SOMEWHERE MY LOVE—NÀNG LARA BỊ CẤM

Nam Nguyen

Nam Nguyen

(Có ai nghe một bài hát trong vòng 3 tiếng đồng hồ chưa nhỉ...?) Chắc chắn có những bài hát vì lý do gì đó bị cấm, còn các giai điệu bị cấm thì ít hơn nhiều. Chúng đều có số phận hết sức éo le, và khó biết nhất là khi nào, tại sao, vì ai mà cấm; lại càng khó biết bao giờ thì hết cấm?

Một giai điệu mượt mà, vào loại đẹp nhất mà tôi từng biết, chắc tất cả mọi người đã từng nghe, nhưng hỏi là bài gì thì khá khó để trả lời, có thể vì số phận của nó chăng:
https://www.youtube.com/watch?v=3RGWE6zJKXk

Hồi bé tý, tôi được bố “dẫn độ” đến nhà ông bạn cùng lớp là bác Nguyễn Văn Thương (mà bọn học trò láo nháo sau này cứ gọi là “cụ Thương”) để hỏi xem cho học đàn gì. Bác ấy hỏi mấy câu, rồi phán tôi đi học violin cho thuận tiện, mà muốn học violin thì hãy phải học thêm hoặc kèn harmonica hoặc đàn măng-đô-lin để học xướng âm luôn. Thế là bố tôi bắt đầu dậy tôi đánh măng-đô-lin bằng cái đàn đã theo ông nhiều chục năm rồi. Đánh đàn đó không khó, nên cũng chả bao lâu sau bố tôi chơi cho tôi nghe để mà bắt chước chơi lại một giai điệu mà theo bố tôi là rất hay và hợp với đàn dây (tất nhiên làm sao mà so được với các nghệ sỹ trong clip sau):
https://www.youtube.com/watch?v=bWh3aAodUJk

Sau này tôi mới được nghe giai điệu này, nếu chỉ chơi với một guitar thôi thì cũng tuyệt hay, ví dụ Chet Atkin chơi rất độc đáo: https://www.youtube.com/watch?v=9atBB0dm3ug

Rất tò mò về bản nhạc mà không có lời này, vì nó đâu phải nhạc cổ điển, nhưng bố tôi giải thích đó là nhạc phim “Bác sỹ Zhivago”— một phim Mỹ mà Liên Xô cấm, mà Liên Xô còn cấm thì tất nhiên ở Việt Nam coi như không được phổ biến rồi. Lời cũng có nhưng bố tôi không biết, còn nhạc thì rất nổi tiếng ở nước ngoài, và bố tôi đã được nghe khi đi công tác rồi nhớ được thôi, vì giai điệu này rất hay tuy đơn giản. Nhưng tôi tò mò hơn về việc bị cấm vì sao, thì bố tôi chỉ bảo đó là câu chuyện về số phận anh bác sỹ ở Liên Xô, tôi còn bé quá nên lớn lên thì may ra mới biết được, nhưng “câu chuyện này ở Việt Nam có hàng nghìn chuyện”— đấy là câu nói cứ ám ảnh trí óc của đứa bé là tôi suốt đến tận bây giờ. Còn sao cấm mà vẫn chơi được thì đơn giản thôi, bố tôi bảo có ai biết bài ấy là bài gì đâu mà ngại!

Sau thống nhất thì miền Bắc tràn ngập văn hóa phẩm từ miền Nam mang ra, nhà mình cũng có rất nhiều đĩa, băng cối, cassette...thì hình như chỉ có một ca sỹ hát bài này-Thanh Lan với lời Việt của nhạc sỹ Phạm Duy với tên gọi “Người tình Lara”: https://www.youtube.com/watch?v=CjFTQl5yGbw
Tôi còn bé nhưng đã rất thần tượng Thanh Lan thời đó, nhất là với những bài “nhạc trẻ” tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, tuy vậy ngoài chuyện giai điệu mình đã biết, thì không thấy có gì nổi bật ở version này. Nhưng khi nghe đĩa nhạc không lời của Paul Mauriat thì thấy giai điệu này tuyệt vời thật (và mới biết nó có tên gọi là “Lara`s Theme”): https://www.youtube.com/watch?v=InOvVyl_TVg

Sang tới Liên Xô, dù có để ý tìm, tôi chả thể kiếm được sách, được thơ nào của Boris Pasternak, và tất nhiên chẳng thể đọc được “Bác sỹ Zhivago”. Thế nên cũng dễ hiểu tôi chẳng bao giờ được nghe giai điệu đã từng chơi từ bé đó, ngoại trừ nghe nhạc không lời Richard Claydeman:
https://www.youtube.com/watch?v=rV3Xu1totlM

Mãi đến 1988, khi tình hình đã sắp đi đến hồi kết thúc của khối XHCN thì khán giả Xô viết mới được chính thức nghe bài hát tuyệt vời này qua sự trình diễn bởi “con họa mi Tiệp Khắc” Karel Gott hát đầu tiên (bằng tiếng Đức): https://www.youtube.com/watch?v=ebaG5nfIzFY

Sau đó tôi được đọc “Bác sỹ Zhivago”-bắt đầu được xuất bản lần đầu tại Liên Xô, được xem phim “Bác sỹ Zhivago” qua đầu video...Phải thú nhận rằng có thể trình độ cảm nhận qua tiếng Nga của tôi không đủ để thấm thía hết cái hay của tác phẩm văn học, nhất là các bài thơ, nên tôi thích bộ phim hơn nhiều, tuy rằng sau này đa số các nhà phê bình chê ỏng eo tác phẩm Hollywood đó “thua xa cuốn truyện gốc”.

Xin tóm lược lại những thông tin chính, vì chắc rất nhiều người đã đọc, đã xem rồi (còn ai chưa xem phim thì tôi rất khuyên nên xem bộ phim kinh điển đó!):
Boris Pasternak (1890-1960) là người Do Thái, sinh ra trong gia đình văn nghệ sỹ và đã nổi tiếng thần đồng thơ khá sớm. Ông học văn-sử-triết ở Tổng hợp Moscow, và sau cách mạng gia đình ông được sang Đức định cư, nhưng ông ở lại Nga và lấy vợ. Những năm 1920-30 ông viết nhiều thơ, văn xuôi, dịch rất nhiều thơ từ tiếng Gruzia sang tiếng Nga, thế nên ông đã là thành viên hội nhà văn Nga từ khóa đầu và có thể coi là nhà thơ rất được ưu ái của Xtalin (người gốc Gruzia). Nhưng chính quyền bắt đầu ghẻ lạnh ông từ 1936, khi ông tích cực lên tiếng bênh vực, giúp đỡ những nhà thơ, nhà văn chủ yếu là người Gruzia bị cính quyền Xô Viết cho đi tập trung cải tạo, thậm chí đàn áp tàn khốc. Ông giảm bớt làm thơ và bắt tay viết tiểu thuyết “Bác sỹ Zhivago” mười năm liền (1940-1950).

Nội dung bộ phim sau này (hơi khác với cuốn truyện) nói về cuộc đời của tầng lớp trí thức trải qua bao thăng trầm, từ trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất và đến mãi sau cách mạng Tháng Mười ở đất nước Xô viết, với biết bao khổ nhục, đè nén, ly tán, đày đọa, tha phương...Qua đó có thể thấy chính hình bóng cuộc đời của tác giả, của những người quen của Pasternak, nhất là những người Do Thái. Hình ảnh và chủ đề xuyên suốt cuốn truyện (bộ phim) là cậu bé Jury Zhivago thừa hưởng được từ mẹ một cây đàn balalaika, lớn lên cuộc tình của anh với Lara trải qua trăm đắng ngàn cay, nhiều lần tan vỡ rồi định mệnh lại đưa họ đến với nhau rồi lại thủ thách họ khắc nghiệt hơn, mặc dù anh là bác sỹ và là nhà thơ nổi tiếng nhưng thơ của anh lại bị chính quyền coi là có vấn đề về tư tưởng. Khi họ đều đã chết đau thương được mười mấy năm thì người em họ của Zhivago nay đã là tướng Hồng quân và biết rằng hiện nay đánh giá của chính quyền về những tác phẩm của Jury Zhivago cũng đã khác xưa, mới thấy một cô bé rất giống Jury, bèn tra hỏi xem có phải là con của bác sỹ Zhivago không, nhưng cô bé ít tuổi nhưng đã rất từng trải này chối thẳng thừng, khi cô bé ra về thì thấy trên lưng vẫn đeo theo cây đàn balalaika của người bà để lại từ những năm xưa...

Truyện rất hay (nhưng đúng như bố tôi đã nói, với lịch sử đau thương bộn bề của đất nước ta thì “câu chuyện này ở Việt Nam thì có hàng nghìn” là vậy!) và tất nhiên nó đừng hòng được xuất bản ở CCCP, mặc dù lúc đó đã giữa những năm 50 “xét lại” của Khrusev. Nó được xuất bản đầu tiên ở Ý, rồi Anh, Hà Lan, Mỹ..CIA thấy ngay được giá trị tuyên truyền của tác phẩm vĩ đại này, nên đã in phát không cho các công dân CCCP ra nước ngoài, cũng như cấp tập vận động để Pasternak được trao giải Nobel văn học-phải nói về tài năng thì ông rất xứng đáng vì là một trong những thi sỹ hàng đầu của thế kỷ 20 và trước đó, từ 1946-1950 đã liên tục được đề xuất nhận giải. Tất cả những điều này đều được đồn đoán từ lâu nhưng mới chính thức được “bạch hóa” 99 tài liệu của CIA liên quan đến Pasternak và tác phẩm, vào đầu năm 2015 này. Và rất nhanh chóng năm 1958 ông được chọn để trao giải Nobel văn học “vì các tác phẩm thơ và cuốn truyện Bac sỹ Zhivago”. Tất nhiên đó là một đòn đánh mạnh vào hệ tư tưởng Xô viết, thế nên Pasternak bị một trận rủa xả không tiền khoáng hậu, hầu như tất cả các nhà văn, nhà phê bình lớn nhỏ của Liên Xô cũ đều tham gia theo phương châm “tôi chưa đọc (làm gì có xuất bản đâu mà đọc) nhưng tôi lên án!”. Không thể chịu được sức ép tinh thần ấy, Pasternak đã từ chối nhận giải, rồi mất ngay sau đấy năm 1960. Bà vợ hai của nhà văn còn bị dựng chứng cớ ngụy tạo, cho đi đày 4 năm rồi mới được tha, và chỉ sau 30 năm giải Nobel văn chương ấy mới được trao lại cho con trai của ông...

Cuốn tiểu thuyết này rất ăn khách ở thế giới tư bản lúc ấy, vào thời đối đầu Nga-Mỹ, Gagarin bay lên vũ trụ, giải Nobel... Và cũng dễ hiểu là năm 1963 MGM hãng phim lớn của Hollywood sắp phá sản đến nơi liều đánh canh bạc chót, mua bản quyền câu chuyện, và chuẩn bị làm phim “Bác sỹ Zhivago” trong tổng cộng chỉ 10 tháng quay phim. Bộ phim được coi là “cuốn theo chiều gió ở trong băng tuyết” này với đạo diễn nổi tiếng David Lean tất nhiên không được quay ở CCCP mà đoàn làm phim phải đến quay ở Phần Lan và Canada cho giống cảnh Nga, với dàn diễn viên gạo cội nhưng nhân vật chính —bác sỹ Zhivago— lại do một anh chàng mới toe —Omar Sharif (diễn viên hạng hai, gốc Ai Cập, da ngăm ngăm, không có tí khí chất Nga nào!)— đóng và làm nên tên tuổi lẫy lừng. Vì quay quá gấp nên rất nhiều cảnh mùa đông hóa ra lại phải quay đúng lúc mùa hè, có những khi phải mặc áo lông thú để quay lúc nhiệt độ lên đến 47 độ C! Năm ấy mùa đông cũng không có tuyết, cảnh tuyết tuyệt đẹp hóa ra toàn bột đá hoa cương. Cảnh phim đối với tôi ấn tượng nhất là khi cả tòa lâu đài băng giá, các cửa sổ băng đóng dày...hóa ra lại quay đúng mùa hè, phải dùng nến đính lên cửa sổ như bông tuyết...

Bộ phim ra mắt và đạt được kết quả đáng kinh ngạc, bất chấp mọi sự chê bai của các nhà phê bình là “bộ phim thua xa cuốn tiểu thuyết” hay “các nhân vật đều rất bi quan”, 5 Oscar, 5 Quả cầu vàng, trở thành một trong 10 phim ăn khách nhất trong lịch sử Hollywood, cứu được hãng MGM khỏi sập tiệm (doanh số chỉ thua “Cuốn theo chiều gió” đối với hãng này), và chàng diễn viên ăn may Omar Sharif vì ký kết ăn theo doanh số nên kiếm được 10 triệu USD, cát xê kỷ lục của mọi thời đại, nếu quy đổi theo thời giá! Nhưng còn hơn cả cuốn phim, âm nhạc của nó đã lan tỏa khắp thế giới...

Đạo diễn nổi danh David Lean chiếu mấy cảnh quay cho nhạc sỹ Maurice Jarre (Pháp, thiên tài chỉ huy và viết nhạc phim của thế kỷ 20) chỉ trước khi đóng máy 6 tuần, nên thời gian viết và trình diễn nhạc không nhiều. Vì nội dung phim chỉ xảy ra trên đất Nga (phim màu đầu tiên của “tư bản” làm về Nga hoàn toàn) nên ngoài khá nhiều nhạc cổ điển của các nhạc sỹ Nga ra thì Jarre đã viết chủ đề xuyên suốt và được đạo diễn đồng ý ngay, đó là “Lara`s Theme” theo tên gọi của nữ nhân vật chính, được chơi bởi dàn nhạc lớn nhất có tới 110 nhạc công và hợp xướng 40 người - kỷ lục cho mọi bản nhạc phim. Chưa hết Jarre muốn có một đoạn nhạc phải chơi đúng bằng balalaika-nhạc cụ dân tộc của Nga- nên ông phải đi đến nhà thờ theo giáo phái Nga tại Mỹ để mời bằng được mấy Nga kiều chơi loại đàn này về đánh cùng dàn nhạc. Bởi họ đâu có biết đọc nốt nên ông đã phải dạy “vo” để họ chơi đúng giai điệu đó, cũng là cách như bố tôi dạy tôi hồi bé...

Giai điệu mượt mà này có thể chơi chỉ bằng một nhạc cụ- pianist Danny Wright chơi vô cùng truyền cảm: https://www.youtube.com/watch?v=pAWMkrKi090

Giải Oscar cho nhạc phim vẫn chỉ là khúc dạo đầu cho “Lara`s Theme”. Sang năm 1966 tác giả lời Paul Webster viết lời ca cho giai điệu tuyệt đẹp này, là bài hát “Somewhere My Love” và được Ray Conniff cùng ban nhạc của ông trình diễn, bài hát được giải “Grammy” này sẽ gắn với Ray đến suốt cuộc đời:
Ray Conniff & The Singer (Lyrics):
https://www.youtube.com/watch?v=z7GGJUHpUt0
Đây là bài hát yêu thích nhất mà ông hay trình diễn: https://www.youtube.com/watch?v=JJdUNjxverA
Ray Conniff biểu diễn tại Brazil trên sân vận động: https://www.youtube.com/watch?v=IYMSRxRNlu0
Sau này hàng chục năm bài hát Lara này vẫn gắn với tên tuổi của ông...

Ca khúc trên nền nhạc valse nhẹ nhàng, lời đơn giản mà rất hay này được rất nhiều ca sỹ nổi tiếng cover lại, nhưng theo tôi hát hay nhất vẫn do Andy Williams hát (ca sỹ hát Love Story sau này)
https://www.youtube.com/watch?v=DrZa7R5_qHY
và Andy hát live: https://www.youtube.com/watch?v=nABq0DrAAYI

Sang năm 1967, khắp châu Âu, châu Mỹ vang lên bài hát này, trong khi đó tất nhiên ở CCCP và Việt Nam thì không hề có giai điệu, lời ca của Lara:
Tại Đức do Al Martino hát trên TV: https://www.youtube.com/watch?v=iYDSi3YHcOA

Bản tiếng Pháp đầu tiên: https://www.youtube.com/watch?v=zAD0WSdcjyI

Kenny Rogers : https://www.youtube.com/watch?v=9XJtr5hQ31Y

Tất nhiên không thể thiếu ca sỹ jazz Frank Sinatra mặc dù cảm nhận của tôi có thể không hợp với cách hát của ông trong bài này: https://www.youtube.com/watch?v=YeJeKcMavUY

Hát tình cảm nhất chắc là Daniel O’Donnell : https://www.youtube.com/watch?v=RuhYjf4lb4o

Jerry Vale và clip rất đẹp từ những cảnh quay trong phim, ấn tượng nhất đối với tôi vẫn là cảnh xe ngựa và tòa lâu đài băng giá: https://www.youtube.com/watch?v=OhVQVyZX9_g

“Somewher My Love –There will the songs to sing...” –bài hát vô cùng nhẹ nhàng, đầy cảm xúc đau thương nhưng cũng tràn trề hy vọng vào những mùa xuân mới, những hội ngộ của duyên số... Sau này có Ngọc Lan hát: https://www.youtube.com/watch?v=RvXO4hwm1t0
Có thể tiếng Việt làm cho khó thể hiện tình cảm sâu sắc qua nét nhạc valse mượt mà này chăng? Hay là tuy Ngọc Lan đã hát hay hơn Thanh Lan trước kia, nhưng đều chưa cảm thấy được hết nỗi thống khổ của những cuộc tha hương trong mùa đông băng giá Siberi? nhưng quả là hai thần tượng của tôi hát bài này chưa đủ ấn tượng... Phụ nữ hát bài này khá ít, hay nhất chắc là Connie Francis (ca sỹ Mỹ gốc Ý, hát cả bằng tiếng Ý bài này): https://www.youtube.com/watch?v=7GtpugluWFw

Rất nhiều ca sỹ opera lớn đã hát lại, ví dụ Kate Shmith, Placido Domingo, Kristy Lane:
https://www.youtube.com/watch?v=i0z7W0Oey7o
https://www.youtube.com/watch?v=1knzyYvFdfI

Khoa học kỹ thuật nay cho phép cả một giai điệu “Lara`s Theme” bây giờ có thể chơi chỉ bằng một người, trên một “cỗ máy” đúng hơn là một cây đàn:
https://www.youtube.com/watch?v=AU6d-PGc9Fo
Nhưng cỗ máy dù tối tân đến đâu cũng không thể bì được với dàn nhạc của André Rieu: https://www.youtube.com/watch?v=W9I4D0D2qgE

Hoặc xin thưởng thức clip tuyệt đẹp và nhạc không lời rất lắng đọng của David Davidson: https://www.youtube.com/watch?v=5V8R07t2ln8

Phải nói là cũng như ở bộ phim “Love Story” sau này, ở phim “Bác sỹ Zhivago” âm nhạc đã có một sức sống còn vượt qua cả cuốn phim nay đã bắt đầu bị lãng quên dần. Ngày nay “bài hát dành cho Lara” ở ta đã từ lâu không còn bị cấm nữa (nếu đúng là có một danh sách nhạc phẩm bị cấm như vậy), nhưng quả thật giai điệu này đã bị thiệt thòi quá nhiều. Ngay cả tôi có lẽ cũng chẳng nhớ đến nó, nếu một hôm không lôi đĩa Karaoke tiếng Anh ra nghịch, trong đó có bài “Somewhere My Love” này. Khi tôi bảo với bố tôi, đây chính là “bài hát Bác sỹ Zhivago” mà ngày xưa bố đã dạy con chơi măng-đô-lin, thì lạ chưa, bố tôi lục trong kho ra đúng cái đàn mà cách đây gần nửa thế kỷ ông đã dạy tôi chơi. Tôi thử nhưng chẳng còn đánh được chút nào, trong khi đó ông vẫn chơi được đúng theo giai điệu của “Zhivago”, và lần đầu tiên có lời để bố tôi vừa đàn vừa hát “Somewhere My Love... God Speed My Love Till You Are Mine Again”. Cả cuộc đời tôi như hiện lại trong tiếng hát già nua của bố, với tôi đó chính là bản cover hay nhất của “Somewhere My Love”.

P.S. Tôi xin tặng phần bài viết này cho người bạn FB đã hỏi tôi “sao cứ ăn mày dĩ vãng để làm gì”. Một người mẹ Ý trong một buổi đông lạnh, khi sắp sinh đứa bé mà biết trước là con gái đã không thể nghĩ ra cái tên nào cho con mình, nên đã chọn tên của nhân vật chính trong “Bác sỹ Zhivago” để đặt cho con gái, và thế là ra đời Lara Fabian. 32 năm sau cô ca sỹ nay đã nổi tiếng, đã tổ chức buổi ca nhạc “Mademoiselle Zhivago” tại Moscow, cùng với tác giả Igor Krutoi, những giai điệu và lời ca đẹp đúng theo truyền thống của “Somewhere My Love”: https://www.youtube.com/watch?v=s-qH9_4yYgU

«Dĩ vãng—đó là nơi sinh ra tâm hồn”...

Nam Nguyen