Đằng sau tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh (1)

Nói về mặt chính trị, Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chí Minh đọc trước đám đông ở Hà Nội vào ngày 2/9/1945 là một trong những văn bản quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Đối với nhiều người thì nó biểu trưng cho hồi cáo chung của sự cai trị ngoại quốc, mặc dù chuyện này còn cần đến chín năm thử thách bằng máu lửa. Chắc chắn nó đánh dấu việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH), tiền thân của hệ thống nhà nước ngày nay, mặc dù ông Hồ đã cẩn trọng gọi tên chính quyền của mình là lâm thời, đợi tổng tuyển cử cả nước và ban hành hiến pháp.

Cơ bản hơn thì bản Tuyên ngôn chứa đựng một thế giới quan đầy kịch tính, một lịch sử cô đặc, một vài khẳng định táo bạo, những cụm từ sinh động, và hình tượng đầy cảm xúc – tất thảy những điều này nhằm cố gắng thu hút trí tưởng tượng của trước tiên là những khán thính giả trực tiếp trong số hàng mấy trăm ngàn người, và sau đó là của hàng triệu người Việt Nam khi họ nghe lại hoặc đọc nó trên báo chí. Cùng với hình ảnh trực quan của một quý ông mảnh khảnh lúc tuyên bố độc lập cho Việt Nam sau 80 năm chịu ách nô dịch, những điều Hồ Chí Minh nói với người dân ngày ấy đã giúp tiếp nhiên liệu cho cuộc tranh đấu sau đó chống trước tiên là việc quay lại của người Pháp, và tiếp sau là người Mỹ. Trớ trêu thay, tuy những phần then chốt trong bản Tuyên ngôn không nhắm trực tiếp đến người Việt mà nhắm đến người nước ngoài nhưng lại bị phần lớn những thành phần được nhắm tới đó làm lơ đi.

Hồ Chí Minh từ vùng đồi núi Bắc Bộ tới Hà Nội trước đó chỉ một tuần, được che dấu kỹ lưỡng và được nhanh chóng chuyển tới chỗ ở bí mật ở phố Hàng Ngang để đề phòng những đòn tấn công phủ đầu của nhiều phe đối thủ. Việt Minh đã kiểm soát hầu hết các toà nhà chính phủ từ ngày 19 tháng Tám, và có nhiều bằng chứng cho thấy sự ủng hộ của quần chúng đối với chính quyền mới chớm, tuy vậy không thể loại trừ sự phản công của quân đội Nhật hoặc của lực lượng an ninh Pháp, chưa nói đến việc có thể có sát thủ đơn độc người Việt nào đó. Ngoài những khả năng xấu như vậy, ông Hồ có thể nhận ra rằng bằng cách ẩn mình tới lúc xuất hiện chung cuộc trước bàn dân thiên hạ thì ông sẽ làm tăng hiệu ứng kịch tính cũng như vầng hào quang của sự tò mò và các phỏng đoán đầy hào hứng vốn đã vây xung quanh ông.

Suốt những tháng ngày cao trào trong năm 1945, Hồ Chí Minh chọn cách không lộ thân phận ra trước công chúng, hay thậm chí trước hầu hết những thành viên thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương. Có lẽ không tới 500 người biết được chắc chắn ông chính là nhân vật Nguyễn Ái Quốc huyền thoại, người đã cố gắng trình bản thỉnh nguyện của người yêu nước lên Hội nghị Versailles năm 1919, trở thành một thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, làm việc cần mẫn cho Quốc tế Cộng sản ở Trung Quốc và Đông Nam Á, và sau đó được báo tử tại nhà tù Hồng Kông. Nguyên do chính cho việc không phục hồi lại cái tên Nguyễn Ái Quốc (cũng là bút danh) có liên quan đến mong muốn của Đảng nhằm loại bỏ hình ảnh trước 1941 của việc đấu tranh giai cấp và chủ nghĩa quốc tế vô sản, nhằm ủng hộ đoàn kết các giai cấp, tinh thần yêu nước bất diệt, và sự thăng hoa trong mặt trận thống nhất dân tộc Việt Minh. Cho dù Ái Quốc nghĩa là “yêu nước”, nhưng người sở hữu biệt danh này đã được nhận dạng công khai là một người theo đường lối vũ trang kiểu Lê-nin-nít. Cái tên Chí Minh, nghĩa là “ý chí vươn tới sự khai minh”, nghe có âm hưởng truyền thống nhiều hơn. Trong một thời gian, ông Hồ có vẻ chần chừ trong việc cho cái tên Nguyễn Ái Quốc đi vào quên lãng hoàn toàn, bởi ông đã dùng tên đó để kí hai bản kêu gọi gây xúc cảm hồi năm 1941 và giữa tháng Tám 1945. Tin tức nhanh chóng lan khắp hàng ngũ Đảng cho biết hai người ấy thực chất là một. Sau một hai năm, hầu hết người dân cũng đều nghe nói đến điều này, tuy thế mối kết nối vẫn chưa được đưa ra chính thức đến tận nhiều năm sau đó. Một bầu không khí bí ẩn nhất định luôn bao quanh ông Hồ, là thứ mà ông không bao giờ ngăn lại.

Cuối tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh lo chuyện tác động đến các lãnh đạo của phe Đồng Minh theo hướng công nhận nền độc lập của Việt Nam, cũng như chuyện ông phải nắm quyền lực nhà nước hoặc phải tự thể hiện bản thân như là biểu tượng dân tộc của sự thống nhất và tự quyết. Trong suốt Thế chiến II, ông nhiều lần tìm đến các viên chức của Mỹ và Trung Quốc, và dùng nhiều kẻ trung gian đáng tin cậy nhằm tiếp cận được tổ chức “Nước Pháp Tự do”. Ở tổng hành dinh tại Kim Long/Tân Trào thuộc vùng đồi núi Bắc Bộ trong suốt mùa hè năm 1945, ông Hồ đã đều đặn nghe đài tin tức ở tần số ngắn của phe Đồng Minh và lấy được thêm thông tin mật từ những nhân viên tình báo Mỹ. Toan tính của ông trong việc gửi thông điệp cá nhân đến các lãnh đạo phe Đồng Minh gặp thất bại, nhưng các sĩ quan tham mưu ở cấp chiến trường và các đặc vụ tình báo thì không làm lơ ông. Ông Hồ có một số ý tưởng và cụm từ mà rốt cuộc sẽ đi vào bản Tuyên ngôn Độc lập và ông dường như đã đọc thử chúng cho Thiếu tá Allison Thomas cùng những thành viên khác trong đội OSS [Cơ quan Dịch vụ Chiến lược] tại Tân Trào, và có lẽ ông đã thất vọng với sự thiếu sâu sắc của họ đối với tình hình chính trị ở thời điểm quyết định này trong lịch sử thế giới, cũng như lịch sử Việt Nam.

Tại Hà Nội, Hồ Chí Minh tổ chức phiên họp nội các đầu tiên vào ngày 27 tháng Tám, tại đó họ ấn định Chủ nhật, ngày 2 tháng Chín, sẽ là Ngày lễ Độc lập Dân tộc, với những nhóm chính thức theo dõi buổi lễ được tổ chức ở càng nhiều địa điểm càng tốt.[1] Vào ngày 27 hoặc 28, ông Hồ ngồi trong một căn phòng ở 48 phố Hàng Ngang để thảo nên bản Tuyên ngôn, có lẽ dựa vào những ghi chép mà trước đó ông mang theo từ Tân Trào. Một bức hoạ được tạo ra nhiều năm sau sự kiện đã cho thấy ông ngồi ở chiếc bàn tròn theo phong cách deco, với điếu thuốc luôn xuất hiện ở tay trái, tay phải cầm cây viết mực có ngòi thép, đang chăm chú ghi ra những dòng đầu tiên.[2] Cảnh này trông bất thường, khi mà bình thường ông Hồ thích soạn văn bản bằng một trong những món tài sản quý giá của mình, một chiếc máy đánh chữ cũ mòn hiệu Hermes.

Dẫu sao, vào ngày 29 cũng có một bản đánh máy, “với nhiều chữ bị gạch bỏ và được viết đè lên bằng mực cùng với nhiều ghi chú bên lề”, theo trí nhớ của Archimedes Patti, sĩ quan cao cấp đại diện cho OSS tại Hà Nội, là người được ông Hồ đưa văn bản tận tay cho đọc đến khi chợt nhận ra Patti không hiểu tiếng Việt. Sau khi ông Hồ kêu một thanh niên dịch tại chỗ, Patti “nổi gai” khi nghe bản Tuyên ngôn Độc lập của chính đất nước mình năm 1776 được trích dẫn. Patti nhanh chóng hồi tâm lại để chỉ ra lỗi dịch thuật trong đoạn trích đó, nhưng khi cố gắng đáp lại những câu hỏi tiếp theo của ông Hồ, thì lại không thể nhớ thêm bản gốc của nước Mỹ. Đến thời điểm này, Patti bảo rằng ông ấy “thấy khó chịu khi nhận ra” việc mình can dự vào “chuyện hình thành nên một thực thể chính trị”, một ấn tượng mà ông ấy không muốn tạo ra.[3]

Ông Hồ muốn dựa vào những loại tiền lệ nào khi quyết định xuất hiện trước một nhóm quần chúng đông đảo và đọc lời tuyên ngôn chính thức? Các vua chúa Việt Nam, vốn làm theo châm ngôn “thân quá hoá nhờn”, thường muốn tránh khỏi tầm mắt của dân thường ngoại trừ những dịp nghi lễ đặc biệt, hoặc khi thân chinh đi xuống các miền quê. Và hiếm có thần dân nào từng nghe được giọng nói của bậc quân vương. Thậm chí khi thiết triều thì bậc quân vương thường không nói trực tiếp với quần thần, mà dựa vào những kẻ trung gian để ban những sắc dụ bằng giọng đọc trang trọng nhất. Một ngoại lệ đáng chú ý có lẽ là những buổi lễ ăn thề nhất định nào đó. Ví dụ vào năm 1119, Lý Nhân Tông dường như đã đích thân nói chuyện với binh sĩ tại một hội thề, nhằm chuẩn bị cho chiến dịch chinh phạt chống lại một lãnh chúa địa phương vốn từ chối thần phục nhà vua.[4] Như ta sẽ thấy, buổi lễ ngày 2 tháng Chín bao gồm cả những lời thề được nói ra theo cả hai hướng.

Chính quyền Việt Nam được người Nhật cho phép thiết lập nên hồi tháng Tư năm 1945 rõ ràng không nghĩ tới chuyện triệu tập một buổi tụ họp quần chúng để ra mắt đất nước. Tuyên bố chính sách đầu tiên của nội các được thủ tướng Trần Trọng Kim đọc tại một buổi họp nhỏ gồm các thành viên chủ chốt vào ngày 8 tháng Năm. Phải thừa nhận là có rủi ro quân Đồng minh sẽ bất thần oanh tạc vào bất kì đám đông nào được cho là thân Nhật, nhưng điều này không ngăn được người bộ trưởng trẻ tuổi tràn đầy nhiệt huyết, Phan Anh, người đã bỏ ba tháng tiếp sau đó để đi từ thị xã này sang thị xã nọ, hô hào thúc giục người dân tại các cuộc mít-tinh lớn nhỏ. Đối với Hoàng đế Bảo Đại, ông dường như không được mời nói chuyện trước công chúng cho đến lúc đọc lời tuyên bố thoái vị đầy cảm xúc trước đám đông ở cổng Ngọ Môn tại Huế vào ngày 30 tháng Tám.

Gần như chắc chắn Hồ Chí Minh lấy nguồn cảm hứng chủ yếu cho ngày 2 tháng Chín không phải từ những nguồn tài liệu bản xứ, mà từ các buổi lễ chính trị lộng lẫy và hoành tráng mà ông quan sát được ở Tây Âu và khối Xô-viết. Điều cần thiết hơn hết là phải chọn không gian rộng rãi không bị các chướng ngại vật che khuất tầm nhìn nhằm đủ chỗ chứa lượng khán thính giả càng nhiều càng tốt dù chỉ có vài ngày thông báo. Quảng trường Puginier, nằm cạnh Phủ Toàn quyền, đã đáp ứng được yêu cầu này, và nó còn có lợi thế là cột cờ cao trên đó có thể treo ngọn cờ Việt Minh, là thứ sớm trở thành quốc kì. Sân khấu được làm vội vã từ gỗ và được trang hoàng bằng lớp vải trang trí trắng và đỏ, do đó cho phép hầu hết khán thính giả có thể thấy được những vị lãnh đạo mới của mình, dù chỉ như những chấm li ti, không khác gì Quảng trường Đỏ tại Moskva khi Stalin chọn lăng Lenin làm chỗ diễn thuyết trước đám đông.

Buổi diễn thuyết trước công chúng được sắp đặt, cực kì quan trọng nếu những lời của Hồ Chí Minh có thể đến với không chỉ đám đông nhỏ bé. Người ta cũng lên kế hoạch phát bài nói chuyện của ông Hồ trực tiếp đến cả nước, nhưng điều này gặp phải nhiều vấn đề. Những kĩ thuật viên không thể nối micrô của khán đài diễn thuyết với đường dây điện thoại nối với Đài phát thanh Hà Nội, là nơi vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi quyền kiểm soát của Nhật. Một máy phát lưu động, trước đây được dùng để liên lạc giữa các khu mỏ của Pháp, được trưng dụng với sự giúp đỡ từ người con trai của Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), một nhà báo nổi tiếng, một dịch giả, và là người thông cảm với các chính sách thuộc địa của Pháp. Tuy vậy vào buổi sáng ngày mồng 2, những rào chắn của Nhật đã ngăn xe chở thiết bị máy phát tới vườn bách thảo.[5]

Hồ Chí Minh ít khả năng bị mất bình tĩnh khi đứng trên sân khấu ở sự kiện lịch sử này, khi mà ông đã tham dự rất nhiều buổi gặp gỡ công chúng và các hội nghị lúc ở hải ngoại. Cách dùng tiếng Việt của ông vẫn còn mạnh mẽ và tự tin, mặc dù trước năm 1941 đã ở nước ngoài 30 năm. Nếu ông có lo ngại điều gì thì đó là việc làm sao thiết lập quan hệ thân ái với đám đông, vốn là những người không biết gì về thân thế cá nhân của ông và cũng sẽ không biết được thêm gì về ông qua sự kiện này. Dù một số người ắt là đã tham dự những buổi mít-tinh quần chúng hợp pháp vào cuối thập niên 1930, hay tham gia những buổi họp trong suốt nhiều tuần trước ngày 2 tháng Chín, do vậy biết khi nào thì giữ im lặng và tập trung chú ý và khi nào thì vỗ tay, reo hò hay lặp đi lặp lại những khẩu hiệu một cách hồ hởi, nhưng còn có những người khác tới quảng trường mà có thể hoàn toàn lạ lẫm với những hình thức tương tác chính trị kiểu Tây phương thế này. Có lẽ đây là một trong những lí do tại sao ông Hồ giữ cho bài diễn thuyết của mình được ngắn gọn, và trong chừng mực chúng ta biết được thì ông không cố gắng “nhử” khán giả vào những làn sóng vỗ tay hay reo hò sau mỗi cử chỉ hùng biện.

Khi mặt trời lên cao vào ngày 2 tháng Chín ở Hà Nội, thời tiết lúc đó quang đãng và nóng, với cơn gió hiu hiu thổi từ phía tây. Nhiều người xem buổi sáng ấy như ngày lễ Tết, họ đảm bảo nhà cửa sạch sẽ, đốt nhang trên bàn thờ gia đình, đốt pháo. Các cửa tiệm giảm giá và hứa quyên một nửa lợi nhuận để giúp đỡ Quân Giải phóng.[6] Trùng hợp là ngày Chủ nhật này còn là “Lễ hội những người tử vì đạo Việt Nam” của Công giáo, tưởng niệm những người đã chết vì đức tin của mình, đặc biệt vào thế kỉ 19, nên các nhà thờ ở Hà Nội buổi sáng đó tràn ngập người tham dự thánh lễ. Trong một động thái được cố tình thiết kế nhằm nối kết Giáo hội Việt Nam với chính quyền mới, các linh mục sau đó đã dẫn đoàn con chiên của mình băng qua các con phố để tới quảng trường.[7] Những nhà sư trụ trì ở mấy ngôi chùa cũng làm tương tự vậy. Các giáo viên trang bị còi hay loa dẫn đầu đám trẻ con hát những bài ca cách mạng. Đám thanh niên đặc biệt chú ý đến cách những lá quốc kì đỏ rực mà những nhóm thiếu nữ đang cầm tương phản với những chiếc áo dài trắng tinh khôi.

Vào ngày 19 tháng Tám, trước đó hai tuần, có rất nhiều nhóm người ở nông thôn đi thành từng đoàn tới Hà Nội để tham dự, nhưng lần này nhiều người trong số họ đến với tư cách đại diện những cộng đồng thôn làng, được dẫn dắt bởi những bậc cao niên hay những người tổ chức bên Việt Minh, họ mặc áo dài khăn đóng theo truyền thống, đôi khi hãnh diện mang theo những thanh kiếm nghi lễ và những cây gậy bằng đồng từ mấy miếu thờ và nhà chùa địa phương. Những nhóm người dân tộc thiểu số từ vùng đồi núi cũng hiện diện, họ đội mũ, đeo khăn có màu sắc sặc sỡ, mặc váy và đeo khăn quàng vai.[8] Từ cái “lồng vàng” Phủ Toàn quyền, Jean Sainteny, viên chức cao cấp của nước Pháp Tự do (Free French) có mặt ở Hà Nội, đã quan sát hàng chục ngàn người Việt Nam đi thành từng hàng băng qua đại lộ Brière-de-l’Isle để tiến vào quảng trường. Ông ngạc nhiên trước sự tham gia công khai của giới Công giáo và sửng sốt trước sự trật tự của đám đông, không có bất kì hành vi gây rối nào. Không ai có cử chỉ thù địch đối với ông ta hay đối với tòa nhà phủ Toàn quyền.[9]

Lá cờ Việt Minh khổ lớn được treo lên cột cờ cao vút, vốn là nguyên nhân nó có tên Việt Nam thông dụng là Cột cờ. Trước đó vài tháng khu quãng trường đã được Đốc lí Hà Nội Trần Văn Lai đổi tên lại thành Quảng trường Ba Đình, nhằm tưởng nhớ cuộc phòng vệ ngoan cường chống lại thực dân Pháp hồi năm 1886-1887. Người ta đặt một cái cồng và một cái trống lớn bên dưới khán đài. Vấn đề an ninh cũng được suy xét đáng kể, với đội quân danh dự của Quân Giải phóng đảm bảo không ai trong số khán thính giả có thể tới gần khán đài trong phạm vi 20 mét, những công nhân và sinh viên có vũ trang cũng được xếp đặt tại mọi góc của mấy khu vườn, và một đơn vị tự vệ cảnh giác trước bất kì sự quấy rối nào từ hướng Thành [Hà Nội] nơi quân Pháp vẫn còn bị Nhật giam giữ. Trước cuộc mít-tinh, lính Nhật ở khu đất thuộc Phủ Toàn quyền đã thiết lập mấy khẩu súng máy chĩa về quảng trường, làm những nhà tổ chức phải dựng lên một bức màn người gồm những dân quân tự vệ với chỉ thị thà chết còn hơn rút lui.[10]

Mặc dù chương trình được mong đợi bắt đầu vào đúng 2 giờ chiều, nhưng xe hơi chở các thành viên trong nội các Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã đến trễ hai mươi lăm phút khi phải đi xuyên qua các đám đông. Hồ Chí Minh dẫn đầu những người còn lại bước nhanh lên khán đài, điều làm ngạc nhiên nhiều người đứng xem vì họ mong chờ những người cầm quyền sẽ di chuyển với phong thái từ tốn và trang nghiêm. Trong khi hầu hết các đồng sự của ông trên khán đài đều mặc đồ vét Tây và thắt cà-vạt, nhưng ông Hồ cố ý chọn mặc bộ đồ kaki phai màu với cổ cao và mang đôi dép cao su trắng – những biểu tượng của ông trong vai trò người đứng đầu nhà nước trong 24 năm tiếp theo.[11] Mặc dù loại áo cổ cao bắt nguồn từ những quan cai trị thực dân ở châu Á, nhưng nó còn mang biểu tượng cách mạng ở Trung Quốc từ đầu những năm 1920. Có lẽ ông Hồ xem nó là một giải pháp thoả hiệp thích hợp giữa bộ đồ Tây với bộ áo dài đen, khăn đóng của giới nho sĩ Việt Nam, vốn được xem là quá truyền thống trong những trường hợp thế này (và hình như ông Hồ chưa bao giờ mặc chúng kể từ năm 1911).

Sau lễ chào cờ và hát quốc ca, Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng nội vụ, bước tới micrô giới thiệu Hồ Chí Minh, người được chào mừng bằng những tiếng hô vang dội được sắp xếp trước, “Độc lập! Độc lập!” Ông Hồ vẫy tay trước khán thính giả trong vài phút, đoạn nâng hai bàn tay lên để kêu mọi người im lặng. Bằng giọng Nghệ Tĩnh đặc trưng, ông Hồ lúc đó bắt đầu đọc Tuyên ngôn Độc lập.[12] Sau vài câu ông ngừng lại chốc lát và hỏi người nghe, “Đồng bào có nghe rõ không?” Đám đông đồng thanh hô vang “Rõ!”, và từ thời điểm đó trở đi có một mối liên kết đặc biệt được hình thành.[13] Ông Giáp không hề bóp méo câu chuyện khi nhiều năm sau đó ông viết rằng “Bác [Hồ] cùng với cả biển người đã hoà làm một”.[14] Trần Trung Thành, một cán bộ tự vệ trẻ tuổi có nhiệm vụ canh chừng mấy tay súng máy người Nhật, nhớ lại rằng mặc dù chưa biết Hồ Chí Minh chính xác là ai, nhưng những câu nói giản dị đó đã làm ông xúc động rớt nước mắt, và khiến ông tạo chọn cho mình một khẩu hiệu đặc biệt trên tấm biểu ngữ làm cam kết của bản thân: “Độc lập hay là chết!”.[15] Phần ghi âm của bài diễn văn này, được cho là do ông Hồ thực hiện một thập niên sau đó trong bối cảnh không có khán giả, đã cho thấy một giọng nói chắc nịch, vang rền với tài hùng biện rõ ràng, ví dụ nhấn mạnh vào những từ đặc biệt hoặc tận dụng những khoảng ngừng để tạo hiệu ứng kịch tính.[16]

Theo TC Nghiên cứu quốc tế


Nguồn: David G. Marr, “Hồ Chí Minh’s Independence Declaration”, Essays into Vietnamese Pasts, K. W. Taylor & John K. Whitmore chủ biên (New York: Cornell University Southeast Asia Program, 1995), trang 221-231.

Biên dịch: Duy Đoàn | Hiệu đính: Nguyễn Tiến Văn

[1] Ngày 1 tháng Chín, 1945. Nghị Định của Bộ Nội vụ, nằm trong Archives Nationales de France (Kho lưu trữ Quốc gia Pháp), Phần Outre-Mer (Hải ngoại), Aix-en-Provence (viết là AOM từ chỗ này), INF, GF71. Nguyễn Khánh Toàn chủ biên, Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 36 (Hà Nội, 1980), trang 82, không đề cập đến buổi họp nội các, thay vào đó khẳng định rằng Uỷ ban Thường trực thuộc Uỷ ban Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương gặp lần đầu tiên tại Hà Nội dưới sự chủ toạ của Hồ Chí Minh, quyết định tổ chức buổi lễ giới thiệu chính quyền mới cho người dân và trang trọng tuyên bố nền độc lập quốc gia. Tôi hồ nghi “buổi họp” này chẳng qua chỉ là một chuỗi những cuộc hội đàm vội vã giữa ông Hồ, Trường Chinh, và vài thành viên cao cấp khác của Đảng, vốn không có tác động gì tới hành động của ông Hồ.

[2] Do hoạ sĩ Văn Giáo vẽ, hoàn thành vào tháng Một năm 1973, được in trong Tổng tập, đối diện trang 12, Nguyễn Khánh Toàn chủ biên.

[3] Archimedes L. A. Patti, Why Viet Nam? Prelude to America’s Albatross (Berkeley, University of California Press, 1980), trang 223-24. Tuy nhiên, những đoạn văn khác trong hồi kí của Patti cho thấy ông thích làm người tham dự trong những sự kiện cuồng nhiệt hồi cuối tháng Tám và tháng Chín tại Hà Nội; điều đó chắc chắn là ấn tượng người Pháp có được, và gây nên sự tức giận ở họ.

[4] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Tokyo, Tokyo Daigaku Toyo Bunka Kenkyujo Fuzoku Toyogaku Bunken Senta, 1985), tập 1, trang 260. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1983), tập 1, trang 305. Thậm chí ở đây thì nhà vua không thể nói trực tiếp với quân lính được, như văn bản đề cập nhà vua “xuống chiếu”.

[5] Thảo luận với Dương Trung Quốc, nhà nghiên cứu lâu năm của Viện Sử học, Hà Nội, ngày 12 tháng Ba, 1990.

[6] Tung Hiệp, “Hôm nay là ngày Độc Lập!”, Trung Bắc Chủ Nhật 261 (ngày 9 tháng Chín, 1945): 5-6.

[7] Nguyễn Mạnh Hà, trong Đoàn Kết (Paris) 373 (tháng Chín, 1985): 20. Patti, Why Viet Nam?, trang 248.

[8] Đoàn Kết 370 (tháng Năm năm 1985): 35. Võ Nguyên Giáp, Những Năm Tháng Không thể nào quên(Hà Nội: Quân đội Nhân dân, 1970), trang 25-26.

[9] Jean Sainteny, Histoire d’une paix manquée: Indochine 1945-1947 (Paris: Amiot-Dumont, 1953), trang 92-93.

[10] Trần Trung Thành, và những người khác, Hà Nội Chiến Đấu (Hà Nội: Quân đội Nhân dân, 1964), trang 17-19. Nguyễn Quyết, Hà Nội Tháng Tám (Hà Nội, Quân đội Nhân dân, 1980), trang 185.

[11] Tung Hiệp, “Hôm nay là ngày Độc Lập”, trang 23. Những bức hình cũng cho biết ông Hồ đội mũ cam bạc, không như cái áo và đôi dép, ông chọn cách thay đổi mũ đội trong hơn hai thập niên sau.

[12] Từ bức ảnh trong Bùi Hữu Khánh, Hà Nội trong thời kỳ Cách Mạng Tháng 8 (Hà Nội, 1960). Nó cho thấy có người cầm dù che trên đầu ông Hồ trong lúc ông ấy đọc bản Tuyên ngôn, có lẽ là một sự tiếp nối vô thức của truyền thống vương quyền.

[13] Nguyễn Quyết, Hà Nội Tháng Tám, trang 187. Patti, Why Viet Nam?, trang 250.

[14] Võ Nguyên Giáp, Những Năm Tháng, trang 28.

[15] Trần Trung Thành, Hà Nội Chiến Đấu, trang 20.

[16] Bản ghi âm này, hoàn tất tại các phòng thu thuộc Đài Phát thanh Hà Nội, được đưa vào trong cuộn băng cassette kèm theo ấn bản sau: Từ Điển Hồ Chí Minh: Sơ Giản (Thành phố Hồ Chí Minh, 1990). Giáo sư Trần Quốc Vượng cho biết có một người nước ngoài đã cố thực hiện phần thu âm bài nói nguyên gốc, sau đó bản thu âm này rốt cuộc xuất hiện tại Luân-đôn. Những người có thẩm quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nỗ lực mua lại nó vào năm 1954, nhưng lại thấy giá quá cao.

- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2015/09/01/tuyen-ngon-doc-lap-ho-chi-minh-p1/#sthash.kdoYhCSa.rH1KwcwJ.dpuf