4415 Traditional martial art

P/v lão võ sư Xuân Bình

Martial art

Cho đến nay, 4 cao thủ được mệnh danh là "Tứ Tú" (bốn vì sao sáng) trong làng võ Sài Gòn trước 1975 gồm Từ Thiện (Hồ Văn Lành), Trần Xil, Xuân Bình và Lý Huỳnh đã rơi rụng mất hai người đầu tiên. Ở độ tuổi 95, lão võ sư Xuân Bình vẫn còn phong độ lắm, cử chỉ mạnh mẽ đầy khí lực của con nhà võ. Lập nghiệp trên vùng đất Krong Buk, Đăk Lăk hơn 30 năm nay, nhưng chất giọng "Nẫu" trong ông không hề thay đổi, ấm áp và chân tình.

  • Xin chào lão võ sư, lâu nay ông có thường chơi xa đây đó như trước đây không?

À không, gần đây thấy sức hơi xuống nên ít đi đâu. Trước đây, tôi thường xuyên về Bình Định, ghé thăm các bạn võ như võ sư Phi Long, Phan Thọ, Phi Long Vịnh... và mời họ lên chơi. Cũng có năm, võ sư Hàm Hữu Nghĩa đi xe máy lên tận đây lận.

  • Những năm 1980 trở đi thường thấy võ sư Xuân Bình dẫn môn sinh đi mở võ đài ở khá nhiều địa phương...

Tôi theo nghiệp võ để mưu sinh mà. Những năm ấy cuộc sống khó khăn, tôi đưa gia đình và môn sinh bôn ba khắp nơi: Nha Trang, Phan Rang, Đăk Lăk, TPHCM, Đồng Nai... Đi đến đâu, tôi cũng tham gia thượng đài và mở lớp dạy võ để truyền bá tinh hoa võ cổ truyền Bình Định.

  • Nhiều võ sư nói ông là một kho tàng về võ cổ truyền Bình Định, ông thấy có đúng không?

Đồng đạo võ lâm tin yêu nên nói quá đó thôi. Tôi sinh ra ở Phù Cát, Bình Định, cũng dòng dõi võ nghệ. Do cha mẹ mất sớm nên tôi được ông ngoại là cụ Phó Kính đưa về nuôi dưỡng và được học võ từ năm 14 tuổi. Năm 18 tuổi, tôi theo thầy Cửu Xưa học võ Kinh - dòng võ chính thống của triều đình, rồi luyện võ Tây Sơn với võ sư Đoàn Phong, học Thiếu Lâm bắc phái với thầy Bảo Hiếu...

  • Vậy cái tên "Xuân Bình" chính thức thành danh khi nào?

Tôi vừa luyện võ vừa làm ruộng đến năm 26 tuổi thì mới đem sở đắc võ thuật của mình ra thi thố. Tôi tham gia thượng đài các môn quyền tự do và quyền Anh. Nhiều trận đấu được giới võ lâm tâm đắc như trận thắng Trọng Đãi (biệt danh "Gấu đen miền Trung") ở Ninh Hoà; trận thắng Châu Long ở Hoài Nhơn; thắng Cao Thành Sang ở Ninh Hoà, Hoà Huỳnh Tiền ở Phan Rang, với Kid Demsey ở Tuy Hoà...

  • Trong sự nghiệp đấu đài của mình, ông nhớ nhất kỷ niệm nào?

Kỷ niệm thì nhiều lắm, nhưng đáng nhớ nhất là trận gặp anh Huỳnh Tiền ở Phan Rang vào năm 1952. Huỳnh Tiền là sư phụ của võ sư - nghệ sĩ Lý Huỳnh, hầu như không có đối thủ ở môn võ tự do trong những năm đầu thập niên 50. Xong trận đấu tôi vẫn nghĩ là mình thua, không ngờ được trọng tài chấm hoà. Năm 1971, tôi được cử làm phó đoàn võ sĩ Việt Nam tham gia Võ đài quốc tế tại Khu thể thao liên hợp Olympic ở Thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Lần ấy, các đồ đệ của tôi như Xuân Thắm, Xuân Thịnh đã toàn thắng.

  • Lão võ sư có thể tiết lộ chút bí quyết đã giúp ông bất bại trên sàn đài?

Võ thuật đạo của tôi là Bắc phái Tây Sơn. Sở trường của môn phái là tránh đòn và phản công. Riêng tôi, ngoài việc di chuyển linh hoạt, tôi có thế mạnh về bộ tay. Bộ tay của tôi có thể buộc đối thủ rơi vào thế bị động. Khi họ lộ sơ hở, hoặc có dấu hiệu xuống sức, tôi mới bắt đầu tấn công.

  • Được biết, nhiều võ sĩ nổi tiếng trong làng đấm Việt Nam như Xuân Thanh, Xuân Hùng, Xuân Phước, Xuân Thịnh, Xuân Liễu, Xuân Nghĩa... đều là học trò của thầy Xuân Bình. Ông bắt đầu dạy võ từ lúc nào?

Từ năm 1943, tôi bắt đầu mở võ đường dạy ở quê hương và các tỉnh thành Nha Trang, Phan Rang, Buôn Mê Thuột, Sài Gòn, Biên Hoà. Năm 1960, tôi gia nhập Tổng cuộc quyền thuật miền Nam Việt Nam. Năm 1969, tôi cùng các võ sư Mai Văn Phát Đặng Vân Anh, Từ Thiện, Lê Văn Kiển... thành lập Tổng hội Võ học Việt Nam nhằm gom góp những tinh hoa võ học.

  • Và ông trở thành một trong "Tứ Tú" được võ lâm suy tôn?

"Tứ Tú" gồm Từ Thiện, Trần Xil, Lý Huỳnh và tôi. Đây là bốn người nối nghiệp trong việc phát huy truyền thống võ thuật Việt Nam của các tiền bối là "Tam Nhật" (ba mặt trời, gồm Hàn Bái, Ba Cát, Bảy Mùa) và "Tam Nguyệt" (3 mặt trăng, gồm Trương Thanh Đăng, Quách Văn Kê, Vũ Bá Oai).

  • Ông chính thức thành lập môn phái Bắc phái Tây Sơn Võ thuật đạo từ lúc nào? Theo ông, nó có gì đặc biệt hơn so với các võ phái cùng dòng khác?

Năm 1964, trên cơ sở vốn liếng võ thuật tiếp thu từ nhiều nguồn khác nhau cộng với kinh nghiệm huấn luyện, thi đấu nhiều năm, tôi đã hệ thống hoá lại các bài bản, kỹ thuật và chính thức sáng lập môn phái Bắc phái Tây Sơn Xuân Bình Võ thuật đạo tại thành phố Biên Hoà, Đồng Nai.

  • Ông có thể nói đôi chút về những tuyệt kỹ của môn phái?

Một số bài quyền trấn môn của môn phái là Tứ trụ long môn, Miêu tẩy diện, Ngũ hổ bình Tây... và những bài roi nổi tiếng của vùng Bình Định. Ngũ hổ bình Tây là bài thảo độc đáo của môn phái. Môn sinh luyện xong phần phân thế của bài này là có thể thượng đài. Những tuyệt chiêu mà các môn sinh thường sử dụng khi thượng đài rất hiệu quả là đòn hổ giáng (chỏ lật), bàng long cước... Năm 1973, tại sân Tinh Võ, quận 5, Sài Gòn, võ sĩ Xuân Thịnh đã hạ đo ván (knock out) võ sĩ Ngũ Chí Cường của Hồng Kông bằng cú bàng long cước rất nhanh, mạnh và chuẩn khi trận đấu hiệp 1 mới 15 giây.

  • Vì sao ông chọn ngày chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa làm ngày giỗ Tổ môn phái Tây Sơn Võ thuật đạo?

Sở dĩ tôi chọn ngày này để ghi nhớ công ơn to lớn của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ. Hoàng Đế Quang Trung cũng là Thánh tổ của môn phái chúng tôi.

  • Ông có nhận thấy phong trào võ cổ truyền đang đi xuống?

Đó là điều đáng buồn. Võ cổ truyền Việt Nam không phát triển được so với nhiều môn phái võ ngoại lai khác, theo tôi là vì kém về tài chính và mạnh ai nấy làm.

  • Cả đời theo nghiệp võ, lão võ sư có tâm nguyện gì chăng?

Tôi xưa nay luôn có ý thức về việc gìn giữ và noi theo truyền thống võ cổ truyền Bình Định, không để thất truyền. Tuổi tôi cũng đã gần đất xa trời rồi, chỉ có hai ước nguyện: Một là Võ cổ truyền Việt Nam sớm trở thành quốc võ, hai là tất cả kỹ thuật, bài bản của Bắc phái Tây Sơn Võ thuật đạo do chúng tôi biên soạn được in thành sách thật nhiều để phục vụ cho những người hâm mộ võ thuật.

  • Lão võ sư có thể tiết lộ đôi điều về phương pháp dưỡng sinh trường thọ của mình?

Đơn giản lắm. Người xưa dạy là phải động bổ trước rồi mới thực bổ rồi dược bổ. Động bổ là siêng năng vận động, tập luyện đều đặn sáng và tối. Nên dậy sớm, thường xuyên đi bộ. Tôi đến nay vẫn kiên trì thói quen ấy.

  • Xin cảm ơn và kính chúc lão võ sư an khang.

Lão võ sư Xuân Bình tên thật là Nguyễn Xuân Bình, sinh ngày 10/8/1917 tại thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Hiện lập nghiệp ở Thiện An, Buôn Hồ, huyện Krong Buk, tỉnh Đăk Lăk. Ông là thành viên của Ban cố vấn Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam và đã được trao tặng Huy chương vì Sự nghiệp Thể dục Thể thao.

Hàn Phong thực hiện (BEE)