6195 Pagoda Dong Ngo

Chùa Đồng Ngọ (Hải Dương)

Động Ngọ Tự

Hải Dương

Chùa Đồng Ngọ tức chùa Cập Nhất hay Cửu Phẩm, tương truyền có từ thế kỷ X. Tên chữ: Động Ngọ Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1974). Vị trí: thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến, W988+QM Thanh Hà, Hải Dương, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 81 km (hướng 4 h). Từ Hà Nội du khách theo đường QL5 qua cầu Phú Lương rẽ phải đi tiếp chừng 4 km sẽ đến nơi

Lược sử

Chùa Đồng Ngọ thuộc hệ phái Bắc tông. Nơi đây từng là trung tâm Phật giáo lớn của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và là một trong hai ngôi chùa cổ nhất của Hải Dương. Tương truyền chính Thiền sư Khuông Việt đã xây dựng chùa này tại vùng Thanh Hà ven sông Thái Bình vào năm 971 theo chiếu lệnh của vua Đinh Tiên Hoàng.

Sử sách cho biết trong chùa từng tồn tại 2 tấm bia đá (nay không còn) mang niên đại Long Thụy Thái Bình (1054–1058, đời vua Lý Thánh Tông) và Đại chính nguyên niên (1533, Lê Trang Tông) cùng một bát hương ghi niên hiệu Hoàng Định 19 (1619, Lê Thần Tông). Tấm bia “Kiến khai Cửu phẩm Liên Hoa bi ký” có chép việc sư Chân Nguyên thuộc Thiền phái Trúc Lâm đã tổ chức dựng cây Cửu phẩm Liên Hoa vào mùa xuân năm Nhâm Thân (1692) dưới đời vua Lê Hy Tông. Tại Quyết định 2496/QĐ-TTg, ngày 22/12/2016 Thủ tướng Chính phủ đã công nhận cây Cửu phẩm Liên Hoa này là bảo vật quốc gia.

Lễ hội chùa Đồng Ngọ được tổ chức hàng năm từ ngày mồng 1 đến mồng 3 Tết Nguyên đán. Chùa được công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào tháng 3 năm 1974.

Thầy trụ trì Thích Thanh Đạt đã hưng công trùng tu ngôi chùa trong hai năm 1993–1994. Sau đó cổng tam quan được tôn tạo năm 1995. Từ cuối thế kỷ 20, thầy Thanh Đạt bắt đầu lặn lội kiếm tìm những cái cối đá giã giò, giã gạo, những phiến đá làm cầu, rồi những quả trục lăn lúa, ép mía v.v. khắp các vùng Bắc Bộ. Vị sư này đã bỏ biết bao sức lực để thu thập được hàng trăm hiện vật nặng nề và mang về chùa rồi sắp đặt công phu quanh giếng, quanh vườn, dọc sân, dọc hành lang và hình thành dần dần một bảo tàng độc đáo.

Kiến trúc

Chùa Đồng Ngọ tọa lạc trong khuôn viên thoáng đãng với diện tích lớn khoảng 1ha. Tam quan mở ra mặt đường làng, nhìn sang một giếng tròn rất rộng mới được xây tường đá bao quanh, xa xa là bờ đê sông Thái Bình. Bên trái chùa có một ngôi đình ẩn dưới các tán lá xanh thẩm và cả hai đã làm nên cụm di tích Cập Nhất.

Cửa chính giữa lối vào chùa xây kiểu gác chuông hai tầng, bốn mái chồng diêm, trên có treo một quả chuông cao 1,5m, đúc năm Gia Long thứ 12 (1813). Du khách bước qua cổng vào chùa sẽ thấy tòa tiền đường, hai bên sân trước là hai giếng tròn nhỏ được bao quanh và trang trí bằng rất nhiều trục đá, cối đá. Tiền đường 5 gian 2 dĩ, cửa bức bàn, kết nối với hậu cung 5 gian thành hình chuôi vồ.

Nóc hậu cung có một ngôi tháp nhỏ. Bên phải hậu cung là vườn nhãn và một hành lang rất dài kéo đến tận cuối vườn, bên trái là những ngôi tháp mộ và một giếng tròn khá lớn. Áp gần vào lưng hậu cung thượng điện là tòa nhà vuông xây hai tầng tám mái, cửa sổ tròn ở tầng trên có chạm hai chữ “Liên Hoa”. Cây Cửu Phẩm Liên Hoa lừng danh của chùa Đồng Ngọ được đặt bên trong tòa lầu này.

Chùa Đồng Ngọ. Panorama ©2015 NCCong

Tổ đường ba gian bốn mái, diện tích tuy nhỏ nhưng tọa lạc trên nền rất cao, mặt nhìn ra hai cây đại cổ thụ. Bên trái có bậc đi xuống sân rộng trước Trai phòng và Tịnh xá. Khu này xây trên nền thấp hơn, gồm hai nếp nhà rộng, xếp thành hình chữ “Nhị”. Xa nữa là dãy nhà khách hai tầng nằm ở phía đông chùa. Khu phụ và vườn rau thì ở phía sau.

Di vật

Cây Cửu phẩm Liên Hoa ở chùa Đồng Ngọ là bảo vật quốc gia, một tác phẩm nghệ thuật từ cuối TK17, làm bằng gỗ và đặt trên những chiếc chân cột đá hình hoa sen, có thể quay được quanh trục. Cây gồm 9 tầng với chiều cao 5,30m, mặt cắt hình lục giác đều; mỗi cạnh gắn 3 pho tượng Phật nhỏ, tổng số lên tới 163 pho. Được biết chỉ chùa Giám ở Cẩm Sơn và chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh là cũng có cây Cửu phẩm cổ như thế.

Ngay phía sau lại có hai cây đại ít ra cũng đã hơn 300 tuổi như tòa Cửu phẩm, to nặng đến mức phải chống bằng những chiếc cột đá để cho khỏi gãy đổ. Đây chính là khu vực giữ được những cổ vật quý nhất còn sót lại của chùa và được nhiều khách thập phương đến chiêm ngưỡng nhất.

Ngoài ra trong chùa lại có nhiều câu đối như :
Phật tức tâm, tâm tức Phật, duy thiện khả thông
Không thị sắc, sắc thị không, hữu thành lăng cẩm.

Y bát chân truyền vi cổ giám
Bật xô nhu nhuyễn hữu thanh hương.

Di tích Hải Dương

Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCông
Ngày 27-1-2015 trời khô ráo ấm áp, chúng tôi hân hạnh được dịp từ thủ đô về thăm một số ngôi chùa cổ ở Thanh Hà có phối thờ đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, người mở đầu Thiền phái Trúc Lâm. Từ sáng sớm thầy Thích Quảng Tiếp đã đích thân lái xe lên đón chúng tôi. Đến TP Hải Dương lại thấy nhà báo Tăng Bá Hanh đứng chờ sẵn ven đường. Thành tâm cám ơn hai vị đã giúp cho cuộc hành hương diễn ra suôn sẻ và thành công mỹ mãn.