Từ «khúc ngoặt ngôn ngữ» đến «đường chân trời không thể vượt qua của tư duy»

Có thể nói: nếu Lý Trí là Thượng Ðế của thế giới quan «hiện đại», thì Ngôn Ngữ là Thượng Ðế của «hậu hiện đại», khi nó trở thành một thứ «siêu hình học của ký hiệu» dưới tác động của thói giản lược cố hữu. Nhìn một cách thật tóm tắt, bắt nguồn từ cổ Hy Lạp, triết lý về ngôn ngữ của Tây Phương đã trưởng thành từ khoảng cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, để nhanh chóng, từ các lĩnh vực luận lý toán học và ngôn ngữ, tràn sang triết học và các khoa học xã hội khác, rồi cuối cùng là văn học nghệ thuật, trước khi được lạm tôn làm «đường chân trời không thể vượt qua của tư duy» trong hai thập niên 1960 và 1970, bởi một số tác giả ở Pháp và sau đó ở rải rác trên khắp Âu Mỹ (4).

Bản đối thoại «Cratyle» của Platon (được viết khoảng 385 trước J. C.) thường được lấy làm khởi điểm của cuộc hành trình vào vấn đề ngôn ngữ ở Phương Tây. Trong tác phẩm này, Cratyle cho rằng mỗi sự vật đều có một «tên gọi» («nom») riêng thể hiện bản chất của nó, do đó, «tên gọi» nào (như «người», «ngựa»... chẳng hạn) cũng đều có thể đúng hoặc sai. Ngược lại, Hermogène tin rằng mọi «tên gọi» của sự vật đều do quy ước xã hội, vì vậy nên chúng hoàn toàn độc đoán và có thể thay đổi. Socrate bác bỏ quan điểm «quy ước» («conventionnaliste») của Hermogène, cho rằng vì «tên gọi» là một đơn vị của «biểu văn» («discours»), nên nếu một «biểu văn» có thể đúng hoặc sai, thì tại sao «tên gọi» lại không thể đúng hoặc sai? (Ngày nay, chúng ta thấy rõ hơn sai lầm của triết gia: nhìn dưới khía cạnh đúng/sai, thì đơn vị của «biểu văn» phải là «mệnh đề» hơn là «tên gọi»!). Tuy nhiên, Socrate vẫn không hoàn toàn chấp nhận thuyết «tự nhiên» («naturaliste») của Cratyle (bởi vì sự kiện ngôn ngữ thiếu chính xác và đầy cạm bẫy cho thấy nó không chỉ đơn thuần là một phóng ảnh của tự nhiên), và trở thành người đại biểu đầu tiên của khuynh hướng «cầu toàn» («perfectionniste»), khi ông đặt vào tay các nhà biện chứng và lập pháp nhiệm vụ tạo tác một thứ ngôn ngữ thích ứng với bản chất của mỗi đối tượng tranh cãi trong xã hội.

Triết thuyết về ngôn ngữ tiến một bước lớn sau thời kỳ «Phục Hưng», trong hai cố gắng song song, vừa cải tiến và xác định cho ngôn ngữ triết học một hình thức lý tưởng, vừa phát hiện và tìm hiểu cấu trúc nội tại của ngôn ngữ tự nhiên (theo nghĩa ngôn ngữ của một cộng đồng người). Xuất phát từ đòi hỏi «cầu toàn», nếu khuynh hướng thứ nhất đã thúc đẩy sự phát triển của toán học và luận lý học hình thức, nó không có bao nhiêu ảnh hưởng trên văn học và nghệ thuật, trái hẳn với khuynh hướng sau, dù dựa trên quan điểm «tự nhiên» hay «quy ước»...

Trên đà «cầu toàn», ghi nhận những khiếm khuyết và bất nhất của ngôn ngữ tự nhiên trong đời thường (như các từ «hay» của tiếng Việt trong hát «hay», «hay» hát và hát «hay» ngâm chẳng hạn), ngay từ thế kỷ 17, Gottfried Wilhelm Leibniz đã muốn sáng tạo một thứ ngôn ngữ thuần lý phổ biến, chỉ tuân theo các quy luật của khoa luận lý, và được xây dựng trên những «nguyên tử của tư tưởng» («atomes de la pensée» - những ý tưởng đơn sơ nhất, không thể nào còn có thể đơn giản hoá thêm được nữa). Với thứ ngôn ngữhình thức này, ông tin rằng con người chẳng những có thể lý luận chính xác hơn, mà còn có thể tính toán. Vào đầu thế kỷ 20, Bertrand Russell đã tiếp nối giấc mơ «lingua caracteristica universalis» của Leibniz, chung với Alfred North Whitehead, qua hai phép tính thuần hình thức («phép tính mệnh đề» = «calcul des propositions» và «phép tính vị ngữ» = «calcul des prédicats»), cùng với thuyết «luận lý nguyên tử luận» («atomisme logique») của riêng ông.

Vào thế kỷ 18, khuynh hướng «tự nhiên» của Cratyle tìm thấy một đồng minh bất ngờ trong «Essai sur l’Origine des Langues» (1753-1755) của Jean-Jacques Rousseau, khi tác giả này viết: «...để làm rung động một con tim son trẻ, để đẩy lui sự xúc phạm bất chính, thiên nhiên đã đọc vào tai con người những âm điệu, tiếng kêu, lời than: đấy chính là những từ xưa cổ nhất» (5, tr. 67). Nhưng Rousseau đã không giải thích một cách thuyết phục được bằng cách nào các từ ngữ, cụ thể và nhất là trừu tượng, đã có thể siêu thoát từ tiếng kêu! Và dù ngày nay đã rơi vào quên lãng, quan điểm lãng mạn của ông còn để lại dấu vết sâu đậm ít nhất trong «học thuyết tư biện về nghệ thuật» («théorie spéculative de l’art») ở Tây Phương. Nói chung, người ta dường như đều còn tin rằng thơ vẫn là bà hoàng của văn chương, vẫn còn là hình thức cao nhất để nắm bắt «cái tuyệt đối», nhờ ở tính nhạy cảm của ngôn ngữ, nghĩa là ở cái nguồn gốc đến từ tự nhiên của nó. Riêng Victor Hugo còn tin rằng, bằng một cách nào đó, thơ là nơi mà ngôn ngữ đã tổng hợp được cái bí ẩn và hùng tráng của thiên nhiên với những nét thâm sâu nhất của một dân tộc và một cá tính. Ðể tạo tác những vần điệu tuyệt vời, nhà thơ hoặc phải hoàn toàn làm chủ ngôn ngữ, hoặc chỉ cần phó mặc thi hứng cho ngôn từ dẫn dắt - và biết đâu chọn lựa sau lắm khi chẳng mang lại nhiều thành công hứng thú bất ngờ hơn?...

Cũng vào thế kỷ 18, Wilhelm von Humboldt hợp nhất hai lối nhìn «tự nhiên» và «quy ước» truyền thống vào một quan điểm hai mặt độc đáo: mặt phải, mỗi ngôn ngữ biểu hiện cách thức một cộng đồng người nhận thức hiện thực; mặt trái, nó cũng áp đặt ngược lại cho mỗi cộng đồng mẹ một thế giới quan nhất định. Từ đó, ông suy ra: có bao nhiêu ngôn ngữ thì có bấy nhiêu thế giới quan; và khả năng nhận thức thực tại của các ngôn ngữ có thể được xếp hạng dựa trên cấu trúc văn phạm của chúng! Nếu hệ luận đầu còn tác động cho đến nay, cái sau đã tự hủy vì đầy những võ đoán bất nhất (theo Humboldt, ngôn ngữ thích hợp nhất với tư duy triết học là cổ ngữ Hy Lạp và Ðức ngữ, trong khi theo một số tác giả khác, đấy lại là tiếng La Tinh và tiếng Pháp!)

Ðầu thế kỷ 20, văn hoá Tây Phương bước vào «khúc ngoặt ngôn ngữ», qua nhiều giai đoạn mà bước đầu là thập niên 1910. Ngoài sự phát triển của luận lý ký hiệu với «Principia Mathematica» (1910-1913) của Russell và Whitehead như đã nói ở trên, Ferdinand de Saussure cũng đã đẩy thuyết quy ước cổ điển lên đến tột đỉnh ngay trong khoa ngôn ngữ, bằng một quan điểm mà thế hệ sau gọi là «cấu trúc luận ngôn ngữ» («structuralisme linguistique»). Trong «Cours de Linguistique Générale» (1916), một tác phẩm do học trò xuất bản sau khi ông chết, Saussure cho rằng: một mặt, mỗi ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu độc đoán và độc lập với thế giới bên ngoài; mặt khác, các đơn vị trong hệ thống ký hiệu này chỉ lập nghĩa trong loại quan hệ đối lập với nhau. Nói rằng «độc đoán» là vì giữa «cái biểu đạt» (từ hay âm chó) và «cái được biểu đạt» (khái niệm chó) trong «ký hiệu» chó chẳng hạn, không có một quan hệ bó buộc nào (nhưng ngược với Saussure, từ sau Emile Benveniste, các nhà ngôn ngữ học nay đều cho rằng, nếu quan hệ giữa ký hiệu (từ, âm, khái niệm «chó») và cái quy chiếu (con chó ngoài đời) là độc đoán (theo nghĩa hoàn toàn dựa trên quy ước), thì trái lại, quan hệ giữa «cái biểu đạt» và «cái được biểu đạt» trong ký hiệu là tất yếu, bởi vì cả hai yếu tố này đều phải được tương lập đồng thời trong một ngôn ngữ). Nói là «độc lập» với ngoại giới bởi vì, trong mỗi thứ tiếng sự phân biệt màu sắc chẳng hạn rất khác nhau, và ngaycả trong loại từ tượng thanh (như tiếng gà gáy), cách ghi âm lại cũng đều khác hẳn nhau. Và cuối cùng, nhấn mạnh trên sự «đối lập» giữa các đơn vị với nhau là vì, chính nhờ các âm «ch-» tương phản với «kh-» cũng như với «ph-» để tạo thành ba âm vị tách bạch trong tiếng Việt, mà ở đây chúng ta có được sự phân biệt giữa các từ «chó», «khó» và «phó» chẳng hạn.

Giai đoạn hai là thập niên 1930. Từ quan điểm xem ngôn ngữ là môi trường phổ quát của tư duy (vừa là cơ sở vừa là công cụ), và do đó, một cấu trúc ngôn ngữ bất toàn có thể dẫn đến những tư tưởng phi lý, cả «chủ nghĩa thực chứng luận lý» («positivisme logique») của «Cercle de Vienne» lẫn «triết lý phân tích» («philosophie analytique»), hoặc cũng có khi còn gọi là «triết lý ngôn ngữ» của các tác giả Anh (trường phái Oxford) và Mỹ (xuất thân từ «chủ nghĩa thực dụng» = «pragmatisme») đều muốn loại trừ khỏi biểu văn của mình mọi yếu tố không thể kiểm chứng được. Trong tuyên ngôn năm 1929, «Cercle de Vienne» bác bỏ siêu hình học như một thứ trò chơi của lý trí tư biện, và chỉ công nhận hai loại kiến thức cùng với một ngôn ngữ khoa học được xây dựng trên, hoặc những mệnh đề tổng hợp về các sự kiện (vì thế mà gọi là thực chứng), hoặc những mệnh đề phân tích của luận lý học hình thức (vì thế mà gọi là luận lý). Với một lập trường bài bác siêu hình học tương tự, các triết gia ngôn ngữ cho rằng nhiệm vụ duy nhất của triết học ngày nay là phân tích và làm sáng tỏ ý nghĩa và chức năng của các khái niệm và mệnh đề triết học, cũng như của câu chữ trong ngôn ngữ hàng ngày.

Nằm trên giao tuyến của hai trường phái, Ludwig Wittgenstein là một tác giả bản lề mấu chốt. Trong «Tractatus Logico-Philosophicus» (1921), trên chiều hướng xây dựng một thứ ngôn ngữ thật khoa học, ông chia các mệnh đề thành hai loại: loại quy chiếu về hiện thực có thể biểu đạt, và do đó, cần phải được xử lý với sự chặt chẽ và chính xác tuyệt đối; và loại mà đối tượng là những gì không thể biểu đạt (ý niệm Thượng Ðế chẳng hạn), và chính vì thế mà cần phải dẹp bỏ hoàn toàn. Nhưng về sau, trong «Investigations Philosophiques» (1952), lần này trên chiều hướng tìm hiểu ngôn ngữ hàng ngày, Wittgenstein công nhận sự tồn tại của nhiều thực tiễn ngôn ngữ khác nhau, mỗi thứ gắn liền với một dạng thức tồn tại và sinh hoạt, mà ông gọi là những «trò chơi ngôn ngữ», một loại trò chơi trong đó cả luật chơi lẫn ý nghĩa của câu chữ đều do các tay chơi quyết định với nhau, chứ không do triết gia áp đặt từ ngoài vào. Và nhìn từ quan điểm này, cả khoa học, triết học lẫn văn học... đều chỉ là những trò chơi ngôn ngữ, tương tự như nhau và tương đương với nhau, mặc dù hoàn toàn khác biệt, và không cái nào có thể lạm xưng là căn bản, hoặc phải đương nhiên được xem là nền móng.

Trong cùng chiều hướng tìm hiểu ngôn ngữ tự nhiên, John Austin, một trong những triết gia xuất sắc của trường phái Oxford, đã phát hiện ra «chức năng hành tác» của ngôn ngữ, và từ đó xây dựng nên «học thuyết về hành vi ngôn ngữ» («théorie des actes du langage»). Ngược với các nhà luận lý học nhị nguyên, khi họ cho rằng một mệnh đề, nếu không thuộc vào loại vô nghĩa, thì chỉ có thể hoặc «đúng» hoặc «sai», Austin đã chứng minh trong một loạt bài thuyết trình tại đại học Harvard (1955) rằng một mệnh đề không chỉ có thể «nói» một điều gì, mà còn có thể «làm» (6). Khi tôi nói: «Chào bà», «Xin lỗi ông», «Tôi đánh cuộc là...», «Tôi hứa rằng...», thì tôi đã đồng thời chào, xin lỗi, đánh cuộc, và hứa hẹn. Nghĩa là, ngoài việc nói «đúng» hoặc «sai», các mệnh đề trên còn có thể tác động «thành công» hay «thất bại». Lúc đầu, Austin gọi loại từ cú (énoncés) ấy là những «hành tác cú» («performatifs») để đối lập với các «xác định cú» («constatatifs»); về sau, ông phân biệt đại loại năm nhóm từ cú, với những đường ranh nhiều khi khá mập mờ. Song đấy chỉ là các tiểu tiết, cái đại sự là từ nay bỗng xuất hiện thêm niềm tin rằng ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp, mà còn là công cụ hành động - nghĩa là rất có thể sẽ bất ngờ mọc thêm chân, cánh... để rủ rê nhau bay vào «diễn biến hoà bình» trên sân chơi của cái đám người vẫn vỗ ngực tự xưng là tác giả!

Cũng trong thập niên 1950, Edward Sapir và Benjamin Lee Whorf xác nhận phần nào giả thuyết của Humboldt bằng những cuộc điều tra thực địa về ngôn ngữ dân tộc học. Theo «giả thuyết Sapir-Whorf», thay vì phản ánh thực sự và chính xác thế giới tự nhiên, mỗi ngôn ngữ đã áp đặt cho tư duy một cách tổ chức hiện thực vừa độc đoán vừa sai biệt, qua những thể dạng từ vựng và văn phạm của nó. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm: trong giả thuyết này, sự áp đặt nói trên chỉ là một phú bẩm tiên khởi, mỗi ngôn ngữ đều có đủ sự uyển chuyển cần thiết để cho phép tư duy tự do vận động và thao tác - không có quyết định luận nào ở đây! Mặt khác, các tác phẩm dân tộc học của Claude Lévi-Strauss, khi phát hiện ra một sự đồng dạng nào đó giữa các cấu trúc ngôn ngữ và cấu trúc văn hoá (như hệ thống huyền thoại) hay cấu trúc xã hội (như hệ thống gia tộc) cũng dần dà phổ biến quan điểm cho rằng ngôn ngữ, nói cho cùng, chính là cái «hạ tầng cơ sở» đầu tiên của mọi hoạt động văn hoá xã hội khác.

Vì ngôn ngữ là môi trường phổ quát của tư duy, con người có khả năng tư duy ngoài ngôn ngữ chăng? Vì mỗi ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu độc đoán, ngôn ngữ có còn tùy thuộc vào thế giới bên ngoài không? Vì mỗi ngôn ngữ áp đặt cho tư duy một cách tổ chức và nhận thức hiện thực vừa độc đoán (do quy ước) vừa sai biệt (rất khác nhau), có thể có hay không một hiện thực «khách quan» và một tri thức «khách quan» về hiện thực (bên ngoài ngôn ngữ và không tùy thuộc một ngôn ngữ nào, ngoài những trực giác và phạm trù tiên thiên mà Kant đã nêu ra)?

Nếu tất cả các câu trả lời đều ở thể phủ định, như ở một số tác giả «hậu hiện đại» cực đoan, khi họ đã diễn dịch sai, và/hoặc ngoại suy quá lố từ những thành quả đã được phác hoạ lại khá dài ở trên (tuy có thật và vô cùng quan trọng, song luôn luôn còn cần phải được kiểm nghiệm, khảo sát, và đẩy xa thêm trong mọi ngành học thuật), thì ngôn ngữ đã hoá thân thành Ngôn Ngữ, bởi vì nó chính là cái nền tảng nội tại của tất cả mọi bộ môn triết học lẫn khoa học mà các nhà siêu hình vẫn hoài công tìm kiếm bấy lâu, là cái ông Thượng Ðế căn nguyên của vạn vật...

Nhưng nếu sự thực còn là những hình thức tư duy không dùng ngôn ngữ (7), còn là lời than «ngay tư duy của mình người ta cũng không thể chuyển hết thành lời» («on ne peut rendre entièrement en paroles mêmes ses pensées») của chính bản thân Nietzsche (8, tr. 217), thì khó lòng mà đồng nhất tư duy với cái phương tiện dùng để vận chuyển tư duy. Và nếu hiện thực còn là quyển truyện dịch song ngữ trên bàn này, thì khó lòng mà chấp nhận rằng ngôn ngữ có thể hoàn toàn thoát ly hiện thực (nếu không lấy con chó ngoài đời làm vật quy chiếu, làm sao người ta có thể lập quan hệ tương đương giữa từ «chó» với từ «chien» hay «dog» trong từ điển chẳng hạn, để rồi sau đó phiên dịch từ tiếng nói này sang ngôn ngữ khác?). Cuối cùng, nếu hiện thực còn là cái con chó đang sủa oăng oẳng ngoài sân, hay những hiểu biết khoa học đủ loại đã tạo ra chiếc phi thuyền đang bay trên không gian xa tít kia, thì cũng khó lòng mà đánh đồng hiện thực với những đơn vị ngữ âm và ngữ nghĩa trong biểu văn về hiện thực (âm chó hay khái niệm chó đều không biết sủa!), hay giản lược giá trị đúng/sai của tri thức khoa học (phi thuyền nào bay được nếu trái với «luật tự nhiên»?) vào điều kiện hợp thức hoá (légitimation) và phổ biến cái tri thức ấy thông qua ngôn ngữ - dù là ngôn ngữ tự nhiên (chưa thấy có dân tộc nào bị cấu trúc văn phạm của ngôn ngữ bản xứ cấm cản đến với khoa học, nhiều lắm chỉ bị lúng túng ít nhiều lúc đầu vì thiếu thuật ngữ) hay ngôn ngữ nhị phân của máy tính!

Trích Phạm Trọng Luật, Từ Tranh Luận «Nửa Chừng Xuân» và «Đoạn Tuyệt» Ra Khơi Đến «Tiểu Xảo Văn Ðoàn»: Một Vòng Văn Chương Việt Nam Hải Ngoại

CHÚ THÍCH

(04) Thomas Pavel, Les Utopies Linguistiques, Le Débat = ISSN 0246-2346, số 117, 11-12/2001.
(05) Jean-Jacques Rousseau, Essai sur l’Origine des Langues (1753-1755), Paris, Gallimard, 1990. «Pour émouvoir un jeune cœur, pour repousser un agresseur injuste, la nature dicte des accents, des cris, des plaintes: voilà les plus anciens mots inventés» (tr. 67).
(06) John Langshaw Austin, Quand Dire, C’Est Faire, Paris, Ed. du Seuil, 1970 (Nguyên tác: How To Do Things With Words, Oxford, Clarendon Press, 1970).
(07) Dominique Laplane, La Pensée d’Outre Mots, Paris, Les Empêcheurs de Penser en Rond, 1997.
(08) Friedrich Nietzsche, Le Gai Savoir, Paris, Garnier-Flammarion, 2000 (Nguyên tác: Die Fröhliche Wissenschaft - «La Gaya Scienza», 1882).