Chính sách quyền lực mềm của Trung Quốc

Khi làn sóng phản đối Mỹ ngày càng mạnh mẽ trên thế giới thì Trung Quốc càng hiểu rõ giá trị của việc truyền bá hình ảnh đất nước. Quê hương của Vạn lý trường thành đang ở thế thắng trong cuộc chơi do chính người Mỹ khởi xướng.

Diễn ra không quá ồn ào, nhưng chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc tới Nga trong ba ngày (từ 26 đến 29/03/2007) có thể coi là một sự kiện nổi bật nếu nhìn cách đón tiếp mà nước Nga đã dành cho ông Hồ Cẩm Đào.

Nga đã công bố 2007 là "Năm Trung Quốc" và đã lên kế hoạch tổ chức hàng trăm hoạt động kinh doanh, các sự kiện thể thao, quảng bá giáo dục và văn hóa Trung Quốc. Ông Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ trì lễ khai mạc cuộc triển lãm văn hóa Trung Quốc rất lớn tại Moscow và cam kết xây dựng một loạt các dự án hợp tác năng lượng. Hai ông cũng thỏa thuận cùng nỗ lực hòa đồng quan điểm tại Liên Hợp Quốc.

Cái ôm chặt của Putin là có cơ sở, và ông Putin làm như vậy là vì những lý do chiến lược lâu dài. Đồng thời, điều này cũng phản ánh thái độ của nước Nga. Đặc biệt, khi quan hệ Nga–Mỹ có chiều hướng xấu đi, thì Trung Quốc lại được nước Nga quan tâm hơn bao giờ hết.

Một cuộc thăm dò dư luận năm ngoái đã chỉ ra rằng, giờ đây hầu hết những người dân Nga đều coi Trung Quốc là một "ảnh hưởng tích cực đối với thế giới" và rằng nước Mỹ là một “ảnh hưởng tiêu cực”.

Và không chỉ người Nga dành tình cảm ấy cho Trung Quốc.

Cuộc điều tra do Chương trình Phản ứng đối với chính sách quốc tế (PIPA) và đài BBC tiến hành đã cho thấy, phần đông dân chúng ở hầu hết các nước trên thế giới ngày nay coi Trung Quốc là một ảnh hưởng tích cực và ít đe dọa tới hoà bình thế giới hơn Mỹ. Thái độ này càng rõ hơn ở các nước đang phát triển.

Tại nhiều quốc gia, mức độ thân thiện của người dân với Trung Quốc cao so với Mỹ. Ở Ả Rập Xê Út là 54% so với 28%, ở Thổ Nhĩ Kỳ là 27% so với 15%, ở Indonesia là 60% so với 40%, và ở Brazil là 53% so với 42%.

Ngay cả ở nước Úc, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, các cuộc thăm dò do Viện Lowy thực hiện đã cho thấy công dân Úc dành cho Trung Quốc thái độ thiện cảm ngang bằng với Mỹ.

Hơn năm năm qua, khi nước Mỹ bị phản đối ở nhiều nơi thì Trung Quốc lại cải thiện được hình ảnh đất nước và nâng cao vị thể của mình ở châu Á, châu Mỹ Latinh và ở châu Phi.

Trò chơi Quyền lực mềm

Đó là chiến lược biến Trung Quốc và nền văn hóa Trung Quốc trở nên hấp dẫn ở mức độ cao nhất đối với công chúng trên toàn thế giới, chứ không chỉ riêng đối với các quan chức lãnh đạo.

Washington đã chi phối “trò chơi” này trong nhiều năm. Nhưng những nỗ lực mới của Bắc Kinh – thông qua viện trợ nước ngoài, đầu tư, ngoại giao khéo léo, du lịch và giáo dục – đang bắt đầu vượt xa những cố gắng của Mỹ.

Hãy xem: mùa hè này Trung Quốc lên kế hoạch tham gia tập trận cùng với một số các nước Đông Nam Á - sự hợp tác mà những đồng minh của Mỹ như Thái Lan và Philippin không thể nghĩ tới. Đó là kết quả trực tiếp từ chiến dịch thu hút thiện cảm của Trung Quốc.

Trung Quốc mới đây cũng vừa hoàn tất một hiệp định thương mại tự do với ASEAN ngay sau khi những nỗ lực của Mỹ nhằm đạt được điều này bị cản trở bởi làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Bangkok.

Tại Ấn Độ, một trong những đối thủ lâu đời của Trung Quốc, Bắc Kinh đang tận dụng vị thế của mình khi là đối tác ngang sức ký kết các hiệp định thăm dò dầu khí…

Khi quan sát nguồn viện trợ nước ngoài của Trung Quốc, người ta đã bắt đầu hiểu kế hoạch quảng bá hình ảnh của nước này. Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ sớm trở thành nước cho vay lớn nhất đối với các nước châu Phi. Năm ngoái nước này đã cấp viện trợ ít nhất tám tỷ USD cho lục địa đen, nhiều gấp hai lần so với Mỹ viện trợ cho châu Phi vào năm 2004.

Henry Yep, thuộc ĐH Quốc Phòng Mỹ, cho biết trợ giúp của Trung Quốc đối với những nước châu Á quan trọng như Indonesia và Philippines giờ đây lớn hơn nhiều so với của Mỹ.

Bắc Kinh cũng đã trở nên khôn ngoan hơn trong cách sử dụng đồng tiền của mình. Hiện Trung Quốc thường nhằm đến những dự án cơ sở mang tính thực tế, như các phòng khám chống sốt rét (Trung Quốc đã viện trợ xây dựng 30 phòng khám như vậy cho châu Phi) thay vì những dự án phô trương như trước đây (những dự án xây dựng sân vận động).

Quốc gia này cũng bắt đầu chú trọng đến những lĩnh vực cụ thể, nơi mà chính sách ngoại giao của Mỹ đang tụt hậu. Trong khi chính quyền của Tổng thống Bush thường có mối quan hệ không suôn sẻ với những tổ chức quốc tế thì Bắc Kinh lại gắn bó với các tổ chức này bằng những hành động như góp quân vào sứ mạng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, đồng sáng lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (trong đó có Nga) vào năm 1991, hay như lập ra gần 30 dự án với ASEAN trong thập niên trước. Trong khi đó, nước Mỹ chỉ lập ra bảy dự án trong vòng 30 năm.

Bắc Kinh cũng đang tận dụng sự thắt chặt của Washington về quy định cấp visa cho các sinh viên quốc tế kể từ sự kiện 11 tháng 09 năm 2001. Trung Quốc dự định thiết lập 100 Viện Nho giáo, các chương trình văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc tại các trường đại học nước ngoài trong thập niên tới.

Vào tháng 12 năm 2006, ông Hồ Cẩm Đào hứa rằng Trung Quốc sẽ đào tạo 15.000 nhà chuyên môn châu Phi trong ba năm tới và công bố 4.000 học bổng cho người dân châu lục này đến Trung Quốc học tập. Nhờ sự trợ giúp tài chính hào phóng ấy, lượng du học sinh theo học các trường phổ thông và đại học tại Trung Quốc lục địa đã tăng lên gấp 10 lần trong vòng 10 năm qua.

Loh Swee Ping, biên tập một tờ báo tiếng Trung ở Campuchia nói: "Nếu có thể, mọi người dân ở Camphuchia đều muốn đến Trung Quốc học tập. Đó là cơ hội tốt nhất đối với họ".

Hình ảnh của Trung Quốc ngày càng trở nên quen thuộc đối với thế giới nhờ những quy định nới lỏng đi lại đối với kiều bào. Những người Trung Quốc này đã tô đậm thêm hình ảnh đẹp đẽ của quê hương họ thông qua các nguồn vốn khác nhau, đầu tư vào những cửa hiệu sang trọng kiểu Pháp hay vào những dự án kinh doanh mới ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh.

Trung Quốc đang tạo nên nhiều sự hợp tác có thể theo những phương thức và ở những địa điểm mới. Hợp tác với Trung Quốc hấp dẫn hơn là với Mỹ.

Con dao hai lưỡi

Tuy nhiên, chiến lược “quyền lực mềm” của Trung Quốc có thể đi chệch hướng nếu nước này không thực hiện đầy đủ những cam kết viện trợ hoặc thất hứa.

Việc Bắc Kinh tiếp tục ủng hộ những chế độ chuyên chế hà khắc của Myanma cũng có thể làm xấu đi hình ảnh của họ. Ảnh hưởng tiêu cực của Trung Quốc trong vấn đề người lao động bản xứ và các điều kiện môi trường cũng vậy. Ví dụ, ở Zambia, điều kiện an toàn lao động nghèo nàn tại các hầm mỏ của Trung Quốc đã dẫn đến cái chết của gần 50 người và làm dấy lên nhiều làn sóng phản đối.

Thabo Mbeki, Tổng thống Nam Phi, mới đây đã cảnh báo Trung Quốc về việc theo đuổi một “cuộc phiêu lưu thực dân kiểu mới” ở châu Phi, và rằng tinh thần phản đối có thể lên cao hơn nữa nếu Trung Quốc không hành động thận trọng.

***

Tuy vậy, cho tới nay, Bắc Kinh dường như đang hưởng thành quả của chiến dịch tái lập hình ảnh khá ấn tượng của mình. James Wong Wing-on, cây bút hàng đầu người Malaisia nói: "Thậm chí những nhà ngoại giao Trung Quốc dưới cấp đại sứ ở đây, chẳng hạn như những tham tán phụ trách văn hóa hay thương mại, được đối xử như ở trong hoàng tộc. Họ nhận được sự ưu đãi như những người đồng nhiệm Mỹ trước đây từng có".

Mai Phương (Dịch từ Msnbc) 24/5/2007