Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Tư duy > Cổ điển > Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585)

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585)

Thứ Tư 24, Tháng Giêng 2007

Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có tên là Văn Đạt, tự Hanh Phủ, hiệu Bạch Vân cư sĩ. Quê làng Trung Am, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, tp Hải Phòng. Tư tưởng gia, nhà giáo dục và văn sĩ rất nổi tiếng sống vào đời nhà Mạc. Mặc dù sớm từ quan về ở ẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn có ảnh hưởng đến thời cuộc chính trị.

Xuất thân từ gia đình nho học uyên thâm, năm 1535 ông đỗ Trạng nguyên. Làm quan đến Tả Thị lang Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ, 8 năm sau về quê trí sĩ, dựng nhà ở làng gọi là Bạch Vân Am. Ông mở trường dạy học bên cạnh sông Hàn, sông ấy còn có tên Tuyết Giang, vì thế học trò tôn xưng là Tuyết Giang Phu Tử. Là người chịu khó học hành, ngay cả đỗ Trạng nguyên rồi Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn thường tự trau giồi và rất tinh thông lý số dịch học. Tuy đã cáo quan, song vẫn được vua Mạc kính trọng, phong tước Trình Quốc Công, hàm Thượng thư Bộ Lại, do vậy mà có tên Trạng Trình. Khi về ở ẩn, thấy xã hội loạn lạc suy đồi, ông cùng dân làng Trung Am dựng nên ngôi nhà gọi là "Trung Tân quán", mong cứu giúp người nghèo khổ, khuyên nhủ kẻ giàu sang phải biết điều nhân nghĩa, sống có tình thương.

Nguyễn Bỉnh Khiêm mất năm 94 tuổi. Tác phẩm để lại là bộ Bạch Vân thi tập (gồm đến 200 bài, cả chữ Hán và chữ Nôm), ngoài ra còn rất nhiều bài văn bài thơ ngẫu hứng tặng bạn hữu, và những nhận xét quyết đoán chiến lược, liên quan đến sự nghiệp cơ đồ của kẻ cầm quân mà người đời thường gọi là "Sấm Trạng Trình". Tương truyền ông đã ngầm ý khuyên Nguyễn Hoàng nên vào lập nghiệp phía nam đèo Ngang (Hoành Sơn).Điều trùng hợp kỳ lạ là một người Pháp đương thời của ông là nhà chiêm tinh Nostradamus cũng để lại những câu sấm vẫn còn lưu truyền ở phương Tây, thậm chí tiên đoán cả vụ 11/9/2001 (?).


Xem online : Sấm Trạng Trình