Giải Nobel Vật lý 2013 liên quan đến "Hạt của Chúa"
Theo công bố ngày 8/10 của UB Nobel, nhà vật lý học Peter Higgs, 84 tuổi, người Anh, và nam tước François Englert, 80 tuổi, người Bỉ, đã giành giải Vật lý năm nay với công trình nghiên cứu lý thuyết về Higgs boson mà báo chí quen gọi là ’hạt của Chúa’.
- François Englert và Peter Higgs (phải). Ảnh: Reuters
Năm 1964, 5 nhà vật lý đã đề xuất lý thuyết về một loại hạt mới (Higgs boson) để giải thích tại sao khối xây dựng cơ bản nhất của vũ trụ là vật chất lại có khối lượng. Hạt Higgs nếu có thật sẽ chứng tỏ được sự tồn tại của vật chất tối (dark matter) mà ta không nhìn thấy nhưng được cho là chiếm đến 3/4 khối lượng của vũ trụ. Hạt Higgs thậm chí còn được một nhà vật lý gọi là "hạt của Chúa" vì tầm quan trọng của nó trong vụ nổ Big Bang.
Ngày 4 tháng 7 năm 2012, các nhà vật lý học tại Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử Châu Âu (CERN) đã nhận ra sự tồn tại của một hạt có những đặc tính giống với hạt Higgs được tiên đoán. Xác suất cho thấy hạt Higgs đã được tìm thấy chỉ chênh lệch khoảng 0,00003%.
Giới vật lý thế giới chỉ thực sự công nhận hạt Higgs sau cuộc thử nghiệm ở tổ hợp máy gia tốc hạt lớn LHC (Large Hadron Collider). Cỗ máy gia tốc này được xây dựng với chi phí 10 tỷ USD và trải dài trong một vòng đường hầm dài tới 28km nằm bên dưới biên giới Thụy Sĩ - Pháp.
Hạt Higgs được phát hiện nhờ khoảnh khắc tái hiện lại vụ nổ big bang đang được đa số các nhà khoa học coi là khởi đầu sự hình thành nên vũ trụ cách đây 13,7 tỷ năm. Chính vì vậy mà hạt Higgs được giới báo chí lan truyền với tên gọi là "hạt của Chúa".
"Giải thưởng năm nay là về một thứ rất nhỏ bé nhưng lại tạo nên mọi sự khác biệt," Staffan Normark, thư ký thường trực của Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết.
Một trích dẫn chính thức nói rằng giải thưởng này: "Dành cho việc khám phá ra lý thuyết về một cơ chế đóng góp vào những kiến thức của chúng ta về nguồn gốc của khối lượng các hạt hạ nguyên tử, và gần đây đã được khẳng định nhờ việc phát hiện ra hạt cơ bản đã được dự đoán trước, bởi các thí nghiệm tại máy gia tốc hạt lớn ở Cern."
Francois Englert nói rằng ông "rất hạnh phúc" khi giành giải thưởng này. "Lúc đầu tôi nghĩ rằng tôi sẽ không giành được giải bởi tôi không nhìn thấy thông báo," ông nói với Ủy ban giải Nobel, sau khi cuộc họp báo bị hoãn hơn một tiếng đồng hồ.
Những người đoạt giải Nobel năm 2013 sẽ nhận một số tiền tương đương 1,2 triệu USD tại một buổi lễ long trọng ở thủ đô Thuỵ Điển Stockholm vào ngày 10/12 tới. Riêng giải Nobel Hòa bình sẽ do Ủy ban Nobel của Na Uy trao tặng tại thủ đô Oslo.