất thời qua hành vi ân ái.

Tuy nhiên, việc sự thấy có trước ngôn từ, và việc ngôn từ không thể đi hết được sự thấy không hề liên quan tới phản ứng có tính cơ học do tác dụng từ sự kích thích [vào võng mạc] (Chỉ có thể suy nghĩ theo hướng như vậy trong trường hợp người ta đã có khả năng phân chia tiến trình hoạt động của võng mạc con người thành vô số tiểu giai đoạn). Chúng ta chỉ thấy khi chúng ta nhìn. Và nhìn chính là một hành vi lựa chọn. Kết quả của hành vi lựa chọn này sẽ là việc những gì ta thấy chỉ nằm trong giới hạn thị năng của chúng ta- dĩ nhiên là không chỉ nằm trong giới hạn những gì ở ngay trước mắt chúng ta. Chạm vào vật nào đó cũng là một hành vi định vị bản thân trong mối quan hệ với vật đó (bạn thử nhắm mắt lại, di chuyển xung quanh phòng và sẽ thấy ngay việc xúc giác của bạn bỗng trở nên một hình thức nhìn vô cùng hạn chế và vụng về ra sao). Chúng ta không bao giờ chỉ nhìn vào một vật, mà luôn nhìn vào mối quan hệ giữa các sự vật với bản thân chúng ta. Thị năng của chúng ta luôn có tính chủ động, chuyển động liên miên, luôn tìm cách định vị cái được nhìn trong một phạm vi cùng với những gì chung quanh nó, qua đó cấu tạo nên đối tượng ta thấy.

Ngay khi thấy-được, chúng ta ý thức rằng mình cũng có thể bị thấy. Mắt người cùng mắt ta kết hợp lại để tạo nên niềm tin tuyệt đối rằng chúng ta là bộ phận của thế giới khả thị.

Nếu chấp nhận rằng chúng ta có thể trông thấy ngọn đồi đằng xa kia, cũng có nghĩa rằng, từ ngọn đồi ấy, người có thể trông thấy ta. Bản chất tương tác này của thị năng có tính tận căn hơn bản chất tương tác của đối thoại bằng ngôn từ. Và thường khi, các cuộc đối thoại chính là một nỗ lực để ngôn lời hóa sự thấy- một nỗ lực để tường giải, hoặc qua ẩn dụ, hoặc qua nghĩa đen việc làm thế nào mà “ta trông thấy sự vật”, cũng như một nỗ lực để khám phá việc làm thế nào mà “họ trông thấy sự vật”.

Theo cảm thức này của việc tường giải nói trên, tất cả hình ảnh trong cuốn sách này đều là hình ảnh được làm ra (vẽ hay chụp lại).

Một hình ảnh là một sự thấy đã được tái tạo hay tái sản. Nó là một vẻ dạng bên ngoài, hay tập hợp của những vẻ dạng bên ngoài, tức những gì đã được bóc tách khỏi nơi chốn và thời gian mà ở đó lần đầu tiên nó xuất hiện và rồi được giữ lại, dù chỉ trong vài khoảnh khắc hay vài thế kỷ. Mọi hình ảnh đều mang chứa một cách thấy. Thậm chí là một bức ảnh đi nữa. Bởi nhiếp ảnh không phải là- như người ta thường tưởng thế- một sự thu ghi khách quan. Bất cứ khi nào xem một bức ảnh, chúng ta đều biết, dẫu chỉ thoáng qua, về việc đó là góc nhìn được nhiếp ảnh gia lựa chọn giữa vô số các góc nhìn có thể có khác. Điều này thậm chí còn đúng đối với các bức ảnh chụp nhanh kiểu gia đình. Cách thấy của nhiếp ảnh gia được phản ánh trong sự lựa chọn để tài của anh ta. Cách họa sỹ thấy sự vật thì lại được cấu tạo nên nhờ vào các vết, dấu mầu sắc và đường nét mà anh ta tạo ra trên vải hay giấy. Tuy nhiên, mặc dầu mọi hình ảnh đều mang chứa một cách thấy riêng, sự tri giác hay hân hưởng của chúng ta đối với một hình ảnh cũng vẫn phải phụ thuộc vào chính cách thấy của bản thân chúng ta. (Ví dụ: có lẽ sự thật là Kiều nữ của chúng ta đang đứng chung với khoảng 20, hay 30 người khác nữa; song với riêng ta, thì ta chỉ thấy có mỗi mình nàng).

(còn tiếp)

Như Huy dịch từ: Ways of Seeing, John Berger, Peinguin Books published 2008