Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Lịch sử > Di sản > Đền và di vật của vua Pô Klong Mơnai

Đền và di vật của vua Pô Klong Mơnai

Thứ Bảy 1, Tháng Mười 2011, bởi CTV

Đền Pô Klong Mơnai

Đền được xây dựng trên một ngọn đồi cao tại 692Q+95W, Lương Sơn, Bắc Bình, Bình Thuận, Việt Nam. Đền thờ một trong những vị vua cuối cùng của Vương quốc Champa, trị vì xứ Panduranga (từ TP Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận đến thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận và huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng ngày nay). Vua tên thật là Pômưhata, nghĩa là người vàng ngọc hiền từ, lên ngôi năm 1622. Đến năm 1627 ông nhường ngôi cho con rể của mình là Pô Klong Gahul.

Đền thờ vua Pô Klong Mơnai gồm 4 gian. Gian chính xây 3 tầng, thu nhỏ lại ở phần đỉnh. Trên đỉnh gắn 4 con Macara (linh thú trong thần thoại Ấn độ). Giữa đền đặt tượng vua tạc bằng một khối đá xanh lớn có trang trí hoa văn đặc sắc, đây là một trong những pho tượng lớn nhất của người Champa còn lại nguyên vẹn cho đến ngày nay (xem avatar).

Nối với đền chính có hai ngôi đền phụ ở hai bên. Đền phía bắc thờ tượng hoàng hậu Pô Bia Sơm. Trong đền còn có 2 tượng Kút trang trí đẹp mắt tượng trưng cho việc thờ con trai và con gái của vua. Đền phía nam thờ tượng bà thứ phi người Việt (theo gia phả một số dòng tộc người Champa, bà tên Nguyễn Thị Thương nhưng không biết là con của vị chúa Nguyễn nào) .

Hằng năm vào dịp Tết Katê, người Champa ở xã Phan Thanh đều tổ chức cúng tế ở đền Pô Klong Mơnai với nhiều nghi thức trang trọng. Đầu tiên là lễ rước kiệu mang bằng, sắc phong và trang phục của vua đến đền, đi theo là những cô gái múa điệu Rôk-ôn. Làm lễ cúng bên ngoài đền xong thì người chủ lễ xin được mở cửa đền để bằng, sắc phong được đặt vào nơi trang nghiêm.

Đền Pô Klong Mơnai

Tiếp theo là lễ rước nước tắm các tượng thờ. Người Champa thường sử dụng ba loại: yakcoe (nước chanh), ya shlầu (nước trầm hương), yamu (một loại nước thiêng). Sau khi tắm xong, người ta mặc trang phục cho các tượng trong đền và bắt đầu buổi tế chính với đầy đủ những nghi thức của hoàng tộc.

Những công chúa Champa

Những di vật của hoàng tộc Pô Klong Mơnai được lưu giữ tại nhà bà Nguyễn Thị Đào (thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, Bắc Bình) cách đền 15km về phía bắc. Trước đây, bộ sưu tập này được người Rắclay ở xã Phan Sơn, Bắc Bình gìn giữ, khi có lễ cúng tế, người Champa ở Phan Thanh cử một đoàn người lên tận Phan Sơn để nhận vật phẩm rồi mới làm lễ rước về đền (trong lịch sử người Champa và người Rắclay có mối quan hệ mật thiết gắn bó).

Tượng hoàng hậu Pô Bia Sơm

Theo tục lệ của người Champa theo đạo Bà la môn, người con gái út trong dòng tộc được hưởng thừa kế và chịu trách nhiệm thờ cúng tổ tiên. Do vậy, việc lưu giữ những di sản của tổ tiên để truyền cho đời sau thường do người con gái út trong gia đình đảm nhiệm.

Bà Nguyễn Thị Đào kể: “Mẹ tôi là con út nhưng mất sớm. Lúc đó, tôi còn quá nhỏ nên việc thừa kế bộ di sản của hoàng tộc được giao cho dì tôi là cụ Thềm”. Cụ Thềm không có gia đình nên xem bà Đào như con ruột. Năm 1995, cụ Thềm mất ở tuổi 85, trao quyền gìn giữ bộ di sản lại cho bà Đào. Con gái út của bà Đào là Lư Nguyễn Thị Phương Diễm sẽ là người tiếp theo trong hoàng tộc Champa ở địa phương này được thừa kế.

Ông Lư Thái Thuổi (72 tuổi), chồng bà Đào, cho biết dòng hoàng tộc của vợ ông ít con cái, đến đời ông mới đông con, nhưng con trai nhiều hơn. Do vậy, việc ai được thừa hưởng quyền lưu giữ bộ di sản này sẽ được cả dòng tộc họp bàn quyết định, tất nhiên vẫn theo nguyên tắc của chế độ mẫu hệ xưa nay. Tuy là hậu duệ của hoàng tộc Champa nhưng cụ Thềm và bà Đào đã mang họ vua nhà Nguyễn từ những năm đầu thế kỷ 19, ông Thuổi đoán thế.

Vương miện của hoàng hậu Pô Bia Sơm

Báu vật của hoàng tộc

Trong số hơn 100 hiện vật mà gia đình bà Đào đang lưu giữ, giá trị nhất là bộ vương miện của vua và hoàng hậu Pô Klong Mơnai. Mũ của vua là vương miện duy nhất còn lại của các vị vua Champa, được làm hoàn toàn bằng vàng, có gắn đá quý, chạm trổ tinh xảo. Vương miện, bông tai, vòng xuyến của hoàng hậu cũng làm bằng vàng với những họa tiết cầu kỳ. Các bộ khay khảm xà cừ, đồ đựng trầu cau cung đình, trang phục của vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa, đao kiếm, phèng la, mũ lính… cũng được cất giữ cẩn trọng. Đây là những hiện vật thể hiện trình độ nghệ thuật điêu khắc và đời sống văn hóa cung đình độc đáo của người Champa xưa.

Bà Đào kể: “Thời chống Pháp, gia đình dì Thềm sợ bị mất nên giấu kỹ trên núi cao mấy chục năm. Đến thời chống Mỹ, dì tôi có đem về nhưng vẫn phải chôn dưới đất, sau giải phóng mới dám đào lên”. Theo bà, mấy chục năm qua, trải qua bao dâu bể của thế cuộc, bộ di vật này chưa bị mất hay thất lạc bất kỳ một món nào. Ông Thuổi cho biết thêm: chỉ nghe kể lại rằng, năm 1945, hưởng ứng “Tuần lễ vàng” bà Thềm đã ủng hộ một vương miện bằng vàng được cho là của vua Pô Klong Gahul.

Vương miện của Pô Klong Mơnai, 19,5x19,5cm

Vua Pô Klong Mơnai trong thời gian trị vì đã có công khai thông hệ thống thủy lợi khu vực sông Lũy (Bắc Bình). Người dân Champa đời sau ví công trình của ông chẳng khác nào những công trình thủy lợi của vua Pô Klong Giarai ở thế kỷ XIII tại vùng Phan Rang (Ninh Thuận). Các vua triều Nguyễn sau này như vua Minh Mạng, Duy Tân, Khải Định đều có sắc phong ghi nhận công lao của ông.

Ngày 13-7-1993, đền thờ Pô Klong Mơnai và bộ sưu tập di sản hoàng tộc Champa chính thức được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.