Tưởng niệm Bedřich Smetana (1824-1884)

Séc

Ngày nay, ngoài các tượng đài, hình nhà soạn nhạc cổ điển người Séc này còn có ở trên những tờ tiền, con tem và trong nhiều bảo tàng của quê hương ông.

Hôm nay mùng 2 tháng 3 năm 2013, cả thế giới kỷ niệm sinh nhật lần thứ 189 của nhà soạn nhạc cổ điển Bedřich Smetana. Ông ra đời năm 1824 tại thị trấn Litomyšl xinh xắn và trở thành một nhân vật quan trọng trong lịch sử văn hoá không chỉ của dân tộc Séc bé nhỏ. Ngày nay, ngoài các tượng đài, hình ông còn có ở trên những tờ tiền, con tem và trong nhiều bảo tàng của quê hương.

Smetana sớm thành danh tại Praha đẹp đẽ cổ kính, một thành phố có truyền thống âm nhạc ở giữa Trung Âu mà về sau là thủ đô của Cộng hoà Československo được hình thành năm 1918. Ông mất vào ngày 12/5/1884 khi mới 60 tuổi và được mai táng tại nghĩa trang quốc gia trên đồi Vyšehrad, nhìn xuống dòng sông Vltava.

Sông Vltava chảy dưới chân đồi Vyšehrad nơi các danh nhân Séc an nghỉ

Smetana sinh ra và lớn lên tại miền Čechy (Bô-hêm), khi ấy còn nằm dưới sự thống trị của Đế quốc Áo-Hung. Tham gia vào cuộc khởi nghĩa vũ trang tại Praha năm 1848, sau khi thất bại ông buộc phải lánh nạn sang Thụy Điển vào năm 1856 và trở thành người đứng đầu của Hội khuyến nhạc thành phố Goteberg. Năm 1862, Smetana trở về Praha, làm giám đốc Národní divadlo (Nhà hát Dân tộc) do dân Séc tự xây và kiêu hãnh đắp 2 chữ "Národ sobě" ở trên tường cao. Cũng như nhiều tinh hoa trí thức và nghệ sĩ Séc thời ấy, tác phẩm của ông mang đậm tình yêu văn hoá dân tộc và ý chí phục quốc. Những vở ca kịch của ông đã dựng lại hình tượng các bậc anh hùng người Séc nổi bật trong cuộc đấu tranh giành độc lập như "Dalibor", "Libuše"...

Sông Vltava và Nhà hát Dân tộc

Tác phẩm nổi tiếng ông để lại là tổ khúc thơ giao hưởng “Má vlast” (Tổ quốc tôi) mà một đoạn nhỏ đã được lấy làm phần đầu bài quốc ca trang nghiêm của Cộng hoà Československo ra đời năm 1918 và tiếp tục được sử dụng tại CH Séc. Trong tổ khúc còn có bài thứ hai mang tên con sông "Vltava" ghi dấu trong lịch sử và chảy ngang thành phố Praha trước khi nhập vào dòng sông lớn Labe (Elbe) rồi đi qua nước Đức để ra biển.

Mời bạn thưởng thức bản nhạc Vltava

Lâu đài Poděbrady ven sông Labe

Tôi cùng nhiều bạn sinh viên FEL-ČVUT may mắn từng được học tại thị trấn Poděbrady lãng mạn ven dòng Labe ấy và đặc biệt tại thủ đô Praha tươi đẹp, nơi lần đầu tiên trong đời được nghe các bản nhạc bất hủ của Smetana ngay trong Národní divadlo. Đó cũng là một trong những kỷ niệm đẹp nhất từ thời thanh xuân của tôi vẫn còn đọng lại mãi đến nay. Không phải ngẫu nhiên mà năm 1992, Praha đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.

(NCCông cập nhật năm 2018)

Bài: Đông Tỉnh NCCông