Dự báo tân chỉ huy cấp cao của quân đội Trung Quốc

Mùa thu năm nay Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ họp Đại hội lần thứ XVIII và bầu ra Ban Chấp hành trung ương mới, kèm theo sẽ có sự thay đổi nhân sự tương ứng toàn bộ các cấp lãnh đạo chính quyền, đoàn thể và quân đội. Dư luận quốc tế rất quan tâm tới các thay đổi này, nhất là sự thay đổi các cấp lãnh đạo Giải phóng quân. Dưới đây là một dự báo danh sách các tân cán bộ lãnh đạo cấp cao của quân đội Trung Quốc.

Theo quy định, cấp lãnh đạo cao nhất trong quân đội Trung Quốc hiện nay là Quân ủy trung ương, gồm một Chủ tịch (là Tổng Bí thư đảng), 3 phó Chủ tịch (trong đó có 2 là quân nhân chuyên nghiệp), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm 4 Tổng bộ của Giải phóng quân (là 4 cơ quan chấp hành của Quân ủy, gồm: Tổng bộ Tham mưu, Tổng bộ Chính trị, Tổng bộ Hậu cần, Tổng bộ Trang bị), 3 vị Tư lệnh của 3 quân chủng Hải quân, Không quân và Bộ đội pháo binh số Hai. Như vậy trong 12 thành viên Quân ủy có 10 người là quân nhân chuyên nghiệp, hiện nay đều có cấp bậc Thượng tướng. Chú ý: Tổng Tham mưu trưởng là chức vụ rất quan trọng, chỉ kém Phó Chủ tịch Quân ủy.

Dưới nữa là cấp đại quân khu gồm 7 Tư lệnh của 7 đại quân khu, Tư lệnh Bộ đội Cảnh sát vũ trang (Vũ Cảnh), Hiệu trưởng Đại học Quốc phòng và Viện trưởng Viện Khoa học quân sự.

Chủ tịch Quân ủy trung ương là chức vụ lãnh đạo quân sự cao nhất nước, hiện do Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư đảng Hồ Cẩm Đào đảm trách. Ông Hồ sẽ bàn giao lại chức vụ này cho tân Tổng Bí thư và Chủ tịch nước (dự kiến là ông Tập Cận Bình, đương kim Phó Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch quân ủy) ; nhưng cũng không loại trừ khả năng ông Hồ sẽ tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quân ủy thêm 2 năm (như ông Giang Trạch Dân từng làm « để tiễn tân Chủ tịch một đoạn đường »); tuy vậy khả năng này không lớn, vì tình hình ông Hồ có khác ông Giang.

Do quy định về tuổi tác (« 7 lên, 8 xuống », tức 67 lên, 68 xuống), trong 10 quân nhân chuyên nghiệp hiện là ủy viên Quân ủy, chắc chắn chỉ còn lại Thường Vạn Toàn (63 tuổi), Hứa Kỳ Lượng (62), cũng có thể cả Ngô Thắng Lợi (sinh 8/1945, hiện 67 tuổi nhưng đến Đại hội XVIII sẽ là 68 tuổi, chắc sẽ khó được giữ lại, nhất là hiện đang có xu hướng trẻ hoá lãnh đạo).

Hai ứng viên tân Phó Chủ tịch Quân ủy sẽ là Thượng tướng Thường Vạn Toàn (Chang Wan-quan, hiện là Chủ nhiệm Tổng bộ Trang bị) và Thượng tướng Hứa Kỳ Lượng (Xu Qi-liang, hiện là Tư lệnh Không quân).

Thượng tướng Ngô Thắng Lợi (Wu Sheng-li), hiện là Tư lệnh Hải quân, nếu chưa phải nghỉ hưu thì có thể sẽ được cử giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Nếu Ngô phải nghỉ hưu thì người lên nhận chức vụ này sẽ là Thượng tướng Chương Tấm Sinh (Zhang Qin-sheng, sinh 5/1948) đương kim Phó Tổng tham mưu trưởng thường trực.

Ứng viên tân Tổng Tham mưu trưởng có thể là Thượng tướng Phòng Phong Huy (Fang Feng-hui, sinh 4/1951), đương nhiệm Tư lệnh đại quân khu Bắc Kinh. Ông này rất giỏi về chiến tranh tin học, được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trọng dụng, từng được cử làm Tổng chỉ huy cuộc duyệt binh đại lễ Quốc khánh Trung Quốc lần thứ 60 (2009).

Dự kiến Chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị có thể là một trong hai Thượng tướng sau : - Trương Hải Dương (Zhang Hai-yang), 63 tuổi, Ủy viên TƯ đảng, đương kim chính ủy Bộ đội Pháo binh số Hai. Ông này là con của Thượng tướng Trương Chấn, nguyên Phó chủ tịch Quân ủy. Trương Hải Dương trưởng thành từ cán bộ đại đội rồi chính ủy sư đoàn trong hai cuộc chiến tranh biên giới Trung-Việt 1979 và 1986 (chiến dịch đánh chiếm Lão Sơn của Việt Nam), vừa có kinh nghiệm trận mạc vừa là con cán bộ cấp cao. - Lưu Nguyên (Liu Yuan), 61 tuổi, con của cố Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, hiện là Chính ủy Tổng bộ Hậu cần. Do xuất thân cán bộ chính quyền, sau mới vào quân đội nên ông Lưu ít có khả năng cạnh tranh với ông Trương.

Các ứng viên dự kiến cho hai chức Chủ nhiệm Tổng bộ Hậu cần và Chủ nhiệm Tổng bộ Trang bị sẽ là ba Thượng tướng : - Phạm Trường Long (Fan Chang-long), 65 tuổi, đương kim Tư lệnh đại quân khu Tế Nam, thạc sĩ khoa máy tính, Ủy viên TƯ đảng ; - Trương Hựu Hiệp (Zhang You-xia) 62 tuổi, đương kim Tư lệnh đại quân khu Thẩm Dương, Ủy viên TƯ đảng ; - Hầu Thụ Sâm (Hou Shu-sen) 62 tuổi, đương kim Phó Tổng Tham mưu trưởng.

Dự kiến chức Tư lệnh Bộ đội Pháo binh số Hai sẽ giao cho Trung tướng Ngụy Phượng Hoà (Wei Feng-he), 58 tuổi, hiện là Phó Tổng Tham mưu trưởng.

Tân Tư lệnh Hải quân sẽ là Thượng tướng Hải quân Tôn Kiến Quốc (Sun Jian-guo) 60 tuổi, đương kim Phó Tổng Tham mưu trưởng.

Tân Tư lệnh Không quân sẽ là Thượng tướng Không quân Mã Hiểu Thiên (Ma Xiao-tian) 63 tuổi, hiện đang là Phó Tổng Tham mưu trưởng.

Chi tiết về một số nhân vật quan trọng

Ứng viên tân Phó Chủ tịch Quân ủy Thường Vạn Toàn (常万全 Chang Wan-quan) tham gia quân ngũ từ năm 19 tuổi, lần lượt giữ các chức vụ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng rồi Tham mưu huấn luyện sư đoàn. Thời gian 1978-1980 làm Bí thư cho Tư lệnh quân khu Lan Châu tướng Hàn Tiên Sở nổi tiếng. Năm 1990 làm Trưởng ban Tác chiến Quân khu Lan Châu, năm 1992 làm Sư đoàn trưởng , năm 2000 làm Tư lệnh Tập đoàn quân 47 lục quân, năm 2002 – Tham mưu trưởng Quân khu Lan Châu và dù mới chỉ là cấp Thiếu tướng, ông đã được bầu vào Trung ương đảng. Sau năm 2003, ông lần lượt làm Tham mưu trưởng Quân khu Bắc Kinh rồi Tư lệnh Quân khu Thẩm Dương, Đại hội đảng XVII năm 2007 tiếp tục bầu vào Trung ương và được cử vào Quân ủy với chức vụ Chủ nhiệm Tổng bộ Trang bị.

Ứng viên tân Bộ trưởng Quốc phòng Chương Tấm Sinh (章沁生 Zhang Qin-sheng) xuất thân lính thiết giáp, từng làm trưởng ban huấn luyện Bộ Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh, trưởng ban giáo dục trường Đại học Quốc phòng, trưởng ban tác chiến Bộ Tổng Tham mưu, trợ lý Tổng Tham mưu trưởng, Phó Tổng Tham mưu, Tư lệnh quân khu Quảng Châu, Phó Tổng Tham mưu trưởng thường trực và là Ủy viên TƯ đảng. Được phong quân hàm Thượng tướng từ 7/2010. Do thành công trong việc lập kế hoạch tập trận chung quy mô lớn Trung Quốc-Nga năm 2005 (ông là Tham mưu trưởng phía Trung Quốc trong Ban Đạo diễn cuộc tập trận này), Chương được đánh giá là người có năng lực cao. Nếu ông Ngô Thắng Lợi được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng thì ông Chương rất có khả năng được cử giữ chức Tổng Tham mưu trưởng.

Tân ứng viên Tổng Tham mưu trưởng Phòng Phong Huy (房峰辉 Fang Feng-hui): Đi bộ đội từ 2/1968, từng trải qua các chức vụ Trung đội trưởng, Tham mưu tác chiến-huấn luyện rồi Tham mưu trưởng Trung đoàn, Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn, Phó Tham mưu trưởng Quân khu Tân Cương, Phó Quân đoàn trưởng một Tập đoàn quân thuộc quân khu Lan Châu, Quân đoàn trưởng. Năm 1998 được phong quân hàm Thiếu tướng. 12/2003 làm Tham mưu trưởng quân khu Quảng Châu. 7/2005 được phong hàm Trung tướng. 7/2010 – Thượng tướng.

Tôn Kiến Quốc (孙建国 Sun Jian-guo) từng là Hạm trưởng tàu ngầm hạt nhân Trường Chinh số 2 , nổi tiếng với thành tích chỉ huy tàu ngầm lập kỷ lục thế giới hoạt động 90 ngày liên tục dưới biển; năm 2009 được đề bạt làm Phó Tổng Tham mưu trưởng – bước dọn đường để tiến lên chức vụ Tư lệnh Hải quân.

Ứng viên Tư lệnh Không quân Mã Hiểu Thiên (马晓天 Ma Xiao-tian) xuất thân phi công, từng làm Quân đoàn trưởng Quân đoàn Không quân số 10, Tư lệnh Không quân quân khu Nam Kinh, Phó tư lệnh Không quân, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc phòng, từ 2007 làm Phó Tổng Tham mưu trưởng.

Ngụy Phượng Hoà (魏凤和 Wei Feng-he) đi lên từ đơn vị cơ sở Bộ đội Pháo binh số Hai (第二炮兵 Đệ nhị pháo binh, thường gọi tắt là 二炮 Nhị Pháo), từng làm các chức vụ Tư lệnh căn cứ 54 của Nhị Pháo, Tham mưu trưởng Nhị Pháo, năm 2010 được đề bạt làm Phó Tổng Tham mưu trưởng. Ông này chắc chắn sẽ là Tư lệnh Nhị Pháo, vì hầu hết cán bộ lãnh đạo đơn vị này đều đã đến tuổi nghỉ hưu. Bộ đội Pháo binh số Hai thành lập năm 1966 gồm Bộ đội Tên lửa chiến lược đất đối đất và Bộ đội Tên lửa chiến thuật chiến dịch thông thường. Trong đó Bộ đội Tên lửa chiến lược đất đối đất là lực lượng răn đe hạt nhân và phản kích hạt nhân chiến lược, gồm bộ đội tên lửa tầm ngắn, tầm trung, tầm xa, tên lửa vượt đại châu và các đơn vị phối thuộc.

Hồ Anh Hải, theo tư liệu của Dư Trạch Viễn (Bắc Kinh) trên Zaobao.com 29/1/2012 và các nguồn khác