Văn học Australia

Steele Rudd (1868-1935)

Nhà văn Australia

Tiểu sử

Steele Rudd (1898 -1935) —tên thật Arthur Hoey Davis— là nhà văn Australia. Ông sinh ở Drayton, Queensland và mất ở Brisbane (Australia), thọ 66 tuổi. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông "Về sự lựa chọn của chúng ta" (On Our Selection, 1899) từng được chuyển thể thành kịch và phim.

Tác phẩm

Cảnh bần hàn

Đợt thời tiết khô kéo dài và gia đình tôi nạo vét hố nước. Bố đang ở dưới đó xúc từng xẻng đất hất lên; Joe thì không còn một cái cánh nào, một trò chơi ưa thích của nó, trong khi đó anh Dan và Dave xẻ rãnh để dẫn nước chảy từ đỉnh núi vào hố trước khi trời mưa. Bố khát khô cả họng bèn bảo Joe đi kiếm cho ít nước uống.

Joe nói với bố:

— Bố ơi, bố hãy xem con ruồi này có bay được bằng một cánh không nhé. — Nói xong, cậu ta bước đi, nhưng rồi quay lại và nói: — Trong thùng chẳng còn tí nước nào đâu bố ạ. Mẹ nấu bí đỏ hết rồi. — Và nó lại bắt ruồi. Bố cố nhổ nước miếng và đang định nói thì mẹ đã đi đến quãng giữa căn nhà và hố nước và kêu lên rằng cả đồng cỏ đang bị cháy.

— Bố xem này, thế là xong, — Joe vừa nói vừa lấy ngón tay từ từ và nhẹ nhàng rút đầu con ruồi ra.

Bố nhoài người ra khỏi hố nhìn, và chỉ nói độc một câu: Trời!

Bố chạy mới nhanh làm sao! Bọn tôi chạy bổ theo sau, trừ thằng Joe không sao chạy nhanh được vì hôm trước nó đã cưỡi con ngựa tồi, lại không thắng yên, đi hàng mười lăm dặm. Đến gần đám cháy, bố dừng lại để nhổ một bụi cây xanh. Bố vớ phải một bụi rất chắc. Bố thì vội nhưng nào cây có vội cho. Bố vừa văng tục, vừa dùng hết sức bình sinh mà kéo. Rồi cái bụi cây cũng bật lên, làm bố ngã ngửa rất mạnh, nên bố lại văng tục.

Bố lo nhất làm sao cứu được hàng rào cây cockơtu quanh vườn. Chúng tôi vung cành dập lửa tứ phía. Nóng ơi là nóng, nóng khủng khiếp! Gió ngừng lúc nào chúng tôi làm việc lúc ấy. Cành cây của bố vung lên vun vút chẳng khác gì cánh cối xay gió! Khi cành cây bố dùng dập lửa đã cháy cụt, thì chỉ thoáng một cái bố đã kiếm được một cành khác. Khi chúng tôi đã gần dập được đám cháy thì gió lại ào đến, ngọn lửa lại bốc cao hơn và nhanh hơn lúc trước nhiều.

— Vô ích, — cuối cùng bố nói, một tay vò đầu, còn một tay ném cành cây xuống. Tất cả chúng tôi làm theo, đứng nhìn hàng rào cháy trụi. Ăn tối xong, chúng tôi lại ra và thấy hàng rào vẫn đang cháy. Joe hỏi bố xem ông có thấy cảnh tượng ấy huy hoàng không. Bố không trả lời; tối hôm đó hình như bố không có hứng trò chuyện thì phải.

Chúng tôi quyết định dựng lại hàng rào. Anh Dan lấy cái dũa hỏng ra mài lại cái rìu cho sắc, rồi cùng bố định bắt tay làm thì mẹ đến hỏi phải làm thế nào với chỗ bột mì. Mẹ bảo vét mãi mới đủ làm bánh cho bữa sáng, và nếu không kiếm đâu ra nữa thì bữa tối sẽ không có bánh mì ăn.

Bố ngẫm nghĩ, còn anh Dan lấy ngón tay cái sờ vào lưỡi rìu.

— Thế bà Dwyer không cho vay một đấu bột tới lúc chúng ta có à? — Bố hỏi.

— Không, — mẹ trả lời — Chưa trả được số bột mì mình còn nợ, em đâu dám hỏi vay nữa.

Bố lại ngẫm nghĩ.

— Còn bên nhà ông Anderson thì sao? — Bố hỏi.

Mẹ lắc đầu, hỏi rằng làm như vậy phỏng có ích gì khi mới sáng nay họ vừa hỏi vay bà một ít.

— Thôi được rổi, chúng ta phải cố hết sức thôi. — Bố trả lời, — Để tối nay tôi ra cửa hàng xem sao.

Dẫu bố vội đến mấy, nhưng công việc dựng lại cái hàng rào thì lại vô cùng phiền toái! Bố ngả cây con, mà đâu chỉ có cây con, trong đó có cả cây to, còn chúng tôi mồ hôi nhễ nhại kéo những cây gỗ đó thành hàng. Bố làm hùng hục như trâu và ông mong chúng tôi cũng làm như thế.

— Việc gì cứ phải ngó nghiêng thế. — Bố lại nói mỗi khi bắt gặp chúng tôi nhìn mặt trời xem đã đến giờ ăn tối chưa. — Có muốn dựng cho xong cái hàng rào và thu hoạch cho tốt thì phải nhanh chân nhanh tay lên.

Anh Dan làm việc hăng say không kém bố mấy cho đến lúc một cái gốc cây con rơi vào chân khiến anh phải nhảy lò cò, kêu đau và chán không muốn làm cái hàng rào chết tiệt đó nữa. Anh ấy tranh luận với bố, dứt khoát cho rằng cứ dựng ngay một hàng rào bằng dây thép còn tốt hơn nhiều, thế là ổn thỏa thôi, chẳng hơi đâu lãng phí thời gian vào cái thứ rồi thế nào cũng lại bị cháy lần nữa ấy.

— Đồ ăn hại! — Bố nói — Thế mày không còn biết nghĩ cái gì nữa à, con? Không có dây thép thì làm thế quái nào dựng được hàng rào dây thép cơ chứ?

Sau đó chúng tôi nghỉ tay đi ăn cơm tối.

Bữa ăn đó chẳng ai thấy hứng thú trò chuyện. Mẹ ngồi im lặng cuối bàn ăn và rót nước chè, còn bố ở đầu bàn bên kia múc canh bí đỏ và chia món thịt ướp trơ chỏng. Mẹ không đụng đến món thịt, nếu không thì môt trong chúng tôi sẽ chẳng có để mà ăn nữa.

Tôi không hiểu do cãi cọ với anh Dan hay là do bữa tối không có bánh mì nên bố cáu kỉnh. Bố mắng nhiếc Joe ăn cơm mà để tay bẩn, Joe kêu rằng nó không rửa tay được vì khi rửa xong anh Dave đã hất toẹt cả chỗ nước đi. Bố quắc mắt nhìn anh Dave, còn Joe tuồn cái bát xin thêm món bí đỏ.

Bữa ăn sắp xong thì anh Dan trông có vẻ vẫn đói đã nhăn nhở cười và hỏi đùa anh Dave không biết anh có muốn ăn bánh mì không. Nghe thấy thế, bố chồm lên giận điên người.

— Mày mất dạy quá! — Bố nói với anh Dan. — Mày lại dám nhạo báng chuyện đó à?

— Ai nhạo báng hở bố? — Anh Dan trả lời và lại cười nhăn nhở.

— Cút ngay! Bố giận dữ quát, tay chỉ ra cửa. — Cút ngay khỏi nhà tao, đồ vô ơn!

Tối hôm đó, anh Dan bỏ đi.

Sau đó, bố phải hứa danh dự là sẽ trả bớt nợ trong hai tháng, người chủ cửa hàng mới để chúng tôi mua chịu một bao bột mì nữa. Bao bột mì đó đã mang lại bao thay đổi trong nhà tôi! Ngay lập tức cả nhà trở nên vui vẻ! Và bố phấn khởi biết bao khi nói về trang trại và viễn cảnh của mùa tới!

Bốn tháng trôi qua. Hàng rào đến một lúc nào đó cũng đã được dựng xong và một hécta lúa mì đã được trồng; nhưng không có mưa nên chẳng một cây lúa nào mọc, hoặc có khả năng nảy mầm được. Từ ngày đi đến giờ anh Dan vẫn bặt vô âm tín. Bố nói chuyện với mẹ về anh:

— Thằng vô lại bỏ đi đúng lúc tôi cần nó giúp đỡ. Đã bao năm tôi làm quần quật để nuôi nó, vậy mà bà xem tôi nhận được sự trả ơn như thế đấy! Song tôi cam đoan dù thế nào nó cũng vui mừng được trở về nhà.

Nhưng mẹ thường chẳng bao giờ nói gì không có lợi cho anh Dan cả.

Thời tiết vẫn khô hạn. Lúa mì không mọc được, và bố lại thất vọng.

Tuần nào ông chủ cửa hàng cũng đến nhắc bố về lời hứa.

— Hễ có là tôi mang trả ông ngay, ông Rice ạ, nhưng bây giờ tôi biết làm sao? Không thể rút máu từ đá ra được. — Bố thường trả lời.

Chúng tôi hết cả chè uống và bố nghĩ đến việc đòi Anderson tiền công ông làm hàng rào cho nhà anh ta mua ít chè, nhưng Anderson tỏ ý tiếc rằng chưa có, và hứa trả ngay khi bán được con trâu. Mẹ nghe nói Anderson chưa trả được, bà khóc, mà nói rằng trong nhà không còn tí đường nào, và cũng chẳng có đủ mụn để vá quần áo cho các con.

Chúng tôi không thể nào sống mà không có chè uống, nên bố chỉ dẫn cho mẹ cách làm ra loại chè mới. Bố nướng một khoanh bánh mì cho đến khi cháy đen, sau đó đổ nước sôi vào và để cho nó ngấm. Bố bảo nó có một mùi thơm tuyệt vời; ông thích lắm.

Cái quần duy nhất mà anh Dave mặc đã rách tã ra rồi; Joe không có lấy một chiếc áo tàm tạm nào để đi chơi ngày chủ nhật; bản thân bố phải đi đôi ủng đế buộc dây thép; và mẹ thì ốm. Bố làm hết sức — giúp đỡ mẹ, rồi chuyện trò, hi vọng về cảnh giàu có một ngày nào đó sẽ đến với chúng tôi. Vậy mà có lần nói chuyện với anh Dave, bố thất vọng hẳn và thề có đấng tối cao chứng giám bố không biết phải làm gì nữa. Anh Dave không biết nói gì hơn và anh cũng buồn ủ rũ thấy cảnh nhà cửa chẳng ra sao cả.

Khi mẹ ốm và bố phải dành hết thời gian chăm sóc mẹ, khi trong nhà hầu như chẳng còn gì nữa, khi thực sự cảnh bần hàn đã thường trực ở cửa, thì anh Dan về mang theo cả một túi đầy tiền và một gói đầy quần áo dính dầu mỡ. Bố sung sướng vô cùng, bắt tay mừng anh trở về! Và anh Dan nói tới chuyện chăn cừu, chăn ngựa, nhiều lần anh khẩn khoản bố hãy đi xén lông cừu, cuộn thuốc lá hoặc đóng dấu gia súc — làm bất cứ việc gì còn hơn là làm việc để chết đói trong cảnh này.

Song bố vẫn ở lại trang trại.

Mạnh Chương dịch

Nguồn: Mẹ tôi (tập truyện ngắn Úc), NXB Ngoại văn, 1988