100 năm ngày sinh Lưu Trọng Lư (1911 - 2011)

Trang văn đời và mối tình mãn kiếp

Tối 13/6, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây đã ra mắt bộ sách 2 tập (1.445 trang, NXB Lao động) in các truyện ngắn, truyện dài của Lưu Trọng Lư do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và ông Hoàng Minh tận tâm kiếm tìm, biên soạn. Hơn 70 năm bị thất lạc, phần văn xuôi tự sự của Lưu Trọng Lư tìm ở các thư viện, hiệu sách cũ được sắp xếp công phu, là tâm huyết và tấm lòng của người biên tập - chủ trương Đoàn Tử Huyến. Buổi ra mắt có sự hiện diện của nhà thơ, nhà báo Lưu Trọng Văn, chị Ý Nhi và nghiên cứu SK&ĐA Nguyễn Văn Thành - con gái, con rể thi sĩ.

Sáng 15/6, Hội Nhà văn VN tổ chức kỷ niệm 100 ngày năm sinh Lưu Trọng Lư. Sáng qua, 17/6, nhà thơ Lưu Trọng Văn tổ chức lễ kỷ niệm và ra mắt sách cho cha tại KS White Palace, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

“Những đứa con bị trôi nổi”

Nhà thơ Lưu Trọng Văn xúc động: “Việc tìm thấy và cho xuất bản các tác phẩm văn xuôi của cha tôi, làm chúng tôi vô cùng biết ơn. Đây là phần di sản bị quên lãng từ khi cha tôi còn sống. Cầm cuốn sách, tôi vui mừng như gặp được các anh em của mình - những “đứa con bị trôi nổi” của cha tôi. Có cả nỗi chua chát, vì còn nhiều người bạn, những cây bút tài danh xuất chúng, cũng còn chịu cảnh này như Thế Lữ, Nguyên Hồng...”.

Lưu Trọng Văn thu gom, biên tập di cảo của cha, từng mẩu viết ở trang cuối sách, bìa sổ, mảnh giấy mua hàng, vỏ bao thuốc, vừa xuất bản tập thơ 350 trang (NXB Hội Nhà văn) với hầu hết các bài thơ chưa từng công bố.

Và anh đọc Bài ca tự tình, bài thơ dài lấy làm tên tập. Thơ Lưu Trọng Lư đâu chỉ “Tình và mộng” như Hoài Thanh nhận định, mà không hiếm những mẫn cảm xã hội, ưu tư thời cuộc. Bức xúc nhức nhối, phẫn nộ của ông cuối thập niên 80 thế kỷ trước vẫn còn nóng hổi “thời sự” cho hôm nay “Cái lương thiện chết mòn/Cái bất nhân lên mặt/Vẫn nụ cười thơn thớt/Nghênh ngang những hình người”.

Lưu Trọng Lư, một tên tuổi hàng đầu của Thơ Mới, còn có văn xuôi tự sự, truyện ngắn, truyện dài (ông gọi là tiểu thuyết), tiểu luận, tùy bút, bút ký, kịch.

Ở văn xuôi, tính tự sự với yếu tố tự truyện thường xuyên được sử dụng như chất liệu để hư cấu hoặc đối tượng để trần thuật. Chất thơ đẫm trong văn xuôi - một số bài ý thơ được khai thác, phát triển trong các truyện với thi pháp lãng mạn. Ông nhấn vào các bi kịch tâm hồn, hướng tới những kẻ thất cơ, yếu thế với nhiều kiểu thất bại. Các tác phẩm này được in dài kỳ (feuilléton) trên các tuần báo đương thời. Thế giới thơ Lưu Trọng Lư tiếp nối với thế giới văn xuôi, nhiều ý tưởng trong thơ được nhấn mạnh, lan tỏa hơn các truyện ngắn, dài.

“Vì đông con, cuộc sống thiếu thốn, nên cha tôi viết đến đâu, báo và NXB lấy đến đấy, không kịp đọc lại, không có bản lưu” - nhà thơ Lưu Trọng Văn cho biết. Học giả, nhà phê bình Phan Khôi (1887 - 1959) đánh giá: “Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, Người sơn nhân của Lưu Trọng Lư là hai truyện khá nhất năm 1933. Người sơn nhân mở đầu cho cõi tư tưởng văn nghệ mới”. Vì là một trong các “thủ lĩnh” Thơ Mới, nên Lưu Trọng Lư gần như bị quên mảng văn xuôi.

Vốn Pháp văn sành sỏi cùng sự am hiểu phong tục, văn hoá (Khói lam chiều, 1936), tập trung vào nhân vật nam thanh, nữ tú kiểu mới (học trường Pháp Việt), cổ súy tình yêu tự do, ưu tiên phái đẹp ngay từ cái tên (Cô Nhung, Cô Nguyệt, Cô gái tân thời, Nàng công chúa Huế, Những nét đan thanh, Cái vò sữa của cô Parrette), khiến văn Lưu Trọng Lư tới nay vẫn không lạc điệu lỗi thời, mà lấp lánh và lôi cuốn.

Đáng chú ý là hai tiểu thuyết tự sự Chiếc cáng xanh (1941) và Dòng họ (1942). Và tuyệt vời nhất là hồi ký Nửa đêm sực tỉnh (1989), tự truyện về quãng đời tuổi trẻ, cùng người phụ nữ của đời mình - Tôn Nữ Lệ Minh (1920 - 1978).

Những cơn sóng tràn bờ

“Ai bảo em là giai nhân/Cho đời anh đau khổ/Ai bảo em ngồi bên cửa sổ/Cho vương víu nợ thi nhân/Cho lệ tràn đêm Xuân/Cho tình tràn trước ngõ/Cho mộng tràn gối chăn”. Đó là đoạn thơ hay nhất của Một mùa Đông - một trong các tuyệt tác của Lưu Trọng Lư.

Ông đã dành những ngôn từ đắm say nhất ngợi ca bạn đời, người yêu mãi mãi. Ảnh trong sách album, hình ảnh trong ký ức nhiều người tương đồng với những điều thi nhân viết tặng phu nhân Tôn Nữ Lệ Minh, hoa khôi Huế, dòng dõi hoàng tộc, có nghề đàn gia truyền từ ông nội và cha, vốn là giáo viên dạy đàn tranh cho các công tằng tôn nữ, công chúa triều Nguyễn. Cha mất, mẹ buộc cô phải lấy chồng. Nhà trai đã đem sính lễ cùng 500 đồng Đông Dương để ăn hỏi cô gái khuê các, ngày ngày ngồi xe tay vào Cung dạy đàn này.

Thế mà, cô gái ấy lại trốn nhà đi cùng Lưu thi sĩ, trên chiếc thuyền buôn lụa tới Quảng Nam. Bị mẹ đánh bằng củi, nhốt trong phòng, Lệ Minh vẫn cự tuyệt hôn nhân do mẹ ép, quyết yêu thi sĩ. “Đêm 19/1/1944, là đêm “động phòng” của chúng tôi, của hai con người yêu nhau mà chẳng bao giờ biết những cái gọi là lễ hỏi, lễ cưới trên đời. Gió cứ thổi. Thuyền cứ trôi”.

Tôi kinh ngạc và khâm phục người con gái phi thường ấy, gần 70 năm trước, trong gia đình gia giáo hoàng tộc giữa đất Huế kinh thành phong kiến, dám bỏ gia đình quê hương yêu người đàn ông goá vợ, có 2 con, không chức vụ tài sản. Vì mê tài. Vì si tình.

Lệ Minh thành nguồn cảm hứng nghệ thuật, chỗ dựa trong cuộc đời nhà thơ. Người phụ nữ đẹp thanh quý, chấp nhận và lăn xả vào gian khó, nhọc nhằn vẫn có những phút giây tao nhã chơi đàn tranh, nấu món ngon, cắm hoa, pha trà tinh tế.

Theo chồng ra Bắc, bà Lệ Minh từng lên chiến khu Việt Bắc, tới các vùng sơ tán. Đáng nhớ nhất là chuyến xuyên Việt Xuân 1975, Lưu Trọng Lư xin Ủy ban thống nhất thực hiện chuyến lưu diễn lưu động vào Nam, giải phóng đến đâu diễn luôn tại đấy. Đó là chuyến vào Nam đầu tiên và cuối cùng của ông bà. Trên chiếc commăng- ca Nam tiến, có nhà phê bình Hoài Thanh và con trai Phan Hồng Giang, ca sĩ Lệ Quyên và bà Lệ Minh. Lệ Quyên ngâm thơ Lưu Trọng Lư trong tiếng đàn tranh của Lệ Minh, họ diễn từ miền Bắc qua Trung đến Sài Gòn ra tới Cà Mau.

Năm 1978, bà Lệ Minh qua đời tại Sài Gòn. 13 năm sau, nhà thơ Lưu Trọng Lư từ trần tại Hà Nội, an táng tại Văn Điển. Thực hiện nguyện ước của cha mẹ, 5 năm sau khi cha mất, Lưu Trọng Văn đưa cốt cha vào chôn bên mẹ, toàn bộ kỷ vật, tài liệu cũng được đem theo bày tại phòng lưu niệm.

Tôi đã đến ngôi nhà 800m2 ở 75/5 khu phố 4, Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM, nơi có phòng lưu niệm Lưu Trọng Lư và mộ đôi của ông bà trong khu vườn rợp bóng. Mộ có mái chữ Nhân, các con thiết kế theo ý câu thơ “Đi giữa vườn Nhân dạ ngẩn ngơ/ Vì thương người lắm mới say thơ”.

Vợ chồng nhà thơ Lưu Trọng Lư đều yêu hoa sen trắng. Mùa sen nở, nhà ông không hôm nào vắng sen. Bà Lệ Minh hay cắm hoa tươi trên bàn viết của chồng. Qua bao khổ cực, mất mát, ông vẫn là nhà thơ lớn, với tâm hồn ắp tình như những cơn sóng tràn bờ. Cung đàn mùa Xuân (1978) được nhạc sĩ Cao Việt Bách phổ nhạc, là sự tôn vinh của ông dành cho người vợ, cho cái đẹp thánh thiện và cao cả của hy vọng, niềm tin: “Em ơi vút lên một tiếng đàn/Kìa đàn đã so dây, cung đàn đã lựa phím”.

Vi Thùy Linh