Văn học Trung Quốc

Tiêu Tam (1896-1983)

Nhà thơ, dịch giả Trung Quốc

Tiểu sử

Tiêu Tam 萧三 (1896-1983) là nhà thơ, dịch giả Trung Quốc. Ông tên thật là Tiêu Khắc Sâm 萧克森, quê ở huyện Tương Hương, tỉnh Hồ Nam. Năm 1920 ông du học Pháp, hai năm sau ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1939, ông về Diên An, công tác tại Học viện nghệ thuật Lỗ Tấn. Từ sau năm 1949, ông tham gia vào các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế và đã đến thăm nhiều quốc gia, tham dự Hội nghị Nhà văn Á-Phi hai lần. Tiêu Tam là người đã dịch tác phẩm "Quốc tế ca" của nhà thơ Pháp Eugène Pottier sang tiếng Trung Quốc.

Tác phẩm

— Thời niên thiếu của đồng chí Mao Trạch Đông 毛泽东同志的青少年时代 (truyện ký, 1951)
— Con đường hòa bình 和平之路 (thơ, 1952)
— Con đường hữu nghị 友谊之路 (thơ, 1959)
— Tuyển tập thơ Tiêu Tam 萧三诗选 (1960)

Tuyển tác phẩm

Chúc Pôn Rốp-xơn sáu mươi tuổi  [1]

Màn sắt đế quốc khóa chặt anh
Không cho anh tự do ca hát
Nhưng tiếng hát anh không gì ngăn cản được
Như chim hòa bình không cần dấu chứng minh
Bay qua núi xanh
Vượt qua biển khơi sa mạc
Rạch xé trời mây
Rung phòng họp Đại hội hòa bình thế giới
Nghe tiếng thôi mà như người đã thấy
Tiếng hát đến bên tai nghìn triệu con người
Dù hôm nay bệnh đau đầu còn nặng
Tôi cũng đứng trên ngọn núi Tiểu Thang
Nhìn xa kia bờ Đại Tây Dương
Chân đứng thẳng
Chúc anh vui khỏe mãi
Lời mời anh chín năm xưa giờ xin nhắc lại
(Đó là năm kỷ niệm Puskin
Ở Mạc Tư Khoa tôi đã gặp anh)
Hoan nghênh anh sang thăm Trung Quốc mới
Hoan nghênh anh đến xem sáu trăm triệu nhân dân sôi nổi
Hoan nghênh anh hát bài ca của người Mỹ da đen
Sau đó bằng tiếng Nga
anh đã hát bài: Tổ quốc chúng ta
Và bằng tiếng Trung Hoa
anh hát bài: Đứng lên! không cam tâm làm những người nô lệ
Ai cũng muốn chính mắt mình được nhìn dáng người anh đẹp đẽ
Nụ cười anh thân thiết dịu hiền
Muốn được nghe tiếng hát anh sang sảng như đá vàng kêu như tiếng sấm rền
Quyết cùng anh đánh đổ bọn lái bom nguyên tử
Giữ hòa bình thế giới dài lâu
Cho tên phản đồ Phatx-tơ chết thẹn
Cho tên dã man Đa-lét chết nhục chết đau
Anh, người danh ca
người chiến sĩ
người công dân vĩ đại
Chúc anh mãi sống lâu trăm tuổi

7-4-1958
Chữa bệnh ở núi Tiểu Thang

(Hoàng Trung Thông dịch và chú thích)

Vịnh Hạ Long

Chưa xem vịnh Hạ Long
Chưa phải đến Việt Nam

Vịnh Hạ Long
Đẹp vô vàn
Liền trời mặt biển sáng như gương
Non liền với nước
Nước liền với non

Non non nước nước cuộc sum vầy
Đảo như rừng
Non tựa mây
Xa ngỡ bức Trường thành vạn dặm
Lại gần, tầng nọ gối tầng kia
Đảo chon von
Non chơi vơi
Hang sâu, động thẳm nghe tiếng người
Không phải thần tiên nào tu luyện
Toàn người đánh cá, kẻ chèo bơi
Sườn non, mặt nước buồm so cánh
Thuyền qua, thuyền lại tiếng chào vui
Nào thuyền vàng
Nào thuyền bạc
Nào thuyền vẻ xuân óng ả
Nào thuyền tiếng hát ngân vang
Từ ngày giặc Pháp bị dìm sâu đáy biển
Nhân dân anh hùng giữ địa vị chủ nhân

Vịnh Hạ Long
Đẹp vô vàn
Ai bảo Đào nguyên chỉ có ngoài trần thế
Trước mắt bày ra kìa lớp lớp kỳ quan
Chính quyền đã về tay vô sản
Thiên đường xuất hiện ở nhân gian

31-5-1960
(Nam Trân dịch)

Mừng thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh bảy mươi tuổi

I

Xưa nay bảy chục dễ bao người
Đức vọng lớn thay Hồ Chủ tịch!
Lãnh đạo toàn dân quét giặc thù
Thoát vòng nước lửa đời êm đẹp

II

Nhớ lại Ba-lê gặp buổi nào
Thanh niên ái quốc chí cao vút
Luận đàm ngày ở Mạc-tư-khoa
Lòng có bao giờ quên đất nước!

III

Giương ngọn cờ hồng vững chắc tay
Phạt quang gai góc ai bì được
Hoàn thành cách mạng người hướng theo
Rồi nửa trời kia liền giải ngọc

IV

Hữu nghị đời đời mãi thắm tươi
Từ xưa Trung-Việt một nhà thôi!
Hồng-hà Dương-tử không ngừng chảy
Sống mãi muôn năm kính chúc Người

(Khương Hữu Dụng dịch)

Nguồn
— Về Diên An (thơ Trung Quốc), NXB Văn học, 1961
— Việt Nam trong lòng bạn (tập thơ văn nước ngoài viết về Việt Nam), NXB Văn học, 1960

[1Pôn Rốp-xơn (Paul Robson): Danh ca người Mỹ da đen, chiến sĩ hòa bình thế giới.