Nguyễn Công Trứ (1778-1858)

Tiểu sử

Lúc nhỏ có tên là Củng, tự là Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hải Văn, quê ở làng Uy Viễn, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân trong một gia đình quan lại, cha làm Tham tán Nhung vụ, tước Đức Ngạn Hầu triều Lê - Trịnh.

Năm 1819 đỗ Giải nguyên, 1820 được bổ làm Hành tẩu ở Quốc Sử quán, thăng dần lên Lang trung, Thị lang, Tham tri, sung chức Dinh điền sứ, Tổng đốc An Hải. Nhiều lần làm tướng dẹp loạn, rồi bị cách chức, sau lại phục chức, thăng Phủ doãn Thừa Thiên. Một nghệ sĩ ngang tàng và một ông quan giỏi, có công khẩn hoang lập ra hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn, tỉnh Thái Bình. Năm Thiệu Trị thứ ba, 1843, bị vu cáo, giáng xuống làm lính thú ở Quảng Ngãi, ông nói: "Lúc làm đại tướng tôi không lấy làm vinh, thì nay làm tên lính tôi cũng không lấy làm nhục. Người ta ở địa vị nào có nghĩa vụ đối với địa vị ấy". Sau khi mất, nhiều làng đã lập đền thờ ông làm Khai canh Thành hoàng.

Tác phẩm để lại không nhiều, nổi tiếng nhất có lẽ là "Hàn nho phong vị phú".

Xin xem thêm một số bài thơ trích sau đây để biết nhân cách và tài hoa đa dạng của ông:

Tự hoạ

Chẳng lợi danh chi lại hóa hay
Chẳng ai phiền lụy chẳng ai rầy
Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp
Trong thú yên hà mặt tỉnh say
Liếc mắt coi chơi người lớn bé
Vểnh râu bàn những chuyện xưa nay
Của trờì trăng gió kho vô tận
Cầm hạc tiêu dao đất nước này.

Vịnh cây thông

Ngồi rồi lại trách ông xanh
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông

Quan trên sông Hương

Lênh đênh một chiếc thuyền lan
Một cô gái Huế, một quan đại thần
Ban ngày quan lớn như thần
Ban đêm quan lớn tần mần như ma
Ban ngày quan lớn như cha
Ban đêm quan lớn rầy rà như con.