"Khó nhất là phải làm những gì mình không thích"

Là một phụ nữ được đánh giá là sắc sảo, cá tính, nhưng Phan Huyền Thư lại rất điềm tĩnh trong mọi mối quan hệ, giao tiếp. Chưa bao giờ chị muốn chứng tỏ với mọi người cái tôi của mình. Có lẽ vì thế mà với bất cứ công việc nào, chị cũng đạt được kết quả đáng ngưỡng mộ.

Với nghề báo, chị là một cây bút khá quen thuộc trong những năm 90 của thế kỷ trước. Với nghề viết văn, làm thơ, chỉ với hai tập thơ Nằm nghiêng và Rỗng ngực chị trở thành hội viên trẻ của Hội nhà văn Việt Nam kiêm Ủy viên Ban Văn trẻ.

Với nghề biên kịch, 6/8 tác phẩm của chị đoạt giải Cánh diều vàng, Cánh diều bạc và giải thưởng Ban giám khảo Liên hoan phim 13. Với nghề viết kịch bản và đạo diễn cũng vậy, rất nhiều phim của chị đoạt giải Cánh diều bạc và giải Báo chí quốc gia.

Chị còn là tác giả của nhiều format và sản xuất trực tiếp các chương trình truyền thông mang ý nghĩa văn hoá, chính trị: ASEAN Charming; Hồ sơ văn hoá Việt; Một phút có trong sự thật; Chân dung cuộc sống; Vietnam Welcome to ATF; Vietnam looking to a Bright future (Bộ Ngoại giao đặt hàng với phụ đề bảy thứ tiếng để quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới)...

Hiện Phan Huyền Thư là đạo diễn hãng phimTài liệu khoa học Trung ương, thành viên Hiệp hội Nữ đạo diễn thế giới, Hội viên Hiệp hội điện ảnh trực tiếp thế giới.

Thật ngẫu nhiên, câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ chương trình Sao mai Điểm hẹn, chị cho biết: “Khi có lời mời làm chương trình này, tôi suy nghĩ rất nhiều vì mình mới sinh con được hơn một tháng. Lý do quan trọng nhất khiến tôi nhận lời là bởi vì Sao mai Điểm hẹn đang gặp rất nhiều khó khăn do có quá nhiều chương trình cạnh tranh. Tôi luôn muốn làm điều gì đó mà cảm thấy khó khăn, thích thú và phải vượt qua chính mình”.

  • Nhưng điều ngạc nhiên hơn cả không phải ở chỗ chị nhận làm cho một chương trình đang gặp khó khăn, mà là chuyên môn của chị có vẻ chẳng liên quan gì đến vai trò thành viên Hội đồng nghệ thuật, thế nhưng những nhận xét của chị luôn giản dị, xác đáng và dễ tiếp thu đối với cả thí sinh lẫn người xem...

- Có thể nhiều người khác chỉ biết đến tôi qua những bài báo, bài thơ, bộ phim nào đó... sau này. Tôi được sống trong môi trường âm nhạc từ nhỏ (cha là nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, mẹ là NSND Thanh Hoa - PV).

Hồi 5 tuổi, tôi đã được bố mẹ dồn tiền sắm cho một cây violon để tập; lớn hơn chút nữa tôi vào học ở Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ở đó, tôi học đàn bầu, vì gia đình không đủ điều kiện để mua một cái đàn violon lớn hơn cho phù hợp với lứa tuổi.

Nhưng rồi, sau đó bác Quang Thọ (NSND Quang Thọ) lại “lôi” tôi sang học thanh nhạc. Tôi đã cùng mẹ đi biểu diễn ở rất nhiều nơi, nhưng thời đó, chủ yếu là đi phục vụ chứ không có những show diễn lớn như bây giờ, truyền thông cũng không phát triển như hiện nay.

Mẹ tôi cũng đã rất hy vọng có người nối nghiệp, bởi khán giả hồi đó, nhiều người không phân biệt được đâu là Thanh Hoa, đâu là Phan Huyền Thư vì chúng tôi có vóc dáng giống nhau, khuôn mặt giống nhau và giọng hát cũng giống nhau...

  • Vậy tại sao sau khi tốt nghiệp Nhạc viện, chị lại “rẽ ngang” đi học Tổng hợp Văn? Phải chăng do lo sợ sức ép từ ánh hào quang của cha mẹ?

- Không, tôi tự cho mình là người có suy nghĩ già trước tuổi. Thời bao cấp cuộc sống rất khó khăn khổ sở, nếu để có một cuộc sống dễ dàng thì hoàn toàn có thể chọn việc làm ca sĩ.

Bản thân tôi nhìn thấy một điều khác, đó là điều kiện chính trị, xã hội, kinh tế chưa cho phép người Việt thưởng thức nghệ thuật. Món ăn tinh thần lúc đó chưa quan trọng bằng miếng ăn thực.

Đôi khi, người ta đến nghe mình hát chỉ vì sau đó sẽ có hội nghị, mít tinh... và quan trọng là liên hoan. Cái thời của các ca sĩ như mẹ tôi là như thế, biểu diễn mang tính chất phục vụ là chính.

Tất cả những điều đó, không hiểu sao cứ ám ảnh tôi. Nhưng cũng do có cơ hội đi biểu diễn nhiều, khắp trong Nam ngoài Bắc nên những trải nghiệm về cuộc sống như thế giúp tôi rất nhiều sau này, trong tư duy làm phim, viết văn, viết báo, làm thơ...

  • Cuộc đời sau trang sách - một bộ phim tài liệu hiếm hoi có độ dài 52 phút (thường chỉ từ 20-35 phút - PV) của chị vừa đoạt giải C giải Báo chí quốc gia. Có gì đặc biệt để hãng phim cho phép sản xuất một bộ phim có độ dài đến thế?

- Bộ phim có nội dung cực kỳ đơn giản, nói về thân phận của những con người do số phận nên có hình hài không giống người bình thường, nhưng bù lại, họ có ý chí học tập và vươn lên mãnh liệt khiến cuộc sống của họ trở nên có ý nghĩa hơn.

Bộ phim bắt đầu từ thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký - thầy đã thắp lên ngọn lửa về nghị lực cho bao thế hệ. Sau đó là Sơn Lâm - một thanh niên bị di chứng chất độc da cam, chỉ cao có 90cm và bị liệt hai chân.

Tốt nghiệp hai trường đại học và hiện là giám đốc của một trung tâm đào tạo kỹ năng cho sinh viên, Sơn Lâm vừa thực hiện được ước mơ chinh phục đỉnh Fansipan.

Nhờ tấm gương của thầy Ký mà em Nguyễn Minh Trí, học sinh lớp 11 ở Thạnh Mỹ Tây (An Giang), không có tay, mọi sinh hoạt và học tập đều làm bằng chân, vẫn trở thành con ngoan trò giỏi, trở thành niềm tự hào của cả vùng quê nghèo mênh mang sông nước.

Bạn Trần Thị Trà My, một cô gái phơi nhiễm dioxin bị liệt toàn thân và đã có mười năm viết sách, được giải Văn học tuổi 20 với tập truyện Ước mơ đôi chân thiên thần. Cô gái nằm liệt suốt ba mươi năm viết những vần thơ bằng cách ngậm bút vào miệng, có hơn ba trăm bài thơ chan chứa tình người với những câu chuyện vô cùng nhân văn, cảm động...

  • Chị có cho là phim được giải vì có ý nghĩa giáo dục?

- Việc gửi phim đi dự giải là do hãng phim, còn việc quyết định chọn và trao giải là của ban tổ chức. Còn tôi, khi làm phim, tôi tránh những thứ giáo điều, chỉ muốn đưa những thân phận ấy lên phim để người xem không chỉ thấy được mà còn trải nghiệm hoàn cảnh, những cố gắng và khát vọng của họ trong học tập, từ đó rút ra điều gì đó cho riêng mình.

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, điện ảnh thường được chia ra làm hai loại. Loại giải trí dành cho những người muốn xem phim để giải toả áp lực bản thân, không cần phải nghĩ ngợi gì.

Loại thứ hai khi xem xong, người ta sẽ biết mình nên làm cái gì, sống như thế nào. Tôi chọn cách thứ hai. Phim của tôi luôn mang cho người xem cái cớ, lý do để suy nghĩ tiếp, chọn một cách ứng xử và hành động.

Nhiều người nói rằng tôi hay chọn đề tài lấy nước mắt của người khác, nhưng thực ra tôi không định lấy nước mắt của ai cả. Chỉ vì hiện nay, nhiều người chọn cuộc sống nhanh quá, ít ai muốn đi chậm lại, nghĩ ngợi một chút.

  • Và vì muốn mọi người “đi chậm lại, nghĩ ngợi một chút” nên chị làm phim Nguoitoicuumang.com - trong đó chị cũng là một thành viên tích cực? Chị có thể nói rõ hơn về cộng đồng cư dân mạng làm từ thiện này được không?

- Người tôi cưu mang là một tổ chức thiện nguyện được thành lập năm 2006, do các thành viên hoạt động bằng nickname trên mạng.

Tôi là một trong số đó, chúng tôi đề ra phương cách hoạt động từ thiện sao cho có hiệu quả nhất để giúp đỡ người nghèo, chẳng hạn như “Nồi cháo từ thiện” tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... hoặc “Quán cơm 2.000 đồng” để giúp đỡ sinh viên và dân lao động các tỉnh về các thành phố lớn mưu sinh...

Hằng năm chúng tôi liên tục tổ chức những chuyến đi hỗ trợ người nghèo ở các vùng sâu, vùng xa... với số tiền dành cho chăn màn, quần áo, thuốc men, sách vở lên tới gần chục tỷ đồng... Sau sáu năm hoạt động, chúng tôi đã có hàng ngàn thành viên trên khắp mọi miền đất nước.

  • Những phim của chị gây ấn tượng với người xem, do vậy, dù muốn hay không, chúng cũng mang thông điệp về giáo dục nhân cách. Vậy tại sao những bộ phim ấy không được ra rạp để đến với đông đảo công chúng?

- Tôi cũng không biết tại sao. Vấn đề là những phim ấy dù được giải nọ giải kia hoặc được mang đi chiếu ở rất nhiều nơi, nhưng ở trong nước, nếu được Đài Truyền hình Việt Nam phát là may mắn lắm rồi, phát xong lại cất đi chứ chẳng chiếu ở đâu cả.

Nếu như ngày xưa, được mang đi chiếu ở khắp nơi thì không những sẽ thu hồi được vốn cho Nhà nước mà bản thân hãng cũng được lợi. Có thể vì lý do gì khác, chứ chất lượng phim của hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương không hề kém. P

him truyện thì dù có dở thế nào cũng ra rạp được. Thật tiếc, vì phim tài liệu có sức “công phá” riêng, chẳng hạn Chuyện tử tế hay Hà Nội trong mắt ai của chú Trần Văn Thủy, hàng chục năm sau người ta vẫn còn ấn tượng...

  • Do vậy, có lẽ chăng, để an toàn, người ta không cho ra rạp nữa?

- Tôi không nói như thế. Cũng còn phải xem cơ chế phát hành phim của chúng ta hiện nay ra sao.

Hoặc cũng có thể, những người làm công tác phát hành phim vẫn chưa đánh giá được sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của người xem bây giờ, nên chỉ thích nhập và chiếu những bộ phim giải trí “bom tấn” của nước ngoài với những diễn viên xinh đẹp, mà quên mất mảng phim rất đời sống và tâm trạng này.

Mười bộ phim nhợt nhạt phát lên không sao, nhưng chỉ một bộ phim tài liệu có ý tưởng khác lạ được ra rạp là không thể kiểm soát nữa, cũng như một cuốn sách, nếu để phát hành rồi thì sau đó dù bị thu hồi cũng không kịp nữa.

  • Lý giải này dường như không ổn, vì một bộ phim được sản xuất ra đã phải qua khâu kiểm duyệt rồi?

- Đúng, khi duyệt kịch bản cũng đã bị gọt tỉa rồi. Nhưng trong quá trình làm, không thể nói là sẽ giống y kịch bản được. Phim tài liệu nếu không có vấn đề, không gai góc thì không ai xem.

Mà khi vấn đề đã được đặt ra với đông đảo công chúng thì sự suy diễn ở mỗi người mỗi khác, không ai có thể kiểm soát được. Nói chung, những phim mang vấn đề gai góc mà mọi người muốn xem thì rất khó có thể
được phổ cập...

Có thể nói, các phim do những người làm điện ảnh thực sự tài năng, có cá tính như các chú Lê Mạnh Thích, Trần Văn Thủy, Đào Trọng Khánh, Phùng Ty, Lâm Quang Ngọc... làm ra là dòng phim tác giả. Họ chọn cách làm phim để nói về “quan điểm của tôi”, “cách sống của tôi”, “cách nhìn của tôi” đối với xã hội.

Phim tài liệu mà không đưa ra quan điểm của người làm phim thì chỉ là những bộ phim na ná nhau, nhợt nhạt, giáo điều và cổ lỗ. Chỉ cần trong đám đông ấy có một vài cá tính thôi, trở thành tác giả thì chúng có thể soi chiếu rất nhiều thứ trong xã hội. Một mình Michael Moore (Mỹ) không chỉ làm cho Nhà Trắng mà còn khiến các đảng phái chính trị ở Mỹ phải run sợ.

Thế nên có thể nói, nếu phim tài liệu có cá tính, có quan điểm của người làm phim rõ ràng thì đó cũng là làm chính trị, chữ “chính trị” ở đây được thể hiện thông qua cuộc sống thực tế, chứ không có lý luận, không có kêu gọi, bình luận... Chúng tôi vẫn thường nói với nhau, làm phim tài liệu là làm sao khi ta soi một giọt nước biển lên mà thấy cả đại dương.

  • Có lúc nào chị cảm thấy nản với công việc vì những khó khăn trong khâu duyệt kịch bản, làm phim... hay khi những bộ phim mình dồn hết tâm huyết vào không đến được với công chúng?

- Điều khó nhất đối với tôi là phải làm những việc mình không thích. Còn những việc mà tôi yêu thì chẳng thấy có gì khó khăn cả. Khi tôi làm phim Cuộc đời sau trang sách là lúc đang có bầu, “chửa vượt mặt”, đến tận Đồng bằng sông Cửu Long để quay phim...

Hay giữa mùa hè khắc nghiệt, ra đảo Lý Sơn nằm mưa tắm gió nhưng chẳng hề thấy khổ sở, ngược lại còn thấy vô cùng hứng thú với những gì mình đang làm. Áp lực lớn nhất là tôi luôn hồi hộp, không biết có được như ý không.

Thực ra, phim nào cũng vậy, khi hoàn thành xong rồi, xem lại, tôi vẫn cảm thấy tiếc lắm. Phim Cha mẹ xin lỗi con được 25 trường đại học ở Bắc Mỹ chiếu và rất nhiều tạp chí ở Mỹ đã phê bình, cả “My country” - một chương trình đặc biệt của BBC cũng phát phim này trên toàn thế giới (cả phim Quyền được học), thế nhưng bây giờ xem lại, tôi vẫn muốn được tháo ra, dựng lại, chỉnh sửa.

  • Trong tất cả những công việc chị từng làm: Hát, làm báo, làm thơ, làm phim, MC, viết văn..., hẳn phải có công việc chị thích nhất?

- Nếu phải chọn, tôi thấy rất khó. Tôi nghĩ mình là người may mắn bởi vì nếu một người cực đoan như tôi mà chỉ biết một nghề thì đôi khi sẽ đi vào con đường bế tắc.

Tôi may mắn bởi đã có giai đoạn khá thành công cùng thi ca với hai tập thơ và trở thành hội viên trẻ của Hội Nhà văn, khi ấy tôi chưa khẳng định được mình ở điện ảnh, vì thời gian đầu chỉ làm biên kịch. Sau đó tôi gặp bế tắc trong sáng tác và cảm thấy không thể mãi như thế này nên tốt nhất là dừng lại một thời gian để tìm ra một cái gì mới.

Đúng lúc đó, tôi có cơ hội “lao” vào điện ảnh và tìm thấy mình ở trong đó. Chỉ trong bốn năm, tôi làm được sáu, bảy bộ phim và đều cảm thấy hài lòng, hoàn toàn không phải vì chúng được giải thưởng, mà có phần cảm thấy mình được giải toả, thoả mãn khát khao sáng tác.

Và đến giờ phút này tôi lại muốn tạm dừng sáng tác trong lĩnh vực điện ảnh, vì qua bộ phim mới nhất tôi cảm thấy mình không làm được điều gì bứt phá nữa. Nếu ai từng để ý những bộ phim của tôi thì sẽ thấy mỗi phim là một câu chuyện - vẫn những câu chuyện từ thực tế ấy - nhưng được làm rất khác nhau...

Tự mình lại thấy mình cũ mất rồi. Nên thời điểm này, tôi đang muốn dừng lại để viết, trả hết cái nợ văn chương.

  • Món nợ ấy có lớn không?

- Món nợ văn chương lớn nhất mà tôi chưa thể trả được lúc này, dù luôn luôn nhìn thấy ở trước mặt, đó là một bộ tiểu thuyết gần như tự truyện đời mình, nhưng sẽ phải tạo ra một nhân vật khác.

Qua thân phận của một gia đình, những câu chuyện về dòng họ, gia phong, sự nghiệp..., người ta sẽ hình dung được cả bối cảnh lịch sử, xã hội đầy biến động của đất nước trong khoảng thời gian ít nhất là một trăm năm.

Tôi không phải thuộc “típ” người làm thơ lãng mạn, tán tỉnh, ngợi ca, do vậy tiểu thuyết của tôi chắc chắn không phải là tiểu thuyết tình cảm. Tư duy văn chương ấy không có trong tôi.

Còn món nợ phải trả bây giờ là thơ. Từ Nằm nghiêng đến Rỗng ngực đã là khác nhau rồi. Nhưng tôi vẫn thấy mình cũ đi và không làm được gì mới. Tập thơ sắp tới, tôi muốn trở lại văn đàn với một tâm thế mới, một “khuôn mặt” mới với cái tên Sẹo độc lập.

  • Trong quá trình làm phim, chị vẫn làm thơ đấy thôi.

- Chắc chị thấy bài Sẹo độc lập có trên mạng? Đúng vậy, bốn, năm năm nay, tôi không ra một tập thơ nào... nhưng vẫn không thể bỏ được.

  • Tại sao chị lại chọn cái tên khá đặc biệt như vậy?

- Tôi viết bài này đúng ngày sinh nhật mình. Bài thơ viết: “Ngày 19 tháng 2 năm Nhâm Tý / Tôi được độc lập với mẹ bằng sợi dây rốn”.

Vết sẹo đầu tiên của con người chính là cái rốn. Để được độc lập thì dứt khoát phải có sẹo... Tập thơ đó khoảng 20-30 bài và một trường ca. Thực ra từ lâu tôi đã ấp ủ trường ca về Trường Sa.

Năm ngoái tôi ra Trường Sa làm hai phim và tôi thấy rất đau - vì những câu chuyện tưởng như rất nhỏ bé của những người trên đảo đang ngày đêm giữ chủ quyền của Việt Nam - nên những ý tưởng của trường ca càng đậm nét trong tôi.

  • Đó là phim gì và do cơ quan nào đặt hàng, thưa chị?

- Phim do Viettel đầu tư thực hiện để khẳng định được vai trò của mạng viễn thông ở biển đảo, khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Nhân chuyến đi đó, tôi làm một phim nữa - Câu chuyện nhỏ trên mặt biển lớn.

Phim này chưa được chiếu ở đâu và trên nguyên tắc phải được Cục Điện ảnh thông qua mới được công chiếu, phát hành rộng rãi. Tôi làm phim như chỉ để cho chính mình thôi, biết đâu, đến một lúc nào đó sẽ được kể lại những câu chuyện vô cùng nhỏ bé giữa những người lính đảo với người thân của họ ở trên bờ...

  • Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

KIM ANH/DNSG cuối tuần