Trang nhà > Hà Nội > Hôm qua > Tổ chức và địa giới Hà Nội thời Pháp
Tổ chức và địa giới Hà Nội thời Pháp
Organisation et frontière de Hanoi pendant la période française
Thứ Tư 1, Tháng Hai 2012, bởi
Sau khi chiếm được Hà Nội năm 1883, nhất là từ năm 1888 khi đã lấy Hà Nội làm nhượng địa, chính quyền Pháp đã vài lần quy hoạch và tổ chức lại thành phố cũ.
Trong giai đoạn 1888-1954, dưới thời thực dân Pháp xâm lược và tái chiếm, Hà Nội cũ trở thành thành phố theo chế độ nhượng địa, với các quận nội và ngoại thành.
Hà Nội thời kỳ 1888-1945
Ngày 19/7/1888, Tổng thống Pháp đã ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội trước khi có sự công nhận của Triều đình Huế.
Ngày 1/10/1888, Triều đình Đồng Khánh ký chỉ dụ cắt Hà Nội dâng cho Thực dân Pháp làm nhượng địa. Ngày 3/10/1888, Toàn quyền Richaud chính thức đưa Hà Nội trở thành một thành phố theo chế độ nhượng địa.
Thành phố Hà Nội lúc này chỉ gồm các khu phố nội thành được chia thành 63 phường có diện tích 3km2 với số dân khoảng 270.000 người.
Ranh giới Hà Nội lúc bấy giờ được bắt đầu từ Hồ Tây đi theo hướng Bắc-Nam dọc đường Bưởi đến Cầu Giấy lại chuyển theo hướng Đông-Đông Nam dọc đê La Thành rồi kéo thẳng qua phố Khâm Thiên, đến khu vực Hồ Thiền Quang lại quay về hướng Nam-Đông Nam cho đến làng Lương Yên (nay là phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng).
Năm 1889, Hà Nội thành lập ngoại thành Hà Nội, gồm một số xã của các huyện Vĩnh Thuận, Thọ Xương, Từ Liêm, Thanh Trì.
Năm 1904, nội thành Hà Nội được chia thành 8 quận. Năm 1915, Ngoại thành Hà Nội đổi thành huyện Hoàn Long (trực thuộc tỉnh Hà Đông).
Năm 1942, Pháp sáp nhập một phần huyện Thanh Trì của tỉnh Hà Đông vào Hà Nội, thành lập “Đại lý đặc biệt Hà Nội” gồm huyện Hoàn Long và 22 xã thuộc Phủ Hoài Đức, được chia thành 8 tổng, 60 xã.
Sau khi Việt Nam giành lại độc lập vào năm 1945, Hà Nội khi đó gồm 5 khu nội thành và 120 xã ngoại thành. Ngày 21/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 77 về việc thành lập thành phố trực thuộc Chính phủ Trung ương, hoặc Kỳ, thị xã thuộc Kỳ hoặc tỉnh. Theo đó Hà Nội trở thành thành phố trực thuộc Chính phủ Trung ương, gồm 17 khu nội thành và 5 khu hành chính ngoại thành.
Hà Nội thời kỳ Pháp tái chiếm (1946-1954)
Ngày 14/5/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ duyệt y chia thành phố Hà Nội ra làm 17 khu, mỗi khu có tên riêng:
— 1. Khu Trúc Bạch
— 2. Khu Đồng Xuân
— 3. Khu Thăng Long
— 4. Khu Đông Thành
— 5. Khu Đông Kinh Nghĩa Thục
— 6. Khu Hoàn Kiếm
— 7. Khu Văn Miếu
— 8. Khu Quán Sứ
— 9. Khu Đại Học
— 10. Khu Bảy Mẫu
— 11. Khu Chợ Hôm
— 12. Khu Lò Đúc
— 13. Khu Hồng Hà
— 14. Khu Long Biên
— 15. Khu Đồng Nhân
— 16. Khu Vạn Thái
— 17. Khu Bạch Mai.
Ngày 26/5/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ duyệt y chia ngoại thành Hà Nội ra làm 5 khu, mỗi khu có tên :
— 1. Khu Lãng Bạc gồm 23 làng
— 2. Khu Đại La gồm 31 làng
— 3. Khu Đống Đa gồm 28 làng
— 4. Khu Đề Thám gồm 13 làng
— 5. Khu Mê Linh gồm 11 làng.
Ngày 9/11/1946, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá I đã thông qua Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946. Theo đó, thành phố Hà Nội là Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Ngày 13/6/1949, Nghị quyết số 142-NQ/KC-Hà Nội của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Hà Nội chia nội thành Hà Nội làm 2 quận, lấy tên là Quận 1, Quận 2 và chia ngoại thành Hà Nội làm 3 quận, lấy tên là Quận 4, Quận 5, Quận 6.
Địa giới các quận nội, ngoại thành Hà Nội ấn định như sau:
1/ Nội thành:
Lấy đường Kim Mã, Hàng Đẫy, Tràng Thi, Tràng Tiền ra tới bờ sông Đại Hà làm giới hạn.
- Quận 1 gồm 9 khu phố và 7 làng
- Quận 2 gồm 8 khu phố và 21 làng.
2/ Ngoại thành:
- Quận 4 gồm 46 làng
- Quận 5 gồm 27 làng
- Quận 6 gồm 40 làng.
Ngày 18/9/1950, Chính phủ ra Nghị định số 46-TTg hợp nhất các quận Hà Nội thành hai quận nội thành và ngoại thành. Theo đó, hai quận 1 và 2 nội thành hợp nhất thành một quận lấy tên là quận Nội thành Hà Nội, ba quận 4, 5 và 6 ngoại thành Hà Nội hợp nhất thành một quận lấy tên là quận Ngoại thành Hà Nội.
TL (ICTnews)