Thị trường thực phẩm bị xâm chiếm

Sự lấn lướt của thực phẩm ngoại nhập cho thấy cơ hội của các nhà sản xuất nội địa ngày càng bị thu hẹp.

Tăng dần đều

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Citimart, sức tiêu thụ các mặt hàng lương thực, thực phẩm ngoại nhập tại Citimart tăng khá nhanh, từ 30-40% mỗi năm. Theo phân tích của bà Hoa, hiện nay, mức sống của người dân ngày càng cao nên nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm cao cấp cũng ngày càng nhiều hơn.
Nếu như trước đây hàng nhập khẩu chủ yếu đến từ các nước phát triển như Âu, Mỹ…, ngày nay nguồn gốc hàng nhập khẩu rất đa dạng và không hạn chế ở hàng cao cấp. Tại các các siêu thị như Metro, Lotte, Co.opMart, Maximark… các thực phẩm ngoại chiếm diện tích trưng bày khá lớn với nhiều chủng loại từ thịt, cá, sữa, đến rau củ quả với giá khá cao.
Chẳng hạn, hoa cúc tươi dùng để xào nhập từ Ý giá khoảng 520.000 đồng/kg, bắp cải non giá 360.000 đồng/kg; củ sâm tươi, nấm từ Hàn Quốc dùng để nấu canh, khoai tây Hà Lan cũng có giá bán cao gấp hàng chục lần mặt hàng cùng loại của nội Việt Nam. Dù hàng ngoại chỉ đóng vai trò tạo thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng nhưng đại diện siêu thị Big C thừa nhận, sức mua các mặt hàng này tại Big C đang rất cao.
Hiện nay, thực phẩm ngoại nhập cao cấp tiêu thụ mạnh nhất là tại các kênh nhà hàng, khách sạn. Đại diện một khách sạn 5 sao tại TP.HCM cho biết, mỗi ngày khách sạn này phục vụ 200 khách.
Tỷ lệ thực phẩm sử dụng là 70% nội, 30% ngoại. Các loại thực phẩm ngoại chủ yếu là các loại bơ, xúc xích, dăm bông… vì đây là những món Âu, người nước ngoài quen dùng, rất khó thay thế bằng sản phẩm nội.
Đặc biệt, do khẩu vị, thói quen và tâm lý tiêu dùng, khách nước ngoài thích các thương hiệu từ Thụy Sĩ, Đức hoặc Pháp. Bà Hoàng Thạch Thảo, Giám đốc Truyền thông khách sạn Intercontineltal, cho biết, để phục vụ nhu cầu và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khách sạn vẫn phải nhập một số mặt hàng và gia vị từ nước ngoài do không thể tìm thấy nguồn hàng thay thế trong nước.
Ngoài ưu thế “mác” ngoại, chất lượng thực phẩm ngoại nhập khá ổn định so với một số hàng nội địa cùng chủng loại. Trong đó, các loại thịt bò, cừu, bơ, nước sốt và nhiều gia vị khác phải sử dụng hàng ngoại, do có những loại mà hàng nội chưa đáp ứng được yêu cầu trong chế biến một số món ăn, đặc biệt sau khi thực phẩm trong nước bị tai tiếng về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tiếp thị quy mô lớn

Công ty TNHH Thực phẩm Tốt Lành (Goodfood) hiện được xem là nhà nhập khẩu thực phẩm ngoại hàng đầu tại TP.HCM. Goodfood nhập khẩu khoảng 200 dòng sản phẩm gồm các loại thịt, thủy hải sản, rau củ quả tươi cũng như đã qua chế biến, các loại dầu thực vật, bánh ngọt, cà phê… của trên 20 nhãn hàng, trong đó chủ yếu của các nước Âu - Mỹ và Úc.
Goodfood đưa sản phẩm vào hầu hết các nhà hàng, khách sạn lớn trong cả nước. Trong khi đó, mỗi năm, Công ty Hoà Nhã nhập 500 tấn thực phẩm từ các nước. 90% là những mặt hàng của Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan và 10% từ châu Âu.
Nhiều năm làm trong lĩnh vực nhập khẩu, bà Hoàng Lan, đại diện Công ty Hoà Nhã, cho rằng, sỡ dĩ thực phẩm cao cấp ngoại nhập tăng mạnh trong thời gian gần đây vì những loại thực phẩm này DN trong nước không sản xuất được. Hơn nữa, trước nhu cầu của thực khách, các nhà hàng, khách sạn phải sử dụng nguồn sản phẩm này, vì đây là những món ăn mà du khách do chưa quen với món ăn Việt Nam phải dùng.
Theo ông Hà Minh Phương, Phụ trách nhập khẩu Công ty Hoàng Lan, doanh thu của công ty tăng bình quân 15% trong nhiều năm nay. Hiện tại, các mặt hàng sữa Agnesi, phô mai Président bán rất chạy, và vào mùa cuối năm, có những mặt hàng, doanh thu tăng đến 30-50%.
Hiện tại, Hoàng Lan đang có kế hoạch để mở rộng kênh nhập khẩu và hệ thống phân phối. Không chỉ đưa hàng đến các siêu thị, Hoàng Lan còn “phủ” đến các đại lý lớn tại TP.HCM và nhiều thành phố lớn.
Nhiều nhà nhập khẩu cho biết, hiện nay, ngoài những sản phẩm chế biến sẵn, các loại thực phẩm ngoại nhập dạng nguyên liệu và bán thành phẩm từ các nước Âu-Mỹ cũng đang được tiêu thụ mạnh.
Theo dự báo, thực phẩm ngoại nhập khẩu vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới bởi sự gia tăng các hoạt động tiếp thị quy mô lớn của chính phủ một số quốc gia. Đó chính là lý do các DN thực phẩm từ Đức, Hà Lan và Bỉ… vẫn liên tục tìm kiếm các đối tác tại Việt Nam.
Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 9, đoàn 50 DN Ba Lan đã đến Việt Nam tham gia triển lãm Vietfood & Beverage 2012. Bà Bozena Czaja, thành viên HĐQT, Trung tâm Thông tin - Đầu tư nước ngoài Ba Lan, cho biết, trong thời gian tới, sẽ có nhiều đoàn xúc tiến thương mại của Ba Lan sang Việt Nam và trong tháng 10 này sẽ có một đoàn sang Việt Nam tìm kiếm các nhà nhập khẩu mới.
Hội chợ năm ngoái cũng đón các đoàn thương mại nông nghiệp đến từ Hoa Kỳ và Đức nhằm tìm kiếm đối tác nhập khẩu các loại trái cây như dâu tây, lê, táo và các sản phẩm từ thịt heo, bò, gà…
Tương tự, Tổ chức các nhà sản xuất thịt Châu Âu (UPEMI) cho biết sẽ đẩy mạnh xuất khẩu thịt heo và thịt bò của các nước EU vào Việt Nam.
THANH NGÂN (DNSG)