Lễ hội Lam Kinh

Thanh Hoá

Lê Lợi lớn lên và mở đầu cuộc khởi nghĩa trường kỳ của mình cùng các vị anh hùng dân tộc khai quốc vào năm 1418 tại quê hương Lam Sơn. Các toà điện uy nghi của Lam Kinh đã được xây lên giữa núi rừng hiểm trở này vào năm 1433 để làm nơi an nghỉ và thờ cúng Lê Thái Tổ. Về sau, thi hài nhiều đức vua khác cũng được mai táng tại đây. Hằng năm vào hai ngày 21 và 22 tháng Tám âm lịch, lễ hội Lam Kinh lại được tổ chức để tưởng nhớ các bậc tiền bối của nhà Lê.

Lam Kinh nằm trên đất của các làng Cham, làng Dào, làng Choán xưa kia, nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lễ hội Lam Kinh bắt đầu hình thành và được tổ chức sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà vào ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (1433). Ðể thuận tiện cho việc cáo yết và thờ cúng tại đây, các vị vua tiếp theo đã cho dựng cung điện và các nhà Thái miếu.

Bên cạnh chính điện Lam Kinh. Photo ©NCCông 2019

Trên thực tế lễ hội Lam Kinh tồn tại với đầy đủ sự long trọng được khoảng hơn 100 năm, dưới sự trị vì của các vị vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông. Bắt đầu từ đời vua Lê Hiến Tông (1497 - 1504) rồi đến khi các vị vua Lê trung hưng chỉ còn là cái bóng bên ngoài phủ chúa Trịnh thì lễ hội Lam Kinh chuyển dần từ hình thức cung đình sang hình thức dân gian. Đến cuối thế kỷ XVIII, lễ hội này thậm chí không diễn ra nữa.

Sân Hựu Lăng. Photo ©NCCông 2019

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, thời gian các vua Lê về Lam Kinh chính là dịp diễn ra lễ hội. Các vị vua xa giá về đây đều “làm lễ yết lăng miếu”, “tế tổ”, “bái yết sơn lăng”, “làm lễ tấu cáo”, “bái yết Lam Kinh” và “bái yết lăng miếu”.

Phần lễ ở Lam Kinh do vua Lê chủ trì, theo Lịch triều Hiến chương loại chí (Phan Huy Chú) có thể tóm tắt lại như sau:

- 1.Phần bái yết sơn lăng: Lễ bái yết sơn lăng được tiến hành trước lăng mộ của các vị tiên tổ theo thứ bậc. Nội dung bái yết là thắp hương hành lễ (dâng lễ vật và cúng tế). Trong hành lễ có đọc văn bia ở các mộ có bia.

Sân lăng Lê Thái Tông. Photo ©NCCông 2019


- 2.Phần tế tổ: Tổ chức Đại lễ theo nghi lễ Triều Lê. Đây là phần quan trọng nhất trong nội dung lễ hội Lam Kinh cho nên trừ vua, ai sai phạm, dù là lỗi nhỏ, đều bị phạt tiền hay biếm truất.
- 3.Phần ban thưởng: Đây là phần cuối của lễ hội Lam Kinh, có được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, lệ ban thưởng do vua chủ trì gồm 2 mục:

  • Ban thưởng cho quan chức theo hầu; ban thưởng cho người trong gia tộc; ban thưởng cho dân chúng theo sự tấu trình của các quan địa phương; tri ân tưởng lệ người có công đức với sự nghiệp vua Lê.
  • Ban bố các điều bổ sung vào việc tu sửa, tôn tạo hay đặt ra các điều cấm kỵ về khu vực Lam Kinh, cất nhắc những người coi sóc Lam Kinh…
Mộ Lê Thái Tổ. Photo ©NCCông 2019

Lễ hội Lam Kinh thể hiện triều nghi của nhà nước phong kiến tập quyền đang trên đường phát triển, hoàn toàn khác với lễ hội dân gian.

Tuy là lễ hội cung đình, song nó cũng tác động và ảnh hưởng đến đời sống dân gian. Trong không gian nông nghiệp của xứ Thanh ngày ấy, vốn tĩnh lặng, thanh bình, thuần phác, việc xa giá vua quan nườm nượp rộn ràng làm cho cuộc sống sôi động hẳn lên, những hoạt động giải trí, trò chơi dân gian, lời ca tiếng hát được vang lên khắp xóm làng.

Bia Vĩnh lăng. Photo ©NCCông 2019

Tất cả những hoạt động tưng bừng náo nhiệt đó, mặc nhiên thúc đẩy không khí hội hè ở các làng quê xứ Thanh bổ sung cho phần tế lễ ở Lam Kinh làm thành Lễ hội Lam Kinh độc đáo, nhiều màu sắc…

Thời đại có thể thay đổi, nhưng truyền thống tôn vinh anh hùng dân tộc, uống nước nhớ nguồn trong dòng chảy truyền thống là cơ sở để lễ hội truyền thống Lam Kinh duy trì và tồn tại. Từ năm 1995 đến nay, lễ hội Lam Kinh đã được tổ chức thường xuyên hàng năm với quy mô lớn và ngày càng có sức cuốn hút, lan tỏa tới nhiều vùng, miền, thu hút du khách ở trong nước và ngoài nước.

Lễ hội tái hiện nhiều nghi thức tế lễ thời Lê như: Màn trống hội có biểu diễn đánh trống đồng và trống da các loại, trình diễn cờ hội, rước kiệu cũng các nghi thức tế lễ từ thời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông truyền lại. Phần hội là các chương trình nghệ thuật thể hiện các sự kiện lịch sử trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: Hội thề Lũng Nhai, Lê Lai cứu chúa, giải phóng thành Đông Quan, vua Lê Thái Tổ đăng quang, phát huy hào khí Lam Sơn… Trong thời gian lễ hội còn có những trò chơi, trò diễn truyền thống của xứ Thanh như: trò Xuân Phả, trò Chiêng, trò Sanh Ngô, dân ca Đông Anh, dân ca Sông Mã, thi đấu vật, đấu võ dân tộc…

Huy Minh