Văn học Ukraine

Roman Ivanovich Ivanychuk (1929)

Nhà văn Ukraine

Tiểu sử
Roman Ivanovich Ivanychuk (Роман Иванович Иваничук, 27/5/1929) là nhà văn, nhà thơ và nhà hoạt động xã hội Ukraine. Ông sinh ở làng Trach, Stanislavsky Silesia, Ba Lan, nay thuộc khu vực Kosovo, vùng Ivano-Frankivsk, Ukraine. Ông là hội viên Hội nhà văn Ukraine, Anh hùng lao động Ukcraine. Ông đã đoạt Giải thưởng Nhà nước Liên Xô mang tên Shevchenko (1985), giải thưởng văn học. A. Golovko (1979).

Tác phẩm

Aina

Ví như có một họa sĩ — thần bút nào có thể chộp được màu xanh mát dịu của những vườn nho xứ Dalơ và tiếng róc rách trong trẻo của dòng sông Kátkara Saia, tóm được màu lam phơn phớt của vòm trời Adécbaidan và làn sương mù lâng lâng mà đáng sợ của dải trường sơn, nếu ông ta có tài nắm bắt được tất cả cung bậc của màu sắc trên đầu ngọn bút lông của y, thì người ấy khả dĩ vẽ truyền thần được đôi mắt của nàng Aina.

Aina... Hôm nay tôi lặn lội đến xứ sở này là nơi mà ngày xưa mối u tình của tôi đã tan tác đi chẳng khác nào đóa hoa cúc bị ngắt cánh, chỉ còn trơ lại gai nhọn của loài mận dại. Tôi không còn nhận ra được đâu là làng Dalơ Kyslắc, đâu là chỗ ở của Aina vì ngay tại nền cũ của mái thảo lư Sakla đã mọc lên một ngôi nhà tân thời xinh đẹp; nơi mà ngày xưa là trại lính của chúng tôi thì giờ đây đang hoạt động một nhà máy phát điện cỡ nhỏ; con đường sắt mà bọn tôi lắp đặt chưa bao lâu nay chạy suốt đến thành phố Đátkétsan, còn ngôi thánh đường Hồi giáo có chỏm nóc tròn thì đã mục nát hoang tàn.

Aina nàng ơi, anh đã nhìn ra em nhưng anh không thể công nhận em được. Bởi từ lâu không gian và thời gian phũ phàng đã ngăn cách đôi ta, nhưng anh cũng cứ đến, vì nụ cười của em ở giây phút này vẫn sưởi ấm mộng hồn anh. Anh đang ở nhà em đây. Duyên dáng mà như xa lạ, em thết đãi món rượu ngon trân quý. Chồng em là thiếu tá Hátxanốp vừa kể cho anh biết là cách mười lăm năm trước ông đã khổ công tìm ra được nàng Aina khốn khổ của ông tại nhà máy làm ống nước ở Xumgaít. Giờ thì ông hết lời ca ngợi người vợ đảm của ông hiện là tay thợ lành nghề của nhà máy đèn làng Dalơ Kyslắc. Thằng bé con em tên Axtan, nước da bánh mật, đang nhảy nhót trên đầu gối anh, nó khoái trí kể lại chuyến đi xe lửa một mình của nó đến tận Đátkétsan. Còn em thì... Em cố lẩn tránh cái nhìn của anh và tất nhiên cũng như anh, em gợi lại cả một dĩ vãng xa cũ khó quên, một giấc mộng êm đềm vời vợi...

... Sau chiến tranh thì tôi chấm dứt nhiệm vụ tại một tiểu đoàn công binh đặc trách làm con đường sắt dẫn đến khu mỏ Côban vùng Đátkétsan vào tận ruột núi miền nam dải Cápcadơ. Bọn tôi dựng vội vàng những trại lính bằng đất nện, đám máy bay thì bao bọc trong vòng rào dây thép gai, cả bọn cứ nghĩ mà buồn nẫu ruột về cuộc sống phải kéo dài ngày, xa cách mọi người, lọt thỏm giữa một thung lũng hoang vu trên bờ con sông hung hãn Kátkara Saia.

Thế là chúng tôi vừa yên nơi yên chỗ thì các bà các cô bắt đầu kéo tới mỗi ngày theo con đường dẫn luôn đến tận trại lính, họ mang những thúng nào là rượu, nào là nho, dưa, lựu, đào. Tóm lại tất cả những gì là tài sản của người miền núi, đủ loại trân cam, mùa nào thức nấy. Họ là dân quê của cái làng nhỏ Dalơ Kyslắc ở không xa bọn tôi mấy, phía sau cái đèo kia thôi. Một khóm nhà Sakla vách đất lẩn tránh tầm mắt mọi người, nằm sau những gò đống và ẩn khuất trong những rặng cây, tường đá, vườn nho. Chỉ độc một ngôi nhà hiển hiện từ xa, đó là thánh đường của làng có cái tháp cao tròn. Dân quê chăm lo đồng cỏ chăn nuôi gia súc, và cứ mỗi độ xuân về, đám mục tử của nông trường Khanlát lại lùa bầy gia súc lên triền núi Dalơ. Trên mảnh đất khô cằn đó, họ trồng các loại cây ăn trái và vườn nho.

Đám thôn dân ấy làm bọn tôi kinh ngạc. Mấy cô gái hễ trông thấy đàn ông là kéo khăn choàng che kín nửa mặt. Lũ trẻ nhỏ thì kéo đến trường học ở Táttamia nhưng mỗi ngày chúng lại tới cầu kinh ở thánh đường làng Dalơ Kyslắc và lão pháp sư cất to giọng đọc kinh Hồi giáo Namaz mỗi buổi chiều với điệp khúc "thánh Ala, thánh Ala" ép buộc đám trẻ phải quay về nhà. Đàn bà chỉ được nói chuyện với đàn ông khi bọn này cho phép và cha mẹ thì đem bán con gái sơ sinh của họ hãy còn bọc tã lót cho những chàng hôn phu mới lên năm tuổi.

Cánh lính chúng tôi gai mắt phản kháng. Cái ngữ hủ tục Hồi giáo độc ác ấy sao lại có thể tồn tại đến ngày nay nhỉ? Kẻ nào đã khống chế dân chúng trong sự sợ hãi và sự tự ti nô lệ cổ lỗ ấy? Tuy nhiên chẳng có ai ngờ rằng định mệnh xui khiến chúng tôi ra tay làm rạn nứt những hủ tục còn rơi rớt của nhóm sắc tộc Ađát phương Đông bán khai, khiến dân chúng nổi dậy chống bọn tôi trước tiên, rồi sau đó họ quay lại chống bọn áp bức đã nhốt họ trong tăm tối. Song le, chẳng phải chúng tôi làm bùng nổ cuộc đấu tranh chống ách mê muội của Hồi giáo trong cái làng Dalơ Kyslắc hẻo lánh này, mà chính là nàng Aina bé bỏng đó.

Nếu phải tay tổ thì đã hẳn... Nhưng đằng này không, nàng Aina có đôi mắt bình thường thôi, nhưng nó chứa một điểm chắt lọc, một phong thể của tất cả những gì tạo ra sự giàu có cũng như sự nghèo hèn trong bản chất xứ sở này, đó là màu xanh hiền dịu của vòm trời cao, nét óng ánh muôn màu của những dòng nước hoang dã, nỗi sầu man rợ của khối đá trần trụi, dáng dữ tợn của chim ưng và vẻ nhu thuận của loài gia súc.

Nàng Aina như thế đấy.

Nàng gầy yếu nom như đứa trẻ; hai cánh tay nàng dài thưỡn ra dưới sức nặng của mấy giỏ nho, thân nàng uyển chuyển và mảnh dẻ ưỡn ra dưới hũ rượu nặng trĩu; đôi vú tròn núm nhọn của nàng mới nhú dưới lớp áo dài sặc sỡ. Aina hãy còn là thiếu nữ bé con. Đừng hòng có ai lấy chiếc mũ lông cừu papakha quật ngã được nàng, Aina đã mười sáu tuổi đầu, thành một ả Khanoum rồi đấy nhé. Bởi thế cô nàng phải e lệ lấy khăn choàng đỏ che kín đôi má bánh mật và mái tóc gỗ mun của nàng. Nhưng riêng đôi mắt thì nàng làm sao che giấu được, nàng bèn hạ thấp rèm mi dài và vẫn cúi đầu nàng khẽ thốt ra câu tiếng Nga bập bẹ:

— Xin mời ông, nho khô ngon lắm. Bir kilo, bir manát (một kí lô, một đồng rúp).

Mỗi ngày hễ được rảnh rang giây phút nào là tôi vọt ra khỏi trại lính, sửa gọn chiếc áo ngắn bạc nâu trong vòng thắt lưng, và tôi băng theo con đường đang tụ tập đám phụ nữ làng Dalơ Kyslắc, họ kéo đi một dọc dài khệ nệ với những giỏ trái cây và hũ rượu. Mạnh ai nấy đua nhau rao hàng mời khách nếm thử của ngon, họ giúi mấy chùm nho lên tận miệng tôi, rót cả rượu mới ra cốc chào mời. Nhưng tôi nào có chú ý tới họ đâu, tôi liến thoắng mấy tiếng "rakhmat, rakhmat" (cám ơn, cám ơn) một cách lễ độ và như cái máy ấy, rồi tôi nhanh chân bước đến cuối hàng quà đang có mặt nàng Aina khiêm tốn: cô chẳng hề săn đón chào mời ai.

— Bir manat? Một rúp hả? Này người đẹp ơi, tôi sẽ biếu em một nắm vàng, chẳng để mua nho của em đâu nhé, mà chỉ vì em dời gót đến đây hôm nay, tôi sẽ tặng em một nửa cuộc đời tôi vì nụ cười của em đấy và tôi chịu hi sinh cả thân mình vì đôi mắt của em đó em ạ.

Nhưng Aina nào có hiểu những lời tôi nói, nàng chỉ trông thấy ở tôi cái nhìn luống cuống và sự đam mê. Nàng đâm sợ hãi nên càng che mặt kín hơn, đôi mắt cúi nhìn đám bụi bay trên đường.

"Aina, Aina ơi, — tôi thầm nhủ với nàng — Chẳng hay em có để ý rằng từ một năm qua anh đến đây thưởng thức quả nho và anh đào của em ngay cả khi túi anh đã hết nhẵn tiền? Em có nghe không tiếng anh gọi em khi em đi khuất sau rặng núi trở về nhà? Aina ơi, hãy nhìn anh đi, em thấy rõ là anh yêu em mà!".

Hết phương chống chọi những lời khẩn cầu của tôi, nàng ngước mắt lên — đôi mắt phong phú và diễm lệ như mặt biển khơi, và tôi đọc trong đôi mắt ấy một lời đáp âu sầu bẽn lẽn:

— Không, không...

Tại sao... nhưng tại sao chứ?! Cho đến bao giờ em chịu nhẫn nhục dưới cái ách của những luật lệ vô lý đó chứ? Em có đến thành thị bao giờ chưa, em có trông thấy cái phố cũ Ghianda, cái phố mới Kirôvôbát đó: em chẳng nhìn thấy tất cả những đổi thay đó ư em? Những thiếu nữ cùng lứa tuổi như em đấy: các cô đi lại ngoài phố bỏ khăn che mặt từ lâu rồi, họ dửng dưng bước qua cửa thánh đường và những lời kêu gọi của lão pháp sư chẳng làm cho họ nao núng chút nào. Các cô đến học những trường trung học, đại học rồi chiều về họ vui đùa ỏ công viên thành phố — nơi đó thánh tiên tri Hồi giáo Nixami của các cô đứng trên bệ tượng cao đang ban phép lành cho cuộc sống mới.Tại sao em chưa chịu đổi đời đi hở em?

Aina lặng thinh, nàng lại cúi gằm mặt xuống với cả sự phong phú của tâm hồn nàng và nhìn làn bụi bay trên đường.

Mãi sau này tôi mới vỡ lẽ trắng đen về thái độ của nàng. Tôi biết chuyện đó nhờ sự giải thích của thủ trưởng tôi là trung úy Hátxanốp. Mối u tình của tôi không qua được cặp mắt sắc sảo của ông ta.

Ông ấy đứng bên cạnh tôi, dáng người cao lớn, râu mới cạo nhẵn, đôi môi dày loại hắc chủng. Tôi mải dõi mắt theo Aina, khẽ gọi tên nàng và chẳng còn trông thấy ai quanh mình nữa. Hátxanốp bèn sờ nhẹ vai tôi làm tôi tỉnh mộng. Đôi mắt đen của ông lẩn tránh cái nhìn của tôi, một thoáng ngượng ngùng hiện lên gương mặt thịt của ông ta.

— Cậu yêu cô ấy à? — ông ta hỏi.

— Tôi yêu nàng.

— Tôi cũng thế, — Hátxanốp khẽ nói, trầm hẳn giọng.

Tôi lặng im hồi lâu, mắt ghen tức nhìn lão trung úy. À, thì ra đó là lý do khiến nàng câm lặng, làm cho nàng lẩn tránh mắt tôi! Tôi suýt buột miệng nói với kẻ tình địch "Chính tôi đây, tôi mới là người yêu nàng và tôi sẽ làm mọi cách để nàng thuộc về tôi đấy!" Nhưng tôi nhìn thấy trước mặt tôi đâu có phải là một kẻ chiến thắng mà chỉ là một con người thảm bại vì tuyệt vọng.

— Tôi đã quen biết nàng từ lâu, — Hátxanốp nói. — Aina đã bị bán mất rồi, cô ấy bị bán đi như một tên nô lệ.

Ông bèn kể cho tôi nghe những điều tôi chưa hề biết và thật khó ngờ xảy ra nông nỗi này.

Thuở Aina mới ra đời, lão Ibrahim Kurumbêkốp đã mua phắt cô bé ấy cho con trai lão là Dasa. Mua đứt cho thằng nhãi Dasa đấy! Tôi biết rõ vị hôn phu đó, và điều ấy càng làm cho tâm hồn tôi thêm day dứt xót xa. Quả là "hoa lài cắm bãi cứt trâu", một hương sắc ngàn vàng đem bán đi cho một tên đần độn, một thằng ngốc trong làng! Lão Ibrahim có thừa thủ đoạn mưu lợi, đâu có phải dại khờ gì mà hắm đem cả một bầy cừu để đánh đổi lấy cô bé Aina trong khi thằng nhóc Dasa mới lên năm tuổi.

Nhưng rồi bầy cừu sính lễ cũng tan tác cả, lớp thì chết rũ, lớp thì chạy lạc mất, rốt cuộc chỉ còn mỗi Aina bị trói thân trong vòng nô lệ từ thuở đầu xanh. Người ta canh giữ con bé, ai cũng lo sợ cho thân phận nó, vì Aina chẳng được phép ló mặt ra đường lúc chiều tối, họ cấm nó không được nhìn một người trai trẻ nào, không được phô sắc đẹp của nó trước mặt đàn ông.

— Dã man quá đi mất! Ngữ như thế phải đưa ra tòa xét xử chứ! — Tôi nghiến răng tức tối, giận mình bất lực chẳng thốt nên lời.

Tôi bèn vấn kế Hátxanốp.

— Làm cách chi anh cứu được cô ấy, — ông trung úy bàng hoàng đáp. — Chính quyền chẳng làm gì được nốt. Nào có giấy tờ hôn thú, mua bán gì đâu. Thế anh định đưa ai ra tòa nào? Lão pháp sư nắm giữ tín đồ trong sự kiêng dè luật thánh, vậy anh làm gì được hắn nào? Ta có thể thuyết phục cô gái ấy thử xem, nhưng chắc cô ta chẳng dám lấy một người đàn ông nào khác nữa đâu.

— Không đâu, ai chứ ông có thể cứu được nàng, nếu như... nàng yêu ông...

— Nếu à...

Choáng váng vì lo sợ, mỗi ngày tôi mỗi đi tìm Aina trong đám đàn bà xếp hàng dài đi bán quả rong. Nhưng nàng không ló mặt ra nữa.

Mùa nho đã trôi qua, người ta bắt tay hái đào. Mùa thu ảm đạm kéo dài trên mặt sông Kátkara Saia, những chóp núi màu hung nhạt nhòa trong sương mù. Lão Ibrahim cho thịt cừu để bày cỗ cưới, còn Aina thì tiều tụy âu sầu trong thôn ổ của nàng.

Hátxanốp đã nhầm khi nghĩ rằng nàng Aina đành chịu khuất phục trước tập tục và lão pháp sư. Tôi thì chẳng tin gì cả. Sự việc xảy ra vượt sức của tôi. Tôi đã nhìn thấu tâm hồn của Aina trong đáy mắt nàng. Quả là trong đôi mắt ấy ấp ủ một sự nhu thuận của loài gia súc, nhưng nó cũng chứa đựng đảm lực của giống chim ưng, nó vừa phản ánh nỗi sầu bi của tảng đá trơ trụi, vừa bộc lộ tính bất khuất của dòng nước hoang dại óng ánh muôn màu. Tôi không tin vào sự nhẫn nhục mù quáng của Aina.

Tháng mười tước bỏ phũ phàng chút tươi trẻ của rừng cây bên bờ nước, của vườn nho trong làng Dalơ Kyslắc. Tháng mười tước bỏ tuổi thanh xuân của nàng Aina, trong khi lão Ibrahim chuẩn bị lễ cưới vợ cho thằng ngố Dasa con lão.

Tiểu đoàn của chúng tôi đang công tác ở xa đồn trại. Con đường sắt công trình của đám binh sĩ vẫn bướng bỉnh tiến về phía Đátkétsan.

Một chiều thứ bảy kia, tôi đi công tác về một mình. Đội công binh xếp hàng kéo về phía trước tôi.

Rặng núi đã ẩn khuất tự bao giờ, trời càng lúc càng dày đặc những đám mây,tiếng tru ghê rợn của chó rừng càng gợi niềm u uất. Chân bước đi mà lòng tôi cứ nghĩ đến Aina. Không phút giây nào tôi quên tơ tưởng đến nàng, nhưng không nghĩ ra được cách chi cứu thoát nàng. Dấn thân đến nhà mẹ nàng và van xin bà hãy hoãn lại ngày cưới cho đến mùa xuân sắp tới cũng chẳng nên tích sự gì đâu, còn giờ đây thì càng không thể mang nàng Aina về làng với tôi được. Tôi đang chân lính mà... Hátxanốp hẳn phải... Vâng, Hátxanốp!

"Anh bộ đội ơi, này, anh bộ đội ơi!" Tôi chợt nghe trong đêm tói một giọng nói xa lạ nó vang vọng trong tâm trí tôi.

Không hiểu tại sao nhưng tôi vụt nghĩ ngay đó là tiếng gọi của Aina. Tôi chưa hề nghe thấy giọng nói của nàng, nhưng chỉ có nàng mới kêu gọi như thế thôi, rõ ràng là tiếng kêu của con người đang đứng trên bờ vực thẳm. Tôi liền băng qua đường và chộp lấy đôi tay lạnh giá của nàng. Aina đứng đó, mặt không che khăn. Bím tóc đen tuyền như hắc ín buông thõng trên ngực nàng một cách tuyệt vọng, câm nín. Đôi má của Aina rực lên cơn sốt, nhưng trong đôi mắt nàng chẳng biểu hiện chút chi buồn rầu hay khuất phục, mà chỉ biểu lộ ý chí can đảm, một sự kháng cự.

— Aina, — tôi khẽ nói — Em đi đâu?

— Tôi chạy trốn, tôi chẳng thèm quay về nhà nữa đâu, — nàng nói bập bẹ tiếng Nga trong tiếng khóc nghẹn ngào. — Ở đằng ấy đang cử hành lễ cưới anh ạ.

Nàng run rẩy vì lạnh và vì sợ. Trên người nàng chỉ có độc chiếc áo dài trắng của cô dâu. Nàng ôm ghì lấy tôi, tôi ve vuốt gương mặt nàng bằng bàn tay chai sạn của tôi và tôi chẳng biết phảo xử sự ra sao đây.

— Em sẽ đi đâu? Trời tối rồi... Trơ trọi một mình em tính sao cho qua đêm nay?

Cho đến phút này nàng mới nhận ra sự bất lực, sự yếu đuối của nàng.

— Hãy giúp em!... Em... em chạy đến đây là để gặp anh...

— Gặp anh à?!

Thế là tôi hiểu rồi: Aina yêu tôi. Một ý nghĩ vụt lóe lên trong đầu tôi đang rối như tơ vò: đằng sau trại lính của bọn tôi có một chòi canh hoang. Aina có thể tạm lánh qua đêm và tôi còn phải chạy đến nhà Hátxanốp trong đêm nay, ông ta là một kẻ có lòng, ông ấy sẽ hiểu cho cảnh ngộ này, ông cấp cho mình một giấy phép xuất trại ngày mai, phải nhanh tay hành động mới kịp!

Aina và tôi, hai đứa bẽn lẽn bước về phía đồn trại, chợt có tiếng người chăn cừu ở gần bờ sông làm chúng tôi hơi lo sợ.

— Hãy mang em đi với anh... Mang em đến quê hương anh nhé...

Tôi liền bảo nàng rằng tôi sẽ không bao giờ rời xa nàng, cho đến ngày hôm sau thì chẳng còn mối nguy nào bức bách nàng được nữa, còn tình yêu của tôi đối với nàng thì nó to tát như vòm trời bao la kia. Tôi cúi xuống định ôm hôn nàng nhưng nàng đẩy nhẹ đầu tôi ra và nói rằng:

— Hẵng để mai mốt đã ... Khi em đã thành vợ anh..

Phía sau triền núi trong thôn ấp ấy đang nổi lên tiếng kèn Zourna và tiếng trống con khuấy động đêm đen, còn trong Sakla của chú rể thì người ta vẫn mong đợi cô dâu. Nhưng đột nhiên tất cả bỗng im bặt, rồi bỗng vang lên tiếng kêu gào than oán như một đám ma. Tôi hiểu rõ sự huyên náo đó và tôi nhìn Aina mà lo sợ phập phồng. Nàng đang ngon giấc, nàng rút vào lòng tôi một cách tin cậy, chẳng khác nào một đứa trẻ con đã bị tước đoạt cả một thời thơ ấu và tuổi thanh xuân mà bản thân em chưa hề biết đến. Tôi bèn đặt nàng nằm trên giường và ba chân bốn cẳng chạy đến nhà Hátxanốp. Ông ấy ở chỗ khá xa, đến tận Xamumi.

Chúng tôi quay lại vào lúc rạng đông. Chúng tôi sửng sốt khi xông vào chòi canh: Aina không còn ở đó nữa. Hai anh em chúng tôi bèn chạy vào làng Kyslắc.

... Bà mẹ của Aina nào có chợp mắt được suốt đêm qua. Bà biết cơ sự gì sẽ xảy ra vào lúc sáng mai. Cả làng sẽ kéo đến đây. Bọn Kumrumbêkốp rồi sẽ kích động cả gia đình chúng gây sự. Họ sẽ công khai làm nhục bà, họ chửi rủa bà lút đầu lút cổ cho mà xem. Nhưng chưa hết tội vạ đâu. Nếu Aina trở về đây mà chắc là nó sẽ quay về thôi - vì nó biết lang thang đâu nữa chứ - lão pháp sư sẽ ép buộc bà chối bỏ đứa con gái của bà trước mặt mọi người. Giờ có chạy đến Tắctania kêu cứu với ông xã trưởng thì đường đất quá xa xôi mà bà thì đã kiệt sức rồi, vả lại làm cách chi bà cũng không tránh khỏi sự điếm nhục. Lão pháp sư là chúa tể ở đây và lão Ibrahim đã hiến dâng cho lão cặp cừu hậu hĩnh rồi.

Trời vừa tờ mờ sáng thì Aina đã len lỏi chạy về hướng căn nhà Sakla của nàng. "Hắn đã chuồn rồi, chuồn rồi, chuồn rồi" Những tiếng ấy như búa bổ vào đầu óc nàng. "Đồ bạc ác tinh ma đó, hắn đã bảo mi gì nào" Lúc đầu thì nàng chỉ biết khóc lóc, giờ thì nàng cương quyết, một thân một mình nàng đương đầu tới cùng với nghịch cảnh. Chỉ cần có bộ quần áo mặc vào là nàng sẽ đi thẳng tới thành phố Đátkétsan, sẽ không ai tìm được ra nàng. Nàng sẽ tự xoay xở lấy. Nàng chẳng hoài hơi luyến tiếc nơi chôn nhau cắt rốn này nữa vì ở đây có ai thương yêu nàng đâu...

Nhưng nàng vừa chui vào con đường hẹp giữa hai bờ tường đá thì bỗng xuất hiện bóng dáng cao lớn của lão pháp sư đang đứng chặn đường nàng.

— Xéo ngay!

— Đức ông ơi...

— Xéo ngay, con dâm đãng!

Thiên hạ rần rần kéo đến. Aina như cánh chim hải âu trắng, nàng đứng tần ngần trước mặt lão pháp sư khoác áo chùng thâm, trước những cặp mắt cáu kỉnh của đám láng giềng. Dasa, thằng đần độn, lách ra khỏi đám đông, hắn nhảy bổ đến Aina với bộ mặt cau có vì điên dại, hắn đứng sững lại một giây trước mặt nàng. Aina bé nhỏ và yếu đuối, trừng mắt nhìn hắn đầy khinh miệt khiến hắn nổi khùng giật chiếc áo dài của nàng xé rách chỗ ngực áo.

— Ném đá cho chết đi! — lão pháp sư thét lên nhưng không ai động đậy, duy có mỗi Ibrahim cúi nhặt một hòn đá. Dân chúng ngăn hắn lại.

— Hãy lôi cổ mẹ của con đĩ tới đây! — lão pháp sư rít lên.

Aina giật thót người. Nàng sẵn sàng hứng hết mọi tội vạ nhưng không chịu nổi khi nghe truyền lệnh này. Nước mắt nàng tuôn trào theo tiếng than rên rỉ.

— Ngài nói dối! Tôi vẫn còn trinh tiết! Không bao giờ tôi lấy thằng điên ấy, ngài cứ dày xéo tôi đi!

Bà mẹ bị điệu tới. Một bàn tay bà vịn vào bức tường đá, tay kia bà bụm lấy cổ họng. Bà há hốc mồm ra thở, chân loạng choạng bước.

— Mụ hãy ném hòn đá này vào đứa con gái hư của mụ vì nó mang lại sự ô danh xú tiết cho mái tóc bạc của mụ đó!

Lão pháp sư nhét mạnh hòn đá vào tay bà mẹ. Đám đông im lặng chờ đợi. Hủ tục dã man khiến bà mẹ cất cao cánh tay lên. Nhưng bà không ném hòn đá đi, bà ngã quỵ xuống chân con gái bà, thều thào xin lỗi con rồi ngất đi.

Aina ôm chầm lấy mẹ, nâng bà dậy, nàng dứ hai nắm tay bé nhỏ của mình trước hàm râu pháp sư và thét lên:

— Thánh phạt mi! Thánh phạt mi!

Lão pháp sư đấm vào đầu cô gái và quật nàng ngã lăn quay xuống đất. Ibrahim liền ném hòn đá vào bà mẹ. Đám đông vụt kêu lên, họ xô đến ngăn cản những người bị kích động, có vài người bỏ cuộc chuồn mất.

Hátxanốp và tôi cùng chạy thục mạng, chân như không bén đất. Ông trung úy trước tiên chen vào đám đông. Ông nắm đôi vai lão pháp sư và quát to bằng tiếng Adécbaidan:

— Mi làm gì thế, hở thằng khốn!

Lập tức im phăng phắc. Tôi bèn đỡ Aina và bà mẹ dậy, lau vết máu nhìn đám đông và chợt hiểu ra rằng sự can thiệp của chúng tôi có thể đưa đến những hậu quả hay dở khôn lường. Nhiều người ghê tởm cách xử tội cô gái, nhưng chỉ cần một lời nói bất cẩn là trận mưa đá cuội sẽ ập xuống đầu bọn tôi ngay. Chúng tôi là người khác tộc, biết đâu chẳng phải mình mắc tội vì đã làm cho tập tục cổ truyền của làng Dalơ Kyslắc bị xúc phạm? Tôi giơ cánh tay về phía dân chúng và cố giữ giọng bình tĩnh phân trần với họ:

— Này các người dũng cảm, hãy cảnh giác...

Nhưng ngay lúc ấy lão chăn cừu Khamracuôn bước tới một bước.

— Anh lấy quyền hạn gì mà can thiệp vào chuyện nội bộ chúng tôi? Ai cần biện hộ cho vụ này và tại sao anh lại đi bênh vực cho cái con Aina ấy? Nó là cái thá gì của anh chứ: là vợ hay nhân tình nhân ngãi của anh hử? Này anh bộ đội, anh có dám nói ra là đêm qua con Aina nó ngủ ở đâu không? — Hắn nhìn tôi với cặp mắt đầy thù hằn rồi quay nhìn đám đông. Con Aina đã ngủ trong trại lính đấy! Chính mắt tôi trông thấy nó đi với tên ấy! — Hắn kết thúc câu nói và trỏ cây gậy vào tôi.

Tôi nghẹn thở. Chẳng phải nỗi sợ hãi làm tôi nghẹn lời, mà vì bí lối không làm sao chứng minh được sự trinh bạch của Aina.

— A, bộ đội mà như thế à? Các anh khinh thường giáo luật của chúng tôi. các anh giẫm đạp lên nó, các anh quyến rũ con gái chúng tôi rồi bỏ lại những đứa con hoang trên đời thế ư? — Lão Ibrahim tru tréo lên làm bắn cả nước bọt vào mặt tôi, rồi hắn nhổ toẹt vào tôi một cách ghê tởm.

Tiếng ồn ào dấy lên trong đám đông, mấy chục cánh tay lăm lăm hòn đá chực uy hiếp chúng tôi.

— Hãy ném đá đi, nào ném đi chứ! — Lão pháp sư gào tướng lên, sự cuồng nộ làm cho nước dãi nước miếng phun vào hàm râu lão nhỏ giọt.

Hátxanốp vụt tiến lên, đảo mắt trấn áp nhìn hàng đầu đám đông, ông dõng dạc hét to lấn át cả sự ồn ào huyên náo:

— Hãy bình tĩnh, xem nào! Cẳng tay hạ xuống đi! Nghe nào?! — ông lấy lại hơi thở và trầm giọng xuống — Các người tin vào lời nói dối hèn hạ ấy ư? Phải, cô Aina đã vào ngủ ở trại lính bởi vì cô ấy không còn đất đứng trong đám các người, những con người không có trái tim. Về sự trinh bạch của cô ấy thì vẫn có thể chứng minh bằng con đường luật pháp nếu các người không tin.
Ông trung úy nhìn chằm chằm lão pháp sư đã mất cả nhuệ khí và trỏ tay vào người lão ta

— Sao các người cam chịu cho người ta xo mũi mình như thế? Hãy nhìn những cánh tay xương xẩu và những bàn tay chai sạn của các người rồi hãy dòm lại đôi tay béo múp của pháp sư xem sao nào? Các người quả là hạng hủ lậu! Hãy ngước mắt mà nhìn trời cao, nhìn hoàn vũ kia xem! Các người muốn chôn sống cô gái này ư?... Các người muốn gả cô gái ấy cho ai đây? — Hátxanốp xách cổ thằng Dasa tội nghiệp đẩy ra cho mọi người xem — Có phải các người muốn gả cho cái thằng điên trong làng này chỉ vì cái bả lợi lộc bằng tiền bạc, bằng bầy cừu phải không?

Đám đông nguôi dịu đi, những hòn đá buông rơi nặng nề trên mặt đất.

Aina nhìn tôi, đôi mắt nàng như muốn nhủ tôi: "Tại sao trước đây anh van cầu tình yêu của em, tại sao mới hôm qua đây anh tuôn ra bao lời thề non hẹn biển để rồi sau đó anh đưa em đến nông nỗi bị sỉ nhục nhạo báng thế này?..." Nàng quay phắt lưng đi, bước lại gần Hátxanốp và chỉ thốt vắn tắt một lời:

— Cám ơn!

Thế là Aina đưa mẹ trở về nhà, nàng dứt bỏ làng quê ra đi, chỉ mặc một chiếc áo dài sơ sài, xách theo chiếc tay nải thế thôi. Chẳng còn ai dọa dẫm nàng, nhưng thân phận một cô gái ngủ đêm trong trại lính thì không thể ở lại thôn ổ được nữa. Aina chẳng còn chút lòng tin nào ở bản thân tôi cả. Tôi đuổi theo nàng để giải thích lý do vì sao tôi đã bỏ nàng một mình ở trong đêm tối, nhưng nàng chẳng thèm đáp lại lời kêu gọi của tôi.

Tôi trông thấy nàng một lần cuối cùng khi nàng dừng lại trên núi cao và nhìn rất lâu cảnh làng quê, chào vĩnh biệt tất cả mọi người thân và có thể là cáo biệt cả tôi.

Ngay hôm ấy, chúng tôi bắt giải lão pháp sư và tên Ibrahim về thị trấn Kirôvôbát.

Chúng tôi chẳng còn gặp lại Aina nữa. Tôi khẩn cầu Hátxanốp xúc tiến việc tìm kiếm nàng nhưng ông ta lặng thinh. Giờ đây thật khó mà nhận ra chân tướng thủ trưởng của tôi. Ông trung úy đâm ra u uất, môi ông mím chặt ngậm một nỗi đâu sầu câm lặng, và cái nhìn của ông trở nên kỳ lạ như mắt người tuyệt vọng vì mải đi tìm một gương mặt quen thân trong đám đông nô nức yến anh kia mà chẳng hề thấy dung nhan bạn ngọc.

Tôi xin được nghỉ phép. Ông nói:

— Anh sắp được giải ngũ rồi đấy mà.

Khoảng thời gian ít lâu sau đó, ông biệt tích. Anh em binh sĩ kháo nhau rằng ông ta đã xin chuyển sang một đơn vị khác. Cách tháng sau tôi được xếp vào hàng ngũ dự bị, tôi liền đi đến thành phố Đátkétsan. Nhưng tôi chẳng tìm thấy Aina đâu cả.

Tại sao hôm nay tôi trở lại làng quê xa xôi Dalơ Kyslắc? Để cho tâm hồn mình được thanh thản và để luyến tiếc những gì không thể hồi phục được ư? Nhưng giờ đây lòng ta còn nặng nỗi xót xa về chuỗi ngày thanh xuân đã mất. Mỗi một người chúng ta đều có cuộc sống riêng tư và chúng ta yêu mến nó như trời cho sao thì hưởng vậy.

Em rót rượu mời anh và đôi mắt em như nói với anh: "Bây giờ thì em hiểu cả rồi và em nhớ hết mọi việc. Đã hơn một lần em tơ tưởng đến anh... Nhưng đúng như chính anh trông thấy đó, cả những ngọn núi của chúng ta cũng thay đổi kia mà. Em không phàn nàn về nỗi mình đã được sống sót từ thuở xa xưa ấy, mà em hài lòng vì được cái diễm phúc tặng lại cho nó một giọt chắt lọc từ những nỗi thống khổ của em. Hạnh phúc đến với chúng ta có phải dễ dàng đâu và chính vì lẽ đó mà nó thân thương và xinh đẹp biết dường nào".

Trên đôi mắt Aina đã xuất hiện những nếp nhăn đầu tiên. Nàng đã trưởng thành, đầy sinh lực của tuổi tráng niên, nhưng gương mặt nàng vẫn không thay đổi. Mắt nàng vẫn y như xưa với chút khác biệt là nó không còn đượm nét u buồn và e lệ, mà giờ đây nó rực lên những ánh long lanh màu thiên thanh của tình mẫu tử và lòng tự trọng.

Năm tháng trôi qua, tuổi trẻ cũng lụi dần. Aina nay đã là phu nhân của Hátxanốp và là mẹ của bé Axtan. Tôi đã mất nàng vĩnh viễn... Vĩnh viễn ư? Không. Nàng ở lại mãi mãi trong đáy hồn tôi như một biểu trưng cái đẹp của con người.

Thanh Tùng dịch

Nguồn: Ba giờ đồng hồ giữa hai chuyến bay (tập truyện ngắn nước ngoài), NXB Mũi Cà Mau, 1986