6196 Pagoda Dong Neo

Chùa Đồng Neo (Hải Dương)

Linh Ứng Tự 靈 應 寺

Hải Dương

Chùa Đồng Neo được xây năm 1527 và mở rộng năm 1693. Tên chữ: Linh Ứng Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1997). Vị trí: thôn Cập Thượng, xã Tiền Tiến, W948+65, Thanh Hà, Hải Dương, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 81 km (hướng 4 h). Từ Hà Nội du khách theo đường QL5, qua cầu Phú Lương rẽ phải đi tiếp chừng 5 km thì đến nơi.

Lược sử

Chùa Đồng Neo cùng thuộc đất xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương như chùa Đồng Ngọ, cách nhau chỉ hơn 1km. Nghe nói xưa kia thuyền bè đậu san sát ở bến đò Neo trên khúc sông chảy qua trước chùa, vì vậy mà có tên. Một thuyết khác lại giải thích tên làng Đồng Neo với tên chữ là thôn Cập Thượng đều bắt nguồn từ việc dân làng ngày ấy buộc phải “leo bậc cao” qua đê mỗi khi ra cánh đồng bãi hoặc từ đó trở về nhà mình (!?).

Sách sử và địa chí ghi nhận nơi đây từng là đồng bãi của một dòng sông bắt nguồn từ cửa Xà Lai sông Thái Bình và đổ ra biển Đông qua Bến Trường hay Bến Tràng. Vào năm nhà Mạc lật đổ nhà Lê sơ (1527), nhận thấy mảnh đất gần đê phong thủy tốt lành, dân làng đã dựng lên một ngôi chùa nhỏ, lúc đầu chỉ bằng tranh tre nứa lá. Năm Chính Hòa thứ 10 (1693, đời vua Lê Nhân Tông), nhân dân phát tâm công đức mở rộng chùa và xây bằng gạch với dáng dấp ổn định cho đến bây gờ.

Trải qua gần 5 thế kỷ hình thành và phát triển, chùa từng được gọi dưới nhiều tên chữ và địa danh hành chính như: Linh Ứng Tự thuộc phủ Thanh Lâm, rồi Đồng Neo Tự thuộc Cập Hiền Trang, phủ Nam Sách, trước khi trang Cập Hiền trở thành thôn Cập Thượng, nay thuộc xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Trong khuôn viên chùa có vườn tháp mộ, nơi lưu giữ hài cốt của rất nhiều vị sư đã trụ trì và hóa thân tại đây.

Trước Cách mạng Tháng 8, nhà chùa từng nuôi giấu cán bộ Việt Minh. Năm 1948 sư Nguyễn Văn Bể đã tham gia bộ đội Bắc Hà. Trong trận đánh tiêu diệt tên Việt gian Sếp Sẹo tại ngã ba Kỳ Tây (xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà), sư đã anh dũng hy sinh, được dân địa phương suy tôn là Sư ông liệt sĩ Nguyễn Văn Bể. Hằng năm nhà chùa đều làm giỗ Sư ông vào ngày 2 tháng 6 Âm lịch. Chùa Đồng Neo đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa vào ngày 31-12-1997.

Kiến trúc

Chùa Đồng Neo được xây dựng theo kiểu “nội Công ngoại Quốc”. Hai cổng ngoài mở ra đường làng, xây đơn giản và đối xứng qua bức tường làm bình phong ở trên đắp hình bốn con rồng lượn uyển chuyển xung quanh bánh xe Pháp luân. Phía sau bình phong là giếng đá rồi đến tam quan nội với gác chuông, hai bên cây cối u tịch.

Tiếp theo tam quan là sân gạch trước tiền đường, bên trái là vườn tháp, bên phải có cửa ngách dẫn vào nhà khách, nhà Tăng, sân sau và Tổ đường. Các nếp nhà cổ còn sót lại đến nay ở chùa Đồng Neo đều mang dấu ấn nghệ thuật kiến trúc đặc trưng của thời Lê trung hưng với con-sơn đương tiện, trang trí bằng các hoa văn rất đẹp.

Tòa Tam bảo được xây dựng theo kết cấu hình chữ “Đinh” với tiền đường 7 gian và hậu cung 3 gian. Vật liệu chủ yếu là gạch Bát Tràng loại to xây tường và cột chống, mái bằng gỗ. Tại bốn góc mái chùa chính có bốn đầu đao cong vút chạm trổ hình đầu rồng. Ở đây sử dụng vì kiểu “chồng rường” và “thượng rường hạ bẩy”. Hệ thống chịu lực gồm 2 hàng cột nhỏ bằng gỗ lim, đều được kê chân trên thớt đá.

Lối kiến trúc với rường-bẩy tạo ra nhiều khoảng không gian cho nghệ nhân chạm khắc gỗ trổ tài. Các mảng chạm mang màu sắc dân gian ở tất cả các chi tiết như đầu dư, dép hoành, thân bẩy, các bức cốn mê, cốn nách, xà rồng, cửa võng... thể hiện các đề tài trang trí hình rồng, phượng trong phong cách nghệ thuật hóa thân: các linh vật luôn hóa đổi thành chim muông, hoa lá, hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên gió mây vần vũ.

Sân chùa Đồng Neo. Panorama NCCong ©2015

Di vật

Trong Tam bảo còn lưu giữ các tượng Phật rất quý có từ thời Lê trung hưng. Cách bài trí tuân theo hệ thống đặc trưng của các chùa miền Bắc, kết hợp quan điểm Tam giáo đồng nguyên. Từ bậc cao nhất trở xuống gồm có các pho Tam Thế Phật, Tam Thánh Tây Phương, Thích Ca niêm hoa, Di Lặc Bồ Tát, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào Bắc Đẩu và tòa Cửu Long.

Chính điện có treo hoành phi, câu đối trang trí tinh tế, các bức đại tự “Hiển ứng linh”, “Tuệ nhật viên dung”… tạo tác từ thời Nguyễn. Bộ đồ thờ đều làm bằng gỗ và được chạm khắc tinh xảo. Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ hơn 100 bản ván khắc bằng gỗ mít từ xưa dùng để in kinh Lăng Nghiêm và kinh Viên Giác.

Cách khoảng sân sau hậu cung là 3 gian Tổ đường được trùng tu từ cuối thế kỷ 20. Trước đây, vào thời kháng chiến chống Pháp nhà Tổ được xây theo hình chữ “Nhị”, nhưng đã tháo dỡ 7 gian tiền đường để phục vụ việc quân. Hiện nay, trong nhà Tổ vẫn thờ tượng Bồ Đề Đạt Ma và chư vị Tổ sư sở tại, đều là tượng cổ, điêu khắc độc đáo. Trai phòng treo 4 đại tự, một bức viết “Vô ác bất phạt” (không ác không bị phạt).

Bên cạnh các pho tượng còn có những cổ vật quý khác được lưu giữ qua nhiều đời sư trụ trì, nổi bật là chiếc thống đá đựng nước tạo tác từ năm Chính Hòa thứ 23 tức năm Nhâm Ngọ 1702, dưới đời vua Lê Hy Tông. Thống đá này do một gia đình họ Nguyễn làm quan trong triều Lê mang về tiến cúng. Lại có treo một quả chuông đồng được đúc năm 1700, ghi rõ niên hiệu Chính Hòa thứ 21, đến nay gõ lên tiếng vẫn trong veo.

Trong chùa còn lưu giữ các bia đá cổ như bia Đồng Neo Tháp với 4 mặt khắc chữ dựng năm 1679; bia Linh Ứng Tự dựng năm 1895; bia Hậu Phật Ký dựng năm Duy Tân thứ 5 (1911). Phía trước tam quan là một cây hương đá cao 1,2m, mỗi cạnh rộng 18cm, có khắc dòng chữ “Lê triều Chính Hòa nhị thập niên Kỷ Mão phi việt cát nhật” nghĩa là làm vào ngày lành năm Kỷ Mão niên hiệu Chính Hòa 20 đời Lê (1699).

Ngoài những bảo vật bằng đá, bằng đồng, chùa còn có vườn tháp cổ bao gồm:

  • Thiên Quan Bảo Tháp 3 tầng bằng gạch, xây năm Minh Mệnh Đinh Hợi (1827).
  • Tháp gạch Minh Quang 3 tầng, xây năm Tự Đức thứ 11 (1864), thờ hòa thượng Chiếu Khuông.
  • Tháp Phổ Đồng Minh có từ thời Nguyễn, thờ 3 vị sư Phổ Chiêu, Phổ Hiến, Phổ Nghiêm.
  • Tháp đá 3 tầng, xây năm Tân Dậu (1921), thờ hòa thượng Tường Tường. Trên tháp có đôi câu đối:
    “Huân lao tịnh nghiệp thiết lâm đài,
    Lật ngật kình dương thành chế để”

Di tích Hải Dương

Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCông