Các nhà xuất bản đang lần mò

Các nhà xuất bản đang đuối sức trên con đường “xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển” vì không thể làm tròn cả hai vai trò: vừa “thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh”, vừa “phục vụ nhiệm vụ chính trị tư tưởng”.

Nhiệm vụ quá sức!

Hội nghị tổng kết ngành xuất bản vào tháng 1-2014 đã phơi bày thực trạng “sống dở chết dở” của nhiều nhà xuất bản. Báo cáo tại hội nghị cho biết, hơn 50% số nhà xuất bản hiện nay có vốn làm sách dưới 2 tỉ đồng, tức mỗi năm chỉ có thể đầu tư từ 5-10 đầu sách. Cụ thể, năm 2013 chỉ có bốn nhà xuất bản trong tổng số 64 nhà xuất bản của cả nước kinh doanh có lãi. Rất nhiều nhà xuất bản kinh doanh thua lỗ, hoạt động cầm chừng, thậm chí có nhà xuất bản đề nghị trả giấy phép, ngừng hoạt động.

Thực tế, cuối năm 2013, bảy nhà xuất bản lẫy lừng một thời là Văn hóa Thông tin, Thể thao, Văn học, Âm nhạc, Thế giới, Văn hóa dân tộc và Hà Nội đã phải (cùng ký đơn) kêu cứu đến Cục Xuất bản - đề nghị cục này kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giảm giá thuê nhà đất để giảm khó khăn về tài chính cho họ.

Theo ông Nguyễn Kiểm, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Việt Nam, chuyện các nhà xuất bản gặp khó khăn về tài chính không mới, và cũng không lạ. Từ nhiều năm nay, hiệp hội đã nhận thấy nhiều nhà xuất bản đuối sức vì sự bất cập trong cơ chế chính sách dành cho hoạt động xuất bản. Đó là rất hiếm nhà xuất bản có thể làm tròn cả hai vai trò là vừa “phục vụ nhiệm vụ chính trị tư tưởng”, vừa “thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh” như yêu cầu của Chỉ thị 42.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Trẻ, một trong bốn nhà xuất bản có lãi hiện nay, cho rằng để các nhà xuất bản làm tốt cả nhiệm vụ chính trị tư tưởng và kinh doanh quả thật rất khó. “Các nhà xuất bản làm sách theo định hướng tuyên truyền thường khó bán, còn làm sách chạy theo nhu cầu thị trường thì thường bị hạn chế”, ông nói.

Thực vậy, theo quy định hiện hành, hàng năm để được xếp loại A - hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ - các nhà xuất bản phải đạt doanh thu, lợi nhuận cao hơn lợi nhuận thực hiện năm trước. Đồng thời phải đảm bảo được tỷ suất lợi nhuận trên vốn năm nay cao hơn năm trước. Theo ông Nhựt, đây là điều không tưởng vì hướng dẫn phân phối lợi nhuận (Thông tư 138) yêu cầu doanh nghiệp phải trích từ 30-50% lợi nhuận sau thuế vào quỹ đầu tư phát triển.

Thực vậy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thuần túy tìm lợi nhuận đã khó chứ nói gì đến chuyện vừa kinh doanh tìm lợi nhuận vừa làm nhiệm vụ chính trị tư tưởng như các nhà xuất bản. Vì thế, Hiệp hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ các nhà xuất bản về tài chính đối với các loại sách thực hiện với mục đích tuyên truyền.

Sao không cổ phần hóa?

Chính sách ưu đãi dành cho các nhà xuất bản hiện nay là họ được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% thay vì 25% như các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, chính sách này không có nhiều ý nghĩa vì hầu hết các nhà xuất bản hiện nay không có lãi. Do đó, có không ít nhà xuất bản mong muốn trở lại thời kỳ được Nhà nước “bao cấp” như trước.

Vì vậy có ý kiến cho rằng, rất khó đưa tất cả nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khi các nhà xuất bản còn phải làm nhiệm vụ chính trị tư tưởng. Ví dụ Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc chủ yếu làm sách phục vụ cho những người nghèo nhất, Nhà xuất bản Thế giới chủ yếu in sách cho người nước ngoài với mục đích đối ngoại... thì những loại sách như thế làm sao bán chạy trên thị trường nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước?

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Kiểm cho rằng cần có chính sách ưu đãi nhiều hơn nữa cho các nhà xuất bản, như miễn, giảm tiền thuê nhà đất chẳng hạn. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận một thực tế là khó khăn của ngành xuất bản hiện nay còn xuất phát từ việc hoạt động của ngành xuất bản chưa thoát khỏi tư duy bao cấp.

Tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước là có, đối với một số nhà xuất bản, nhưng theo ông Kiểm, cũng phải hoàn thiện cơ chế để nhà xuất bản hoạt động tốt hơn. Theo ông, không thể bao cấp tràn lan với tất cả nhà xuất bản. “Phải có quy hoạch cho rõ ràng, nhà xuất bản nào thực hiện nhiệm vụ chính trị tư tưởng thì có chính sách ưu đãi, nhà xuất bản nào thiên về kinh doanh thì cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp khác”, ông nói.

Cũng có ý kiến cho rằng, không nên có những chính sách ưu tiên chung chung cho ngành xuất bản mà có thể, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cụ thể cho những đầu sách phục vụ cho nhiệm vụ chính trị tư tưởng sau đó công bố cho các nhà xuất bản tham gia đấu thầu...

Nhưng theo bà Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, tốt nhất nên quy hoạch và sắp xếp lại các nhà xuất bản theo hướng: (i) Các nhà xuất bản duy trì mô hình đơn vị sự nghiệp thì Nhà nước và cơ quan chủ quản đầu tư cho tới nơi tới chốn, có chính sách hỗ trợ để làm những loại sách thuần túy phục vụ chính trị tư tưởng; (ii) Các nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp - công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên - thì áp dụng theo cơ chế thị trường và có thể lựa chọn một vài nhà xuất bản thí điểm thực hiện cổ phần hóa với vốn sở hữu nhà nước 51%, nếu hiệu quả, thì nhân rộng ra.

Quang Chung, KTSG