Tìm thấy chiếc cân tiểu ly đời nhà Trần

Cập nhật: Đông Tỉnh

Khảo cổ học đã tìm thấy chứng tích của sự buôn bán, rõ rệt nhất là sự phát hiện của đồng tiền cổ. Nhưng phát hiện ra chiếc cân tiểu ly thời Trần lại là chứng tích của sự buôn bán "siêu cấp" hơn, rạch ròi từng ly, từng lai...

Mới đây, trong đợt khai quật tại một địa điểm khảo cổ ở phố Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội do Viện Khảo cổ học thực hiện, lần đầu tiên phát hiện một di vật đặc biệt, đó là một chiếc cân tiểu ly.

Hố cất giấu của cải

Chiếc cân tiểu ly được tìm thấy trong một hố đất đen cất giấu của cải của người xưa. Nằm cùng trong hố còn có các đồ kim loại bao gồm: đĩa đồng, khoá sắt, môi sắt, đinh sắt, que sắt; đồ gốm sứ có hàng chồng bát, đĩa, cốc chân cao; đồ sành có lon, vò, bình; đồ gỗ có các mâm, khay sơn mài hai màu nâu, đen, rổ rá; ngoài ra còn có thóc lúa. Căn cứ vào loại gốm sứ, sành và địa tầng khai quật cho thấy chiếc cân tiểu ly và nhóm hiện vật này có niên đại vào thời Trần thế kỷ XIII-XIV.

Cân tiểu ly thuộc loại cân treo 1 đĩa, cán cân chia nhiều vạch nhỏ và có quả cân treo vào cán cân. Đĩa cân làm bằng đồng cán mỏng, không trang trí hoa văn. Trên vành đĩa cân có đính 3 móc ở cách đều nhau để treo đĩa cân lên cán cân. Cán cân được làm bằng gỗ vót tròn, ở phía đầu cán cân đã bị gãy hiện còn 4 chiếc khuy đồng trong đó 1 chiếc hướng xuống và 3 chiếc hướng lên (1 chiếc khuy đã bị gãy chỉ còn lại dấu vết).

Phía chuôi cán cân vẫn còn kéo dài nhưng đã bị gãy. Trên cán cân được chia 3 loại vạch chấm có độ mau khít khác nhau ở 3 phía cách đều nhau nhưng chỉ nằm ở một nửa đường tròn ở mặt trên của cán cân. Các vạch chia theo hệ thập phân như ở mức chia lớn nhất cho thấy cứ 5 vạch chia 1 dấu chấm thì có một vạch chia 3 dấu chấm và 10 vạch chia lại có một vạch chia 5 chấm. Đĩa cân có đường kính 10cm, cán cân dài còn lại 13cm, không tìm thấy quả cân và dây treo đĩa cân.

Với 3 loại vạch chia ly từ nhỏ đến lớn nằm trên 1/2 đường tròn mặt trên của cán cân cùng với 4 đinh khuy ở đầu cán cân có thể đoán được rằng 1 móc ngoài cùng dùng để treo đĩa cân, 3 móc phía trong sẽ được dùng để treo cán cân tương ứng với 3 loại vạch chia từ nhỏ đến lớn. Nghĩa là chỉ cần sử dụng 1 quả cân, khi muốn cân ở mức nhỏ nhất thì treo cân lên ở khuy móc số 2, nặng hơn một chút thì treo cân ở khuy móc số 3, nặng nhất thì treo cân ở khuy móc số 4. Khi treo ở khuy nào thì người ta sẽ kéo quả cân theo vạch chia tương ứng.

Khi nói đến cân tiểu ly chúng ta đều hình dung đến việc sử dụng vào việc cân vàng bạc, thuốc nam, thuốc bắc,... những thứ có khối lượng nhỏ mà giá trị lại cao. Một đặc điểm nữa là cân tiểu ly sử dụng hệ đo lường cổ.

Giá trị cao nhất được dùng cho cân tiểu ly là nén bằng 378g. Những vật nặng hơn được dùng bằng đơn vị kilôgam, yến, tạ, tấn. Việc chuyển đổi giữa hai hệ đơn vị này được minh hoạ bằng câu thành ngữ "bên tám lạng kẻ nửa cân", vì tám lạng của cân tiểu ly chính là bằng nửa cân của hệ cân lớn nên ý của câu thành ngữ là để chỉ hai đối tượng (người) tương đương nhau khi so sánh.

Trong thời kỳ phong kiến chưa có một hệ thống ngân hàng hoàn chỉnh đảm bảo giữ tài sản cho những người giàu có nên việc cất giữ vàng bạc châu báu được coi là một biện pháp tối ưu để phòng khi có chuyện bất trắc cũng như mang theo khi có chiến tranh loạn lạc. Trong các gia đình phú ông hay các quan lại, những khi cần chi tiêu việc lớn đều dùng vàng bạc để trao đổi mua bán. Nếu so sánh về số lượng giữa người giàu và tiệm bán thuốc thì có lẽ khả năng cân tiểu ly được dùng để cân vàng bạc nhiều hơn so với việc cân thuốc.

Chiếc cân trong sưu tập của anh Trần Quốc Kiệt ở 312/2 Vườn Lài, phường Phú Thọ Hoà, quận Tân Phú, TP HCM. Chiếc cân này cán cũng được chia 3 loại vạch, đầu cán cân có kim chỉ thăng bằng, quả cân bằng đồng.

Hệ đo lường chuẩn quốc tế SI tại (Đại hội Cân đo quốc tế lần thứ 11, tháng 10-1960 tại Pari) đã quy ước cho 3 đại lượng cơ bản là chiều dài, trọng lượng, thời gian là m, kg, s đã cho ra đời các hệ cân phân tích cơ học và cân điện tử, thay thế cho những chiếc cân tiểu ly ngày xưa. Hầu hết các vị thuốc ngày nay đều được kê đơn theo đơn vị gam (g) chỉ còn lại một số ít loại thuốc quý như sừng tê giác, đông trùng hạ thảo... còn sử dụng cân tiểu ly. Khoảng những năm 60-70 của thế kỷ trước, tại một số tiệm vàng ở Hà Nội còn sử dụng cân tiểu ly để mua bán vàng bạc.

Trong xu thế hội nhập thế giới thì dần dần hệ đo lường chuẩn SI sẽ càng được áp dụng rộng rãi hơn. Có lẽ đến một ngày vàng bạc sẽ không được tính theo chỉ, cây... mà sẽ tính theo gam, mặt khác những chiếc cân điện tử chính xác và thuận tiện hơn sẽ thay thế hoàn toàn, như vậy đồng nghĩa với việc vĩnh viễn không sử dụng cân tiểu ly. Bây giờ những chiếc cân tiểu ly thường được lưu giữ trong những tủ trưng bày hay ở những sưu tập cổ vật. Một số ít còn sót lại trên những chợ vùng cao dùng để cân những sản vật quý.

Với chiếc cân tiểu ly có niên đại thời Trần lại nằm cùng với những mâm, khay sơn mài quý hiếm trong hố chôn giấu của cho thấy nó thuộc một chủ nhân có địa vị cao và làm ta gợi nhớ đến khu phố thị thành Thăng Long phồn hoa thủa bấy giờ. Nó cũng góp phần ủng hộ một số ý kiến của các nhà sử học cho rằng thành Thăng Long thời Lý - Trần phân bố tới khu vực này. Hiện tại chiếc cân đang được bảo quản phục chế để phát huy giá trị trong thời gian gần đây.