Đàn Nam Giao & lễ tế Giao (II)
PXP
Năm 2004, đàn tế Nam Giao nhà Hồ đã được các nhà khoa học phát lộ và khai quật tại núi Đốn Sơn (thuộc địa phận xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), cách thành nhà Hồ khoảng 2,5 km về phía Đông Nam.
- Đàn tế Nam Giao nhà Hồ mới được phục dựng gần đây
Di tích phát lộ
Trong khuôn khổ dự án Nghiên cứu và bảo tồn di tích thành Tây Đô, Ban Quản lý di tích danh thắng (QLDTDT) thuộc Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Thanh Hóa đã mạnh dạn phối hợp với Viện Khảo cổ học và Viện Bảo tồn di tích trung ương xúc tiến kế hoạch dò tìm dấu vết đàn Nam Giao nhà Hồ. Tại núi Đún, tiếng Hán là Đốn sơn, ở xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, thời gian qua đã phát hiện lẻ tẻ một số cổ vật khi dân chúng mở đường hoặc san nền, đào móng xây nhà. Nguồn tư liệu tham khảo liên quan quá thiếu thốn, do đó công tác tìm kiếm sẽ thu hoạch kết quả như thế nào thật khó tiên đoán.
Ngày 15-6-2004, đoàn khai quật lên sườn phía đông núi Đún bắt tay đào 3 hố thám sát. Hố đầu tiên chẳng có gì đặc biệt. Hố kế tiếp, thật đáng mừng khi trông thấy một góc nền bằng đá vuông vức. Hố thứ ba mở trên vị trí mà dân quanh vùng bảo rằng trước kia có giếng Vua và giếng đã bị lấp vào thập niên 1980. Tại hố thám sát này, các nhà khảo cổ nhận ra một đoạn thành giếng bằng đất nhưng có dấu hiệu chứng tỏ đá từng bị bóc đi và thay vào đó là đất mới lấp.
Mở thêm 4 hố khai quật trên núi Đún, đoàn liên tục đi từ bất ngờ tới… phấn khởi.
Hố số 1 làm hiển lộ đoạn bờ kè dài 25m được xây bằng đá. Cũng trong hố khai quật này, nhiều gạch, ngói, phù điêu bằng đất nung thể hiện rõ phong cách mỹ thuật cuối thời Trần, nhất là những viên được trang trí theo motif hình rồng, cánh sen, hoa cúc.
Hố số 2 có gì? Đáng kể là hai cối cửa bằng đá được đục lõm ở giữa (để lắp chân cánh cửa) nằm cách nhau 1,5m và được kè bằng gạch hình vuông xen kẽ gạch hình chữ nhật. Anh Đỗ Quang Trọng – phó Ban QLDTDT kiêm trưởng đoàn khai quật – nhận định: “Qua kiến trúc đàn Nam Giao ở Huế mà tôi từng có dịp tìm hiểu, tôi giả định rằng hai cối cửa mới tìm thấy tại đây chính là Đông môn của đàn Nam Giao nhà Hồ. Hàng gạch kè giữa hai cối cửa là đoạn cắt ngang lối dẫn lên đàn tế từ phía đông”.
Bậc thềm phía nam của đàn Nam Giao nhà Hồ xuất hiện trong hố số 3. Bóc tách dần lớp đất bề mặt, thấy các bậc cấp được lát gạch. Do chưa thể khai quật mở rộng nên người ta ước đoán có khoảng 9 bậc cấp và cho rằng đấy là Ngự đạo / Ngự lộ – lối dẫn lên nền thượng (Viên đàn) vốn dành cho vua.
Tại hố số 4, một bờ kè dài hơn 7m bằng đá cùng một số hiện vật bằng đất nung đã được phát hiện. Các chuyên gia cho rằng đây có khả năng là Thần đạo / Thần ngự lộ – lối chính dẫn lên đàn tế mà xưa phải để trống vì dành riêng cho… thánh thần.
Đợt dò tìm đầu tiên, chỉ với 4 hố khai quật và 3 hố thám sát phân bố trên mặt bằng 200m² đã mang lại kết quả khả quan vượt xa mong đợi. Thật thú vị là ở tất cả các hố, mới đào xới tới độ sâu 20 – 40cm, di tích liền phát lộ. Trên mặt đất ở những điểm này, trước đấy cây cỏ hoang dại phủ kín. Nào ai ngờ dưới lòng đất lâu nay che dấu một di tích quý hiếm dường kia! Trên ngọn Đốn Sơn, đàn Nam Giao lừng lững vậy mà bị đất đai trùm lấp, chưa rõ vì sao và bao giờ.
Theo nguồn tin ngày 12-7-2004 của Thông tấn xã Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (công tác tại Viện Bảo tồn di tích và là thành viên trong đoàn khai quật) cho biết: “Ước tính toàn khu vực đàn Nam Giao nhà Hồ rộng khoảng 20km². Từ kết quả khai quật sơ bộ, các nhà khoa học đã bước đầu định hình quy mô kiến trúc đàn tế gồm ba tầng nền thượng, trung, hạ, thêm cả Trai cung – nơi vua tĩnh tâm và tạm thời cách ly với cung tần mỹ nữ trước khi ra tế”.
Bất cứ đàn Nam Giao nào cũng được tạo lập ba tầng lớp chồng lên nhau theo quan niệm tam tài (thiên – địa – nhân) của phương Đông cổ đại. Hai tầng dưới thường xây hình vuông, tượng trưng cho người, cho đất. Tầng cao nhất hình tròn (Viên đàn) tượng trưng cho trời. Tại núi Đún, đến nay chưa tìm thấy Viên đàn, nên các nhà nghiên cứu khó phân chia chính xác các tầng bậc của di tích.
Kết quả khai quật khảo cổ học đàn Nam Giao nhà Hồ đang được giới chuyên môn cũng như bao người yêu mến lịch sử nước nhà và quý trọng di sản tiền nhân chú ý theo dõi với tâm trạng hân hoan pha lẫn… hồi hộp. Được biết, công tác thám sát bước đầu được tiếp tục tiến hành đến trung tuần tháng 7-2004 và sau đó Ban QLDTDT đề xuất thực hiện kế hoạch khai quật mở rộng.
Lưu ý rằng núi Đún hiện tại bị xâm canh, xâm cư trầm trọng! Có nhà dân đã lấn vào tận nền (phỏng đoán là nền hạ) của đàn Nam Giao! Băng ngang trên đàn tế, lâu nay có một con đường mà cư dân địa phương vẫn thường xuyên qua lại! Thêm vào đó, dự án Quy hoạch chi tiết khu du lịch thành nhà Hồ và các danh thắng phụ cận do Sở Du lịch tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư, đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày 3-2-2004, thì núi Đún sắp được đưa vào kinh doanh du lịch. Như thế, di tích vừa phát lộ ngay lập tức phải đối mặt với vô số nguy cơ!
- Giếng vua ở Đàn Nam Giao
Sự thật kỳ lạ
Theo NCTG, tháng 6-2002, một doanh nhân là Mã Tiên Vĩnh (người tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) đã chủ động tìm đến UBND tỉnh Thanh Hóa để đặt vấn đề đầu tư mở xưởng dệt may tại huyện Vĩnh Lộc. Giấy phép đầu tư nhanh chóng được tỉnh thông qua, hợp đồng thuê đất được ký kết giữa UBND huyện Vĩnh Lộc và nhà đầu tư. Ngoài ra, UBND huyện đã “hào phóng” cắt cho doanh nghiệp này gần 10.000 ha đất ở khu vực giáp ranh xã Vĩnh Long và thị trấn Vĩnh Lộc để làm nơi xây dựng nhà xưởng, trong đó có 2/3 diện tích là đất nông nghiệp, với giá đền bù rẻ mạt: không đầy 300 nghìn đồng/sào (1 sào Trung Bộ là 500m2). Hơn thế, chủ tịch huyện khi đó còn đích thân chỉ đạo “công tác giải phóng mặt bằng” với mọi chi phí đều do huyện chịu.
Đến phút cuối cùng, một điều bất ngờ đã xảy ra. Sau khi mặt bằng để xây dựng nhà xưởng đã được phía huyện hoàn tất thì ông Mã Tiên Vĩnh bỗng dưng từ chối, với lý do nơi đây không phù hợp về mặt… phong thủy (!). Đồng thời, doanh nghiệp này yêu cầu huyện cho mình tự… tìm địa bàn. Một lần nữa, huyện lại ngậm ngùi chấp nhận để “chiều lòng” doanh nghiệp sau khi đã tốn hàng tỷ đồng chi phí đầu tư cho công tác đền bù và giải phóng mặt bằng.
Cùng với thời gian trên, Bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Lộc vừa xây dựng xong cơ sở mới nên chuyển đi, cơ sở cũ đang bỏ trống. Doanh nghiệp Trung Quốc này đã nhanh chóng đặt vấn đề xin thuê lại vị trí trụ sở cũ của bệnh viện để xây dựng nhà xưởng sản xuất với mức giá thuê khá cao. Đề nghị này của nhà đầu tư khiến địa phương khá bất ngờ vì bệnh viện nằm sâu bên trong núi, cách xa đường quốc lộ, giao thông không thuận lợi. Nhưng huyện đã nhanh chóng gật đầu chấp thuận.
Vị trí này thuộc địa phận làng Giáng, xã Vĩnh Thành (nay là tiểu khu III, thị trấn Vĩnh Lộc), nằm sát ngay dưới chân núi Đốn Sơn. Tại đây, tuy đăng ký kinh doanh là mở xưởng ươm tơ nhưng doanh nghiệp này không hề sửa sang hay xây dựng nhà xưởng gì cả. Khoảng hơn 30 công nhân là người Trung Quốc được đưa sang với lời giới thiệu là “công nhân vận hành máy”. Ngoài ra, phía doanh nghiệp này cũng nhận thuê thêm khoảng hơn 10 người địa phương vào làm việc. Một điều đặc biệt là doanh nghiệp chỉ hoạt động về đêm, ban ngày đóng cửa, bảo vệ gác bên ngoài, người lạ không được phép vào.
Bà Nguyễn Thị Hà (trú ở Khu III, thị trấn Vĩnh Lộc), người đã từng được doanh nghiệp Trung Quốc này thuê và làm công nhân cho biết: “Tiếng là mở xưởng ươm tơ nhưng không hề thấy công ty đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc gì. Tôi cùng một số người nữa được doanh nghiệp này thuê vào làm việc, cụ thể là làm phân bón vi sinh, mà theo lời ông chủ Mã Tiên Vinh là để bán lại cho nông dân trồng nguyên liệu dâu tằm trên địa bàn huyện”.
“Điều khó hiểu là những công nhân Trung Quốc được sang bên này thay vì “vận hành máy” lại chỉ làm mỗi việc đem máy dò và cuốc thuổng để đi đào xới ở khu vực phía sau bệnh viện (tức núi Đốn Sơn). Công việc này chỉ được tiến hành vào buổi tối. Khi chúng tôi hỏi thì họ bảo đào hố để ủ phân (!) Đến nay thì cả ông chủ lẫn doanh nghiệp này đã bất ngờ bỏ đi trong khi vẫn chưa trả hết lương cho chúng tôi”, chị Hà cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn L (Đội 4, xã Vĩnh Thành), một “đầu nậu” trong việc buôn đồ cổ, người đã từng được doanh nghiệp Trung Quốc thuê để làm công việc dò và đào xới cho biết: “Họ chẳng phải doanh nghiệp ươm tơ gì cả. Mục đích họ sang đây là để dò tìm và đào trộm đồ cổ đem về nước. Trong quá trình làm việc ở đấy tôi được biết thông tin là họ có trong tay một tấm bản đồ và tài liệu ghi chép từ đời nhà Thanh về khu vực này nên mới sang đây để tìm kiếm”.
Cũng theo ông L, khi đó ông được thuê làm công việc dò tìm, mỗi tối được trả lương từ 70 – 100 nghìn đồng, tùy theo hôm đó đồ vật tìm được nhiều hay ít. “Họ thuê tôi dùng máy dò để tìm kiếm, khi phát hiện ra đồ vật thì người Trung Quốc đào, tôi không được đào. Họ đào được rất nhiều các chum vò ở dưới đất ở độ sâu khoảng từ 60-1,2 m. Bên trong chum, vò này là những gì và sau đó họ đưa đi đâu thì chúng tôi không rõ”.
Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc khi đó là ông Phạm Văn Chấy cho biết: “Cách đây khoảng chục năm trước đúng là có một doanh nghiệp Trung Quốc từng có ý định đầu tư mở xưởng ươm tơ trên địa bàn huyện. Nhưng sau đó, do khó khăn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu trồng dâu tằm và nhiều yếu tố khác nữa nên doanh nghiệp này đã xin rút vốn đầu tư”.
Khi được hỏi về dư luận người dân cho biết đàn tế Nam Giao đã từng bị đào trộm, UBND huyện có biết về vấn đề này hay không, ông Chấy thừa nhận: “Khi đó bệnh viện huyện vừa chuyển sang địa điểm mới, trụ sở bệnh viện cũ đang để không nên họ thuê lại vì có sẵn cơ sở hạ tầng, thuận tiện cho làm nhà xưởng. Còn về những hố đào đằng sau bệnh viện cũ, gần vị trí đàn tế khai quật sau này thì chúng tôi không nắm rõ.”
Phía đại diện văn phòng Ban Quản lý di tích Thành nhà Hồ cũng cho biết: “Hầu hết các cổ vật được tìm thấy sau khi khai quật đều không còn nguyên vẹn. Thường thì chỉ còn những mảnh vỡ và phải tiến hành phục chế lại như trống đất, ngói, đôi uyên ương… Về thông tin đàn tế Nam Giao nhà Hồ từng bị đào trộm trước khi được khai quật thì chúng tôi không nắm rõ, bởi trước kia nơi này là bãi nghĩa địa, người dân đấu thầu và trồng cây nên cũng thường xuyên bị đào xới”.
Ông Đặng Tiến Dũng – nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh cho biết, từ tháng 2/2006 đến nay, 450 hộ dân của xã cho Công ty liên doanh phát triển kỹ thuật dâu tằm tơ xuất khẩu Việt - Trung (doanh nghiệp của Trung Quốc, có trụ sở đóng tại KCN Lễ Môn, TP Thanh Hóa) thuê 9,4 ha đất để trồng dâu, nuôi tằm lấy trứng cung cấp cho thị trường.
“Giá thuê đất được ký trong hợp đồng ký ngày 26-2-2006 giữa công ty và UBND xã (đại diện cho các hộ nông dân) là 16 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, từ tháng 1/2007 đến nay, lãnh đạo công ty trên là ông Mã Tiên Vĩnh và cán bộ công ty đã “lẳng lặng” rút lui về nước, không thông báo lại với chính quyền xã, để lại món nợ ngân hàng cho UBND xã Vĩnh Ninh phải gánh chịu”, ông Dũng nói.
Được biết, số tiền mà công ty này còn nợ các hộ dân trong xã là 300,8 triệu đồng (tiền thuê đất trong hai năm 2006 và 2007), chưa kể đến số tiền mà UBND xã đã đứng ra vay ngân hàng để đầu tư trồng dâu (ứng trước cho doanh nghiệp).
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc là ông Lê Quang Tuấn, thừa nhận: “Suốt thời gian qua, UBND huyện đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo và đại diện Công ty liên doanh phát triển kỹ thuật dâu tằm tơ xuất khẩu Việt - Trung nhưng đều không có kết quả. UBND huyện đành phải làm công văn đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch - Đầu tư có hướng giải quyết kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho UBND xã Vĩnh Ninh và các hộ nông dân nơi đây…”.
(Còn nữa)