Đông Tác

Blog

Trang nhà > Giáo dục > Viết > Chữ Quốc ngữ, ĐKNT và vấn đề cải cách chữ Việt trong thế kỷ XX

Hội thảo "100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục và công cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam hiện nay"

Chữ Quốc ngữ, ĐKNT và vấn đề cải cách chữ Việt trong thế kỷ XX

Nguyễn Chí Công

Thứ Bảy 2, Tháng Sáu 2007, bởi Cong_Chi_Nguyen

Ngay từ khi chuẩn bị phổ biến tri thức canh tân và chấn hưng đất nước, các vị lãnh đạo Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) đã lựa chọn đúng đắn và phát huy nhiều phương tiện cũ mới khác nhau.

Một trong các phương tiện đặc sắc nhất chính là chữ Quốc ngữ (CQN), các thày giáo ĐKNT đã soạn sách dạy đọc viết và sử dụng thứ chữ từng bị coi là "của Tây" để phục vụ hữu hiệu cho người Việt Nam, nhất là giới bình dân, doanh nhân và sĩ phu. Bài viết đánh giá công lao vô cùng to lớn đó và chỉ ra rằng quá trình cải cách và tiêu chuẩn hoá CQN của con cháu đã thể hiện những bước tiếp của tư duy đổi mới liên tục, mang lại những kết quả có ý nghĩa rất cơ bản cho cuộc hội nhập thế giới trong kỷ nguyên thông tin.

Nguồn gốc chữ Quốc Ngữ  [1]

CQN là một công trình tập thể khởi đầu từ gần 4 thế kỷ trước, trong đó nổi lên vai trò quan trọng của nhiều linh mục người Âu như Francesco de Pina (1585-1625), Gaspar de Amaral (1594-1646), Antonio Barbosa (1594-1647), Alexandre de Rhodes (1591-1660) [2], với sự hợp tác của các trợ giảng và nho sinh tín hữu ở cả hai miền Bắc Nam, đáng tiếc chỉ được ghi lại tên thánh chứ không đầy đủ tên họ Việt (vì sợ khủng bố đạo Ki Tô ngày đó?). Trước khi đến Việt Nam vào 1615, Hội truyền giáo dòng Tên [3] (S.C. de Propaganda Fide) có nghiên cứu nhiều năm về ngữ âm tiếng Nhật và đã xuất bản các từ điển liên quan [4]. Alexandre de Rhodes trở về Roma khi các linh mục nói trên không còn nữa. Dựa trên kết quả của cả nhóm, ông đã biên tập, bổ sung phần Latin và năm 1651 cho in "Từ điển Việt-Bồ-Latin" [5] mà bài diễn giảng vắn tắt về tiếng Đàng Ngoài trong từ điển này có thể coi như tài liệu khảo cứu ngữ pháp tiếng Việt đầu tiên.

Một cuốn sách khác cũng in ở Roma, "Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà vào Ðạo Thánh Ðức Chúa Trời" [6], có lẽ là giáo trình thứ nhất viết bằng CQN, phản ánh tiếng Việt của giữa thế kỷ XVII dưới dạng còn khó đọc. Sau khi CQN ra đời, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chữ Nôm và chữ Hán vẫn là phương tiện truyền giáo chủ yếu trong khoảng 200 năm. Trong bản thảo "Từ điển Việt-Latin" viết xong năm 1772 với những lựa chọn và cải tiến của giám mục Pháp Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) - được giám mục Taberd [7] biên tập và đem in ở Ấn Độ năm 1838 – tự dạng CQN đã định hình gần như hiện nay, nhưng đến giữa thế kỷ XIX, dường như CQN vẫn chưa ra khỏi phạm vi giới linh mục Ki Tô giáo.

Thực dân Pháp xâm lược và bắt đầu khai thác Việt Nam [8]

• 1859 thực dân Pháp tấn công Huế và Sài Gòn. 1862 chúng chiếm được ba tỉnh miền đông của Nam Bộ, 1867 chiếm nốt ba tỉnh miền tây, cử Thống sứ cai trị Nam Kỳ thuộc địa.

• 12-1873 Pháp chiếm Hà Nội lần thứ nhất. 9-1876 tại Hội nghị Địa lý tại Bruxelles (Bỉ), 5 đế quốc gồm Pháp, Đức, Áo-Hung, Ý, Nga bắt đầu vạch biên giới thuộc địa trên bản đồ thế giới. Nhóm họp Đại hội Berlin trong 1 tháng (từ 13-6 đến 13-7-1878) để chia chác thuộc địa.

• 4-1882 Pháp chiếm Hà Nội lần thứ hai. Pháp giành quyền bảo hộ ở Trung Bộ và Bắc Bộ (25-8-1883), bổ nhiệm Thống sứ Trung-Bắc Kỳ là P.-R. Lemaire, đến 1885 thay bằng P.-R. de Courcy.

• Trong một năm các quan đại thần Huế lập rồi giết 3 vua trước khi Hàm Nghi lên ngôi (7-1884). Từ 15-11-1884 đến 26-2-1885 Đại hội Berlin lần 2 họp dài hơn 2 tháng chia chác lại thuộc địa.

• 5-7-1885 vua Hàm Nghi đánh úp Pháp không xong, vào rừng kêu gọi Cần vương.

• 1886 GS Paul Bert cựu bộ trưởng Giáo dục thay P.-R. de Courcy làm Thống sứ Trung-Bắc Kỳ.

• 10-1887 Pháp lập Liên minh Đông Dương. Bắt đầu khai mỏ than lộ thiên ở Hòn Gai.

• 1888 Toàn quyền Đông Dương E.Richaud bắt Hàm Nghi đày đi Algérie, ép vua Đồng Khánh nhượng đất Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.

• 1889 Pháp độc quyền thuốc phiện, muối và rượu ở Đông Dương. Thành Thái lên ngôi lúc 10 tuổi.

• 1891 GS J.-L. de Lanessan (phái ôn hoà) làm toàn quyền Đông Dương (đến 1894).

• 1893 Hội nghị Bangkok họp ngày 3-10-1893 phân các vùng ảnh hưởng của Anh, Pháp ở Viễn Đông: Pháp sáp nhập Lào vào Liên minh Đông dương, Anh chiếm Thái Lan.

• 30-5-1894 Pháp thành lập Bộ thuộc địa. 1895 cử P.A. Rousseau làm Toàn quyền Đông Dương.

• 1897 Paul Doumer làm toàn quyền Đông Dương, lập đồn điền cao su, xây cầu Long Biên và đường xe lửa xuyên Việt.

• 1902 Paul Beau làm toàn quyền Đông Dương, chú trọng giáo dục, y tế.

• 3-1907 thành lập trường ĐKNT, mới đến tháng 12 đã bị Pháp đóng cửa. Vua Thành Thái bị phế truất (9-1907), Pháp đưa Duy Tân lên ngôi lúc 8 tuổi.

• 1908 Toàn quyền Đông Dương A. Klubukowski (phái bảo thủ) đàn áp tàn bạo ĐKNT và yêu cầu Nhật trục xuất những người tham gia Đông Du. Phong trào Duy tân nổ ra ở Trung Kỳ...

Quá trình phổ biến chữ Quốc Ngữ thời Pháp thuộc

Sau khi chiếm Việt Nam, Pháp thấy chữ Quốc Ngữ trở nên cần thiết cho việc thay nền hành chính nhà Nguyễn dựa trên chữ Hán và đã dần dần quy định bằng nhiều văn bản để đặt nó vào vị trí thứ 2 dưới tiếng Pháp [9] như sau:

• Ngày 14-11-1874, Đô đốc Hải quân - Thống soái Nam kỳ François Krantz ký nghị định mở trường Chasseloup-Laubat (tên bộ trưởng Hải quân Pháp) ở Sài Gòn để dạy tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ cho con em của quan chức người Pháp và người Việt đang cai trị Nam kỳ.

• Ngày 6-4-1878, Đô đốc Hải quân - Thống soái Nam kỳ Louis Lafont ra nghị định số 82 bắt buộc các công văn, thư từ hành chính phải viết bằng chữ Quốc ngữ thay vì chữ Hán hay chữ Nôm.

• Ngày 17-3-1879, Louis Lafont thiết lập Sở Học chánh Nam kỳ và đặt chương trình giáo dục hệ Pháp-Việt đầu tiên ở Nam kỳ.

• Ngày 18-11-1896, Toàn quyền Đông Dương Paul Armand Rousseau ký nghị định mở trường Quốc Học Huế ở Trung kỳ.

• Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký sắc luật đưa chữ Quốc Ngữ vào các kỳ thi, nhưng mãi 11 năm sau (1909) mới được áp dụng.

• Ngày 27-4-1904, Toàn quyền Đông Dương Paul Beau ra nghị định thiết lập chương trình giáo dục hệ Pháp-Việt ở Bắc kỳ.

• Tháng 5-1906, dụ của vua Thành Thái về tổ chức giáo dục hệ 3 cấp cho bản xứ được một nghị định của Paul Beau phê chuẩn: ở cấp I, học sinh học cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ; lên cấp II chỉ còn học chữ Hán, chữ Quốc ngữ và một phần tiếng Pháp không bắt buộc; đến cấp III thì cả 3 thứ chữ đều bắt buộc học như nhau.

Tư tưởng và hành động của Đông kinh nghĩa thục

Khi thực dân Pháp mới sang, thái độ tự nhiên của đa số những người yêu nước Việt Nam là chống đối hoặc bất hợp tác và từ căm thù đi đến tẩy chay mọi biểu hiện văn hoá phương Tây. Dù tổ quốc bị phong kiến Trung quốc xâm lược nhiều lần, triều Huế vẫn coi văn minh Hoa Hạ là mẫu mực. Những người cực đoan còn kết luận đơn giản Tây là giống dã man vì không đồng văn (cùng theo Nho giáo) và đồng chủng (cùng da vàng) với ta, quên rằng nếu thế thì Phật cũng mọi rợ. Nhiều người chỉ phiến diện đánh giá văn minh Pháp qua hành động hại nước của lũ tay sai thực dân, xem nhẹ công lao phổ biến tri thức của Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Của và các học giả khác.

Tư liệu [10] cho biết rằng cụ Nguyễn Đình Chiểu không dùng các sản phẩm công nghiệp Pháp, thậm chí còn cấm con cháu và người nhà dùng xà phòng; cụ nghè Nguyễn Ngọc Liên bắt gia đình tiếp tục búi tó và không dùng máy khâu để may áo quần; năm 1886 cụ Á nguyên Phạm Ngọc Chất, tri phủ Tĩnh Gia chỉ đốt đèn dầu lạc để đọc sách ban tối, đến tận 1891 cụ nghè Đặng Hữu Dương, án sát Hà Nội và cụ phó bảng Nguyễn Âu Chuyên, bố chánh Bắc Ninh dự tiệc Tây về vẫn lên án khiêu vũ khơi động tình dục bất chính (trong khi cô đầu, thuốc phiện được cho là cao sang!) v.v..

Nhắc như thế để thấy những tư tưởng và hành động ngay đầu thế kỷ XX của các vị lãnh đạo phong trào ĐKNT thật là tiến bộ và dũng cảm trước số đông thủ cựu. Các sĩ phu Tân học này không chỉ chống thực dân Pháp mà còn chống triều đình bù nhìn và sự mê tín ngu dốt. Các cụ nêu tấm gương chói lọi về chí tự chủ tự cường nhằm đưa đất nước tiến lên, với ý thức tiếp thu thành tựu dân chủ phương Tây, chống phong kiến nhưng gìn giữ những tinh hoa văn hoá của Việt Nam. Những nét chủ yếu về tư tưởng tiên phong và hành động thiết thực đổi mới xã hội của ĐKNT bao gồm:

1. Tìm tòi, phân tích và đánh giá các nguyên nhân chủ quan, khách quan đang làm yếu hèn giống nòi, trì trệ đất nước.

2. Mở cửa thông ra quốc tế, chọn lọc các tiến bộ bên ngoài và những truyền thống tốt đẹp của Việt Nam.

3. Đi ngược các chính sách ngu dân và phản động. Kêu gọi cải cách dân chủ liên tục, không nóng vội « đốt cháy các giai đoạn lịch sử ».

4. Chú trọng phát triển công nghiệp, thương mại đi đôi với phát triển con người. Ưu tiên thực nghiệp, thực học và phê phán lối học khoa cử giáo điều.

5. Khởi xướng xã hội hoá giáo dục. Mở các trường tư thục kiểu mới để tự thực hiện chương trình giáo dục với nội dung thực tiễn phù hợp từng lứa tuổi và tầng lớp người, gắn với mục tiêu “nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài”.

6. Chủ trương tôn trọng pháp quyền và bình đẳng nam nữ. Mưu cầu các thành tựu vật chất, khoa học và nghệ thuật của ta sẽ làm dân tộc trường tồn bất diệt.

7. Nêu rõ lịch sử giành độc lập, bảo vệ và chấn hưng đất nước của tổ tiên và các dân tộc để làm tấm gương noi theo, v.v...

Các vị sáng lập trường ĐKNT đã tiến hành đầy đủ mọi khâu chuẩn bị và thậm chí bắt đầu mở lớp ngay sau Tết, 2 tháng trước khi thực dân Pháp đồng ý cấp giấy phép hoạt động. Các vị chủ động lợi dụng việc Toàn quyền Đông Dương khi đó là Paul Beau đã khá quan tâm đến giáo dục nhằm đào tạo thêm các viên chức bản xứ. Nếu chỉ tuyển dụng viên chức từ chính quốc thì sẽ rất khó khăn và tốn kém (số viên chức người Pháp ở Đông Dương năm 1906 đã là 4390 người). Paul Beau sau khi nhận nhiệm vụ đã lập ra Nha Học chính Đông Dương (cuối 1903), rồi ĐH Đông Dương (giữa 1906) “có nhiệm vụ phổ biến ở Viễn Đông, chủ yếu thông qua tiếng Pháp, những kiến thức và phương pháp của châu Âu” [11]. Phái thực dân bảo thủ đã chỉ trích ngay kế hoạch này, coi đó là “...một sai lầm tày trời”.

Tuy nhiên những hoạt động của Paul Beau và một số người tiền nhiệm ôn hoà, mặc dù có mục tiêu đào tạo tay sai củng cố ách đô hộ, nhưng thực chất cũng lại làm cho nhiều nhà nho trẻ thức tỉnh và thấy có thời cơ thực hiện chấn hưng văn hoá dân tộc cho rộng rãi nhân dân.

Những áng thơ văn và sách giáo khoa của ĐKNT, bên cạnh việc cung cấp nhiều hiểu biết thực tế mới mẻ, lại còn khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước và căm thù giặc ấp ủ trong dân ta.

Vai trò chữ Quốc ngữ trong Đông kinh nghĩa thục

Cuối thế kỷ XIX, đế quốc Pháp đã hoàn thành cuộc xâm lăng của mình và bắt đầu ồ ạt khai thác tài nguyên trên toàn bộ cõi Đông Dương. CQN thực tế đã ra đời từ rất lâu, nhưng bấy giờ mới bắt đầu được sử dụng chính thức tại Việt Nam dưới sự thống trị và áp đặt của chính quyền thực dân. Là thứ chữ dễ học nhất, CQN đã nhanh chóng thay thế chữ Nôm, vượt ra khỏi khu vực quan lại, tìm đến các tầng lớp xã hội có mức sống cao, thông qua văn chương báo chí, trước hết ở Nam Kỳ. Vẫn chỉ được đứng dưới chữ Pháp và chữ Hán, còn phải mất vài chục năm sau thì CQN mới thực sự lan toả từ giới trí thức và thị dân sang đại đa số đồng bào ta.

Mở đầu tiến trình này, khẩu hiệu chấn hưng giáo dục dựa trên lòng ham học của toàn dân và biện pháp phổ biến văn hoá thực nghiệp chủ yếu bằng CQN đã đóng một vai trò bản lề, chuẩn bị con đường đưa đến sự thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc về sau. Các yếu nhân ĐKNT đã nhận ra ngay CQN như là một phương tiện truyền thông đầy ưu việt rất phù hợp với giới bình dân đông đảo ở Bắc Kỳ, hơn hẳn chữ Hán và tiếng Pháp (là hai môn khác cũng được dạy trong ĐKNT, chủ yếu dành cho giới có học hoặc có vị trí xã hội cao). Chủ trương dạy CQN thể hiện đồng thời một loạt tư tưởng và hành động tiến bộ của ĐKNT như đã tóm tắt trên đây. Các cụ đã không câu nệ, cầu toàn mà chớp thời cơ soạn ngay sách giáo khoa và dạy đọc/viết CQN một cách nhanh chóng để phổ biến tri thức đến mọi người.Các sự kiện chấn động xã hội liên tiếp trong 2 năm 1907-1908 đã chứng minh chủ trương đó hoàn toàn là đúng và có hiệu quả rất lớn, làm bất ngờ thực dân Pháp.

Cho đến cuối năm 1907, tổng số lượt học viên trực tiếp của các chi nhánh ĐKNT đã từ vài chục vọt lên đến khoảng 8000 người [12]. Chính vì vậy mà thực dân Pháp vội vàng đóng cửa trường, tịch thu tiêu huỷ tài liệu [13], bắt giam và kết án rất nặng [14] các nhà lãnh đạo ĐKNT. Năm 1908 phong trào Duy tân bùng nổ ở Trung Kỳ và cũng bị đàn áp dã man như vậy.

Ngày 25-6-1908, chính quyền Pháp vội cử Klobukowski, một viên quan thực dân bảo thủ sang thay Paul Beau. Hắn đã lo sợ dân trí Việt Nam tăng lên quá nhanh đến mức phải vội vàng đóng cửa cả ĐH Đông Dương mới 1 tuổi đời với lý do có quá ít sinh viên được tiếp tục học năm thứ hai. [15].

Những người tham gia Đông kinh nghĩa thục, những vị đã cương quyết từ bỏ lối học tầm chương trích cú chỉ cốt lấy bằng ra làm quan, những vị đã chăm chỉ học hỏi và sử dụng hiểu biết của phương Tây để thực hiện mục tiêu giành độc lập cho Việt Nam đã để lại một bài học to lớn mà sau đó các trí thức Việt Nam vẫn thấy cần thiết tiếp tục phân tích, phát triển và áp dụng.

Có lẽ một phần vì vậy mà đến 10 năm sau (1917), triều đình Huế sẽ phải ra chỉ dụ bãi bỏ hoàn toàn lối giáo dục bằng chữ Hán và thay bằng một nền giáo dục dựa vào tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ.

Một số cải cách quan trọng liên quan đến chữ Quốc Ngữ

Tinh thần của phong trào ĐKNT vẫn còn nguyên giá trị đến tận thời kỳ đổi mới, hiện đại hoá rồi công nghiệp hoá ở Việt Nam. Ngoài những cống hiến của ngành ngôn ngữ và giáo dục, còn có sự đóng góp bước ngoặt của giới khoa học công nghệ. Năm 1977 chiếc máy vi tính đầu tiên của nước ta ra đời tại Viện KH Tính toán và Điều khiển. Cũng tại đó năm 1980, CQN lần đầu tiên được gõ vào máy vi tính, hiển thị trên màn hình và in ra giấy. Tập thể tác giả đã mở rộng quan niệm về biểu diễn CQN sao cho máy tính có thể trao đổi, lưu trữ và xử lý tiếng Việt bằng cách thêm rất nhiều ký tự mới [16] (từ vài chục lên 144), phù hợp để mở cửa ra thế giới bên ngoài.

Sau nhiều năm tìm tòi, thảo luận và thử nghiệm ở nhiều cơ quan khác nhau khắp trong nước và nước ngoài, bộ mã quốc gia CQN dùng cho trao đổi thông tin lần đầu tiên được tiêu chuẩn hoá (TCVN 5712:1993), thống nhất và thay thế cho hơn 40 bộ mã chữ Việt khác, dù vẫn có khiếm khuyết cố hữu không thể vượt qua bởi giới hạn 8 bit của bộ mã.

Tiến đến thiên niên kỷ thứ ba, bộ mã chữ đa ngữ Unicode đã trở thành tiêu chuẩn chính thức với tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế ISO mà Việt Nam là thành viên. Chính phủ đã giao cho chúng tôi dự thảo, hiệu chỉnh và phê duyệt kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6909:2001, trong đó mọi ký tự CQN đều có mặt và trở thành tương hợp với bảng mã ISO/Unicode của toàn thế giới. Chính phủ CH XHCNVN quy định áp dụng thống nhất tiêu chuẩn này kể từ 1-1-2003 trong mọi cơ quan nhà nước. Đến nay có thể nói quá trình chuyển đổi các cơ sở dữ liệu văn bản cũ sang bộ mã mới đã gần như xong trong cả nước và đấy là một công việc khổng lồ. Những tác động xã hội của nó là vô cùng rộng rãi và thể hiện từng giờ từng phút ở bất cứ nơi nào của thế giới đang có người dùng CQN trên máy vi tính...

Các bộ mã quốc gia TCVN cho chữ Nôm, chữ Thái Việt Nam, chữ Chăm cũng đã được công bố. Bước tiếp theo sẽ là thống nhất bàn phím tiếng Việt, bảng mã các dân tộc khác ở VN và các đơn vị chữ viết, âm học, ngữ pháp để tiến tới xử lý tự động một phần lớn các văn bản tiếng Việt. Rất mong có dịp hợp tác và tiêu chuẩn hoá cùng các nhà khoa học ngành khác.

(TS Nguyễn Chí Công, TB tiêu chuẩn hoá CNTT Việt Nam)


[3Do Giáo hoàng thành lập vào năm 1541. Xem thêm bài CÁC TU SĨ DÒNG TÊN

[4"Dictionnarium Latino- Lusitanum ac Japonicum ex Ambrosii Calepini volumine depromptum", Amacusa, 1595; và "Vocabulario da Lingoa de Japam com a declaraçã em Portuguez", Nangasaqui, 1603

[5A. Rhodes: "Dictionnarium annamiticum, lusitanum et latinum", Roma, S.C. de Propaganda Fide, 1651

[6A. Rhodes: "Catechismus pro ijs, qui volunt suscipere Baptismum, in octo dies divisus", Roma, S.C. de Propaganda Fide, 1651

[7Nam Việt-Dương Hiệp Tự vị, "Dictionarium anamitico-latinum" primitus inceptum ab P. J. Pigneaux, episcopo adranensi, vicario apostolico Cocincinae &c ; dein absolutum et editum a I. L. Taberd, episcopo isauropolitano, vicario apostolico Cocincinae. Serampore, Ex Typis J. C. Marshman, 1838

[8“1885: le tournant colonial de la République. Jules Ferry contre Georges Clemenceau, et autres affrontements parlementaires sur la conquête coloniale” (nxb La Découverte, 4-2006)

[9Văn khố Pháp: công văn của Thống sứ Nam Kỳ, rồi Toàn quyền Đông Dương và các quan chức khác ngoài Bộ trưởng. 1861-1911. Ref. FR CAOM GGI B 220

[10Đặng Hữu Thụ: “Làng Hành Thiện thời Tây học cho đến năm 1954”, Paris 1999

[11Trích Điều 1 Nghị định 1514A ngày 16-5-1906 về việc thành lập ĐH Đông Dương (Văn khố Pháp)

[12Thư của Giám học ĐKNT Nguyễn Quyền gửi phái viên Justin Godard đăng trên báo La Luttle xuất bản tại Sài Gòn ngày 17-1-1937 (trích dẫn theo Đặng Hữu Thụ trong: Làng Hành Thiện thời Tây học cho đến năm 1954)

[13Làm cho ngày nay chỉ còn sót lại không nhiều ấn phẩm, chủ yếu được tập hợp trong: Văn thơ ĐKNT (nxb Văn hoá, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 Hà Nội 1997), Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX (Đặng Thai Mai, nxb Văn học, Hà Nội 1974), ĐKNT phong trào cải cách văn hoá đầu thế kỷ XX (Chương Thâu, nxb Hà Nội 1982)

[14Gồm nhiều án tử hình, chung thân, biệt xứ Côn Đảo, Cao Miên, nhẹ nhất cũng phải 5 năm tù phát vãng miền núi

[15Trường này lúc đó phải học buổi tối vì giảng viên chủ yếu là kiêm nhiệm, sau năm đầu, trong số 193 sinh viên chỉ đủ điểm lên lớp được có 41 người

[16Thí dụ như F, Z và các dấu @, #, &, <, > |, \, v.v..