Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Bạn đọc > Nhàn đàm > Bàn luận phiếm về KITSCH

Bàn luận phiếm về KITSCH

Thứ Hai 20, Tháng Tám 2012

Trước khi chính thức theo dõi cuộc bàn luận phiếm về kitsch [1]của bộ tứ: Công chúng, Nghệ sĩ, Giám tuyển và Nhà phê bình, xin được dành vài dòng giải thích về cách xưng hô trong cuộc đối thoại này. Để đúng với tinh thần chuyện phiếm và để thể hiện mối quan hệ thân ái giữa các chiến hữu, các nhân vật của chúng ta sẽ gọi nhau theo tên gọi tắt và thân mật: Công chúng (CC) được gọi là Công, Nghệ sĩ (NS) được gọi là Nghệ, Giám tuyển (GT), được gọi tên thân mật là Dám [2], Nhà phê bình (NPB) được gọi là Phê. Không những vậy họ còn gọi nhau với tên gọi Đồng chí (đ/c). Mục đích của cuộc tranh luận này là các nhân vật chính cùng nhau chỉ ra những biểu hiện kitsch của nhau với tiêu chí “Tranh luận không nhất thiết để đồng thuận, chủ yếu “cho” – “nhận”, thống nhất quan điểm không ai giận” [3].

Đ/c Dám: Để bắt đầu đi vào bàn luận, xin mời đ/c Phê với tư cách là nhà phê bình đưa ra những nhận xét của mình về những biểu hiện kitsch trong phong cách sống ở Việt Nam nói chung?

Đ/c Phê: Ở Việt Nam, khái niệm kitsch có lẽ ít nhiều được biết đến nhưng chưa được phổ biến rộng rãi mặc dù sự hiện diện của kitsch được thể hiện khá rõ trong cuộc sống hàng ngày của người Việt Nam. Nước ta có truyền thống làm tượng thờ bằng gỗ, đất hoặc đá rồi có thể sơn son thếp vàng rất đẹp, nhưng trong nhiều chùa miền Bắc ngày nay lại mang những pho tượng khổng lồ bằng thạch cao trắng toát để giữa sân chùa, nghiễm nhiên mang ảnh hưởng của những chùa mới ở miền Nam, ở Đài Loan, đặt giữa cái trang nghiêm chùa chiền cổ kính miền Bắc. Kitsch là cách kết bóng đèn điện xanh đỏ tím vàng quanh đầu tượng Phật cổ kính, bấm nút một cái là nhấp nháy, lập loè. Nhiều chùa nạy gạch nung lâu đời lát thềm, để thay thế vào bằng thứ “cẩm thạch” Đài Loan, coi thế là sang, là thời thượng, mát mẻ, thực ra là kitsch. Kitsch thể hiện ở sở thích dùng “đồ hiệu” như: quần áo hiệu Burberry, Louis Vuitton, Marc Jacobs… hay nước hoa Chanel, Dior, Boss… đi xe máy SH, SYM… nhưng lại là “made in China”. Kitsch là sở thích chụp ảnh cưới, ảnh chân dung nghệ thuật với phong cảnh với các hiệu ứng của “photoshop”. Liên quan đến đám cưới, kitsch còn thể hiện ở những biểu tượng trang trí kiểu đôi chim chụm đầu vào nhau, tung cánh bay lượn hay những biểu tượng rườm rà mang tính chất biểu tượng hạnh phúc trên phông nền đám cưới. Kitsch thể hiện ở những phụ nữ thích đeo vàng giả Mỹ kí, nhẫn ngọc giả đầy tay, túi, váy, áo sáng choé, lấp lánh hạt cườm. Hay kitsch còn thể hiện ở việc đánh son phấn, mặc quần áo diêm dúa không hợp tuổi cho trẻ con khi chúng tham gia các sự kiện quan trọng hoặc khi được quay phim trong chương trình truyền hình… Trong âm nhạc kitsch là sở thích nghe những thể loại nhạc ca từ giai điệu dễ nghe, dễ nhớ, và xem những thể loại phim với nhân vật, cảnh quay đẹp nhưng nội dung sáo rỗng, ủy mị. Ngoài ra biểu hiện của kitsch cũng được thể hiện ở một số những khẩu hiệu, tranh, tượng cổ động được treo ở khắp nơi…

Đ/c Công: Theo như tôi hiểu, người hãnh tiến là người có năng lực kém nhưng lại cố ngoi lên để đạt danh vị cao, vượt quá khả năng của chính mình. Vậy những nghệ sĩ, hoặc những nhà phê bình tay ngang không được học bài bản, chính quy liệu có bị liệt vào kitsch hãnh tiến?

Đ/c Dám: Nên nhìn vào chất lượng công việc của họ để đánh giá họ có xứng đáng là nghệ sĩ và nhà phê bình. Nếu nghệ sĩ, nhà phê bình tay ngang có năng khiếu nghệ thuật, tự trau dồi cho mình kiến thức mỹ thuật và rèn luyện về kỹ thuật, cho ra đời những tác phẩm, những bài viết, các công trình nghiên cứu có chất lượng, trung thực, có hiệu quả và đóng góp được cho sự phát triển nghệ thuật thì họ còn xứng đáng hơn những nghệ sĩ, nhà phê bình chính quy mà không có đóng góp gì đáng kể. Đơn cử như trường hợp đ/c Nghệ với nghệ danh 3ttman Louis Lambert [4] cũng có học chính quy về hội hoạ đâu mà vẫn trở thành một trong những hoạ sĩ trẻ được yêu thích và đánh giá cao ở Châu Âu.
Quay trở lại vấn đề, xin đ/c Phê đưa ra nhận xét về biểu hiện kitsch thể hiện ở đ/c Công?

Đ/c Phê: Kitsch trong thẩm mỹ của đ/c Công thể hiện ở sở thích mua tranh chép bày bán ở các phố tranh như Hàng Hành, Lý Quốc Sư hay ở các gallery bờ Hồ. Việc treo tranh chép thật ra không có gì là xấu. Ngay cả ở châu Âu vẫn bán và vẫn có người mua tranh chép về treo [5], nhưng vấn đề ở đây là sự khác nhau về mục đích treo tranh. Đại đa phần ở ta không hiểu tại sao mình nên treo những bức tranh này và tranh này đẹp ở chỗ nào mà treo chỉ vì thấy thích mắt dễ hiểu, hoặc đơn giản chỉ là vì tranh này nổi tiếng, được báo chí ca ngợi, được nhiều người mua thì mình cũng mua để thể hiện rằng mình cũng có thẩm mỹ và theo kịp xu hướng thẩm mỹ của xã hội. Đại đa phần những bức tranh chép được ưa chuộng tại Việt Nam là tranh vẽ phong cảnh, chân dung hoặc một chủ đề nào đó không quá phức tạp để hiểu và phải nhìn là thấy đẹp ngay, không có nhu cầu đòi hỏi cao về chất lượng nghệ thuật, cứ thấy thích mắt là mua. Kitsch cũng thể hiện ở sở thích sưu tầm tranh của các hoạ sĩ nổi tiếng nhưng lại không muốn mua tranh với giá tương đương giá trị thực của tác phẩm mà chỉ với mục đích có chữ ký của hoạ sĩ nổi tiếng để làm sang. Các đ/c Công này đến đặt hàng các hoạ sĩ có tên tuổi vẽ tranh tác phẩm nhưng chỉ muốn trả giá như tranh thị trường. Nói tóm lại, việc đ/c Công hướng tới nghệ thuật kitsch là “mauvais goût”.

Đ/c Công: Tôi thấy quan điểm của đ/c Phê cho rằng việc chúng tôi hướng tới những sản phẩm kitsch chứng tỏ chúng tôi “mauvais goût” là không thuyết phục và mang tính chủ quan. Dưới con mắt của đ/c thì những tác phẩm này là “mauvais goût” thế nhưng chúng tôi lại thấy đẹp và hài lòng, không quan trọng việc tác phẩm là chép, giả hay muốn nội dung lố lăng, kệch kỡm, khó hiểu, cao siêu, đơn giản… thế nào cũng được, miễn là chúng tôi thích, thấy đẹp và những sản phẩm này phù hợp với túi tiền, với thẩm mỹ và phù hợp với nơi tôi định trưng bày. Có gì là quan trọng nếu tượng David của Michelangelo mà tôi trưng bày trong nhà không phải bằng đá hoa Carrare của Ý nhưng mà bằng đất sét thường! Cũng như việc nó không phải của Michelangelo mà của một nghệ nhân nào đó người Đài Loan, nó không cao 5 mét mà 1 mét 2, nó không ở truồng hẳn mà được che bằng lá nho, không ở một mình mà nằm giữa một bên là tượng Vénus de Milo và bên kia là tượng Vénus de Botticelli làm bằng nhựa tổng hợp!

Mọi người cười nhạo rằng thẩm mỹ của tôi là kitsch, là mauvais goût hay tất cả những tính từ mà mọi người thích. Điều này chẳng quan trọng gì vì tôi lại nghĩ là “mauvais gout” là những người không biết chơi nghệ thuật, cho dù là dưới hình thức nào, để tạo cho nơi sống của mình có một tâm hồn, một cá tính riêng phù hợp với điều kiện kinh tế và sở thích của mình. Mà cũng không nên quên rằng, nhờ thẩm mỹ kitsch của chúng tôi, vốn bị các đ/c cho là “mauvais gout”, mà đại đa phần các đ/c Nghệ trụ được trong khi chờ đợi bán được những tác phẩm nghệ thuật đích thực!. Chúng tôi cũng góp phần tôn vinh và làm giàu cho một số hoạ sĩ. Có thể chúng tôi nhầm, nhưng dù sao họ cũng là những nghệ sĩ đáp ứng được thị hiếu của đám đông. Kitsch là thế.

Đ/c Dám: Cảm ơn đ/c Công, xin đ/c Phê cho biết quan điểm của đ/c về những biểu hiện kitsch ở đ/c Nghệ là như thế nào?

Đ/c Phê: Kitsch đối với đ/c Nghệ – hoạ sĩ thể hiện ở việc làm tranh kém chất lượng nghệ thuật, sản xuất tranh với tốc độ chóng mặt, tranh vẽ không cần đầu tư nhiều thời gian và tâm huyết. Thể hiện ở việc bắt chước một cách máy móc phong cách, kỹ thuật của các hoạ sĩ bậc thầy hoặc của các hoạ sĩ nước ngoài, hoặc sao chép chính mình vì mục đích kinh tế. Nghệ sĩ kitsch theo nghĩa hãnh tiến là những người không hiểu bản chất của nghệ thuật sắp đặt (installation), nghệ thuật trình diễn (performance), nghệ thuật cơ thể (body art), (video art)… cũng như không nắm được nguyên tắc thực hiện các hình thức nghệ thuật đương đại này. Nói cách khác họ bỏ qua việc tìm hiểu các loại hình nghệ thuật này trước khi thực hiện. Họ chỉ lấy các ý tưởng độc nhất và lạ nhất để làm và nhiều khi không thực sự hiểu tại sao mình lại làm như vậy. Với những đ/c Công chưa từng được tiếp xúc với nghệ thuật đương đại thì thấy lạ, khó hiểu, không thích, hoặc không đồng tình nhưng không dám lên
tiếng vì sợ bị chê là thiếu hiểu biết, không bắt kịp xu hướng nghệ thuật của thời đại. Thế nhưng chắc họ không biết rằng, có khi chính những đ/c Nghệ này cũng không biết là mình đang làm gì, muốn thể hiện điều gì mà đơn giản chỉ là thể hiện những gì bản năng nhất! Sao chép không có gì là đáng lên án nếu biết biến nó thành cái của mình, thành câu chuyện của mình. Nếu chỉ sao chép một cách máy móc thì đích thực là một biểu hiện của kitsch.

Đ/c Nghệ: Đồng chí Phê đưa ra những nhận xét về kitsch của chúng tôi thì tôi cũng xin phép chỉ ra những biểu hiện kitsch hãnh tiến ở các đ/c. Thứ nhất điều này thể hiện ở việc các đ/c nghĩ rằng các đ/c du học nước ngoài (ở Đại học Sorbonne của Pháp về chẳng hạn) là các đ/c cho mình quyền phê phán, chỉ trích, dùng hệ quy chiếu của nước ngoài để phân tích phê bình mỹ thuật Việt Nam. Bài viết của các đ/c có mười câu thì tám câu rưỡi là trích dẫn, nếu không của đ/c Tây này thì lại là của đ/c Tàu kia. Trong khi cái chúng tôi cần là quan điểm, chính kiến của chính các đ/c. Chúng tôi cũng chờ đợi những góp ý cho chúng tôi về mặt chuyên môn, chỉ ra cho chúng tôi những mặt hạn chế và nếu như các đ/c uyên bác hơn nữa thì gợi mở cho chúng tôi những giải pháp trong hướng sáng tác. Các đ/c có tinh thông kim cổ, biết ba bốn ngoại ngữ, thông thái đến thế nào đi chăng nữa nhưng nếu các đ/c không đọc được tác phẩm của chúng tôi thì chúng tôi không thấy phục.

Về vấn đề chúng tôi làm tranh kitsch là bởi lý do không phải lúc nào cũng có các đ/c Công hiểu, thích và mua những tác phẩm tâm huyết của chúng tôi. Trong khi đó, chúng tôi không phải chỉ đơn thuần ngồi vẽ ra tiền và cứ thế sống. Nghệ sĩ đại đa phần như người đi câu, có lúc bán được tác phẩm mấy nghìn đô, nhưng có lúc cả mấy tháng chẳng bán được tác phẩm nào? Nếu không lấy ngắn nuôi dài, làm tranh kitsch để bán trong thời gian chờ bán tác phẩm thì chúng tôi sống bằng gì? Hơn nữa đại đa phần giới Nghệ chúng tôi chỉ là nghệ sĩ quèn, không phải ai cũng có tiềm lực kinh tế và có những mối quan hệ rộng với giới báo chí để nay được viết bài giới thiệu tác phẩm mai lại được ca ngợi tài năng, củng cố thêm chức danh Nghệ để làm “PR”. Chúng tôi cũng chẳng kiếm đâu ra được tài trợ về kinh tế và địa điểm để làm mấy loại hình nghệ thuật mới thu hút các đ/c Công đến xem rồi nhân thể bán tranh luôn!

Đ/c Phê: Thế các đ/c muốn chúng tôi phải biết vẽ như các đ/c, chẳng hoá ra chúng tôi vừa đá bóng vừa thổi còi? Mà các đ/c muốn chúng tôi vẽ được đến như thế nào để các đ/c tâm phục khẩu phục?

Đ/c Nghệ: Vấn đề ở chỗ các đ/c không biết vẽ nhưng lại thích dùng lý thuyết để diễn giải hoặc dùng trí tưởng tượng vốn dĩ đã phong phú để gán cho chúng tôi những ý tưởng này ý tưởng kia mà chính chúng tôi còn không biết! Các đ/c dựa vào ý tưởng để nhận xét giá trị tác phẩm thế nếu chúng tôi vẽ trừu tượng thì các đồng chí dựa vào đâu để đánh giá tác phẩm nếu không phải là kỹ thuật và tính biểu hiện của tác phẩm? Trong khi đó các đ/c đại đa phần không nắm rõ được chất liệu, kỹ thuật sáng tác. Tranh tôi vẽ con hổ đen thì đ/c lại bảo là con báo, tượng tôi bằng đồng thì các đ/c lại bảo là chất liệu sắt tổng hợp, tôi cố tình vẽ người thiếu cân đối thì đ/c nhận xét “hình hoạ yếu”…! Các đ/c thiếu kiến thức về chuyên môn, nói theo sách vở lý thuyết thuần túy. Chê chúng tôi vẽ chưa tới, vẽ yếu, “mauvais goût” nhưng nếu các đ/c được yêu cầu chỉ ra cụ thể vẽ chưa tới hay vẽ yếu là như thế nào, phải khắc phục như thế nào thì các đ/c lại im thin thít. Chưa hết, chúng tôi cũng dị ứng với kiểu dùng từ đại ngôn hoặc những từ Hán Việt, những từ lai ghép tiếng nước ngoài hay cách diễn giải dài dòng, lan man ra vẻ cao siêu trong các bài viết mang tính chất học thuật của các đ/c. Nói tóm lại, chúng tôi đòi hỏi các đồng chí biết vẽ là muốn các đồng chí phải nắm được bếp núc nghề nghiệp của chúng tôi chứ không nhất thiết phải vẽ giỏi. Nếu không, chẳng hoá ra các đồng chí phân tích, phê bình tác phẩm của chúng tôi theo kiểu thày bói xem voi?.

Đ/c Dám: Đề nghị đồng chí Nghệ bớt nóng nảy, chúng ta cố gắng nên bàn luận trong hoà thuận và tránh độc thoại. Chúng ta còn có thể bàn luận và mở rộng thêm nhiều vấn đề hơn nữa nhưng do hạn chế về thời gian nên có lẽ hẹn một dịp khác chúng ta sẽ tiếp tục gặp gỡ và trao đổi kĩ hơn về đề tài này.

Đ/c Công: Tôi thiết nghĩ chủ đề bàn luận này chỉ là cái cớ để các chiến hữu chúng ta giải toả những mối bất hoà, những hiểu lầm từ trước tới nay và một lý do hết sức quan trọng nữa là nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, để kết thúc cuộc tranh luận hôm nay một cách có ý nghĩa, chúng ta cùng đưa ra giải pháp làm thế nào để nền Mỹ thuật Việt Nam có vị trí xứng đáng hơn trong bản đồ Nghệ thuật thế giới. Xin được nghe ý kiến của đ/c Phê.

Đ/c Phê: Giải pháp trước tiên phụ thuộc vào đ/c Công yêu nghệ thuật và có điều kiện kinh tế. Những đóng góp đối với sự phát triển của Mỹ thuật thể hiện ở vai trò Mạnh Thường Quân cho các đ/c Nghệ có thực lực và tài năng có cơ hội để thực hiện triển lãm, để quảng bá tác phẩm của họ đến với rộng rãi các đ/c Công khác. Các đ/c là những người đóng góp lớn nhất vào sự phát triển của Nghệ thuật bởi không thể thúc đẩy nghệ thuật nếu không có các nhà sưu tập. Chẳng phải là nếu không có giới quý tộc bên Ý thì đã không có Mỹ thuật Phục hưng? Nếu không có tầng lớp tiểu tư sản, dân giàu mới nổi ở thế kỷ XIX thì đã không có Nghệ thuật kitsch ra đời? Còn nhớ bác Nguyễn Văn Lâm được giới Nghệ biết đến rộng rãi với Cà-phê Lâm, với cặp mắt lèm nhèm mà rất bén nhậy, quý Nghệ, pha cà-phê ngon, làm trứng gà ốp-lết tuyệt hảo và còn hơn người ở chỗ không lấy tiền cho các hoạ sĩ thời còn đói khổ, bù lại các hoạ sĩ tặng lại không biết bao nhiêu tranh, đến bây giờ khi các hoạ sĩ nghèo vô danh thời đó được vinh danh mới thấy giá trị vai trò Mạnh Thường Quân của bác!

Đ/c Nghệ: Nhân đây tôi xin góp ý với đ/c Phê, để thực sự giúp giới Nghệ chúng tôi, thiết nghĩ đ/c Phê phải là người chí công vô tư tách bạch giữa tình cảm và công việc: Quý người nhưng tác phẩm chưa đạt thì vẫn phải chỉ ra những yếu điểm, ghét người nhưng nếu người ta có tài năng thì đừng vùi dập. Cần tách bạch rõ ràng bài viết có giá trị học thuật mang tính trung thực đóng góp vào sự phát triển của mỹ thuật nói chung với những bài viết tán dương hoặc vùi dập với mục đích kinh tế và cảm tính cá nhân. Đ/c Phê với lợi thế kiến thức rộng và trình độ ngoại ngữ cũng nên viết những bài viết giúp ích cho tư duy sáng tác của giới Nghệ chúng tôi như việc phân tích những tác phẩm, trường phái nghệ thuật mới trên thế giới, những bài viết luận về những chủ đề mỹ học triết học… Ngoài ra đ/c còn giữ vai trò trung gian giữa giới Nghệ chúng tôi với các đ/c Công, đưa những thông tin về chúng tôi đến với các đ/c Công để hiểu thông điệp và tác phẩm của chúng tôi hơn. Bây giờ xin được nghe những góp ý của đ/c Phê.

Đ/c Phê: Đối với đ/c Nghệ, người xưa có câu dục tốc bất đạt. Người thành công là người có lòng kiên nhẫn lớn. Càng muốn nhanh nổi tiếng càng dễ sa lầy vào những ý tưởng sao chép, nông cạn, nghèo về ý tưởng đi theo xu hướng kitsch. Cũng đừng ngại cuộc sống vất vả mưu sinh, vì hiếm có nghệ sĩ nào có những tác phẩm để đời mà lại sống sung túc. Càng trong những hoàn cảnh khó khăn người ta càng nảy sinh những ý tưởng độc đáo và những thăng hoa trong nghệ thuật. Bên cạnh việc rèn luyện kỹ thuật là sự trau dồi về kiến thức, tri thức giúp ích cho việc sáng tác. Không thể chỉ ngồi lì ở trong nhà, tay cầm bút và đối diện với “toile” là ra ý tưởng. Cái mà Công chúng muốn tìm thấy trong các tác phẩm nghệ thuật là sự đồng cảm, cái tôi, tính độc đáo và bản sắc của mỗi nghệ sĩ. Vậy các nghệ sĩ hãy kể những câu chuyện của mình, những thông điệp của mình. Giá trị vĩnh cửu là tính chân thực của tác phẩm mà có thể thời đại hôm nay chưa được nhận ra nhưng sẽ được vinh danh ở thời đại sau nó.

Đ/c Công: Theo thiển ý của tôi, yếu tố thành công là sự tự tin, các đ/c Nghệ, Phê sao không thử liều lĩnh và ngạo mạn nghĩ rằng tại sao mình phải noi theo giới Nghệ và Phê của Tây hay Tàu? Tại sao Việt Nam lại không thể là “avant-garde” trong Mỹ thuật? Nếu có tài năng và kiến thức thực thì muốn là có thể. Tôi cũng xin nói thêm là cuộc sống vốn dĩ đã phức tạp “hoà thuận là Nhận”, “trong ấm thì ngoài mới êm”, những người trong giới Mỹ thuật các đ/c không hợp tác với nhau hết mình thì làm sao mà Công chúng chúng tôi hợp tác cùng được. Mà tất cả chúng ta hợp tác được với nhau thì mới mong làm nên điều gì đó cho mỹ thuật Việt Nam.

Đ/c Dám: Xin cảm ơn những chia sẻ tuy mang hơi hướng kitsch của đ/c Công nhưng tôi hoàn toàn nhất trí và xin cảm ơn tất cả các đ/c. Để kết thúc cuộc tranh luận hôm nay tôi xin có vài lời như sau: tuy rằng chúng ta chưa thực sự làm nổi bật chủ đề đưa ra và đại đa phần rơi vào độc thoại hoặc đưa ra những quan điểm lan man. Tuy nhiên thông qua cuộc tranh luận phiếm này tôi hi vọng chúng ta sẽ mở ra nhiều cuộc trao đổi trong tương lai để hiểu nhau hơn, cùng rút ra những giải pháp để cùng khắc phục và hoàn thiện những mặt hạn chế. Vai trò của mỗi chiến hữu chúng ta: Công, Nghệ, Dám, Phê là không thể thiếu cho sự phát triển của Mỹ thuật Việt Nam. Nói một cách kitsch, một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao, chúng ta hãy cùng đồng tâm hiệp lực để thúc đẩy sự phát triển và đưa Mỹ thuật Việt Nam lên ngang tầm với mỹ thuật nói riêng và nghệ thuật nói chung trên thế giới. Nhân tiện, Dám tôi cũng xin thay mặt các chiến hữu Công, Nghệ, Phê xin cảm ơn tất cả những người quan tâm đến cuộc tranh luận của chúng tôi, chắc chắn chúng tôi không tránh khỏi những quan điểm thiên về chủ quan và thiếu sót, hi vọng nhận được những quan điểm bổ sung của quý vị. Thay cho lời kết xin nhắc lại một lần nữa tiêu chí tranh luận của chúng tôi “Tranh luận không nhất thiết để đồng thuận, chủ yếu cho – nhận, thống nhất quan điểm không ai giận”.

Xin chào và hẹn gặp lại lần tới!

Phạm Diệu Hương (SOI)


[1Khái quát định nghĩa:

  • Kitsch (danh từ): Đối tượng/phong cách/tác phẩm nghệ thuật có xu hướng “mauvais goût”, giả nghệ thuật, hình thành dựa vào việc sử dụng một cách cực đoan những yếu tố lỗi thời, loè loẹt, cường điệu. Phong cách và thói quen thẩm mỹ đặc trưng qua việc sử dụng một cách hỗn tạp những yếu tố lỗi mốt hoặc bình dân.
  • Kitsch (tính từ): giả mạo, sao chép, kỳ cục, lỗi thời, vô vị, sáo rỗng, khoa trương, loè loẹt, hỗn tạp, cường điệu thái quá.

[2Trong cuộc tranh luận này, Giám tuyển là người đóng vai trò trung gian chịu trách nhiệm đưa ra những câu hỏi, dẫn dắt cuộc nói chuyện hoặc trong trường hợp cuộc tranh luận trở nên gay gắt, bất đồng, lạc đề… hoặc tùy vào những hoàn cảnh cụ thể, đ/c Dám có thể đưa ra những quan điểm, bình luận của mình.

[3Phỏng theo tiêu đề “Tranh luận để đồng thuận”. Nhiều tác giả. Tuyển chọn các bài viết góp ý kiến cho Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng X, Nxb Tri thức Tạp chí tin học & đời sống.

[4Louis Lambert, hoạ sĩ Hậu graffitis đã từng thực hiện một tác phẩm tranh tường tại trường ĐHMTVN trong khuôn khổ trao đổi văn hoá giữa đại sứ quán Tây Ban Nha và Việt Nam vào tháng 12 vừa qua. Tham khảo Phạm Diệu Hương (2009), “Post – graffiti, Louis Lambert và dự án tranh tường tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam”, Tạp chí Mỹ thuật số 4(32).

[5Tuy nhiên số lượng người thích treo tranh giả ở châu Âu không nhiều. Chẳng hạn như ở Pháp tranh giả chủ yếu được bán cho khách du lịch ở những kiốt bán tranh ảnh lưu niệm dọc bên bờ sông Seine ở Paris hoặc ở các bảo tàng nơi bày bán sách triển lãm và đồ lưu niệm về các hoạ sĩ. Hơn nữa tranh giả được bán dưới hình thức tranh in chứ không phải chép bằng tay như ở Việt Nam.