Dự án tham vọng của FBI

Các nhà hoạt động bảo vệ sự riêng tư đang lo ngại về những nguy cơ từ việc dùng công nghệ nhận biết khuôn mặt để truy bắt tội phạm

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang ứng dụng công nghệ nhận biết khuôn mặt để hỗ trợ công tác điều tra và truy bắt tội phạm. Đây là một phần của Chương trình Nhận dạng Thế hệ mới (NGI) trị giá 1 tỉ USD mà cơ quan này tiến hành trong thời gian qua.

Nhận diện tội phạm chính xác hơn

NGI được xem là nỗ lực mới của FBI nhằm nâng cấp cơ sở dữ liệu dấu vân tay quốc gia hiện nay, bổ sung những tính năng mới như quét tròng mắt, phân tích ADN, nhận biết giọng nói và khuôn mặt… Chương trình đã được tiến hành thí điểm tại một số bang và dự kiến sẽ được áp dụng trên toàn quốc vào năm 2014.

Người dân Mỹ đi bộ dưới sự giám sát của camera tại Quảng trường Thời đại ở thành phố New York - Ảnh: AP

Hệ thống nói trên được dùng để truy tìm nghi phạm bằng cách nhận biết khuôn mặt người này trong đám đông thông qua camera giám sát. Một ứng dụng khác là hệ thống sẽ đối chiếu hình ảnh đối tượng quan tâm thu thập từ camera công cộng hoặc internet với cơ sở dữ liệu hình ảnh những người có tiền án, tiền sự để hỗ trợ công tác điều tra. FBI hy vọng việc ứng dụng những công nghệ mới nói trên sẽ giúp các cơ quan thực thi pháp luật nhận diện và bắt giữ tội phạm nhanh chóng, chính xác hơn.

Tuy nhiên, theo tạp chí The New Scientist (Mỹ), các nhà hoạt động bảo vệ sự riêng tư đang lo ngại về những nguy cơ mà dự án đầy tham vọng của FBI có thể mang lại. Chẳng hạn như những người chưa có tiền án, tiền sự bị camera bắt gặp đi cùng với một đối tượng quan tâm có thể xuất hiện trong cơ sở dữ liệu của chính quyền liên bang hoặc trở thành mục tiêu theo dõi trái phép. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Al Franken nhận định cơ sở dữ liệu hình ảnh này làm dấy lên những vấn đề về sự riêng tư. Chẳng hạn như, theo ông Franken, nó có thể bị lợi dụng để nhận diện những người tham gia các cuộc biểu tình hoặc tuần hành chính trị, khiến sự an toàn của họ bị đe doạ.

Nhiều lo ngại

Ông Jerome Pender, một quan chức FBI, cho Thượng viện Mỹ biết rằng cơ sở dữ liệu của chương trình thí điểm chỉ chứa hình ảnh những người có tiền án, tiền sự. Dù vậy, hiện chưa rõ điều này có còn đúng một khi NGI được áp dụng rộng rãi hay không. Luật sư Jennifer Lynch của tổ chức Electronic Frontier Foundation lo ngại rằng khi đó hình ảnh của thường dân cũng có thể được đưa vào cơ sở dữ liệu của FBI.

FBI vẫn chưa có phản ứng gì về những lo ngại nói trên cũng như không tiết lộ chi tiết về loại phần mềm nhận biết khuôn mặt đang sử dụng trong chương trình. Dù vậy, cơ quan này khẳng định rằng công nghệ họ đang dùng có thể rất chính xác khi đối chiếu với hình ảnh chụp trong những tình huống được kiểm soát, như ảnh hộ chiếu hoặc ảnh chụp nghi phạm để lưu vào hồ sơ. Đó là lý do FBI đã hợp tác với cơ quan cấp bằng lái xe tại các bang trong việc đối chiếu hình ảnh trên bằng lái. Ngay lập tức, ông Jay Stanley, thành viên của Liên minh Tự do công dân Mỹ, đưa ra khuyến cáo: “Một khi được bổ sung những hình ảnh này, cơ sở dữ liệu của FBI sẽ có quy mô không khác gì một cơ sở dữ liệu hình ảnh quốc gia”.

Theo Phương Võ (NLĐ)


Tỉ lệ chính xác cao

Những phần mềm nhận biết khuôn mặt tốt nhất được giới thiệu là có thể đạt tỉ lệ chính xác đến hơn 90%. Một số cuộc thử nghiệm gần đây cho thấy những phần mềm này có thể đối chiếu được ảnh chụp nghi phạm khi họ bị bắt giữ với ảnh chụp một người nào đó từ camera công cộng ngay cả khi không nhìn rõ mặt người này. Những tấm ảnh khó đối chiếu nhất là những bức chụp trong điều kiện ánh sáng kém.