Chân dung Hồ Xuân Hương qua 31 bài thơ tình của Tốn Phong (3)

Hồ Xuân Hương

III.

Bài 22. Mười bài thơ năm 1814 vẫn chưa đủ, Tốn Phong làm tiếp mười bài nữa. Kiếp đời trôi nổi như bèo nước, sáu năm xưa (1807) đã từng gặp gỡ nàng, Tốn Phong đã nhiều lần đến thăm Cổ Nguyệt Đường nơi nàng sinh trưởng. Gian phía trái là nơi tiếp khách, có chậu hoa nở rộ tươi mát nàng mới tưới hương còn ẩm, tiếng chim ríu rít giữa sân bên hòn non bộ, Tốn Phong tả nước trong hòn non bộ thành khói bốc lên cho thi vị chăng ? Khí hậu làng Nghi Tàm có đủ lạnh để khói bốc như thế chăng, tôi ngờ rằng phía sau hòn non bộ đặt vài ông táo để nấu nước, pha trà đun cũi khói bốc lên. Hai chữ tả viện cho phép ta suy diễn: ngôi Cổ Nguyệt Đường được Tốn Phong gọi là đình, hay viện, khá lớn cất theo hình chữ khẩu (hình vuông) có tả viện nơi tiếp khách, bán giấy bút cho học trò, tất nhiên có hữu viện là phòng ngủ, khuê phòng, thư phòng, gỗ chạm khắc cho ánh sáng đủ vào. Tiền viện là gian nhà dạy học và hậu viện là nơi bàn thờ thờ phụng. Chính giữa là sân gạch có hòn non bộ, chậu kiểng, khi cần dùng có thể biến thành sân phơi thóc. Gian tả viện và tiền viện phía trong không có vách để có ánh sáng, có tấm phản cho thầy ngồi, học trò trải chiếu ngồi chung quanh. Gian tả viện có một vài bộ trường kỷ (ghế dài chạm xa cừ), có bàn đặt bình trà. Gian nhà thờ phía sau, có cửa ván, khi có giổ chạp hay tang lễ mở cửa ra. Con cháu, học trò đông đúc đứng tràn ra sân.

So với ngày trước, nàng có gầy đôi chút làm cho cốt cách nàng thanh thoát. Sắc đẹp nàng mặn mà hơn xưa, mười phân vẹn mười. Chỉ tiếc rằng sáu năm qua đi ở không viết thư cho nhau, nay gặp lại người cũ, hoa xưa lòng vui mừng xiếc bao.

Bài 22
Gặp gỡ bèo hoa trước sáu năm,
Nguồn đào mấy độ đã về thăm.
Hoa đơm tả viện hương còn ẩm,
Chim hót non hàn khói biếc dâng.
Thanh thoát vẻ mai gầy cốt cách,
Rỡ ràng xuân sắc vẹn mười phân.
Đã lâu đi ở không tin tức,
Người cũ hoa xưa gặp gỡ mừng.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
Bình ngạnh tương phùng lục tải tiền,
Đã tằng kỷ độ phỏng đào nguyên.
Hoa khai tả viện hương do thấp.
Điểu lộng hàn sơn thủy dục yên.
Nhất dạng mai trang thanh triệt cốt
Thập phần xuân sắc hảo liên thiên.
Chỉ kim quy khứ vô tiêu tức,
Y cựu đào hoa nhận túc duyên.

Bài 23. Mùa xuân sang, biết tìm thần hoa xứ nào, mười độ xuân về chín độ nhớ thương nàng. Tiếc rằng thân phận thư sinh chưa đỗ đạt sớm gặp người tri kỷ. Dù ngàn vàng cũng không mua được tấm thân thanh xuân của nàng. Ánh hồ trong leo lẽo thấy suốt đáy, vầng trăng tròn sáng soi Cổ Nguyệt Đường. Rặng liễu nơi bờ hồ hãy vì ta mà nhắn lời rằng: hoa mai đã rực rỡ khắp núi mây ngàn.

Bài 23
Xuân sang nào biết chốn hoa thần,
Mười độ xuân về chín nhớ thương.
Mặt trắng gặp người tri kỷ sớm,
Nghìn vàng khôn chuộc tuổi thanh xuân.
Hồ trong leo lẽo soi lòng thẳm,
Đình nguyệt tròn xoe sáng ánh rằm.
Dặm liễu hãy vì ta nhắn bến,
Hoa Mai rực rỡ núi mây ngàn.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
Xuân lai hà xứ mịch hoa thần,
Thập độ xuân lai cửu tích quân.
Bạch diện tao phùng tri kỷ khách,
Hoàng kim nan nại thiếu niên thân.
Hồ quang liễm liễm thanh vô để,
Đình nguyệt đoàn đoàn mãn thập phần,
Vị ngã truyền ngôn giang thượng liễu,
Mai hoa dĩ chiếm lĩnh đầu vân.

Chú thích
Bạch diện: bạch diện thư sinh, người học trò chưa thi đỗ.

Bài 24. Xuân đã về, đi dạo chơi khắp chốn kinh thành thấy hồn thơ lai láng. Một cánh hoa bay cũng làm buồn lòng người, Tốn Phong dùng chữ hoa bay ý nói tên Phi Mai làm cho chàng thương nhớ, ngoài trời bóng mây trôi như người lữ khách bao năm phiêu bạt. Sóng thông reo khúc nhạc êm đềm cho người ngồi bên bến nước lắng nghe, có nhàn rỗi tâm hồn mới yên tịnh lắng nghe những cảnh sắc đẹp. Càng giao du với nàng càng lâu càng thân thiết. Còn nhớ những đêm thanh cùng nhau xướng hoạ thơ nơi đình mai, một bầu trời trăng sáng ngần như bạc.

Bài 24
Khắp thành xuân sắc tứ thơ vương,
Một cánh hoa bay ai nhớ thương.
Thoáng bóng mây xa ngàn dậm đó,
Thông reo tiếng sóng bến bờ tương.
Việc đời mới hiểu nhàn nên tốt,
Càng đậm tình sâu biết tỏ tường.
Còn nhớ đình mai vui thuở ấy,
Trời cao một sắc trắng như gương.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
Mãn thành xuân sắc tứ phân phân,
Nhất phiến hoa phi não sái nhân.
Vân ảnh sạ tòng thiên ngoại khứ,
Tùng đào như hưởng thủy biên vân.
Đình tri thế sự nhàn như hảo,
Thả giác giao tình cửu cánh thân.
Thượng ức mai đình thanh dạ hứng,
Trường thiên nhất sắc bạnh như ngân.

Bài 25. Trời cao một sắc trăng sáng ngần như bạc. Mỹ nhân Xuân Hương Hồ Phi Mai đã ra đón từ bến trúc. Nàng như vầng trăng xưa toả sáng bao ý đêm, Nàng như hoa trời nở rộ khắp đình xuân. Nàng làm những câu thơ bạch tuyết khó ngâm khó hoạ, thơ nàng vào bậc thánh. Môi nàng say thắm như rượu có thần. Đừng bảo xuân về xuân lại ra đi, trên cành mai lạnh mùa đông mai lại nẩy thêm cành.

Bài 25
Trời cao một sắc trắng như ngân,
Bến trúc mừng vui gặp mỹ nhân.
Trăng cũ toả ngời bao dạ ý,
Hoa trời khai nở rộ đình xuân.
Ngâm câu Bạch Tuyết thơ nên thánh,
Say đắm môi son rượu có thần.
Đừng bảo xuân về xuân lại biệt,
Hàn mai vừa nở một cành xuân.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
Trường thiên nhất sắc bạch như ngân,
Trúc lý phùng nghinh đối mỹ nhân.
Cổ nguyệt chiếu lai khiêm dạ ý,
Thiên hoa khai xử mãn đình xuân.
Ngâm thành bạch tuyết thi năng thánh,
Túy đáo chu nhan tửu diệc thần.
Mạc nhạ xuân lai xuân hựu khứ,
Hàn mai di phó nhất chi tân.

Bài 26: Phía trên La Thành tiếp giáp với Thiên Hà, ngoài thành cuồng cuộn dòng sông Nhị chảy qua. Bờ liễu tháng chạp tha thiết buông lơi. Gốc mai xông lạnh tự nở hoa trời. Mười năm đọc sách luyện kiếm dùng làm chi nhỉ ? Muôn dậm còn ruổi rong ta biết ra sao bây giờ. Lặng nhìn móng cầu vòng bảy sắc mà lòng thấy thú vị, lòng tưởng như hồn bay chơi tới tận chân trời.

Bài 26
La Thành trời rộng nối Thiên hà,
Cuồng cuộn ngoài thành sông Nhị qua.
Tháng chạp biếc xanh hồ liễu rũ.
Tiết hàn mai tự nở ngàn hoa.
Mười năm thư kiếm dùng chi nhỉ ?
Muôn dậm phiêu bồng mãi thế a !
Lặng ngắm móng trời riêng cảm khoái.
Mộng hồn tường đến bến bờ xa.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
La Thành chi thượng tiếp Thiên hà,
Thành ngoại dung dung nhị thủy qua.
Đãi lạp liễu tương thư ngạn sắc,
Xung hàn mai tự phát thiên hoa.
Thập niên thư kiếm tương an dụng ?
Vạn lý trì khu thả nại hà !
Tỉnh đối tà hồng thiên giác hảo,
Mộng hồn tưởng dĩ đáo thiên nha.

Chú thích
La Thành: Thành Thăng Long thời Bắc thuộc còn có tên là thành Đại La do Cao Biền xây.

Thành Thăng Long được xây dựng vào đời Lý thế kỷ XI, khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Năm 1804 Vua Gia Long sai Nguyễn Văn Thành phá thành cũ xây lại thành mới nhỏ hơn.

Bài 27: Hòn non bộ chơ vơ, vầng trăng bán nguyệt soi đình mai, nhà vắng gió nhẹ thanh mát say tình đêm. Cành vông đồng biếc gầy ngoài sân, chim phượng đậu, sau cơn mưa cây lá lạnh đã nghe tiếng chim oanh chuyền cành. Vào cuối thu ánh trăng sáng soi hồn mai lạnh buốt. Nước rót vào bình thơm còn vương bóng liễu nhẹ thênh thang. Tứ thơ man mác mộng theo ý xuân, hòn non bộ đơn côi giữa sân ánh sáng trăng nửa vầng chiếu sáng.

Bài 27
Non trơ nửa nguyệt sáng mai đình,
Gió nhẹ nhà yên tối vắng tanh.
Cành biếc vông gầy sân phượng đậu,
Mưa tàn lá lạnh cội chuyền oanh.
Thu tròn ánh nguyệt hồn mai giá,
Nước nhỏ bình thơm bóng liễu xanh.
Man mác tứ xuân vào giữa mộng,
Non trơ nửa nguyệt sáng mai đình.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
Cô sơn bán nguyệt bạng mai đình,
Tĩnh viện lương phong ngọ dạ tình.
Ngô bích sấu chi đình hạ phượng.
Vũ dư hàn diệp thụ lưu oanh.
Thu viên nguyệt sắc mai hồn lãnh,
Thủy lựu hương bình liễu ảnh khinh.
Du tử mộng tùy xuân ý đắc,
Cô sơn bán nguyệt bạng mai đình.

Chú thích
Cô Sơn: có thể hiểu là núi Tam Đảo, nhưng núi Tam Đảo từ Cổ Nguyệt Đường chỉ có thể thấy khi trời quang mây tạnh. Bài Cố kinh thu nhật, Hồ Xuân Hương có viết: Tam Đảo trời quang vọng bắc xa (Tam Đảo tình quang Bắc vọng xa) do đó ban đêm trăng bán nguyệt Tốn Phong chỉ có thể thấy hòn non bộ nhà Phi Mai.

Bài 28: Từ lúc chia tay mỗi người mỗi ngã, đường đời bao chặng trải nhiều nỗi thăng trầm. Phi Mai ba lần lầy chồng (lần thứ nhất với Thầy Lang xóm Tây, làng Nghi Tàm, lần thứ nhì với Tổng Cóc Nguyễn Công Hoà, và lần thứ ba Tham Hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển) còn khách (Tốn Phong) vẫn vậy sáu năm nay. Quen xem phong cảnh đời trôi nổi, ngán nỗi tình đời khi ấm khi lạnh. Quay lại nơi Đồng Giang, bến sông Hồng nơi chia tay nhau năm 1808, rặng liễu đìu hiu toả bóng râm.

Bài 28
Từ khi cách biệt nỗi phân ly,
Sầu cạn từng phen trải lối đi.
Mai quả đã từng ba độ kết,
Khách tình vẫn vậy sáu năm nay.
Quen xem phong cảnh: đời trôi nổi,
Ngán cõi người ta : ấm lạnh rồi.
Quay lại Đồng Giang nơi tiễn biệt,
Đìu hiu rặng liễu bóng đơn côi.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
Tự tòng biệt hậu các phân khâm,
Thế lộ hành hành lịch thiển thâm.
Mai thực đã tằng tam độ kết,
Khách tình dĩ thị lục niên câm (kim)
Quán khan phù thế phong quang thái,
Đố sái thời nhân lãnh noãn khâm.
Hồi thủ Đồng Giang phân quyết xứ,
Y y dương liễu dĩ thành âm.

Chú thích
Câm: Chữ kim là nay, vì tránh tên húy Nguyễn Kim ông Tổ họ Nguyễn nên đọc thành câm.
Đồng Giang: Nguyễn Du có bài thơ Đồng giang lung.

Bài 29: Ngàn dậm ra đi nơi trường đình lau nước mắt, người ở người đi không nói năng gì, đã từng nghe non mai báo tin xuân. Mấy lần thấy sóng lớn đập vào cửa biển. Tốn Phong mấy lần đi qua cửa biển Thần Phù, sóng cao nguy hiểm đối diện với cái chết Lênh đênh qua cửa Thần Phù, khôn tu thì nổi vụng tu thì chìm. Lòng nhớ nước cũ bao giờ tan được như hồn vua Thục hoá thành chim đỗ quyên kêu quốc quốc. Chìm sông Mịch Giang hồn Khuất Nguyên vẫn còn mãi thơ Ly Tao ai oán muôn đời. Đây là hai câu thơ duy nhất Tốn Phong nói lên tâm sự thời thế của mình. Lòng Tốn Phong còn nhớ đến nhà Lê, chúa Trịnh, tiếc rằng Vua Sở không nghe những lời ngay thẳng của Khuất Nguyên mà nước mất nhà tan. Thôi nói chi việc đời nay có rượu nên cùng say, hương vị rượu Hoàng Cúc càng uống càng thắm môi nồng nàn.

Bài 29
Ngàn dậm trường đình lệ thắm khăn,
Người ở người đi chẳng nói năng.
Từng thấy non mai xuân báo thiệp,
Đã quen cửa biển sóng thăng trầm.
Bao năm Hồn Thục còn thương nước,
Ngàn thuở Ly Tao oán Mịch Giang.
Nay có rưọu thơm cùng thưởng nhé,
Men say Hoàng Cúc rượu nồng nàn.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
Thiên lý trường đình phất lệ ngân,
Nhân lai nhân khứ lưỡng vong ngôn.
Tằng văn mai lĩnh truyền xuân tín,
Tỷ kiến trào thanh hám hải môn.
Vọng đế hà niên tiên Thục phách,
Mịch giang chung cổ oán Tao hồn.
Như kim hữu tửu tu đồng túy,
Nhưong thục Hoàng hoa vị cánh ôn.

Chú thích
Thục phách: Vua Thục Đế vì dâm vợ Biết Linh, nên giao ngôi lại cho Biết Linh. Sau Biết Linh làm ngặt phát lương cho ăn vất vả. Thục Đế mới buồn bỏ xứ ra đi, hoá ra chim đỗ quyên, tiếng kêu quốc quốc thảm thiết. Người đời nói vua Thục Đế tiếc nước nên tiếng kêu bi thương. Nguyễn Du, Kiều: Khúc đâu đầm ấm xuân tình, Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên. Bà Huyện Thanh Quan (Nguyễn thị Hinh): Nhớ nước đau lòng con quốc quốc, Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Mịch giang: Khuất Nguyên khuyên vua Sở không nghe đến mất nước, viết tập thơ Ly Tao để lạo cho đời và trầm mình xuống sông Mịch Giang.
Hoàng hoa: cúc vàng nở mùa thu.

Bài 30: Dầu thành có tiếng sáo thổi từ bên sông vọng sang, nghiêng lắng tai nghe giọng buồn thương ai oán. Nhìn những cánh nhạn đứt đàn trong sương mây, ngựa trạm rong ruổi trên đường mùa xuân như đáng đùa với mai trên núi. Dạ sầu như tuyết bay đi không trở lại. Thi tứ khách giống như hoa giữ mãi nụ không nở, ngậm ngùi muốn lưu mùa xuân, xuân không dừng lại, đời người như mây nổi mờ mịt thế thôi. Năm 1814 Xuân Hương đã yêu Tham Hiệp Yên Quảng Tràn Phúc Hiển, tình yêu Tốn Phong chỉ còn như tiếng sáo ai oán, tình chàng như ngựa trạm qua nhanh như đùa với mai vàng bên núi. Tình Tôn Phong sẽ mãi mãi là đoá hoa nguyên nụ không nở nữa. Xuân Hương không dừng lại trong đời chàng, mà mỗi người đi mỗi ngã, đời mờ mịt như mây trôi lang thang.

Bài 30
Đầu thành tiếng địch vọng bên song,
Nghiêng lắng tai nghe khúc nhạc buồn.
Mờ mịt sương lam mây khuất nhạn,
Nhởn nhơ ngựa hí nẻo mai vàng.
Sầu dài tựa tuyết bay bay mãi,
Nỗi khách như hoa chẳng thở than.
Đau xót xuân về xuân chẳng ở,
Thì thôi mây mấy độ lang thang.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
Thành đầu suy địch quá giang lai,
Trắc nhĩ như văn vận vận ai.
Vọng đoạn sương mê vân tế nhạn,
Dịch trì xuân hí lũng đầu mai.
Sầu trường tự tuyết phi nan phản,
Khách tứ như hoa bão bất khai.
Trù trướng lưu xuân xuân bất tụ,
Phù vân diểu diểu dĩ yên tai.

Bài 31: Đời người vui chơi được bao lâu, muốn ném tung lòng trần từng mảnh đi. Trước chùa Một cột trên nóc chạm tương hình chim ngủ đổ soi mặt hồ. Trên hồ Bách hoa bóng nắng chiều xế tà. Chuyện Tư Mã Tương Như hát khúc Phượng Cầu Kỳ Hoàng cho Trác Văn Quân đã muộn rồi. Lòng Tốn Phong chỉ còn như Tư Mã Tương Như, đề nơi trụ cầu: «Mai đây không mặc áo cừu nhẹ, không ngồi xe ngựa, thề không trở lại cầu này », không thi đỗ không làm nên sự nghiệp, thề không trở lại chốn này. Mai sau nếu gặp lại Phi Mai còn nhớ, một người tình si đã yêu Mai, lăn lóc cuộc đời gió bụi khắp trần gian này.

Những bài thơ cuối cùng của Tốn Phong buồn thảm, chấm dứt mối tình tuyệt vọng, để nàng yên tâm lên thuyền hoa về Yên Quảng. Và Tốn Phong đã trở về Nghệ Tĩnh không còn trở lại Thăng Long nữa.

Bài 31
Đời người vui thú được là bao,
Từng mảnh lòng tròng dứt được sao ?
Một Cột trước chùa chim tối ngủ,
Trăm Hoa hồ rộng bóng chiều chao.
Cầu Hoàng chuyện ấy xuân đành muộn,
Đề trụ, tay không chẳng trở vào.
Gặp lại hoa Mai còn nhớ nhỉ ?
Phong trần đày đoạ một tình đau.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
Nhân sinh hành lạc kỷ đa thì,
Phao khước trần tâm phiến phiến phi.
Nhất Trụ tự tiền thê mộ điểu,
Bách Hoa hồ thượng lạc tà huy.
Cầu Hoàng để sự xuân ưng vãn,
Đề Trụ hà nhân lão bất quy.
Trùng đối mai hoa nhược tương ức,
Phong trần mãn địa nhất tình nhi.

Chú thích
Nhất Trụ: Chùa Một Cột, chùa Diên Hựu, xây dựng năm 1049 dưới thời vua Lý Thái Tông. Năm 1954 chùa bị phá trước khi người Pháp rút đi, chùa mới xây dựng lại nhỏ hơn chùa củ nhiều. Theo Đại Việt Sử Ký toàn thư bàn kỷ q 3 tr 15a chép: « Mùa thu tháng 9 năm Long Phù thứ năm 1105, làm hai ngọn tháp chỏm trắng chùa Diên Hựu. Bấy giờ vua Lý Nhân Tông cho chữa lại chùa Diên Hựu đẹp hơn cũ, đào hồ ở đài hoa sen gọi là Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chung quanh lại đào hồ Bích Trì đều bắt cầu vòng để đi qua. Trước sân chùa xây bào tháp.
Bách Hoa: Trăm Hoa có bản chép là Hữu Hoa, hồ Bích Trì.
Cầu Hoàng: bản Phượng Cầu Kỳ Hoàng của Tư Mã Tương Như đàn cho Trác Văn Quân nghe.
Đề Trụ: Khi còn hàn vi Tư Mã Tương Như qua cầu sông Vị, đề chữ vào cột cầu rằng: Mai đây không mặc áo cừu nhẹ không ngồi xe ngựa thề không trở lại cầu này.

IV. Hồ Xuân Hương qua thơ Tốn Phong

1. Hoàng Các vốn gia đình vọng tộc: Tốn Phong chú ý đến Xuân Hương Hồ Phi Mai, dòng dõi gia đình vọng tộc, có nhiều người đỗ Tiến Sĩ làm quan to. Theo gia phả chi Hồ Phi Tích lưu trử tại Thư viện Hoàng Xuân Hãn Paris. Gia phả biết đến đời Trạng Nguyên Hồ Hưng Dật thế kỷ thứ 10 làm Thái Thú Diễn Châu ngụ cư tại Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An. Đời Trần có Hồ Tông Thốc. Đời Lê có Hồ Sĩ Dương đậu Tiến sĩ là một nhà chính trị học, sử học. Riêng chi ở Quỳnh Lưu đời thứ 8, Hồ Sĩ Anh con cháu có Hồ Phi Tích (1665-1734) đậu Hoàng Giáp năm 1700 và Hồ Sĩ Đống (1744-1785) dậu Hoàng Giáp. Có chi ra Tây Sơn Bình Định, Hồ Phi Phúc đổi họ Nguyễn, sinh Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, Hoàng Giáp Hồ Sĩ Đống, nữ sĩ Xuân Hương Hồ Phi Mai, Tú Tài Hồ Phi Hội cùng có một ông tổ cách 4 đời là Hồ Sĩ Anh.

Hồ Sĩ Đống quê xã Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đỗ Tiến Sĩ năm 1772 làm Thượng Thư Bộ Binh tước Dao đình Hầu, sau thăng tước Ngọc Quân Công, năm 1777 ông sung chức Phó Sứ sang nhà Thanh, Chánh Sứ là Võ Khâm Tự. Tới Động Đình Hồ Võ Khâm Tự mất, trước khi mất có tiết lộ cùng ông việc Chúa Trịnh Sâm có làm tờ biểu riêng xin Vua Thanh phong Vương cho họ Trịnh. Ông im ẩn việc ấy, mà chú Trịnh cũng chẳng hỏi gì khi sứ bộ trở về.

Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung Tùy Bút, bài Thể Thơ tr 164 đánh giá Hồ Sĩ Đống là một nhà thơ lớn đương thời: Trong khoảng đời Vĩnh Hựu(1735-1740) đời Vua Lê Ý Tông, Cảnh Hưng(1740-1786) đời Vua Lê Hiển Tông.: Nguyễn Tôn Khuê thực là một lãnh tụ về thời ấy, thứ hai đến Nguyễn Huy Oánh rồi đến Hồ Sĩ Đống cùng nối nhau khởi nên tự lập thành nhà thơ có tiếng. Ta thường xem thơ các bậc tiền bối, Thơ Phúc Khê Công (Nguyễn Tôn Khuê) thì tinh vi đẹp đẽ, nhưng có phần vụn vặt quá. Lai Thạch Công (Nguyễn Huy Oánh) là bậc thanh cao, nhưng vẫn có ý mô phỏng; thơ Hoàng Hậu Công (Hồ Sĩ Đống) thì chủ lấy khí phách, không thèm lấy điêu khắc vẽ vời làm khéo. Thi học đến đời ấy đã trung hưng lên được.

Trong Vũ Trung Tùy bút, bài Thần Hồ Động Đình còn chép lại bài thơ Hồ Sĩ Đống viếng Võ Khâm Tự. Nhất Uyên dịch như sau:
Hai độ hoàng hoa chánh sứ thần,
Tuổi cao đức trọng bậc công khanh.
Bang giao những tưởng như ngà ngọc,
Tiên cốt nào hay gió bụi trần.
Giọt lệ đồng châu dâng một lễ,
Tiếng danh tài bút bậc công thần.
Trăng thu thấp thoáng bên hồ rộng,
Lại chiếu quê nhà bóng cố nhân.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
Hoàng Hoa lưỡng độ phú tư tuân,
Uyên đức kỳ niên canh kỷ nhân.
Cộng tiễn bang giao nhàn ngọc bạch,
Thùy tri tiên cốt lịch phong trần,
Sinh sô sái lệ đồng chu khách,
Tái bút danh qui tuẩn quốc thần.
Trù tướng thái hồ thu nguyệt sắc,
Dạ lai do chiếu ốc lương tần.

Hai câu kết: Trù tướng thái hồ thu nguyệt sắc, Dạ lai do chiếu ốc lương tần. Trăng thu thấp thoáng bên hồ rộng, lại chiếu quê nhà bóng cố nhân, thật tuyệt tác.

Ngày nay chúng ta biết nhiều về Nguyễn Huy Oánh (1722-1799) người làng Lai Thạch, huyện La Sơn Hà Tĩnh, thân phụ Nguyễn Huy Tự (diễn ca Hoa Tiên). Đậu Thám Hoa năm 1748, để lại hơn 60 tác phẩm, có nhiều tập thơ lúc đi sứ Trung Quốc. Sưu tập Phúc Giang Thư Viện, thư viện duy nhất được triều đình sắc phong, và có 25 học trò đỗ Tiến Sĩ.

Về Nguyễn Tôn Khuê (1692 ?) còn gọi Phúc Khê Công hiệu Thư Hiên, người làng Phúc Khê, huyện Ngự Thiện, Trấn Sơn Nam, đậu Hoàng Giáp năm 1721 đời Bảo Thái, có tập thơ Sứ Hoa Tùng Vịnh, Việt Sử Thi Tuyển.

Về Hồ Sĩ Đống, anh họ Hồ Xuân Hương chúng ta không biết gì nhiều, dù có lúc ông đứng đầu triều đình, thật là đáng tiếc.

Theo Hồ Tuấn Niệm trong bài Bàn lại đôi điểm về tiểu sử Hồ Xuân Hương. TCVH số 1-1972 tr 9-31, trích dẫn Hồ tộc Hương khoa trường bản soạn bởi Tú Tài Hồ Phi Hội (1802-1872):

Hồ Phi Diễn (1703-1786) con trưởng huấn đạo Phi Da, năm 21 tuổi đậu Tam Trường, đời Bảo Thái thứ tư, khoa Quý Mão (1723). Hồ Phi Diễn dạy học ở làng Nghi Tàm lấy vợ thứ họ Hà sinh Xuân Hương Hồ Phi Mai.. Hồ Phi Diễn là một vị thầy danh tiếng làng Nghi Tàm, tên tuổi còn truyền lại đến đầu thế kỷ 20, các nhà viết văn học sử đầu tiên như Dương Quảng Hàm, Lê Dư, Trần Trọng Kim đều nhắc đến.

Việc ông Đào Thái Tôn cho rằng Xuân Hương con Hồ Sĩ Danh, cùng cha khác mẹ với Hồ Sĩ Đống chỉ là một sự phỏng đoán, do bài tựa Lưu Hương Ký, Tốn Phong viết, em ông lớn họ Hồ. Việc này không có bằng cớ, vì ngày xưa cách nhau 4 đời là rất gần, các nhà vọng tộc xưng em với nhau khi vai vế thấp hơn. Ông Cố của Hồ Sĩ Đống là Hồ Phi Quyền là anh ruột của ông Hồ Phi Cơ, ông cố của Phi Mai.

2. Nhan sắc Xuân Hương là một phụ nữ xinh đẹp, Tốn Phong chấm giải là hoa khôi xuân sắc nhất thành Thăng Long, điều này khác hẳn với một Hồ Xuân Hương xấu xí, da xù xì như trái mít trong Giai Nhân Dị Mặc của Nguyễn Hữu Tiến. Tốn Phong đã viết:
Hồng nhan tiên giới thác sinh chăng...
Hoa Mai xuân sắc nhất kinh thành. (Bài 2)

Nghê Vũ người tiên mây giáng hiện...
Một bầu mây nước hoa nhuần nhị
Muôn dậm sao trời trong mắt xanh (Bài 3)

Mày liễu xanh xanh thêm mến nguyệt,
Hương mai thoang thoảng mãi yêu xuân (Bài 4)

Đêm thu man mác mai gầy vóc,
Bến nước đìu hiu liễu rủ cành (Bài 6)

Đào nguyên hò hẹn cùng tiên nữ. (Bài 15)

Mười phần son sắc trời Nam đến,
Quá nửa xuân quang cửa Bắc tràn (Bài 19)

Thanh thoát vẻ mai gầy cốt cách,
Rỡ ràng xuân sắc vẹn mười phân (Bái 22)

Nghìn vàng khôn chuộc tuổi thanh xuân
Hoa mai rực rỡ núi mây ngàn. (Bài 23)

Bến trúc mừng vui gặp mỹ nhân (Bài 25)

3. Tài thơ văn Xuân Hương làm thơ, những vần điệu khó làm như thơ Bạch Tuyết ít ai hoạ được, nàng là vị thần thơ trên tao đàn:
Ngâm thơ Bạch Tuyết khói mây dâng.
Nổi tiếng văn chương tiên xuống trần (Bài 1)

Tao đàn xuất hiện vị thơ thần.
Kết tự sao Khuê vẹn thập phần (Bài 2)

Sầu vướng nét mi gầy với tuyết,
Hương vào ngọn bút nở xuân tươi. (Bài 9)

Đã rằng tài tử hay đề tuyết (Bài 20)

Ngâm câu bạch tuyết thơ nên thánh,
Say thắm môi son rượu có thần (Bài 25)

Hồ Xuân Hương có làm thơ đùa nghịch:
Hứng về lại thấy thơ sinh quỷ,
Sầu đến rồi hay rượu có thần
Ướm hỏi Cao Đường ai đoán mộng,
Gió mưa Đài Sở được bao lần ? (Bài 4)

4. Sức khoẻ Hồ Xuân Hương như các mỹ nhân đào hoa trong sử sách, nàng gầy như mai:
Sức vóc đào tơ như tự cổ (Bài 18)

Mai gầy cung điệu gió thanh thanh (Bài 17)

Nguyễn Du trong bài thơ Ký Mộng gửi Xuân Hương cũng đã viết: Nguyễn Du nằm mơ thấy mỹ nhân Phi Mai, gặp lại đầu tiên kể lể:
Trước kể nỗi đau ốm,
Rồi than những ngày xa.

Theo thơ Tốn Phong, Hồ Xuân Hương có ba đời chồng:
Mai quả đã từng ba độ kết (Bài 28)
và một lần sinh nở:
Chốn dời Mai lại nẩy thêm cành (Bài 15)

Hàn Mai vừa nở một cành xuân (Bài 25)

Điều này xác định bởi cụ Dương Văn Thâm, người Vĩnh Phú cùng làng với Tổng Cóc và có sưu tầm nhiều câu chuyện về Hồ Xuân Hương khi làm lẽ Tổng Cóc, Hồ Xuân Hương dứt tình bỏ Tổng Có đi khi mang thai 6 tháng.

5.Tính tình Xuân Hương rất hiếu khách, nàng không bỏ lững câu chuyện bao giờ:
Chủ nhân trước viện trắng mai hoa,
Rất quý thần hoa yêu mến khách (Bài 5)

Tơ liễu kìa ai rất có tình (Bài 11)

Nhà lan là lúc chong đèn bạc,
Kể chuyện giang hồ hẹn mối duyên (Bài 12)

Phồn hoa bạn cũ như ngày mới
Sinh tử giao tình tưởng mới thân.
Tình trọng duyên may trời chẳng phụ,
Tình non như gấm nước như gương. (Bài 14)

Người cũ hoa xưa gặp gỡ mừng (Bài 22)

Càng đậm tình sâu biết tỏ tường (Bài 24)

Hồ Xuân Hương tính tình lạc quan:

Lối khách buồn vui ai biết hỏi,
Rằng trong tháng tới lại sang xuân (Bài 13)

Nay có rượu thơm cùng thưởng nhé;
Hương say Hoàng cúc rượu nồng nàn (Bài 29)

6. Hồ Xuân Hương biết đàn (có lẽ là cây đàn nguyệt cầm, đàn được yêu chuộng thời bấy giờ):
Đàn chuyển thu âm vang tỉnh viện (Bài 7)
và từng hoạ cùng với sáo của Tốn Phong:
Thần vào sáo ngọc tung sao đẩu (Bài 7)

Phượng cầm tự khóm trúc vang thanh (Bài 14)

Phạm Đình Hổ trong thơ chữ Hán, bài Sở Hữu Càm đã viết về một người con gái nhỏ yêu hoa mai, biết làm thơ, theo tôi là Hồ Xuân Hương:
Buông đàn cười chẳng gảy
Ngại làm ai chạnh lòng.

Người dạy đàn cho Phi Mai là Nguyễn Du. Bài Thạch Đình tặng biệt Nguyễn Du viết: Cung hoàng dịu vợi dường khôn lọt. Bài hoạ trong Lưu Hương Ký, Xuân Hương viết: Khúc Hoàng tay nguyệt còn chờ dạy. Nguyễn Du đã dạy Xuân Hương nhiều bài và nàng chờ đợi Nguyễn Du dạy khúc Phượng Cầu Kỳ Hoàng của Tư Mã Tương Như nói lời yêu đương.

7. Xuân Hương từng ra phố Nam thành Thăng Long mở hiệu sách:
Nam Phố mười năm xưa đã quen
Hoa đào độ ấy cách nguồn tiên. (Bài 12).

Và Tốn Phong ở trước Văn Miếu Quốc Tử Giám cạnh Hồ Kim Âu đã nhiều lần đến thăm Cổ Nguyệt Đường, đã gặp nàng tiên chốn Đào Nguyên mà không cần làm anh chài Vũ Lăng:
Trước nhà cửa Giám, hồ Âu Vàng,
Tìm đến Đào Nguyên chẳng Vũ Lăng (Bài 1)

Nhà nàng ở Bến trúc làng Nghi Tàm, một thắng cảnh đẹp trong Tây Hồ Bát Cảnh, gần chùa Kim Liên.
Bến trúc mừng vui gặp mỹ nhân (Bài 25)

Nguyễn Du khi ở ngôi gác tía của anh Nguyễn Khản, thường ra đây câu cá với Chúa Trịnh Sâm nơi Đền Khán Xuân. Trong bài Mộng đắc thái liên gọi nàng là lân nữ, cô hàng xóm. Đền Khán Xuân và Gác Tía nay nằm trong khu đình làng Nghi Tàm, không xa bến trúc và chùa Kim Liên, nơi thờ bà Chúa Tằm. Đời Lý vua trả tự do cho các cung nữ ra đây dệt lụa nuôi tằm.

Cổ Nguyệt Đường là một ngôi nhà gạch lớn xây theo hình chữ khẩu, hình vuông, có tả viện, Hoa đơm tả viện hương còn ẩm (bài 22), có hữu viện, tiền viện và hậu viện, chính giữa là sân gạch Bát Tràng có hòn non bộ và chậu kiểng. Tốn Phong gọi nhà Xuân Hương là đình hay viện. Có một cây bàng lớn trước nhà: Cội bàng trăng khuất chiếu mai đình (Bài 6). Chung quanh có trồng nhiều cây mai: Chủ nhân trước viện trắng hoa mai (Bài 5). Và nhà có trồng rất nhiều hoa, như bao nhà khác ở Nghi Tàm: Nàng ngồi đối diện với hoa ngàn. (Bài 7).

Có thời gian 13,14 tuổi Xuân Hương được cha gửi về Quỳnh Lưu, Hà Tĩnh. Thời gian này ứng với thời gian cụ Hồ Phi Diễn 80 tuổi. Theo phong tục ngày xưa, để mừng lễ thượng thọ 80 tuổi cho thầy, học trò lớn bé, đỗ đạt, thành danh chung góp công sức xây nhà mới cho thầy, do việc xây cất bề bộn Xuân Hương được gửi về quê cha, năm đó là năm 1783. Năm 1786 cha mất, thọ 83 tuổi. Hoàng giáp Hồ Sĩ Đống cũng mất trước đó một năm (1785) hưởng dương 46 tuổi.

Hồ Xuân Hương có nuôi đôi chim phượng hoàng đất, Nghệ Tĩnh gọi là Cái Cắng, có lẽ Xuân Hương mang từ chuyến đi Quỳnh Lưu về, trong văn bản Landes, Xuân Hương có bài Cái Cắng đánh nhau. Và Tốn Phong viết:
Biếc rụng cành ngô sân phượng múa.(Bài 6) Ngô đồng lá cũ mơ hồn phượng (Bài 17) Cành biếc vông gầy sân phượng đậu (Bài 27)

Chuyện tình Xuân Hương với Tốn Phong năm 1814. Xuân Hương đã yêu Tham Hiệp Yên Quảng và Tốn Phong chúc nàng: Xe loan mong sớm với người xa và đã biết tình duyên lỡ làng:Cầu Hoàng chuyện ấy xuân đành muộn. Và chàng thề không trở lại Thăng Long nữa nếu không làm nên công danh sự nghiệp: Đề trụ thề không bước trở vào.

Trong 31 bài thơ Tốn Phong 30 lần nhắc đến tên Mai, Hoa Mai, Hàn Mai, Phi Mai. 22 lần tên Nguyệt, 6 lần Cổ Nguyệt chiết tự họ Hồ và 31 lần chữ Xuân. Điều đó đưa ta đến kết luận Xuân Hương tên thật là Mai : Hồ Phi Mai, Hồ Thị Mai, hay Hồ Hàn Mai, Hồ Hoa Mai. Cha Xuân Hương là Hồ Phi Diễn truyền đến tên nàng là Hồ Phi Mai.

TS PHẠM TRỌNG CHÁNH