Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tân Hợi

Nguyễn Hải Hoành


Cảnh trong phim Cách mạng Tân Hợi quay tại Hà Nội: Tôn Trung Sơn đi trên phố, phía sau là toà nhà Phủ Thống sứ Pháp

Cách mạng Tân Hợi xảy ra vào năm Tân Hợi (1911) là cuộc cách mạng dân chủ lật đổ chế độ phong kiến Trung Quốc với đại diện là triều đình Mãn Thanh, lập nên nước Cộng hoà Trung Hoa tức “Trung Hoa Dân quốc”; từ đó trở đi chính thể cộng hoà thay cho chính thể phong kiến.

Trong lịch sử 5000 năm của Trung Quốc từng xảy ra nhiều cuộc nổi dậy của nông dân bị áp bức bóc lột hoặc của các thế lực khác nhằm giành giật quyền lãnh đạo quốc gia, nhưng tất cả đều chỉ thay đổi người cầm quyền mà không thay đổi chế độ xã hội; nổi dậy dù có thắng lợi nhưng chế độ phong kiến vẫn tiếp tục. Chỉ có cuộc nổi dậy năm 1911 là nhằm mục tiêu lật đổ chế độ xã hội cũ thối nát, xây dựng chế độ xã hội mới văn minh tiến bộ. Vì thế cuộc cách mạng Tân Hợi có ý nghĩa lớn ở Trung Quốc cũng như ở phương Đông, có ảnh hưởng lớn tới các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam.

Cách mạng Tân Hợi do Tôn Trung Sơn lãnh đạo mở đầu bằng cuộc khởi nghĩa Vũ Xương nổ ra một cách tự phát ngày 10/10/1911 và được cả nước hưởng ứng. Sau đó đại biểu 17 tỉnh họp tại Nam Kinh bầu Tôn Trung Sơn làm Đại Tổng thống lâm thời. Ngày 1/1/1912, chính phủ lâm thời Trung Hoa Dân quốc (tức Cộng hoà Trung Hoa) thành lập tại Nam Kinh. Ngày 12/2, hoàng đế nhà Thanh thoái vị, chế độ chuyên chế quân chủ phong kiến kéo dài hơn 2000 năm tại Trung Quốc tuyên bố cáo chung. Từ đó ngày 10 tháng 10 (ngày Song Thập) trở thành ngày kỷ niệm Cách mạng Tân Hợi.

Đáng tiếc là cuộc cách mạng này không triệt để tiến hành đến cùng mà sau đó Tôn Trung Sơn nhường chức Đại Tổng thống cho Viên Thế Khải trùm quân phiệt Bắc Dương. Kết quả đất nước vẫn chưa thống nhất và còn rối loạn, bọn trùm quân phiệt và đế quốc phương Tây tiếp tục áp bức bóc lột nhân dân Trung Quốc.

Năm 1924, được Đảng Cộng sản Trung Quốc (thành lập năm 1921) giúp đỡ, Tôn Trung Sơn đã cải tổ thành công Quốc Dân Đảng, tiến hành lần đầu tiên công cuộc hợp tác giữa Quốc Dân Đảng với Đảng Cộng sản, thành lập Chính phủ Cách mạng tại Quảng Châu do Tôn Trung Sơn làm Tổng thống. Chính phủ này đã triển khai nhiều chủ trương có tính tiến bộ theo chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn, như 3 chính sách lớn “Liên Nga, liên Cộng, phù trợ công nông”. Sau đó lại tiến hành cuộc chiến tranh Bắc Phạt thắng lợi (5/1927), tiêu diệt bè lũ quân phiệt Bắc Dương, từ đó tình hình Trung Quốc mới cơ bản chấm dứt cảnh hỗn loạn. Đáng tiếc là Tôn Trung Sơn mất sớm vì bạo bệnh (3/1925), sau đó Quốc Dân Đảng trở mặt đàn áp đảng Cộng sản.

Vì nhiều lý do, cho tới nay giới sử học Trung Quốc và người Hoa ở ngoài Trung Quốc vẫn có các đánh giá khác nhau về Cách mạng Tân Hợi.

Trong cuộc họp lần thứ 4 của Hội nghị Hiệp thương chính trị (tức Chính Hiệp, tương đương Mặt trận Tổ quốc ở Việt Nam) toàn quốc hôm 4/3/2011, ông Giả Khánh Lâm Chủ tịch Chính Hiệp tuyên bố năm nay Trung Quốc sẽ long trọng kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tân Hợi với nội dung chính là chấn hưng Trung Hoa, phục hưng dân tộc.
Người phát ngôn Chính Hiệp nói Cách mạng Tân Hợi là một cột mốc vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc, đồng bào hai bờ eo biển Đài Loan nên cùng nhau kỷ niệm ngày này; Chính Hiệp sẽ tổ chức đại hội kỷ niệm, mở tiệc chiêu đãi và các cuộc hội thảo khoa học quốc tế. Sẽ xuất bản một loạt sách, chiếu các bộ phim truyện và phim tư liệu về Cách mạng Tân Hợi nhằm hướng dẫn dư luận nhận thức được tính tất yếu lịch sử của việc hợp tác đa đảng (Quốc Dân Đảng với Đảng Cộng sản). Sẽ phát hành đồng tiền kỷ niệm và tem kỷ niệm Cách mạng Tân Hợi. Hai đảng phái dân chủ trong Mặt trận thống nhất do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo là Trung ương Ủy ban cách mạng Quốc Dân Đảng (“Dân Cách”) và Đồng minh Tự trị dân chủ Đài Loan (“Đài Minh”) sẽ tổ chức các hoạt động toạ đàm chuyên đề về Cách mạng Tân Hợi v.v...

Bộ phim lịch sử hoành tráng thứ nhì trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc có tên Cách mạng Tân Hợi đầu tư hơn 15 triệu USD đã hoàn thành và đồng loạt chiếu trên toàn cầu từ tháng 9 năm nay, kể cả ở Đài Loan. Phim này có một số cảnh quay ở Việt Nam, như cảnh Tôn Trung Sơn đi qua Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (nay là Nhà khách chính phủ) ở Hà Nội.

Từ đầu năm nay một số trường Đại học và cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc đã tổ chức hội thảo về Cách mạng Tân Hợi. Hôm 17/4 Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp tổ chức đại hội kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tân Hợi, chiếu bộ phim Cuộc bao vây tháng 10. Phát biểu tại đại hội, đại sứ Khổng Tuyền nói đông đảo người Hoa ở nước ngoài đã có đóng góp quan trọng vào cuộc Cách mạng Tân Hợi, chủ yếu là quyên góp tiền của, ra báo ra sách tuyên truyền lý tưởng cách mạng, về nước tham gia khởi nghĩa ...

Cách mạng Tân Hợi và chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn có ảnh hưởng lớn đến cách mạng Việt Nam, trước hết đến các nhà cách mạng tiền bối của dân tộc ta như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc. Năm 1923, tận dụng phong trào cách mạng lên cao ở Quảng Châu, thủ đô của chính phủ cách mạng do Tôn Trung Sơn làm Tổng thống, các chí sĩ yêu nước Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Phạm Hồng Thái,... đã thành lập Tâm Tâm Xã, một tổ chức cách mạng tiến bộ. Tối 18/6/1924, Phạm Hồng Thái (quê Nghệ An) ném lựu đạn mưu sát toàn quyền Đông Dương Merlin khi hắn dự tiệc tại khách sạn Victoria, Sa Điện, Quảng Châu. Cuộc mưu sát không thành, Merlin chỉ bị thương nhẹ, Phạm Hồng Thái hy sinh. Sự kiện Tiếng bom Sa Điện đã gây chấn động lớn ở Trung Quốc và góp phần thức tỉnh tinh thần yêu nước của người Việt Nam. Phạm Hồng Thái được Chính phủ Tôn Trung Sơn trân trọng an táng tại Đài liệt sĩ Hoàng Hoa Cương ở Quảng Châu, cùng chỗ với 72 liệt sĩ Trung Quốc hy sinh trong cuộc Cách mạng Tân Hợi.


Cổng trường quân sự Hoàng Phố cũ

Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu làm phiên dịch trong đoàn cố vấn của chính phủ Liên Xô bên cạnh chính phủ Tôn Trung Sơn. Người đã thuyết phục các thành viên ưu tú của Tâm Tâm Xã tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (là tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) do Người thành lập vào tháng 6/1925. Nguyễn Ái Quốc còn mở các lớp huấn luyện thanh niên Việt Nam và đưa một số vào học trường quân sự Hoàng Phố do Tưởng Giới Thạch làm hiệu trưởng, Chu Ân Lai làm chính ủy. Số này về sau trở thành các tướng lĩnh có công lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc ta.

Nguyễn Ái Quốc gọi Tôn Trung Sơn là "người cha của cách mạng Trung Quốc" và đánh giá rất cao cương lĩnh chống đế quốc, đoàn kết với các dân tộc bị áp bức cũng như chủ trương “Liên Nga, liên Cộng, ủng hộ công nông” của chính phủ Quảng Châu. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo các tư tưởng tiên tiến của chủ nghĩa Tam Dân do Tôn Trung Sơn đề xuất trong quá trình xây dựng chế độ cộng hoà dân chủ ở nước ta. Sinh thời Người có mối quan hệ thâm giao với bà Tống Khánh Linh phu nhân của Tôn Trung Sơn.

Bản thân Tôn Trung Sơn cũng có mối quan hệ thân thiết với Việt Nam, nơi ông từng đến 5 lần trong thời gian 1900-1907 để vận động người Hoa ở đây tham gia cách mạng Tân Hợi, lần lâu nhất lưu lại 1 năm. Tại Hà Nội, ông đã lên kế hoạch tổ chức mấy cuộc khởi nghĩa tấn công chính quyền Mãn Thanh ở biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Căn nhà 22 phố Hàng Buồm hiện còn biển kỷ niệm Tôn Trung Sơn ở đây năm 1904. Tại Sài Gòn, ông đã thành lập phân hội hải ngoại đầu tiên của tổ chức Trung Quốc Đồng minh hội quyên góp tiền để vận động lật đổ Mãn Thanh.

Nguyễn Hải Hoành