Trang nhà > Gia đình > Nuôi dưỡng > Nhà sản xuất bột nêm ở Việt Nam thừa nhận sự thật
Nhà sản xuất bột nêm ở Việt Nam thừa nhận sự thật
Thứ Ba 28, Tháng Tám 2012
(Bảo vệ người tiêu dùng) - Dù quảng cáo ‘nổ tung’ là bột nêm được chiết xuất từ thịt và xương, nhưng thực tế thành phần này chỉ chiếm tỉ lệ không quá 2%, 98% còn lại là chất điều vị và thành phần khác. Nhà sản xuất cũng thừa nhận, bột nêm chỉ là gia vị, không cung cấp chất dinh dưỡng
Doanh nghiệp quảng cáo quá đà
Hàng loạt quảng cáo hấp dẫn bột nêm “ngon từ thịt, ngọt từ xương”, “chiết xuất thịt thăn, xương ống và tủy”… đang khiến các bà nội trợ lựa chọn đây là gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày, thậm chí dùng thay xương và thịt để nấu bột, cháo cho con.
Bột nêm Knorr với quảng cáo làm từ thịt thăn, xương ống và tủy, nhưng thực chất thành phần này chỉ chiếm tỉ lệ 2%
Trên thị trường hiện nay phổ biến một số loại bột nêm như Knorr, Maggi, Aji-ngon, Miwon, Vedan, Chinsu... các sản phẩm này đang dần chiếm thị phần của mì chính (bột ngọt).
Tuy nhiên, thực tế không như quảng cáo, ngay trên bao bì các loại sản phẩm này đều ghi thành phần làm từ thịt và xương chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, từ 1,8% tới 2%.
Thấp nhất là bột nêm Aji-ngon, thành phần làm từ bột thịt, nước hầm xương chỉ chiếm tỉ lệ 1,8%; các loại bột nêm khác như Knorr, Maggi, Miwon… thành phần thịt và xương chiếm không quá 2%. 98% còn lại của bột nêm là các chất như muối, các chất điều vị, đường tinh luyện, tinh bột sắn…
Trong khi đó, tất cả các loại bột nêm hiện nay đều có thành phần chất điều vị như sodium glutamate (E621 - bản chất là mì chính, bột ngọt), sodium guanylate (E627) hay sodium inosinate (E631). Các chất này được gọi là “chất siêu ngọt”, không chỉ tạo vị ngọt còn mang hương vị của thịt nên người dùng bị lầm tưởng.
Theo một khảo sát của nhóm tác giả thuộc Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP HCM tiến hành vào năm 2007, tỉ lệ chất Di-sodium 5’-Inosinate (E631) và Di sodium 5’-Guanylate (E627) trong các loại bột nêm khá cao.
Cụ thể, trong bột nêm Knorr, 2 chất này cao hơn mức cho phép từ 3,19 - 7,2 lần; Bột thịt gà Maggi cao từ 6,9 - 9 lần; Bột nêm xương hầm Maggi cao từ 13,5 - 15,6 lần… so với tiêu chuẩn của Cộng đồng châu Âu (Việt Nam chưa có quy định cho phép sử dụng hai chất này).
Thành phần còn lại của bột nêm Knorr là muối, chất điều vị E621, E631, E627 (thực chất là bột ngọt), và các thành phần khác...
PGS.TS. Phan Thị Sửu, Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam cho rằng, rất khó chiết xuất hạt nêm từ tủy và xương ống, chỉ có thể chiết xuất từ thịt. Tủy xương có mỡ nên không thể bảo quản được.
“Việc quảng cáo bột nêm từ thịt và xương là nói quá, dễ gây nên sự hiểu nhầm cho các bà mẹ. Họ tưởng rằng bột nêm chứa thành phần dinh dưỡng do chiết xuất từ thịt thăn và xương ống. Như vậy, sẽ dùng để nấu cháo cho con”, bà Sửu cảnh báo.
Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cũng cho rằng, doanh nghiệp đã quảng cáo quá đà. Để kiểm chứng chỉ cần kiểm tra xem hàng tháng doanh nghiệp nhập bao nhiêu xương, bao nhiêu thịt là có thể biết. Hơn nữa, do luật của mình chưa chặt chẽ nên chỉ cần có chút thành phần là doanh nghiệp quảng cáo quá lên.
“Hiện Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ ngành liên quan để chấn chỉnh về tình hình quảng cáo thái quá sản phẩm của một số doanh nghiệp”, ông Trung cho biết thêm.
’Bột nêm không cung cấp chất dinh dưỡng’
Ông Vũ Quốc Tuấn, trưởng phòng đối ngoại công ty Nestle Việt Nam (đại diện nhãn hàng bột nêm Maggi) thừa nhận: “Tôi xin nhấn mạnh, bột nêm là một loại gia vị chứ không phải là thực phẩm. Gia vị chỉ đóng vai trò điều vị, không đóng vai trò cung cấp chất dinh dưỡng như thực phẩm”.
Thành phần chiết xuất từ thịt gà và nước cốt gà hầm chỉ chiếm 21g/1kg sản phẩm bột nêm Maggi (tỉ lệ khoảng 2%), 98% còn lại là các thành phần khác, trong đó có các chất điều vị để tạo vị ngọt và hương thơm
Về hai chất điều vị E627 và E631 chưa có trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Y tế, nhưng các loại bột nêm vẫn có, ông Tuấn giải thích: “Châu Âu họ chấp nhận thì Việt Nam không có lý gì không chấp nhận. Và khi sản xuất, dùng các chất này đều đã được phê duyệt của Bộ Y tế, nhập khẩu nguyên vật liệu cũng đều đã được phê duyệt”.
“Tóm lại, quảng cáo là để nhấn mạnh khẩu vị món ăn được cải thiện như thế nào khi sử dụng bột nêm”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Còn bà Nguyễn Quỳnh Yến Nga, phụ trách sản phẩm công ty Miwon Việt Nam giải thích: “Thành phần thịt, xương, tủy là ở dạng cốt, đã được chiết xuất. Vị ngon ngọt là do cốt xương 2%, ngoài ra vị ngọt còn có thể do mì chính, đường. Phần dung môi là bột sắn. Hạt nêm nói chính xác là gia vị tổng hợp”.
“Việc quảng cáo bột nêm làm từ thịt và xương hầm cũng giống như một bát cơm thịt, cơm có thể chiếm đến 80%, thịt chỉ 10%, rau 10%, nhưng vẫn gọi là cơm thịt”, bà Nga lý giải.
Bà Nguyễn Thị Hồng, phụ trách ban Thực phẩm của Công ty Unilever - nhà sản xuất hạt nêm Knorr ‘đẩy’ vấn đề sang cơ quan quản lý: “Quảng cáo có chuẩn, cơ quan quản lý mới cấp phép”.
P.V (tổng hợp từ VTC News)