’Chủ quyền của Việt Nam là bất khả xâm phạm’

Infonet - Bài nói chuyện của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn – Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục chính trị đã liên tục bị ngắt quãng bởi tiếng vỗ tay ủng hộ vang lên không ngớt của hàng trăm kiều bào, cùng những người có mặt tại Hội nghị người Việt Nam tại nước ngoài lần 2.

Có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau nhưng chúng ta đều thống nhất tổ quốc Việt Nam là một, chủ quyền của Việt Nam là bất khả xâm phạm. Những năm gần đây, chúng ta không để mất bất kỳ một đảo ngầm, một đảo nổi, một nhà giàn nào của Việt Nam.

Chúng ta có thể khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, bởi thực tế chúng ta là những người đầu tiên khai phá, khi chưa có nước nào đặt chân khẳng định quần đảo đó, vùng biển đó.

Cho nên chúng ta nói chúng ta có cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định đó là của Việt Nam.

Thế nhưng, năm 1956 nhân cơ hội Pháp rút khỏi Việt Nam để thực hiện hiệp định Genève, trong bối cảnh chưa đủ khả năng để quản lý các vùng biển đảo của Việt Nam, thì Trung Quốc nhân cơ hội đã đánh chiếm cụm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa.

Đến 1974, cùng sự thoả hiệp của Mỹ, Trung Quốc đã đánh chiếm toàn bộ cụm đảo phía Tây của Hoàng Sa.

Đối với quần đảo Trường Sa, chúng ta khẳng định chúng ta là nước đầu tiên làm chủ nguyên một vùng biển đảo rộng lớn, tuy nhiên, với lực lượng hải quân nhỏ bé, và điều kiện phát triển chưa cao, chúng ta chỉ làm chủ ở một số đảo.

Năm 1971 Philippines đã lấn chiếm và làm chủ 5 đảo thuộc phía Đông của quần đảo Trường Sa (gần Philippines), đến 1973, họ lấn chiếm tiếp hai đảo ở phía Bắc.

Với Malaysia, cho đến năm 1979 họ đã lấn chiếm và làm chủ 7 đảo ở phía Nam quần đảo Trường Sa.

Năm 1988, nhân cơ hội đất nước đang gặp nhiều khó khăn, phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam, Trung Quốc đã tiến hành đánh chiếm 7 bãi đá ngầm của Việt Nam ở Trường Sa.

Cho đến 2005 họ đánh chiếm tiếp 2 điểm do Philippines quản lý trên quần đảo Trường Sa.

Nhắc lại vấn đề này để nói rằng, trong quá trình phát triển của đất nước, chúng ta liên tục cố gắng bằng mọi khả năng để bảo vệ chủ quyền trong điều kiện nhất định.
Từ đó đến nay, chúng ta đã giữ được nguyên hiện trạng, bảo vệ vững chắc cái chúng ta đã có.

Đặc biệt vùng biển theo Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, đó là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Về thềm lục địa của Việt Nam, chúng ta đã cố gắng bảo vệ không cho ai đặt nhà giàn, đặt giàn khoan, trụ thăm dò trong vùng thềm lục địa, vùng đặt quyền kinh tế, thuộc chủ quyền, quyền tài phán trên biển của Việt Nam.

Mọi người cần tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã giữ vững và bảo vệ vững chắc cái chúng ta đã có.

Năm 1947, chính quyền Tưởng Giới Thạch đã vẽ lên một bản đồ theo hình chữ U lấn sâu vào phía nam của Biển Đông.

Từ đó cho đến nay, người ta đã liên tục giáo dục cho công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa rằng, tổ quốc có vùng biển theo đường chữ U, dù trên thực tế đường chữ U đó lấn sâu vào bờ biển và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và một số nước khác.

Đây là điều mà bất cứ quốc gia nào ở vùng Đông Nam châu Á, có quan hệ tới Biển Đông đều không thể chấp nhận được.

Từ đó trước đến nay, giáo dục Trung Quốc đều nhất quán một quan điểm như các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường hay nói “đường 9 khúc không thể thay đổi, nhưng trước mắt, chúng ta chưa đủ khả năng giải quyết, thì chúng ta hãy gác tranh chấp cùng khai thác".

Nêu lên vấn đề này để khẳng định một điều chúng ta không được mơ hồ, mất cảnh giác về âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.

Trung Quốc đã âm mưu độc chiếm Biển Đông qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1 là chuẩn bị pháp lý, Trung Quốc đã chuẩn bị pháp lý xong, liên tục từ năm 1947 tới nay bằng văn bản, cơ sở khoa học, núp dưới danh nghĩa khảo cổ, để đi tới khẳng định về mặt pháp lý đường chữ U của Trung Quốc, Tây Sa, Nam Sa chính là Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam là của Trung Quốc.
  • Giai đoạn 2 là thực hành chấp pháp, chính là giai đoạn hiện nay, họ đang tăng cường hoạt động chấp pháp trên vùng biển, như ra tuyên bố cấm đánh bắt cá, cho tàu Hải giám, Ngư chính đi tuần tra. Ngay từ năm 2008 Trung Quốc đã bằng nhiều cách gây áp lực và tìm mọi cách ngăn chặn bằng con đường ngoại giao, bằng con đường đe doạ, bằng mối quan hệ kinh tế, nhưng dù vậy những nước khác vẫn tiếp tục hợp tác với Việt Nam trên vùng biển của chúng ta.
  • Giai đoạn 3 là độc chiếm Biển Đông, có thể nói đây là một âm mưu nhất quán, do đó chúng ta không được mơ hồ, mất cảnh giác.

Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, nhưng nhiều người băn khoăn nếu ta muốn hoà bình mà họ không chịu hoà bình thì sao?.

Trong trường hợp Trung Quốc âm mưu độc chiếm Biển Đông bằng sức mạnh thì sao?.

Nhà nước, đặc biệt là quân đội đã chuẩn bị mọi phương án để đối phó với tình huống thấp nhất đến tình huống cao nhất.

Bản thân các tướng lĩnh Trung Quốc nhận định, nếu đánh chiếm toàn bộ quần đảo Trường Sa chỉ mất khoảng 1 tuần, nhưng giữ được Trường Sa thì Trung Quốc khó có thể giữ được.

Hiện tại, chúng ta đã trang bị tàu hộ vệ tên lửa có khả năng bảo vệ cách bờ 200km trở lại, chúng ta cũng có những tên lửa có tầm bắn 600km, và cả những tên lửa nằm trong số những vũ khí hiện đại bậc nhất trên thế giới.

Chúng ta cũng mua sắm những máy bay đủ sức bảo vệ quần đảo Trường Sa cũng như Hoàng Sa.

Nguyễn Cường (ghi)