Trang nhà > Gia đình > Truyền thống > Chiếc Yếm cổ truyền
Chiếc Yếm cổ truyền
Thứ Hai 5, Tháng Mười Hai 2011
Yếm là trang phục cổ truyền, làm tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam và đi vào thơ ca, tục ngữ dân tộc một cách tự nhiên.
Nào đâu cái yếm lụa sồi ?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân ?
Nào đâu cái áo tứ thân ?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen ?
Người Việt sống gắn với nền văn minh lúa nước, luôn mong muốn con đàn cháu đống để tăng sức lao động và điều đó đã chi phối quan niệm về vẻ đẹp. Người con gái được coi là đẹp phải có dáng lưng ong và biết tôn vinh cái lưng ong ấy bằng trang phục yếm - váy cổ truyền. Văn hóa mặc yếm cũng có từ đó.
Yếm đi vào ca dao, dân ca... Vẻ đẹp của nó vẫn phát huy qua sự biến tấu của những mẫu áo người phụ nữ Việt Nam hiện đại. Các cô thôn nữ của làng quê truyền thống vùng châu thổ Bắc Bộ, không những khéo léo tinh tế trong nết ăn, nết ở, mà còn rất khéo léo tinh tế trong cách phục sức cho phần thân thể phía trên của mình là lưng và ngực.
Cái đẹp chứa đầy nữ tính nhất, thuộc về thân người phía trên của phụ nữ Việt cổ, không hẳn là khuôn mặt tròn trịa trăng rằm, hay trái xoan, đôi mắt lá răm hay dao cau, cái miệng có đôi môi ăn trầu đỏ thắm, hay cổ ba ngấn kiêu sa, hoặc đôi vai xuôi tròn, mà chính là lưng được thắt đáy nhỏ nhắn, kiểu lưng ong. Và một người phụ nữ đã có lưng ong, ắt hẳn dáng người phải đẹp một cách ăn ý, đẹp trong toàn thể con người, dáng điệu và phẩm hạnh. "Những người thắt đáy lưng ong. Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con", ca dao từng khẳng định.
Việc coi nét đẹp nhất là lưng ong này cũng dựa trên văn hóa của một dân tộc mà trong vài nghìn năm đã sống, tồn tại và phát triển với văn minh lúa nước cổ truyền. Do là "dân ruộng thứ thiệt", nên chú trọng nhất đến sự sinh sản thịnh vượng của mùa màng, lúa gạo, hoa trái và nhân lực làm ruộng, tự nhiên mà theo tín ngưỡng phồn thực. Chẳng gì hơn đối với dân ruộng là thóc lúa đầy bồ, rau cỏ hoa trái trĩu xanh tươi, "con đàn cháu đống", bốn mùa "mưa thuận gió hòa", cho trời yên biển lặng, "chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa". Từ đó, lẽ dĩ nhiên, người Việt cổ trọng thị một thứ kiểu dáng của thân hình người phụ nữ với mâm cao cỗ đầy, lưng ong thắt đáy, với quan niệm "những người có kiểu dáng như thế, sẽ làm vợ đảm, mẹ hiền, chồng con được nhờ phúc ấm".
Phụ nữ Việt xưa thường tự tay cắt may yếm bằng chất liệu tơ tằm, vốn là kết quả của nghề tằm tang truyền thống, ra đời rất sớm với nghề trồng lúa nước. Sau khi phát minh ra yếm, thật thuận tiện, không bị bó chặt như cái áo lót cầu kỳ ren rua kiểu cách của thời nay, họ nghĩ cách mặc thế nào cho đẹp và phù hợp với từng hoàn cảnh xã hội.
Khi ở nhà, không phải chợ búa, cấy hái, họ thường mặc yếm trắng - váy đen buông chùng, hoàn toàn để hở lưng, hai cánh tay, đôi vai... Khi ra đường, đi "công chuyện", họ mặc thêm áo cánh, phủ ngoài là áo dài vừa phải, có thắt lưng tôn vinh lưng ong. Đi chơi hội, du xuân, thăm nom nhau, ngày vui, ngày Tết, họ mặc cầu kỳ hơn, với yếm nhiều màu sắc. Trong đó, các sắc độ của màu đỏ được sử dụng nhiều nhất: đỏ điều, hoa đào, râm bụt, xác pháo, đỏ tươi, đỏ cam... Áo cánh khoác ngoài thường được chọn màu chói chang đến nhức mắt, như vàng chanh, cam chín, vàng hườm, cùng với thắt lưng xanh bỏ giọt đung đưa theo bước đi tinh tế, uyển chuyển của thân người.
Để có một bộ cánh hoàn hảo, người phụ nữ thường dùng thêm đồ trang sức vàng bạc đeo cổ, cổ tay, tai và đội nón quai thao, hoặc đội khăn mỏ quạ, bên trong là tóc vấn...
Dân gian ca tụng yếm trắng: Yếm trắng mà vã hước hồ. Vã đi vã lại anh đồ yêu thương. Đàn bà dễ được chú ý khi mặc yếm thắm, biết phô ra: hở lườn mới xinh. Không phải ngẫu nhiên, Nguyễn Nhược Pháp viết bài thơ Chùa Hương, để nhấn mạnh vào cái đẹp thiếu nữ xuân thì của người con gái lên chùa: Em đeo dải yếm đào - Quần lĩnh áo the mới - Tay cầm nón quai thao...
Nhà thơ chân quê Nguyễn Bính thì tỏ ý không bằng lòng khi em gái thôn nữ ra tỉnh may đồ mới, bỏ lại cái chân quê của yếm áo cổ truyền. Ông đã vặn vẹo đau khổ: Nào đâu chiếc yếm lụa đào. Chiếc khăn lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?...
Còn nhà thơ Hoàng Cầm viết riêng cho yếm một huyền sử, mang tên "Hội yếm bay" trong tập "99 tình khúc Hoàng Cầm" (Nhà xuất bản Văn học 1996):
Ngất núi ô kìa anh vỗ nhịp
Bay cờ triệu yếm ríu ran ca
Ngũ sắc chen nhau cầu lễ hội
Nuột nà cởi bỏ áo hoa khôi...
Yếm để lại một văn hóa trang phục giàu nữ tính và thấp thoáng trong biến tấu đa dạng của các mẫu mã áo lót, áo dài, áo đầm của những người đẹp Việt Nam hiện đại.
Source: Thể Thao và Văn Hóa