ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA CẢM XÚC VÀ TRÍ TUỆ

Ngày nay các nghiên cứu về sự phát triển của con người đã đạt được những thành tựu đáng kể và vẫn tiếp tục có những phát hiện mới về các yếu tố ảnh hưởng đến trí tuệ trên nhiều phương diện.

Xã hội hiện đại làm cho con người tiếp cận với một nền văn minh “bấm nút” trong đó con người chỉ toàn làm việc trong môi trường máy móc, ít có điều kiện giao lưu, thể hiện cảm xúc cũng như khám phá nguồn cảm xúc bản thân, điều này làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển trí tuệ của con người như một số công trình nghiên cứu gần đây công bố: Việc phát triển của khoa học kỹ thuật làm cho con người từ lúc sinh ra đến lúc trưởng thành sống trong môi trường vô cảm làm thui chột những xúc cảm tích cực có ích cho sự phát triển cá nhân.

Xúc cảm – tình cảm là một dạng trí tuệ vô cùng quan trọng của con người; cũng như trí tuệ, xúc cảm phải được nghiên cứu, giáo dục và trau dồi từ bé.

CẢM XÚC ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ ?

Cảm xúc là gì ?

Người ta có thể định nghĩa cảm xúc là sự xáo động tâm thần và thể xác mà sinh ra, bởi sự hiện diện của một hoàn cảnh thích hợp.

Vậy bản chất thực tại của cảm xúc là gì ?

Cảm xúc xảy ra khi có một biến cố mà ta chưa quen thích ứng, ví như khi ta gặp thất bại, tang chế, bị mất thăng bằng … và không sẵn sàng thích ứng với hoàn cảnh ấy. Khi chưa thích ứng với hoàn cảnh là ta có cảm xúc. Khi ta cảm xúc là ta đã chạm tới một biến cố, một hoàn cảnh ta chưa quen. Vậy cảm xúc chỉ là một trong những hiện tượng bấn loạn (Sự bấn loạn của não và của tạng phủ) phát sinh do không thích ứng với biến cố. Đó là khái niệm cảm xúc thuần tuý.

Các nhà tâm lý học: J. Piaget, Vưgotxki … Đều cho rằng trong tác động qua lại giữa chủ thể với hoàn cảnh được thông qua “trường cư xử”, trong đó các cảm xúc là động lực của ứng xử, còn tri giác, vận động và trí tuệ là sự cấu trúc hóa của các ứng xử đó. Điều này chúng ta dễ dàng nhận thấy trong cuộc sống, phần lớn các quyết định (quá trình phản hồi trả lời thông tin của não) đều bị ảnh hưởng rất lớn vào cảm xúc.

Ví như khi chúng ta đang sống trong tràn ngập tình yêu thương, đang hạnh phúc, ở tâm trạng hết sức thoải mái ấy ta rất dễ chấp nhận những yêu cầu của người khác, hoặc ra một quyết định nào đó rất dễ dàng. Nhưng có khi cùng một yêu cầu đó, lúc chúng ta đang ở trong một tình huống khó khăn, không thoải mái hoặc vì một cảm xúc nào đó hoàn toàn cá nhân cũng cản trở đến việc ra quyết định của ta..

Ứng dụng những điều trên là một thực tế, ở các nước, để tăng hiệu quả làm việc người ta đã tính đến yếu tố cảm xúc tham gia vào quá trình hoạt động nhận thức. Mọi cảm xúc của chúng ta không gì khác hơn một chuỗi những cơn bão sinh học trong bộ não của chúng ta. Và chúng có thể bộc phát mọi lúc. Nhưng chúng ta phải học cách kiểm soát, kiềm chế chúng một cách có ý thức thay vì chỉ sống bằng phản xạ.

Mọi phản xạ cảm xúc của chúng ta là phản xạ đối với môi trường. Nó được hình thành bằng ý thức và cả vô thức. Cảm xúc là một kích động hay một rối loạn tinh thần, tình cảm, đam mê, với mọi trạng thái mãnh liệt hay kích thích.

Xúc cảm vừa là một tình cảm và các ý nghĩ, các trạng thái tâm lý – sinh lý đặc biệt vừa là thang đo của các xu hướng hành động do nó gây ra. Có hàng trăm xúc cảm với những kết hợp biến thể và biến đổi. Những sắc thái trên thực tế nhiều đến mức không có từ để chỉ.
- Các thành phần xúc cảm được xếp thành “họ cơ sở”:
+ Giận: cuồng nộ, phẫn nộ, oán giận, nổi giận, bực tức, gay gắt, hung hăng, bất mãn, cáu kỉnh, thù địch (đạt tới tột cùng thù hằn và bạo lực bệnh lý).
+ Buồn: buồn phiền, sầu não, rầu rĩ, u sầu, thương thân, cô đơn, ủ rũ, thất vọng (trầm cảm sâu).

J.Piaget cho rằng: mỗi ứng xử bao hàm hai mặt: mặt năng lượng và mặt nhận thức hay cấu trúc, mặt năng lượng là do cảm xúc tạo ra, còn cấu trúc hay nhận thức là kết quả của trí tuệ. Theo Piaget: một hành động trí tuệ bao hàm sự điều tiết năng lượng liên quan tới cảm xúc. Như vậy: cảm xúc và nhận thức không thể tách rời nhau.

Vưgôtxki cho rằng: việc phân tích một ý nghĩ nào đó chỉ đúng khi phát hiện ra được bình diện động cơ, cảm xúc bên trong.

Mối quan hệ giữa IQ và EQ theo Gardner

Ngoài ra, trong các nghiên cứu gần đây người ta còn phát hiện có sự quan hệ giữa chỉ số trí tuệ IQ (Intelligent Quotient) và chỉ số cảm xúc EQ (Emotion Quotient).

EQ được hiểu là khả năng tự kiềm chế tình cảm, tự đánh giá, khả năng kiểm soát và chế ngự những khát vọng, đam mê, khả năng kỷ luật tự giác, khả năng tư duy tích cực, tìm ra được nhiều giải pháp để giải quyết công việc. Như vậy, EQ là con đường tự học, tạo ra trí tuệ và tài năng.

Chỉ số IQ và chỉ số EQ có tính độc lập tương đối với nhau và cùng nằm trong hệ thống nhân cách.

Chỉ số EQ không đối ngược với IQ mà chúng bổ sung cho nhau. Chỉ số EQ cao tạo điều kiện cho chỉ số IQ phát triển.

Chỉ số IQ có tính ổn định cao hơn chỉ số EQ

- Giáo sư D.Godeman đã nghiên cứu nhiều nhà điều hành các công ty lớn và có kết luận: Chỉ số IQ chỉ chiếm 25% trong sự thành đạt, trong khi đó chỉ số EQ lại chiếm đến 75% sự thành đạt.

Vậy: Chỉ số thông minh IQ không phải là yếu tố chính dẫn đến sự thành đạt của một người mà là chỉ số EQ.

Ông dẫn chứng: một người tốt nghiệp hạng ưu tại một trường danh tiếng với chỉ số IQ rất cao nhưng chỉ số EQ thấp. Vào đời anh ta bị đuổi khỏi cơ quan sau 3 tháng làm việc và liên tục đổi hết công ty này đến công ty khác. Trong khi một anh khác tốt nghiệp đại học hạng trung bình với chỉ số IQ bình thường nhưng chỉ số EQ rất cao. Vào đời anh ta đạt hết thành công này đến thành công khác. Qua đó D. Godeman cho rằng các cảm xúc chỉ đạo trí tuệ, thậm chí nó còn mạnh hơn khả năng logic toán.
- Tóm lại, mọi hành động trí tuệ đều có sự tham gia của cảm xúc.

Cảm xúc thâm nhập vào từ các hoạt động tri giác, đến việc lựa chọn các thao tác và ra quyết định trí tuệ. Mức độ ảnh hưởng này rất lớn rộng, từ những cảm xúc đơn giản, đến tình cảm phức hợp và cuối cùng là sự tham gia của những linh cảm trực giác hết sức thú vị và diệu kỳ.

Và vì vậy, ông cho rằng việc giáo dục tình cảm, bồi dưỡng cảm xúc cho trẻ ngay từ khi chúng còn rất nhỏ là điều hết sức quan trọng và cần thiết cho sự phát triển trí tuệ của chúng.

Nhiều công trình nghiên cứu của Arsenian, D.Burlingham cho rằng đứa trẻ bình thường để trở thành người lớn tiến triển, phải dựa trên ba bình diện song song: Thể chất, Trí tuệ và Tình cảm; tình yêu thương của những người xung quanh mà đặc biệt là mẹ nó rất cần cho sự phát triển của trẻ không chỉ thuần tuý trên bình diện tình cảm mà cả trên bình diện trí tuệ và thể chất .Trẻ phải được yêu mến, nó cũng cần phải biết là nó được yêu mến, yêu thương một cách ổn định và bền bỉ.

Tình yêu, sự chấp nhận, sự ổn định là ba nhân tố, ba điều kiện cốt yếu cho sự phát triển tình cảm ở trẻ.

CÁC ĐỊNH NGHIÃ KHÁC NHAU VỀ TRÍ TUỆ CẢM XÚC

Trí tuệ cảm xúc là gì ?

Thuật ngữ trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence) do hai nhà tâm lý học Mỹ Peter Salovey và John Mayer sử dụng năm 1990.

Trí tuệ cảm xúc được hiểu là khả năng hiểu rõ cảm xúc bản thân, thấu hiểu cảm xúc người khác, phân biệt được chúng và sử dụng chúng để hướng dẫn suy nghĩ và hành động của bản thân.
- P. Salovey:
Trí tuệ cảm xúc bao gồm khả năng tiếp nhận đúng, đánh giá và thể hiện cảm xúc, khả năng đánh giá và phân loại những cảm xúc giúp định hướng suy nghĩ, khả năng hiểu và điều khiển, định hướng cảm xúc nhằm gia tăng sự phát triển cảm xúc và trí tuệ.
- Daniel Golman:
Trí tuệ cảm xúc là khả năng giám sát các cảm giác và cảm xúc của bản thân và của người khác, khả năng phân biệt chúng và khả năng sử dụng các thông tin nhằm định hướng suy nghĩ và hành động của mình.
- Edward De Bono:
Trí tuệ cảm xúc là loại trí tuệ giúp cá nhân đi sâu phân tích, khám phá và làm bộc lộ cảm xúc của chủ thể ra ngoài.
- H. Steve:
Trí tuệ cảm xúc là sự kết hợp giữa sự nhạy cảm về cảm xúc có tính chất tự nhiên với các kỹ năng quản lý cảm xúc có được do tự học hỏi, nhằm giúp con người đạt được hạnh phúc trong cuộc sống.

Như vậy qua các cách định nghĩa về trí tuệ cảm xúc của những nhà tâm lý khác nhau chúng ta thấy trí tuệ cảm xúc có điểm chung là khả năng hiểu rõ cảm xúc của bản thân và thấu hiểu cảm xúc của người khác.

BỐN MÔ HÌNH CẤU TRÚC VÀ VAI TRÒ CỦA TRÍ TUỆ CẢM XÚC

- Khả năng nhận biết, đánh giá và thể hiện cảm xúc bản thân: nó bao gồm các cá nhân nhận thức được cảm xúc của họ và suy nghĩ của họ về cảm xúc đó.
- Khả năng nhận biết và đánh giá cảm xúc của người khác: việc đánh giá cảm xúc của người khác và thể hiện cảm xúc đó đều liên quan đến sự thấu cảm.
- Khả năng điều chỉnh cảm xúc của bản thân và của người khác: đề cập tới kinh nghiệm cảm xúc của cá nhân và những xử sự để thay đổi, điều hoà cảm xúc.
- Sử dụng cảm xúc để định hướng hành động: cảm xúc là động lực thúc đẩy hoặc kìm hãm hành động, vì vậy việc sử dụng cảm xúc để điều khiển hành vi là một trong những thành phần quan trọng trong trí tuệ cảm xúc.
- Nhiều nghiên cứu khẳng định vai trò nhận thức, định hướng, điều khiển làm thay đổi cảm xúc trí tuệ trong hoạt động và giao tiếp, khả năng thấu cảm của trí tuệ có ý nghĩa to lớn, có mối quan hệ giữa sự thấu cảm với hành vi cá nhân, thấu cảm như thế nào sẽ có hành vi tương ứng như vậy.
- D.Craig phân tích quan hệ sự thấu cảm – hành vi diễn ra trong quan hệ tình yêu và vợ chồng, ông kết luận: thấu cảm yêu đương tạo ra hành vi yêu đương, thấu cảm giận dữ tạo ra hành vi giận dữ.

CÁC NHU CẦU CẢM XÚC

- Giống như những nhu cầu vật chất, các nhu cầu cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra động lực cho ứng xử và khi cảm xúc bị hẫng hụt dẫn đến hậu quả gây ra nhiễu loạn nghiêm trọng trong ứng xử.
Các nhu cầu chung về cảm xúc là nhu cầu về tình yêu thương của con người – được yêu và sau đó yêu người khác- kể cả sự tán thành và kính trọng:
- Nhu cầu về vai trò quan trọng : bao gồm sự thừa nhận và kính trọng.
- Nhu cầu về sự xứng đáng tức là sự tự lập.
- Nhu cầu được cần tới và được người khác mong muốn.
- Nhu cầu có hiệu suất nghĩa là mưu tìm lao động và sáng tạo.
- Sự lớn lên và phát triển của cảm xúc chỉ có thể diễn ra trong một bầu không khí yêu thương, được chấp nhận và có sự trao đổi. Nhờ được yêu thương con người nảy nở niềm tin nơi bản thân và tin người khác, lòng tin này dựa trên các mối quan hệ thành công với người khác.
- Khi được yêu thương, con người có khả năng chiến thắng trong những cuộc vật lộn và vượt qua những nỗi tuyệt vọng phải trải qua trong cuộc đời.
Nếu con người không lớn lên trong bầu không khí có đủ tình yêu thương và sự đầm ấm thì khi thành người lớn, nó sẽ gặp khó khăn không thành đạt các mối quan hệ gần gũi trong hôn nhân gia đình, người đó có thể đau khổ vì những cảm giác cô độc và cô đơn, có thể trở thành người tách biệt lạnh nhạt, xa cách. Bất luận thế nào hậu quả là người đó sẽ gặp trở ngại trong việc cống hiến, tiếp nhận và chia sẻ tình yêu với người khác.
- Trong các quan sát thực nghiệm chúng ta cũng có một số kết quả nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ mồ côi, những trẻ hoang thai của các bà mẹ nuôi con một mình thường có vấn đề về phát triển trí tuệ và nhân cách.

Cuộc sống con người chúng ta phần lớn là do các cảm xúc nảy sinh và chi phối, chất lượng của cảm xúc ảnh hưởng đến chất lượng của tư duy và chất lượng tư duy quyết định chất lượng của các suy nghĩ của chúng ta. Trong khi đó, nguồn lương thực cho tâm trí chúng ta chính là suy nghĩ của chúng ta, những suy nghĩ ấy sẽ quyết định phẩm chất trong các mối liên hệ của chúng ta, đến cách thức chúng ta xử lý những tình huống khó khăn trong cuộc sống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. JOHN KEHOE: SỨC MẠNH TINH THẦN TIẾN VÀO THẾ KỸ 21. LÊ TÔN HIẾN DỊCH VÀ CHÚ GIẢI, NXB TRẺ 2004
2. DAVID STAFFORD-CLARK, NXB THẾ GIỚI 1998: FREUD ĐÃ THẬT SỰ NÓI GÌ ?
3. TS DEEPAK CHOPRA: KHÔNG TUỔI TÁC - KHÔNG THỜI GIAN, TRẦN NGỌC ĐỨC DỊCH, NXB VĂN HÓA THÔNG TIN 2004
4. PHAN TRỌNG NGỌ, NGUYỄN ĐỨC HƯỚNG: CÁC LÝ THUYẾT PHÁT TRIỂN TÂM LÝ NGƯỜI, NXB ĐHSP 2004
5. PHAN TRỌNG NGỌ, DƯƠNG DIỆU HOA, NGUYỄN LAN ANH: TÂM LÝ HỌC TRÍ TUỆ, NXB ĐẠI HỌC QUỐC GIA, HÀ NỘI 2001
6. TS TRẦN NHẬT TÂN: TÂM LÝ HỌC, NXB LAO ĐỘNG 2003
7. STEPHEN COVEY: BẢY THÓI QUEN CỦA NGƯỜI THÀNH ĐẠT, NGUYỄN VĂN CỪ DỊCH, NXB THỐNG KÊ 2000
8. FREUD: NHẬP MÔN PHÂN TÂM HỌC, NGUYỄN XUÂN HIẾN DỊCH, NXB ĐH QUỐC GIA 2004