MẤY NÉT VỀ LỊCH SỬ NỀN DÂN CHỦ

Ngày nay trên thế giới không mấy nước đặt quốc hiệu lại không dùng danh từ „cộng hòa” hay „dân chủ”. Vậy dân chủ là gì? Tất nhiên có nhiều cách định nghĩa, khuôn mẫu nền dân chủ cũng mỗi nơi một kiểu, mỗi thời một khác. Chỉ có một nét chung cho tất cả mọi nền dân chủ, đó là: đặt nhà cầm quyền dưới sự kiểm soát của xã hội! Nhưng tại sao phải (hoặc nên) xây dựng nền dân chủ, tức đặt nhà cầm quyền dưới sự kiểm soát của xã hội? Bởi vì những người có quyền hành quá lớn trong tay mà lại không lạm dụng thì đấy là việc trên đời chưa từng có.

Ở Trung Hoa và các nước phương đông bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam…, thời cổ có Nho giáo thịnh hành. Nho giáo sinh ra từ đức Khổng Tử (551-479 TCN) thời Xuân Thu. Đạo của ngài dựa trên giả thuyết „nhân chi sơ tính bản thiện”, nghĩa là con người ta tính vốn lành, ai cũng có thể nên được như Nghiêu, Thuấn[1] cả. Khổng Tử truyền đạo cho Tăng Sâm, Tăng Sâm truyền cho Khổng Cấp, Khổng Cấp truyền cho Mạnh Kha tức là thày Mạnh Tử. Mạnh Tử trong lúc đàm đạo với vua Đặng Văn Công về phép trị nước có nói đại khái: „Những việc liên quan đến dân chúng không được chậm trễ. Không có hằng sản (tức nghèo đói) mà vẫn có lương tâm thì chỉ có kẻ sĩ mới làm được. Còn dân chúng không có hằng sản, tất không có lương tâm. Không có lương tâm thì phóng túng làm càn, phá hoại kỷ cương. Chờ người ta mắc tội rồi mới đem hình phạt ra trị, có khác nào như mang lưới võng đánh bẫy người ta. Những bậc minh quân đâu có làm những việc đánh bẫy bề tôi như thế”? Vậy Mạnh Tử nhìn con người có khắt khe hơn Khổng Tử, nhưng chung quy vẫn bàn đến trung, tín, lễ, nghĩa…. Và cơ bản xã hội muốn tốt đẹp, vẫn chỉ biết trông chờ vào những bậc minh quân, những quan lại hiền tài. Đạo Khổng Mạnh ăn sâu đến mức, ngày nay nhiều người dù không biết Nho giáo là gì, vẫn mang nặng trong đầu tư tưởng ấy. Tất nhiên không thể phủ nhận được vai trò của những vị minh quân và tầng lớp kẻ sĩ, nhưng trong một xã hội quá tin tưởng vào tính thiện của con người, không thể sản sinh ra nền dân chủ. Nền dân chủ chỉ có thể được sinh ra ở những nơi có điều kiện hoàn toàn khác.

Nếu ai quan tâm đến truyền thuyết và tôn giáo của người Hy Lạp cổ đại sẽ thấy các thần của họ được tưởng tượng giống con người. Các nam thần thì tàn ác, đa tình; các nữ thần thì nham hiểm, đa dâm. Nói cách khác, quan điểm của họ về con người khác với quan điểm ở phương đông, nghĩa là: con người sinh ra vốn không thiện, không quan trọng đấy là thần dân, quan lại hay vua chúa. Hễ có chức quyền, cho rằng không ai làm gì được mình, thường hay lạm dụng. Cho nên không có gì ngạc nhiên là thể chế dân chủ đầu tiên trên thế giới được sinh ra ở thành Aten nước Hy Lạp.

Xưa kia Aten cũng như các nơi khác, do các vua chúa có quyền lực tuyệt đối cai trị. Bắt đầu từ thế kỷ thứ VIII TCN, các vua chúa được thay thế bằng hội đồng quý tộc. Các nhà quý tộc chia nhau những chức vụ quan trọng nhất như chỉ huy quân đội, điều khiển tòa án, hòa thượng tối cao. Vì con người vốn không hoàn thiện, nên thay đổi thể chế vẫn chưa đủ, phải có luật pháp để răn đe. Một trong những nhà soạn luật nổi tiếng nhất thời cổ ở thành Aten là Drakon (thế kỷ VII TCN). Hình phạt của ông này tàn ác đến mức 700 năm sau, nhà văn Hy Lạp Plutarch nhận xét: “Luật Drakon viết không phải bằng mực mà bằng máu”. Đến tận ngày nay người châu Âu vẫn lấy tên Drakon để chỉ những gì quá hà khắc. Theo luật Drakon, vay nợ đến thời hạn không trả được sẽ bị biến thành nô lệ; ăn trộm quả táo hay cái cải bắp phải tội chết; lười biếng cũng phải tội chết… Drakon nói: “Vẫn biết những tội nặng nhẹ khác nhau mà hình phạt như nhau là không công bằng, nhưng tôi không nghĩ đươc hình phạt nào nặng hơn tội chết”! Dân Aten cho rằng luật tuy tàn ác, nhưng vẫn hơn là không có luật. Chỉ có những người bị Drakon giết chết thì không cho đấy là phải! Đến thế kỷ thứ VI TCN thể chế và luật pháp ấy mới được hai nhà cải cách là Solon và Klistenes sửa đổi. Các công dân tự do tụ tập ở bãi chợ trung tâm thành phố – gọi là Agora – để trực tiếp quyết định những vẫn đề hệ trọng như chiến tranh, hòa bình, xây dựng đền đài, bầu bán ra những nhà chức trách điều khiển đất nước… Thể chế chính trị ấy tiếng Hy Lạp gọi là “Demokratos” , do ghép hai từ: “Demos” (nhân dân), và “Kratos” (chính quyền). Đó chính là nền dân chủ đầu tiên trên thê giới. Nền dân chủ Aten kéo dài đến cuối thế kỷ thứ IV TCN, khi Hy Lạp bị nước Macedonia của Alekxander Đại Đế đánh bại và cai trị.

Nền dân chủ Aten cố nhiên vẫn còn sơ khai, không được nhà đại hiền triết Hy Lạp thời cổ là Aristoteles (384-322 TCN) tán thành. Theo Aristoteles, thể chế tốt đẹp nhất cũng là dân chủ, nhưng phải là dân chủ lập hiến, nghĩa là dựa trên hiến pháp. Thể chế ấy phải hơn 2000 năm sau, tức đến thời hiện đại mới được thiết lập.

Công bằng mà nói ở phương đông cũng có tư tưởng „nhân chi sơ tính bản ác” , tức con người sinh ra vốn ác. Tiêu biểu cho trường phái ấy là Tuân Tử, nhưng đấy không phải là tư tưởng chủ đạo của lịch sử đông phương. Và để khắc phục tính xấu của con người, thời Chiến Quốc bên Tầu, bọn pháp gia như Thương Ưởng, Hàn Phi, Lý Tư… đã nghĩ ra cách dùng hình phạt để trừng trị. Thương Ưởng (380-338 TCN) là người tàn ác, bạc bẽo và không có ân nghĩa. Ưởng từng khuyên Tần Hiếu Công: „Những ý tưởng siêu việt bao giờ chẳng bị thế tục chê cười; làm những việc cao cả không nên đem ra bàn với đám đại chúng”. Rồi được vua Tần cho phép lập pháp. Theo luật của Thương Ưởng, ra trận mà bỏ chạy thì không kể thường dân hay quý tộc đều trị tội như nhau; thấy kẻ gian mà không tố giác sẽ bị chém ngang lưng; Ưởng tự mình xử án bên bờ sông Vị, một ngày giết đến 700 người, máu chẩy đỏ cả sông; những người kêu là luật không tiện thì Ưởng bảo đấy là loại dân bướng bỉnh, dám chống lại cấp trên, rồi tống ráo cả ra biên thùy… Và lịch sử đã chứng tỏ, chỉ có uy mà không có đức thì cuối cùng cũng hỏng. Thương Ưởng, Hàn Phi, Lý Tư đều có công giúp nước Tần hùng mạnh, nhưng cả ba đều bị nước Tần giết chết[2].

Nền dân chủ thứ hai tren thế giới được thiết lập ở thành Roma thời La Mã. Vào khoảng cuối thế kỷ thứ VI TCN, dân chúng đánh đuổi các vua chúa độc tài, tàn ác, dựng nên thể chế mà tiếng La Tinh gọi là Republic, do ghép hai từ: „Rec” (đồ vật hoặc trong trường hợp này phải dịch là „vấn đề”) và „Public” (của chung). Quyền lực trong xã hội được chia ba giữa: Thượng viện gồm các thành viên thuộc giới quý tộc; Đại hội của của quần chúng gồm những công dân tự do; và những quan chức thừa hành công vụ được Thượng viện và Đại hội bầu ra. Thể chế ấy – tiếng Việt gọi là „Cộng hòa” - kéo dài ở La Mã đến thê kỷ thứ nhất s. c. ng. thì lâm vào khủng hoảng. Nguyên nhân khủng hoảng thì nhiều. Một trong những nguyên nhân vẫn còn mang tính thời sự là… tham nhũng! Nền cộng hòa sau hơn 5 thế kỷ vận hành, điều kiện xã hội thay đổi, không ai giám sát nổi hành động của những nhà chức trách. Họ được bầu ra với nhiệm kỳ thường là một năm. Và thay vì quan tâm đến lợi ích quốc gia, lại dùng quãng thời gian ngắn ngủi để vơ vét cho cá nhân mình. Những tướng lĩnh chỉ huy quân đội, trong có Julius Cezar[3], đã dùng vũ lực để ổn định tình hình. Nền cộng hòa La Mã sụp đổ, nhường chỗ cho Đế chế – chế độ quân chủ tập quyền.

Thế kỷ thứ V, đế quốc Tây La Mã sụp đổ. Châu Âu rơi vào thời kỳ phong kiến kiểu vương hầu. Các lãnh chúa mỗi người cát cứ một phương, xưng hùng xưng bá, đánh lộn lẫn nhau. Dân chúng bị chèn ép vô cùng cực khổ. Suốt một nghìn năm trường không ai nghĩ đến việc cải cách thể chế, nền dân chủ tất nhiên cũng bị lãng quên. Mãi đến kỷ thứ XII, nước Anh mới thành lập ra thượng viên gồm giới quý tộc để hạn chế quyền hành của vua. Nhưng phải đến thời Phục Hưng vào thế kỷ thứ XV, châu Âu xuất hiện những nhà tư tưởng lớn, việc cải cách thể chế lại được thúc đẩy, mặc dù không phải tư tưởng nào cũng gần với nền dân chủ.

Cũng xuất phát từ quan điểm con người sinh ra vốn bất thiện, nhưng nhà tư tưởng người Ý Machiavelli (1469-1535) không nghĩ đến chế độ dân chủ, mà đề xuất cách giải quyết giống như bọn Thương Ưởng của nước Tầu ngày xưa. Machiavelli cho rằng, nhà chính trị nên nhìn nhận con người một cách khách quan, không thể đòi hỏi người ta phải thế này thế khác. Vì bản chất của con người là phản trắc, hèn nhát, dối trá, tham lam, vụ lợi, vua chúa muốn trị được nước phải khiến bầy tôi khiếp sợ! „Bởi vì thương yêu bác ái – Machiavelli viết – là mối ràng buộc mỏng manh, con người với bản chất bất thiện, chỉ cần thấy lợi nhuận cá nhân là sẵn sàng dứt bỏ; còn sự khiếp sợ trước hình phạt thì không bao giờ lại không mang lại hiệu quả”. Cho nên vua chúa – vì quyền lợi quốc gia – có thể hành xử tàn ác, vô nhân đạo. Ở châu Âu danh chính ngôn thuận không có nước nào dám thi hành thuyết của Machiavelli cả, nhưng trong thực tế, thuyết ấy từng được nhiều nhà độc tài sau này như Hitler, Stalin… triệt để áp dụng.

Thomas More người Anh (1478-1535) chủ trương xóa bỏ tư hữu tài sản; kế hoạch hóa sản xuất cho toàn xã hội; các công dân làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu; những người điều hành đất nước do dân chúng bầu ra; hoàn toàn tự do tín ngưỡng… Những quan điểm ấy là nền móng cho lý thuyết về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không giai cấp do Marx và Engels phát triển sau này. Vậy lý thuyết về chủ nghĩa cộng sản không phải là nguyên bản của Marx. Nghịch lý là ở chỗ, có thể chính More, người đầu tiên nghĩ ra khuôn mẫu xã hội kiểu ấy, cũng không tin thuyết của mình lại thi hành được! More đã miêu tả một xã hội lý tưởng được thiết lập trên một hòn đảo lấy tên là Utopia – tiếng Hy Lạp có nghĩa là một xứ sở không tưởng hoặc không tồn tại.

Jean Bodim người Pháp (1530-1596) cho rằng, thể chế ưu việt nhất là chế độ phong kiến tập quyền vì nó hợp với quy luật tự nhiên! Tất cả mọi người đều phải chịu sự cai trị trực tiếp của quân vương, chứ không là bầy tôi gián tiếp như các lãnh chúa thời trung cổ ở châu Âu. Vua chỉ có thể bị hạn chế bởi luật của Trời, dẫu có thế nào đi chăng nữa thì các bề tôi cũng không có quyền chống lại. Quan điểm của Bodim là cơ sở lý thuyết cho chế độ quân chủ tập quyền ở Pháp trong hơn một thế kỷ tiếp theo, và hậu quả đem lại cũng chẳng tốt lành, dẫn đến bùng nổ cuộc cách mạng Pháp cuối thế kỷ thứ XVIII.

Phải chờ đến thời kỳ Khai sáng ở châu Âu, thế kỷ thứ XVIII-XIX, những tư tưởng thực sự dân chủ mới lại xuất hiên, đặc biệt phải kể đến cống hiến của các triết gia người Pháp. Các triết gia Pháp lưu ý đến những quyền cơ bản của con người, trong đó có tự do và bình đẳng. Họ công kích chế độ quân chủ tập quyền bấy giờ ở Pháp, nhưng một số trí giả – trong đó có Wolter (1694-1778)[4] – lại giống như đạo Khổng Mạnh ở phương đông, trông chờ vào lòng tốt của vị minh quân. Vị minh quân theo họ là được khai sáng, sẽ phải dần dần thi hành cải cách trong nước và hiện thực hóa những lý tưởng Khai sáng[5]. Những quan điểm ấy của các triết gia tuy chưa phải là dân chủ, những đã đặt nền móng cho những nguyên tắc xây dựng xã hội thời hiện đại.

Một người Pháp khác, Montesquieu (1689-1755) đã đề xuất thể chế chính trị quân chủ lập hiến theo kiểu nước Anh. Vua vẫn cai trị, nhưng cai trị theo hiến pháp. Ngoài ra Montesquieu còn đề nghị chia ba quyền hành cho cơ quan lập pháp (thượng viện), hành pháp (chính phủ) và tư pháp (tòa án). Ba cơ quan này độc lập với nhau. Chỉ có như vậy mới có thể tránh được sự thống trị tuyệt đối và sự điên rồ của những vua chúa độc quyền. Nhưng Montesquieu không ủng hộ bình đẳng trong xã hội.

Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX là thời kỳ thay đổi quan trọng về chính trị trên con đường dân chủ ở nước Anh, nhất là trong những năm 1783-1801, khi Wiliam Pitt làm thủ tướng. Trong thời kỳ này vai trò của vua và thượng viện gồm các nhà quý tộc cha truyền con nối bị hạn chế, quyền lực của hạ viện gồm những đại diện bầu cử được nâng cao. Danh chính ngôn thuận thủ tướng vẫn do vua cử, nhưng theo tục lệ mới, sứ mệnh thành lập nội các được trao cho đại diện của đảng phái thắng cử vào hạ viện. Dư luận đương thời cho rằng vua trị vì nhưng không thống trị.

Lại một triết gia Pháp, Rousseau (1712-1788) thì chứng minh con người sinh ra với bản chất tự do và bình đẳng. Xây dựng quốc gia là sự thỏa thuận của xã hội, đòi hỏi người ta phải tự nguyện từ bỏ một số quyền hạn ấy. Vì vậy muốn cho xã hội phát triển hài hòa, phải thiết lập thể chế Dân chủ Cộng hòa, đặt chính quyền dưới sự kiểm soát của nhân dân. Trong trường hợp nhà cầm quyên lạm dụng quyền hành, dân chúng có thể làm cách mạng để lật đổ. Theo Rousseau, trong tất cả các thể chế mà nhân loại từng biết đến, chưa thấy có thể chế nào là không đáng lật đổ. Những ý tưởng của Rousseau là cơ sở cho bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ và tuyên ngôn nhân quyền của Pháp.

Như đã nói, thực chất căn bản của nền dân chủ là đặt nhà cầm quyền dưới sự kiểm soát của dân chúng. Không thể xây dựng được nền dân chủ, nếu người dân không có quyền hoặc không hiểu hiểu được quyền hạn của mình. Vì vậy dân chủ và quyền con người là hai khái niệm không thể tách rời. Lần đầu tiên quyền con người được được ghi nhận thành văn bản rõ ràng trong tuyên ngôn độc lập của Mỹ, được công bố ngày 04 tháng 7 năm 1776: „…Chúng tôi cho những sự thực sau đây là hiển nhiên: rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã cho họ những quyền bất khả xâm phạm, rằng trong số những quyền ấy có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…” – Bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ có ảnh hưởng rất lớn trên thế giới, cũng được chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong bản tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đọc năm 1945 tại vườn hoa Ba Đình. Tuy vậy tuyên ngôn độc lập của Mỹ còn có vế tiếp theo: „…rằng để bảo vệ những quyền ấy, trong dân chúng đã được thiết lập chính quyền với quyền hạn công bằng được những người bị trị nhất trí trao cho, rằng nếu như bất kể khi nào thể thức chính quyền không cho phép đạt được những mục đích kể trên, dân tộc có quyền thay đổi, lật đổ và lập chính quyền mới dựa trên những nguyên tắc và phương thức sử dụng quyền hạn theo cách mà dân tộc cho là phù hợp với an ninh và hạnh phúc. Tất nhiên sự cẩn trọng khiến người ta không nên thay đổi chính quyền ổn định vì những duyên cớ nhỏ nhặt, tức thời, nhưng kinh nghiệm cũng cho thấy, con người thích gánh chịu những những thứ không tốt lành có thể gánh chịu được, hơn là phá hủy những ngại vật quen thuộc trên đường để có lối đi thẳng tới. Song nếu như sự lạm dụng và tiếm đoạt quyền hành kéo dài liên tục theo chiều hướng chứng tó ý định chuyên quyền và đưa đến quyền lực tuyệt đối thì quyền hạn đúng đắn và nghĩa vụ của con người là loại bỏ chính quyền ấy, lập nên vọng gác mới cho cho sự an toàn của mình trong tương lai…”[6]

Năm 1787 người Mỹ phê chuẩn hiến pháp đầu tiên trên thế giới, theo đó nguyên tắc chia ba quyền lực giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trở thành hiện thực. Đứng đầu cơ quan hành pháp là Tòa án tối cao độc lập với cơ quan lập pháp và hành pháp. Tòa án tối cao có quyền phán xử những nghị quyết của cơ quan hành pháp đề xuất và được cơ quan lập pháp phê chuẩn, trong trường hợp trái với hiến pháp thì đình chỉ thi hành. Hiến pháp ấy của Mỹ với một số sửa đổi có hiệu lực đến tận ngày nay.

Năm 1789 cách mạng Pháp bùng nổ, lật đổ chế độ quân chủ tập quyền. Ngày 26 tháng 7 năm ấy, bản tuyên ngôn về quyền con người và quyền công dân ở nước này được công bố: „Những đại diện của dân tộc Pháp có mặt với danh nghĩa Hội đồng Nhân dân cho rằng, nguyên nhân duy nhất dẫn đến bất hạnh của dân chúng và sự lạm dụng quyền hành là do không hiểu biết, lãng quên và coi thường nhân quyền, nên quyết định công bố dưới hình thức bản tuyên ngôn long trọng về những quyền tự nhiên, vô thời hạn và thiêng liêng của con người, để bản tuyên ngôn này mãi mãi được đặt trước mắt của mọi thành viên trong xã hội và liên tục nhắc nhở đến quyền lợi và nghĩa vụ của họ, để những hoạt động của của ngành lập pháp và hành pháp, luôn được đối chiếu với tiêu chí của các cơ quan nhà nước, được tôn trọng hơn, để cho khuyến cáo của các công dân, kể từ nay dựa trên những nguyên tắc rõ ràng và chắc chắn, phục vụ cho mục đích bảo vệ hiến pháp và hạnh phúc chung. Vì nhứng lý do trên Hội đồng Nhân dân trong sự tỉnh táo và được sự phù hộ của đấng Tối Cao, thừa nhận và công bố những quyền sau đây của con người và công dân:

Điều khoản 1: Con người sinh ra được tự do và bình đẳng trước pháp luật. Xã hội chỉ có thể được phân hóa vì lợi ích của xã hội.

Điều khoản 2: Mục đích của mọi tổ chức chính trị là gìn giữ các quyền tự nhiên và vĩnh hằng của con người. Những quyền đó là tự do, tư hữu tài sản, an toàn và quyền chống lại áp bức.

Điều 3: Chủ quyền phải hoàn toàn bắt nguồn từ dân tộc, không một tổ chức, một cá nhân nào được thi hành quyền lực nếu như không rõ ràng được dân tộc cho phép…”[7]

Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và tuyên ngôn nhân quyền của Pháp chưa phải là những tiếng nói cuối cùng của nhân loại trong việc thiết lập những thể chế ưu việt. Bắt đầu từ cách mạng tháng 10 Nga năm 1917, chủ nghĩa cộng sản của Marx được đưa vào thực tiễn, hệ thống các nước XHCN hình thành. Thời kỳ cường thịnh nhất sau thế chiến thứ hai, chủ nghĩa Marx có đến nửa thế giới theo. Ở châu Á vẫn còn những thành đồng của phe XHCN, nhưng ở châu Âu…, thể chế tốt đẹp là thế, sao mang ra thi hành mới được mấy chục năm đã mất hết cả lòng người, dẫn đến sự tan rã hoàn toàn?

Dân chủ, tự do, bình đẳng… đều là những ý tưởng tốt đẹp, cao siêu. Nhưng đấy mới chỉ là lý thuyết, mà từ lý thuyết đến thực hành vẫn còn là cả một chặng đường dài. Bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ coi tự do, bình đẳng làm nguyên tắc, ra đời trong lúc nước này người da đen vẫn là nô lệ. Phải gần 100 năm sau mới có thay đổi hiến pháp cấm chiếm hữu nô lệ, rồi lại 100 năm nữa, nạn phân biệt chủng tộc vẫn chưa hoàn toàn được giải quyết[8]. Dân chủ không phải cái gì đó trời phú cho, không phải tự nhiên mà có, không phải là quy luật tiến hóa tất yếu của nhân loại, nền dân chủ cũng hình thành và sụp đổ như những thể chế khác. Cho nên nền dân chủ phải được thiết lập và được bảo vệ; muốn đạt được những thứ càng tốt đẹp bao nhiêu thì đòi hỏi nỗ lực càng to lớn bấy nhiêu. Để thiết lập và bảo vệ nền dân chủ cũng phải có những người vì dân vì nước, vậy nền dân chủ không thể thay thế cho tầng lớp kẻ sĩ được. Nền dân chủ không phải là liều thuốc nhiệm mầu cho tất cả mọi bệnh hoạn trong xã hội. Nhưng như đã nói, ngày nay trên thế giới không mấy nước lại không dùng quốc hiệu „dân chủ”, „cộng hòa”. Điều đó chứng tỏ nhân loại thừa nhận sự tốt đẹp của nền dân chủ. Chỉ tiếc rằng trong thực tế không phải quốc gia nào cũng đi theo con đường đó, thậm chí chẳng dính dáng gì với dân chủ, mà chỉ dùng những danh từ hoa mỹ ấy để lừa bịp những công dân của mình.

Trương Đình Toe

[1] Theo truyền thuyết, đấy là hai vị vua hiền của nước Tầu thời thượng cổ đại.

[2] Thương Ưởng bị Tần Huệ Vương sai bắt trói, cho bốn con trâu kéo phanh thây. Hàn Phi bị Tần Thủy Hoàng bỏ ngục, phải uống thuốc độc tự tử. Lý Tư bị Tần Nhị Thế tru di tam tộc.

[3] Julius Caesar (100-44 TCN) là một tướng lĩnh tài ba từng đánh chiếm cho La Mã những vùng đất rộng lớn. Caesar cũng là người tình của Cleopatra, nữ hoàng cuối cùng của Ai Cập,

[4] Wolter nguyên là quan chép sử trong triều. Do quan điểm chính trị mà bị câm tù, sau đó bị đuổi khỏi nước.

[5] “Những lý tưởng Khai sáng” rất rộng rãi, bao gồm những quan điểm triết học về tôn giáo, con người, xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn học, nghệ thuật, giáo dục…

[6] Đoạn tiếp của bản tuyên ngôn nói về tình hình cụ thể về chính trị và xã hội Mỹ thời bấy giờ, vậy chúng tôi không trích dịch.

[7] Bản tuyên ngôn quyền con người và công dân gồm 17 điều khoản, nhưng do khuôn khổ, chúng tôi tạm lược đi.

[8] Người soạn tuyên ngôn độc lập của Mỹ, Thomas Jefferson (1743-1821), sau là tổng thống thứ III của Mỹ, có chủ chương xóa bỏ chế độ nô lệ. Tương truyền có lần ông đi với đứa cháu ra ngõ, gặp người nô lệ da đen thì ngả mũ chào. Người nô lệ cũng ngả mũ chào lại. Jefferson thấy đứa cháu chẳng phản ứng gì thì bảo: “Sao cháu lại chịu để cho người ta lịch thiệp hơn mình”? Trong bản thảo Tuyên ngôn có điều khoản xóa bỏ chiếm hữu nô lệ, nhưng bị các đại biểu xóa đi.