Dấu về gió xóa – xóa dấu hay lật tẩy?

Cuốn tiểu thuyết được công bố gần đây nhất của nhà văn Hồ Anh Thái (tôi dùng từ “công bố” chứ không dùng từ “viết”, vì với tác giả này, viết trước in sau hoặc viết sau in trước là chuyện vẫn thường xảy ra trong suốt nhiều năm ông cầm bút, và hẳn đó sẽ là điều gây khó cho nhà phê bình nào chỉ chăm chăm chăm với những ý niệm thực chứng kiểu như “thời điểm ra đời” của tác phẩm) có tên Dấu về gió xóa, (NXB Trẻ, 2012).

Một cái tên nhiều ý nghĩa. Một thứ “từ khóa” của tác phẩm. Ít nhất thì nó cũng được biểu hiện ở một vài đoạn trong văn bản. Khi nhân vật Anh – người kể chuyện, một công chức ngành ngoại giao, một giáo sư ngành dân tộc học – ngồi trên sân thượng nhìn trời nhìn biển: “Chiếc phi cơ bay qua trên đầu, trời đêm ngay lập tức xóa sạch đường đi phía sau nó. Sóng lớp lớp xóa sạch con đường phía sau chiếc tàu thủy. Cảm giác lối về đã xóa” (trang 27). Khi nhân vật Anh nhìn và nghĩ về cái mandala bằng cát bị xóa của Giáo Sĩ: “Mất công sàng cát, nhuộm màu cho cát, hý hoáy bần thần tỉ mỉ thừ cả người ra, bao nhiêu ngày bao nhiêu tháng mới tạo hình được một cái mandala. Chỉ một cơn gió. Chỉ một vết chân mèo chân chó chạy ngang. Không có gió thì sau cơn xuất thần cảm khoái đỉnh điểm hoàn tất một công trình vũ trụ, chính người sáng tạo lại tự tay xóa cái mandala đi” (tr. 88, 89). Và khi Anh nghĩ về một hướng vận động của kiếp người: “Ta dò tìm lối quay trở về thì cứ như thể có một thằng bé khổng lồ nghịch ác, ta vừa bước qua là thằng phì nộn ấy cười khanh khách dùng bút xóa mà xóa ngay cái dấu chân ta để lại đằng sau. Hễ đi qua là khó ai biết được lối về” (tr. 178, 179). Ngoài từ “xóa”, trong tiểu thuyết còn có một số từ khác thuộc cùng trường nghĩa - liên quan đến hành động của một vài nhân vật khác - như “từ bỏ”, hoặc “biến mất”: người cha của nhân vật Anh đột ngột từ bỏ gia đình, vợ con, sự nghiệp… để vào sống tại một ngôi chùa nằm sâu trong núi. Rồi sự biến mất vô cớ của thằng bé Con Trai Cá Ông. “Xóa”, “Từ bỏ”, “Biến mất” – nét nghĩa chung, bao trùm cả ba từ này, phải chăng là sự phủ nhận một tồn tại nào đó? Tồn tại nào vậy?

Để trả lời câu hỏi này, có lẽ cần phải đọc một đoạn đối thoại giữa nhân vật Giáo Sĩ và Anh: “Nhà văn viết trời viết đất gì đi nữa thì thiên hạ vẫn thấy là anh ta viết về những người xung quanh mình”. – “Bao nhiêu oán hận nảy sinh từ đó, thưa Giáo Sĩ”. – “Đáng tiếc. Chẳng lẽ nhân loại oán hận người phát minh ra tấm gương soi? Văn chương cũng chính là tấm gương đấy mà” (tr. 221). Theo tôi, đoạn đối thoại này không xuất hiện như một sự “lỡ tay” trong tác phẩm. Nó mang nội dung kép: quan niệm về văn chương của tác giả (cũng như ở một chỗ khác, trang 49, ông mượn suy nghĩ của nhân vật Anh để phát ngôn: Người viết khôn ngoan chỉ có viết và khuất đằng sau trang sách của mình, khi nhà văn nhảy xổ ra rào đón lý giải cho sách mình, đánh trống khua chiêng trên diễn đàn là nhà văn phạm chuẩn nghề nghiệp); và một sự chỉ dẫn ngầm về “cái được viết” của cuốn tiểu thuyết. Dấu về gió xóa, có thể nói một cách khái quát, đó là câu chuyện viết về cuộc đời này và ở thế giới này.

Tuy nhiên, cuộc đời này và thế giới này in bóng của nó trong Dấu về gió xóa như in bóng trong một chiếc gương lồi. Bởi vì Đảo Xanh, nơi diễn ra những sự kiện, những biến cố chính làm nên xương sống của chuyện kể - một hòn đảo bé tý nào đó thuộc xứ nhiệt đới, một quốc gia mà đại sứ thường trú ở các nước Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka kiêm nhiệm luôn – có đủ các thứ dáng vẻ, đường nét, yếu tố, thiết chế và hoạt động của cái thế giới mà chúng ta đang sống này. Thậm chí, lịch sử của nó cũng hầu như là sự lặp lại mô hình phát triển của lịch sử thế giới (từ bộ lạc đến nhà nước quân chủ rồi chế độ cộng hòa nghị viện). Thế nhưng, Đảo Xanh vẫn là một nơi nào đó khác, khác đến mức quái đản so với bất cứ một quốc gia nào trên thế giới này. Tất cả đều được “đẻ ra” từ cái nhìn nghệ thuật thấm đẫm tinh thần “bóp méo hiện thực” của tác giả, điều mà ở trên tôi đã mạn phép định vị bằng cụm từ “một chiếc gương lồi”. Thủ pháp – nếu có thể gọi như vậy – thường được bắt gặp ở trong Dấu về gió xóa là: ngay sau một phong cách cao sẽ là một phong cách hạ thấp; ngay sau một sự kiện nghiêm trang sẽ là một sự kiện hoặc một diễn ngôn bình luận suồng sã, đầy tính chất giễu cợt, thậm chí có thể nói là một sự lật tẩy cái lớp vỏ nghiêm trang giả tạo của sự kiện vừa diễn ra trước đó. Việc chính quyền Đảo Xanh bắn đại bác để nghênh tiếp đại sứ các nước khi họ trình quốc thư chẳng hạn. Phải theo mùa, mùa sóng yên biển lặng thì các đại sứ mới có thể đến đảo trình quốc thư. Mỗi đại sứ được đón bằng một phát đại bác, mỗi ngày ba phát cho ba người. Rõ ràng đó là một nghi thức ngoại giao trang trọng hiếm có. Thế nhưng, người kể chuyện bóc toạc ngay một hệ quả phái sinh từ những tiếng đại bác rầm rầm đó: “Máu nóng bốc lên ngùn ngụt đẩy người ta quấn quyện vào nhau… Một thứ viagra bằng âm thanh cực đại. Mùa đại bác trở thành mùa hoài thai, lũ trẻ Đảo Xanh quen với tiếng đại bác trong bụng mẹ, từ cái thời điểm chúng “ra đi với bố và trở về với mẹ”, như trong chuyện tiếu lâm của dân đảo” (tr. 18). Chính trị - ngoại giao vốn là một hoạt động quan trọng trong đời sống xã hội và cũng là một chủ đề lớn trong tác phẩm, nhưng nó không ít lần bị người kể chuyện bóc toạc lớp vỏ “quan trọng hóa” khi tuồng như vô tình tung ra những giả định “chẳng chết ai”. Đây là một ví dụ: “Con người không thể ở yên một chỗ. Đông đổi chỗ sang Tây. Nam đổi chỗ lên Bắc. Rồi lại vòng vèo đổi qua đổi lại cho nhau. Người ta phải bày ra những cuộc hội thảo quốc tế và khu vực hòng thỏa mãn nhu cầu những kẻ đổi chỗ” (tr. 290). Hay việc ông trưởng khoa Truyền Thông của trường đại học Đảo Xanh tiếp khách: “Khách đến nhà, ông chắp tay cúi chào, rồi ông lấy cái chùy nhỏ đánh một tiếng vào cái chiêng treo ở chính giữa phòng khách. Đoạn ông bốc thêm một cục trầm bỏ vào cái lư trầm đang nghi ngút. Tiếng chiêng báo cho hồn thiêng sông núi, báo cho linh hồn tổ tiên trong nhà. Hương trầm lâng lâng đưa hồn chủ khách giao hòa với những linh hồn không có hình hài hiện hữu”. Quá là trang trọng và đầy sự kính cẩn! Thế nhưng, trong cái nhìn và trong ý nghĩ của nhân vật Anh thì: “Cái đám diễn viên xanh xanh đỏ đỏ kia phải tôn trưởng khoa Truyền Thông lên làm tổ nghề con hát. Nghệ sỹ ưu tú nghệ sỹ nhân dân còn xách dép cho ông” (tr. 46, 47). Liên quan đến khoa Truyền Thông, mà một trong những chức năng của nó là đào tạo diễn viên phim truyền hình, cấp tốc nâng cao đời sống văn hóa cho cư dân Đảo Xanh, là lời bình luận hóm hỉnh đầy chất “vỉa hè” của người kể chuyện: “Bây giờ văn hóa bình dân Đảo Xanh đã lùng sục đến kết duyên với văn học. Phim truyền hình. Sự kết duyên anh máy nước chị cột đèn, sinh ra những đứa con ở tổ xa mẹ” (tr. 48).

Tôn giáo là một chủ đề lớn khác trong tác phẩm. Trên Đảo Xanh của Dấu về gió xóa không chỉ có một hoặc một vài tôn giáo, mà tồn tại hầu hết những tôn giáo lớn của nhân loại. Cái đền Đa Giáo ở Đảo Xanh chính là một biểu tượng, đúng hơn, một mong ước lý tưởng về sự chung sống bình đẳng và an hòa giữa các tôn giáo, một kiểu Liên Hiệp Giáo United Religions. (Trong lịch sử thế giới, chẳng phải đã xảy ra bao cuộc chiến tranh đẫm máu mà một trong những lý do cơ bản là vì xung đột tôn giáo đó sao?) Trông coi đền Đa Giáo là Giáo Sĩ. Theo tôi, đây là nhân vật sinh động và hấp dẫn bậc nhất trong hệ thống nhân vật của tác phẩm: vừa tục vừa thanh, vừa đầy chất “người đời” lại vừa thấm đẫm tinh thần minh triết. Nhưng điều quan trọng là từ chủ đề này và từ nhân vật này, người kể chuyện – hay cũng chính là tác giả? – dưới hình thức một bài tiểu luận, đã đẩy tới hạn những suy ngẫm của mình về tính hai mặt của tôn giáo trong đời sống. Một mặt: “Tôn giáo như một cái phanh hãm, nó có thể phanh thắng con người dừng lại bên bờ vực tội lỗi, trước vùng ranh giới thiện – ác, bóng tối – ánh sáng… Có cỗ xe nào lại vênh vang tự nhận rằng nó không cần phanh?” (tr. 37). Nhưng mặt khác: “Sự ưu tư của đức tin kìm hãm dục vọng làm ác, kìm hãm ảo ảnh phù phiếm, nhưng cũng dễ thủ tiêu luôn chí tiến thủ, mài mòn tinh thần đấu tranh vượt khó. Hiểu thấu lẽ đời hiểu thấu tình người dễ đi kèm bình tâm an phận thủ thường” (tr. 139). Đáng chú ý nhất chính là lời “tự thú” của Giáo Sĩ với Anh: “Giáo Sĩ nói trời nói đất gì đi nữa thì thiên hạ vẫn chỉ thấy một tấm áo choàng và mấy giọt nước thánh” (tr. 221). Tính hai mặt của tôn giáo được nhà văn bày ra trong tiểu thuyết Dấu về gió xóa tựa như một câu hỏi treo. Và trong đời sống thực tế phong phú đến mức bề bộn của con người, của loài người, chắc chắn nó sẽ mãi là một câu hỏi treo.

Không thể không nói tới một chủ đề lớn khác trong Dấu về gió xóa: tình yêu, thứ tình cảm nhân tính mà từ cả ngàn đời nay đã khiến biết bao triết gia và thi sỹ phải tốn giấy tốn mực để viết về nó. Ít nhất có ba dạng tình yêu (hoặc được gọi là tình yêu) được kể tới ở tiểu thuyết này. Tình yêu tay ba giữa Anh, Cô Chủ và Giám Đốc (biểu hiện hình thức của nó là tư thế giao hoan theo kiểu kẹp xanđuýt của cả ba người). Tình yêu dai dẳng, vụng trộm, mê cuồng, đứt rồi lại nối của những người đàn bà ở Xóm Chửa Hoang với những gã đàn ông đã khiến họ phải lỡ dở một đời người, phải trở thành mẹ của những đứa con không cha. Và cuối cùng, tình yêu của thằng bé Con Trai Cá Ông với cô bé hàng xóm, trong sáng và đầy lãng mạn. Lại một lần nữa, ở đây, người kể chuyện – hay cũng chính là tác giả? – bóc toạc phép mỹ hóa của ngôn từ, khi tuồng như vô tình tung ra những câu bình luận có tính chất lật tẩy: “Nhầm lẫn sự thèm khát của cơ thể là tình yêu. Đấy là sự nhập nhằng của người phương Đông, nhất định phải gán cho được một tí tình yêu vào tình dục để thi vị hóa tình dục, tránh được mặc cảm rằng mình đang phạm tội. Không có tình yêu thì tình dục là tội lỗi. Quy ước của xã hội là như vậy”. Và: “Yêu hay không yêu. Tình hay không tình. Gán tình vào đấy, gán yêu vào đấy, vào những cuộc mây mưa, để có thêm lý mà căm giận ai oán” (tr. 184). Những diễn ngôn kiểu này chắc sẽ khiến không ít người đọc phải giật mình. Giật mình vì chúng đụng chạm tới xác tín về tình yêu của họ. Hoặc giật mình vì chúng nói hộ cho họ điều mà họ đã thoáng nghĩ tới nhưng chưa dám/chưa kịp nói ra. Dù sao chăng nữa, có lẽ thủ pháp lật tẩy ở đây cũng đã kịp có những tác động nhất định của nó.

Với những phân tích sơ bộ về chủ đề ở trên, có thể nói rằng Dấu về gió xóa của Hồ Anh Thái giống như một… nồi lẩu nghệ thuật vậy. Theo cái nghĩa, trong một tác phẩm chưa đến 330 trang, một loạt vấn đề lớn trong đời sống xã hội và đời sống của mỗi cá nhân người (chính trị, tôn giáo, tình yêu) đã được đặt ra. Được đặt ra và được xử lý một cách đặc biệt: ở đây không có những khẳng định xác quyết, không có những chân lý tuyệt đối, tất cả chỉ là những giả thuyết, những bình luận lập lờ chừa chỗ trống cho người đọc cùng suy ngẫm. Tính chất “nồi lẩu” của tác phẩm còn nằm trong cấu trúc văn bản: trục chính của tiểu thuyết là câu chuyện về nhân vật Anh đến Đảo Xanh, trải nghiệm cuộc sống trên đảo, phát hiện ra cái nhà tù bí mật rồi góp một tay giải cứu hơn ba trăm tù nhân ở đó – toàn những nhân vật nồng danh khét tiếng mà thiên hạ ngỡ là đã chết. Nhưng vẫn có những chương “rẽ ngang”: một tiểu luận về tôn giáo, một kịch bản phim truyền hình, một câu chuyện chưa được kể trong sử thi Ấn Độ…, những chương này hoàn toàn có thể đứng được như những truyện ngắn đặc sắc. Giọng điệu văn xuôi của tác phẩm cũng là một sự kết hợp kiểu “nồi lẩu”: có giọng cao, đầy chất hài hước, giễu cợt khi tác giả viết về những hoạt động chính trường và cái mà “người đời” quen gọi là tình yêu; có giọng trầm, man mác, bùi ngùi khi tác giả viết về sự tồn tại phi lý và cái vô thường của kiếp người trên cõi thế: “Con người đi qua thế gian, lưu ảnh còn lại. Thật thế không? Ngay cả cái tự ngã của con người còn có thể là ảo ảnh, thì lưu ảnh mà làm gì?... Một vòng đời bắt đầu lặng lẽ thì cũng nên khép lại lặng lẽ. Nhất quán. Cái ồn ào danh tiếng con người gây ra ở khoảng giữa hai đầu cuộc đời chỉ là thứ phù vân vô nghĩa” (tr. 50).

Đọc đoạn triết luận này, ghi nhớ nó, ta sẽ hiểu tại sao ở phần cuối của tiểu thuyết Dấu về gió xóa, nhân vật Anh - hay chính là tác giả? - đã tự xác tín trước khi rời Đảo Xanh, một mình: “Suốt đời tôi không thích sự hiện diện thường xuyên của một người khác bên cạnh mình” (tr. 327). Tồn tại người đã là phi lý, kiếp người đã là vô thường, thì “kẻ khác” (tha nhân) – nói theo cách của triết gia J. P. Sartre – chẳng phải là “địa ngục” sao?

Hoài Nam

Nguồn: báo Văn Nghệ