Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Thụy Điển dưới tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu (2009 – 2015)

ĐINH CÔNG TUẤN

Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu (2009 – 2015) đã tác động nặng nề đến nền kinh tế của các nước Bắc Âu, trong đó có Thụy Điển. Do tác động của cuộc khủng hoảng nợ công, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thụy Điển đã bị lên xuống thất thường, và bị giảm sút nghiêm trọng, từ 2,7% GDP (2007) xuống -0,5% (2008), -4,4% (2009), 2,3% (2010), 4,0% (2011), 2,1% (2012), 1,2% (2013), 0,9% (2014). Tỷ lệ thất nghiệp cũng có xu hướng ngày càng tăng từ con số 6,1% (2007), 6,2% (2008), 8,3% (2009), 9,7% (2010), 7,5% (2011), 8,4% (2012), 7,9% (2013) và 8,6% (2014). Và thâm hụt ngân sách cũng ngày càng gia tăng từ 3,1% GDP (2008), 4,6% (2009), 7% (2010) và đến nay vẫn vượt mức quy định là 3% GDP[1]. Từ những con số thống kê bên trên, một câu hỏi đặt ra, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã tác động như thế nào đến mô hình tăng trưởng kinh tế của Thụy Điển? Và Thụy Điển đã và sẽ phải đổi mô hình tăng trưởng kinh tế như thế nào? Đây là những câu hỏi và sẽ được luận giải trong bài viết này.

1. Tại sao Thụy Điển phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế?

Do tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu (2009 – 2015), mô hình tăng trưởng kinh tế của Thụy Điển đã tỏ ra không còn phù hợp, nghĩa là không còn khả năng duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao, bền vững. Các cân đối vĩ mô (bao gồm cân đối cán cân vãng lai, cân đối ngân sách, cân đối tiết kiệm nội địa và đầu tư xã hội, dự trữ ngoại tệ quốc gia…) chưa vững chắc, nợ công, nợ nước ngoài có xu hướng gia tăng, bất ổn kinh tế vĩ mô ngày càng cao, dư địa tăng trưởng theo theo chiều rộng đang bị thu hẹp dần, thậm chí có yếu tố đã tận khai, nhưng động lực cho tăng trưởng theo chiều sâu (hiệu quả sử dụng nguồn lực, năng suất lao động, năng suất tổng hợp) lại không tăng, không được cải thiện để bù đắp sự suy giảm, bản thân nền kinh tế tự nó không còn khả năng đạt mức tăng trưởng cao như trước cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu (2009 về trước), vì vậy việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế đã trở nên hết sức cấp bách[2].

2. Những mô hình tăng trưởng kinh tế trên thế giới

Cho đến nay, trên thế giới đã có nhiều mô hình tăng trưởng kinh tế. Các mô hình tăng trưởng kinh tế đều hướng tới lý giải nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế. Để từ đó các nhà hoạch định chính sách chọn lựa mô hình tăng trưởng kinh tế cho phù hợp. Cụ thể như: (1) Mô hình tăng trưởng của Adam Smith. Trong học thuyết về “giá trị lao động”, Adam Smmith cho rằng nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế là lao động, vốn, đất đai, trong đó lao động (chứ không phải đất đai, tiền bạc) được coi là nguồn gốc tạo ra mọi mọi của cải, là nguồn cơ bản của tăng trưởng kinh tế. Từ đó, cần phải đề cao phân công lao động, chuyên môn hóa lao động. Đó là cơ sở để tăng năng suất lao động, tăng sản lượng; (2) Mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào tài nguyên của David Ricacdo. Ông cũng cho rằng đất đai, lao động, vốn là những yếu tố cơ bản để tăng trưởng kinh tế, nhưng yếu tố quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế là đất đai, đất đai chính là giới hạn của tăng trưởng; (3) Mô hình tăng trưởng kinh tế của John Mayard Keynes. Trong tác phẩm “Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ (1936)”, ông cho rằng: chính nhu cầu (cầu đầu tư và cầu tiêu dùng), chứ không phải là cung, là nhân tố quan trọng quyết định sản lượng, và do đó quyết định tăng trưởng. Ông nêu rõ vai trò của chính phủ, thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô ( chính sách tài chính và tiền tệ) đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế; (4) Mô hình tăng trưởng của Robert Solow. Nếu như mô hình của Harrod – Domar chỉ xét đến vai trò của vốn sản xuất (thông qua tiết kiệm và đầu tư) đối với tăng trưởng, thì mô hình của R.Solow đã đưa thêm nhân tố lao động và công nghệ vào phương trình tăng trưởng. Ông đã khẳng định rằng tiến bộ kỹ thuật là yếu tố quyết định đến tăng trưởng, cả ngắn hạn và dài hạn[3]; (5) Mô hình tăng trưởng kinh tế của Kaldor và Sung Sang Park rất phù hợp với bối cảnh hiện đại, vì theo mô hình này, tăng trưởng kinh tế dựa vào tiến bộ khoa học kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ làm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nguồn nhân lực chất lượng cao bao hàm trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, tính kỷ luật cao và có sức khỏe tốt. Máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ sản xuất cao cấp hay phần mềm tiên tiến… chỉ có thể phát huy hiệu quả tối đa nếu được sử dụng bởi nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì thế, đây là mô hình tăng trưởng kinh tế phù cho các nước trên thế giới, trong đó có Thụy Điển. Tuy nhiên, để đạt được tăng trưởng kinh tế, theo các nhà kinh tế học hiện đại, cần thiết phải có đủ 4 nhân tố cơ bản của nền kinh tế là lao động, tài nguyên, vốn, công nghệ. Ngoài ra, để các nhân tố này phối hợp được với nhau một cách hiệu quả, cần thiết phải có thể chế để đảm bảo cho những sáng chế, phát minh được bảo vệ và trả công một cách xứng đáng[4]. Những cơ sở lý thuyết của các mô hình tăng trưởng kinh tế trên thế giới kể trên vẫn là căn cứ, chỗ dựa vững chắc để Thụy Điển điều chỉnh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng sau cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

Do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu (2008), và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu (2009), quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trên thế giới (trong đó có Thụy Điển) có những đặc trưng chủ yếu sau đây: (i) Chuyển đổi tư duy phát triển từ chú trọng tốc độ tăng trưởng kinh tế sang tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện, (ii) Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế ở cấp quốc gia, trong đó có ưu tiên các mô hình kinh tế mang tính bền vững và thân thiện với môi trường, ví dụ như kinh tế xanh, các chính sách kinh tế gắn liền với an sinh xã hội và tạo việc làm, (iii) Chuyển dịch các mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị với sự nổi lên của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, (iv) Tăng cường các hình thức liên kết quốc tế và khu vực, chú trọng yếu tố kết nối giữa các nền kinh tế[5].

3. Tác động của cuộc khủng hoảng nợ công đến mô hình tăng trưởng kinh tế của Thụy Điển

3.1. Khái quát mô hình tăng trường kinh tế Thụy Điển

Nói đến Thụy Điển là nói đến mô hình nhà nước phúc lợi xã hội. Nó được manh nha hình thành từ đầu thế kỷ XX, nói chính xác từ năm 1913 khi Thụy Điển áp dụng chế độ hưu trí phổ cập, đến năm 1916 áp dụng hệ thống bảo hiểm tai nạn công nghiệp bắt buộc. Đây được coi là nền móng quan trọng bậc nhất để hình thành mô hình nhà nước phúc lợi xã hội Thụy Điển. Trải qua hơn 100 năm phát triển, mô hình Thụy Điển là một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cấu trúc kinh tế, thể chế chính trị và hệ thống phúc lợi xã hội.

Cấu trúc kinh tế Thụy Điển mang tính chất là kinh tế thị trường hỗn hợp, nghĩa là về chế độ sở hữu đã thực hành pha trộn chế độ sở hữu công cộng với chế độ sở hữu tư nhân; về chế độ phân phối đã thực hành phân phối theo lao động kết hợp với phân phối theo vốn; về phương thức vận hành kinh tế đã thực hành nhà nước điều tiết kinh tế vĩ mô kết hợp kinh tế thị trường. Trong đó, cốt lõi nhất là sự hỗn hợp về chế độ sở hữu, vì chỉ có làm được như thế mới có thể thực hiện được sự hỗn hợp về phân phối và về phương thức vận hành kinh tế[6].

Hay nói một cách khác, kinh tế Thụy Điển là một nền kinh tế hỗn hợp tiên tiến, hướng ngoại có ngành khai thác tài nguyên phát triển, đang hướng tới công nghệ cao, với những ngành công nghiệp chủ đạo là chế tạo ô tô, viễn thông, dược phẩm, lâm nghiệp, với một hệ thống phúc lợi toàn diện, công bằng, hào phóng, đảm bảo quyền lợi cho mọi người, dựa trên việc thu thuế cao. Thụy Điển có 3 nguồn tài nguyên chính là rừng, quặng sắt và thủy điện, trong đó diện tích rừng chiếm đến 53% diện tích cả nước, trữ lượng quặng sắt khoảng 3 tỷ tấn là nguồn nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp luyện kim, cơ khí chế tạo. Thụy Điển còn có các mỏ quặng kẽm, chì, bạc, uranium, không có dầu hỏa, khí đốt, than đá. Thụy Điển rất dồi dào về thủy điện, đáp ứng 80% nhu cầu về điện trong nước. Nhưng Thụy Điển nhập điện của Na Uy và dùng năng lượng hạt nhân thay thế chiếm khoảng 37%. Kinh tế Thụy Điển có độ mở lớn, xuất khẩu chiếm hơn 50% GDP. Thụy Điển sớm đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng, sử dụng công nghệ xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái sinh. Hiện nay, Thụy Điển đang có xu hướng tăng cường một số nhà máy điện hạt nhân do vấn đề môi trường và tìm năng lượng thay thế. Năm 2013, Thụy Điển đứng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, đứng thứ 2 thế giới về hệ thống giáo dục có chất lượng tốt. Tuy vậy, nền kinh tế Thụy Điển trong những năm gần đây, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu (2008), và cuộc khoảng nợ công châu Âu (2009) đã bị tác động theo hướng bất ổn. Tỷ lệ tăng tăng trưởng kinh tế (GDP) dao động thất thường, bị suy giảm nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp cao, thâm hụt ngân sách vượt quá mức cho phép, các chỉ số kinh tế vĩ mô bị tụt giảm…

3.2. Tác động của cuộc khủng hoảng nợ công đến mô hình tăng trưởng kinh tế của Thụy Điển

Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu nổ ra bắt đầu từ Hy Lạp (cuối năm 2008) với thâm hụt ngân sách đến 13,9% GDP và nợ công đến 236 tỷ EUR, chiếm 115% GDP (năm 2009). Sau đó, nó lan rộng sang các nước khác như Bồ Đào Nha, thâm hụt ngân sách 9,4% GDP (2009), nợ công 76,6% GDP (2009), Tây Ban Nha, thâm hụt ngân sách lên tới 11,2% (2009), Italia, nợ công 120,1% (2010), Anh thâm hụt ngân sách lên tới 12% GDP (2010)… Như thế, cuộc khủng hoảng nợ công như một trận cuồng phong đã tàn phá đến mọi quốc gia trong liên minh châu Âu (EU), từ những nước có nền kinh tế còn yếu kém như Nam Âu đến những nước giàu có ổn định như Bắc Âu và tới những nước có vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của EU như Đức, Pháp, Anh, Italia. Như thế, cuộc khủng hoảng nợ công đã tác động đến tất cả các nước trong Liên minh châu Âu (EU), không từ bất kể nước nào, dù lớn hay nhỏ, dù trong hay ngoài khu vực eurozone.

Các nước Bắc Âu nói chung, Thụy Điển nói riêng, cũng phải chịu nhiều rủi ro từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Là những nền kinh tế mở cửa, có quy mô nhỏ, các nước Bắc Âu nói chung, Thụy Điển nói riêng đã được hưởng lợi mạnh mẽ từ tăng trưởng thương mại và đầu tư toàn cầu, do vậy, do bối cảnh thương mại và đầu tư quốc tế bị giảm mạnh từ năm 2008 đến nay, nền kinh tế Bắc Âu nói chung, Thụy Điển nói riêng đã chịu tác động nặng nề, tác động tới tăng trưởng GDP, thất nghiệp, ngân sách, các chỉ số kinh tế vĩ mô…

Trước hết, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã tác động đến tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Thụy Điển. Từ nước có tỷ lệ tăng trưởng cao từ 4 – 7% trước khủng hoảng, nhưng do tác động của cuộc khủng hoảng, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Thụy Điển đã lên xuống thất thường, có năm đạt tỷ lệ ÂM – 4,4% GDP (2009), và đến nay chỉ đạt mức tăng trưởng 0,9% GDP (2014).

Do động lực tăng trưởng kinh tế đất nước chủ yếu dựa vào xuất khẩu (xuất khẩu đóng góp hơn 50% tăng trưởng kinh tế), vì vậy tác động của cuộc khủng hoảng nợ công đã làm cho xuất khẩu của Thụy Điển bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Thụy Điển như máy móc, thiết bị điện tử, viễn thông, giấy, dược phẩm, sắt, thép và thực phẩm đều bị ảnh hưởng giảm sút nghiêm trọng. 58% hàng hóa xuất khẩu của Thụy Điển là vào thị trường nội khối EU. Do EU bị tác động của cuộc khủng hoảng nợ công, nên lượng hàng hóa vào EU đã bị ngưng trệ.

Do xuất khẩu giảm sút, nên tình trạng sản xuất cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sản xuất bị đình đốn, đã dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Con số thất nghiệp của Thụy Điển tuy thấp hơn so với con số bình quân của các nước trong liên minh châu Âu (10,9% năm 2013), nhưng vẫn đạt mức cao: 8,4% (2012), 7,9% (2013) và 8,6% (2014).

Là nhà nước phúc lợi xã hội toàn dân dựa trên nguyên tắc: bình đẳng, phổ quát, ưu đãi cao đến mức hào phóng, bởi thế mức chi trả cho hệ thống an sinh xã hội của Thụy Điển chiếm đến hơn 25% GDP. Trong khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đất nước thấp, chi trả cho an sinh xã hội cao, vì vậy Thụy Điển luôn diễn ra tình trạng thường xuyên trong nhiều năm qua là thu không đủ chi. Hệ thống ASXH theo nguyên tắc ĐÓNG – HƯỞNG không diễn ra bình thường, đóng ít, hưởng nhiều đã gây ra mâu thuẫn lớn, lại đặt ra trong bối cảnh tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, vì vậy ASXH Thụy Điển đã là gánh nặng cho sự phát triển của đất nước.

Cùng với chính sách tiền tệ chưa linh hoạt, do ngân hàng hạ tỷ lệ lãi suất thấp để kích thích các doanh nghiệp vay tiền để phát triển sản xuất nhưng sản xuất lại không xuất khẩu được, nên tỷ lệ nợ khó đòi lớn, thâm hụt ngân sách Thụy Điển không lớn bằng các nước Nam Âu hay của Pháp, Italia, nhưng con số đó vẫn vượt mức quy định do châu Âu đề ra là nợ công dưới 60% GDP và thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP. Đặc biệt gần đây, Thụy Điển đã đưa ra các gói kích thích kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, cũng rất dễ dàng đến nguy cơ gây ra nợ công, nợ khó đòi, làm gia tăng tỷ lệ nợ công và thâm hụt ngân sách. Vấn đề kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô của Thụy Điển sau cuộc khủng hoảng nợ công cũng luôn được đặt ra một cách sát sao.

4. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Thụy Điển dưới tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu hiện nay

Trong những năm gần đây, Thụy Điển luôn đặt ra nhiệm vụ phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế nhằm cắt bỏ những khối u trong nền kinh tế, tạo ra những bước tiến mới, nhằm mục tiêu tăng tỷ lệ tăng trưởng GDP, giảm tỷ lệ thất nghiệp, ổn định tỷ lệ nợ công dưới 60% GDP và đảm bảo bội chi ngân sách dưới 3% GDP như Hiệp ước tăng trưởng ổn định của EU đã đặt ra.

Năm 2014, sau khi thắng cử, chính phủ do hai đảng Dân chủ - Xã hội và đảng Xanh liên minh lãnh đạo đất nước Thụy Điển, đã đưa ra nhiều đường lối mới, nhằm cải cách đất nước, đáp ứng những yêu cầu của cử tri 7 đảng phái trong xã hội, với tinh thần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế đất nước. Cụ thể, phải chuyển đổi “mô hình nhà nước phúc lợi xã hội hào phóng” sang mô hình “nhà nước đầu tư xã hội”. Nghĩa là trong mô hình mới này nhà nước phải đưa ra yếu tố quản trị kinh doanh của doanh nghiệp vào quản lý xã hội, hoạch toán chặt chẽ, đó là mô hình quản trị mới về nhà nước phúc lợi, với sự kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, chống “hào phóng”, đảm bảo chi trả phúc lợi xã hội đúng đắn, hợp lý, không gây thất thoát cho ngân sách, có hiệu quả với đồng tiền thuế cao của người dân bỏ ra đóng góp. Bên cạnh đó, Thụy Điển vẫn phát huy và đề cao hơn vai trò quan trọng của nhà nước trong bình đẳng giới, lồng ghép trong mọi dự án, công việc kinh tế đất nước, đi đầu thế giới trong việc đề cao “chủ nghĩa nữ quyền nhà nước” (State Familism). Người phụ nữ được tham gia vào mọi công việc kinh tế xã hội của đất nước. Vợ nghỉ đẻ, chồng được nghỉ từ 2 tháng (trước kia) lên 3 tháng (hiện nay) để chăm sóc vợ. Trong 3 trụ cột của hệ thống an sinh xã hội Thụy Điển: (1) Bảo hiểm xã hội, (2) Phúc lợi xã hội và (3) Chính sách lao động tích cực, Thụy Điển đã đi đầu thực hiện nội dung trong trụ cột thứ 3 - “chính sách lao động tích cực”. Nghĩa là Thụy Điển đưa ra rất nhiều cải cách nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt cho nhóm dễ bị tổn thương như: người già, thanh niên, người tàn tật, người lao động nhập cư bằng các chính sách lao động tích cực như tạo điều kiện đào tạo lại,thực thi các hình thức làm việc mới nhằm giúp đỡ cho người lao động như: làm việc ngoài giờ, làm việc ở độ tuổi già, trợ giúp từ các quỹ xã hội bù vào tiền công làm việc của nhóm người này… Thụy Điển đã kết hợp hiệu quả kinh tế và tăng trưởng với thị trường lao động nhân bản, phân phối thu nhập công bằng và cố kết xã hội. Hiện nay Thụy Điển vẫn cố gắng thúc đẩy kết hợp an sinh xã hội cao, có kiểm soát, với sự linh hoạt (tích cực). Linh hoạt (tích cực) trong thị trường lao động, mở rộng hơn là sự linh hoạt trong đào tạo nguồn nhân lực. Thụy Điển là nước có tỷ lệ học sinh đậu tú tài cao nhất thế giới, “vô địch” về mô hình “học tập suốt đời”. Trong cải cách giáo dục hiện nay, học sinh vẫn làm chủ việc học tập của họ, đề cao “học sinh là trung tâm”, các em học sinh được tham gia vào hầu hết các mặt của quá trình học tập từ việc lập kế hoạch, đánh giá và cả tiêu chuẩn của việc đánh giá. Nghĩa là học sinh làm chủ việc học tập của mình. Các tiêu chuẩn và chương trình học quốc gia có tính cách hướng dẫn hơn là chỉ thị áp đặt độc đoán. Các chiến lược giảng dạy theo chủ thuyết xây dựng kiến thức góp phần tăng quyền tự chủ cho học sinh. Nền giáo dục Thụy Điển không buộc học sinh vâng lời một cách mù quáng mệnh lệnh của người lớn, mà khơi dậy tính tự giác chấp hành những tiêu chuẩn hành xử dân chủ mà chính học sinh đã tham gia thiết lập vì lợi ích chung và công bình của con người trong cộng đồng. Thụy Điển đề cao sự rèn luyện tinh thần dân chủ và sự trao quyền hợp pháp cho học sinh, nhà trường luôn trang bị cho học sinh những hành trang để có khả năng lao động trong nền kinh tế toàn cầu…[7].

Trong vài năm gần đây, trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế về lĩnh vực giáo dục, Thụy Điển đã đặt vấn đề và đã bắt đầu xây dựng “động cơ lợi nhuận trong nền giáo dục Thụy Điển”, họ xây dựng hàng loạt các “trường học sinh lời”, đặt là “trường tri thức”. Từ con số 5 trường (năm 2000), lên đến 33 trường phổ thông trung học (năm 2011). Đây là những công ty học đường lớn nhất Thụy Điển, có chất lượng cao, nó được xây dựng trên nền tảng quan hệ đối tác công – tư trong thị trường lao động, góp phần đảm bảo sự phát triển kinh tế, thịnh vượng của khu vực tư nhân và lợi ích xã hội. Hiện này, nó đang phát triển thành “mô hình Thụy Điển mới”. Dựa trên quan hệ đối tác công – tư, liên quan đến cách thức phân phối lợi ích xã hội. Các khoản tài trợ của nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả mọi người trong việc nhận được những dịch vụ như chăm sóc y tế, giáo dục đồng thời, đã phát huy tạo nguồn vốn mới từ khu vực tư nhân trên các loại hình khác như y tế, chăm sóc trẻ em, nhà mẫu giáo, chăm sóc người già…[8]. Hiện nay, xu thế già hóa dân số đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Thụy Điển nói riêng. Dự báo từ năm 2010 đến 2050, tỷ lệ người già sống nhờ lương hưu và trợ cấp ở Thụy Điển chiếm khoảng 68%, mặc dù chỉ có trên 12% người trên 65 tuổi vẫn đi làm, nhưng Thụy Điển vẫn là 1 trong 10 nước có tỷ lệ chi phí lương hưu cao nhất thế giới, và cũng giống như Đan Mạch, Thụy Điển dành cho chi phí giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cộng đồng là đến 84,7%. Điều đó đòi hỏi Thụy Điển phải tăng tích lũy, cải cách mạnh mẽ hệ thống an sinh xã hội, theo nguyên tắc “đóng – hưởng”, đảm bảo phúc lợi cho mọi người dân.

Quá trình chuyển đổi từ mô hình “nhà nước phúc lợi xã hội hào phóng” sang “mô hình nhà nước đầu tư xã hội”, đầu tiên Thụy Điển đã tiến hành chuyển đổi “mô hình phát triển kinh tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo” nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cải cách kinh tế đất nước.

Về lĩnh vực kinh tế, Thụy Điển vốn có cơ cấu kinh tế 3 khu vực theo hướng hiện đại: dịch vụ chiếm 71,6% GDP, công nghiệp chiếm 26,7% GDP và nông nghiệp chiếm 1,6% GDP. Tuy vậy, do tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, nên hiệu quả kinh tế Thụy Điển những năm vừa qua không cao. Do kinh tế có độ mở lớn nên Thụy Điển có tỷ lệ xuất khẩu chiếm đến 55% GDP, trong đó có hơn 50% thương mại với EU. Khi EU chịu tác động lớn của khủng hoảng nợ công, nên Thụy Điển cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, Thụy Điển hiện nay đang nỗ lực tìm kiếm các thị trường mới nổi khác ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Myama và các thị trường khác như Mỹ, Mỹ la tinh như Braxin, châu Phi… để bổ sung sự thiếu hụt của thị trường nội khối EU.

Hiện nay, Thụy Điển đang triển khai công tác nghiên cứu, ứng dụng, sử dụng công nghệ xanh, công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái sinh, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, vì vậy sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế đất nước cũng tập trung nhằm hướng vào những mục tiêu nhiệm vụ kể trên. Thụy Điển thực hiện các kế hoạch giảm dần các ngành công nghiệp khai khóang, hóa chất, khai thác rừng… đã làm ô nhiễm môi trường để chuyển dần sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đảm bảo xanh, sạch, có hàm lượng tri thức cao. Thụy Điển và các nước Bắc Âu đã đi đầu thế giới trong đóng thuế môi trường đến 5,9% GDP (trong khi đó Pháp là 2,16% GDP). Đó là các loại thuế đánh từ nhiên liệu (xăng dầu, điện, khí đốt…) và thuế đánh vào khí thải CO2, thuế đánh vào các phương tiện giao thông (mua, sử dụng xe hơi), thuế ô nhiễm và khai thác tài nguyên thiên nhiên… Thụy Điển đang tiến hành cải cách mạnh mẽ, sử dụng phổ biến thương mại điện tử trong kinh doanh, dùng máy móc thay thế cho con người như ở sân bay, cơ sở dịch vụ công cộng… Thụy Điển cũng đang mở rộng xây dựng trụ sở các công ty đa quốc gia của thế giới trên đất nước mình.

Hiện nay, Thụy Điển đang xây dựng mô hình kinh tế dựa trên sự đồng thuận cao và nhất quán trong dài hạn giữa chính trị gia, giới doanh nghiệp với công đoàn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Trong đó, các doanh nghiệp làm việc với công đoàn để cân bằng lương bổng, đảm bảo việc làm cho người lao động. Còn chính phủ thực thi các chính sách trợ cấp xã hội hợp lý, kết hợp giữa phúc lợi xã hội hợp lý với quản lý, quản trị chặt chẽ. Trước đây, Thụy Điển tập trung củng cố nền tài chính công vững mạnh, nhưng hiện nay họ thực hiện các gói kích thích kinh tế, nới lỏng định lượng (QE), dựa trên sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước. Nên 80% công ty lớn nhất của Thụy Điển đã báo cáo các khoản thu nhập vượt quá dự toán, nền kinh tế dần phục hồi. Các nhà xuất khẩu hàng đầu Thụy Điển là AB Volvo, Alfa Lava AB, AB, SKF Svenska Cellulosa AB tạo ra ½ sản lượng kinh tế đất nước đang có sự phục hồi đáng mừng.

Trước khủng hoảng, Thụy Điển là đất nước “đánh thuế và chi tiêu” nghĩa là đánh thuế cao và chi tiêu công cao, cụ thể, chi tiêu công ở Thụy Điển lên đến 67% GDP từ năm 1993 đến 2005. Hiện nay, Thụy Điển đang thay đổi mô hình kinh tế theo hướng “nhà nước đầu tư xã hội”, nghĩa là nhà nước hạch toán đầu tư nghiêm ngặt các vấn đề xã hội. Cụ thể, từ năm 2006 đến 2014, chính phủ Thụy Điển đã nỗ lực giảm chi tiêu công xuống mức 52% GDP. Và thuế cũng được cắt giảm mạnh, thuế suất doanh nghiệp giảm còn 22% (thấp hơn Mỹ nhiều)[9].

Trong chính sách tiền tệ, do Thụy Điển không tham gia khu vực đồng tiền chung châu Âu, nên Thụy Điển độc lập hơn trong chính sách tiền tệ. Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbanken) duy trì lãi suất cơ bản thấp 1%, coi đây là giải pháp then chốt để kích thích nền kinh tế, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, mở rộng đầu tư, phát triển các ngành nghề mới[10]. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm từ sau cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ thế giới (2008) và khủng hoảng nợ công châu Âu (2009), hàng loạt các vụ bê bối ngân hàng ở châu Âu đổ bể do quản trị ngân hàng yếu kém, do mất lòng tin của khách hàng và Thụy Điển không phải là ngoại lệ. Vì vậy, Thụy Điển quyết định tái cấu trúc hệ thống ngân hàng theo hướng cải cách quản trị kinh doanh, lấy lại niềm tin của khách hàng. Điển hình nổi bật trong tái cấu trúc ngân hàng Thụy Điển là ngân hàng Svenska Haldelbanken đã tập trung phát triển thành ngân hàng bán lẻ nổi tiếng, với rất nhiều chi nhánh ở châu Âu, thế giới, cứ 10 ngày lại có 1 chi nhánh mới của ngân hàng khai trương. Nghệ thuật kinh doanh của ngân hàng này là là thay vì cắt giảm chi phí bằng cách tập trung kinh doanh ở một số trụ sở lớn, thì nó lại tập trung phần lớn hoạt động kinh doanh ở các mạng lưới chi nhánh ở địa phương, các nước. Những nhà quản lý này không nhận tiền thưởng nếu các món nợ đó được đánh giá là nợ xấu. Ngân hàng chỉ đặt mục tiêu duy nhất là tạo ra lợi nhuân trên vốn chủ sở hữu cao hơn so với mức trung bình của các đối thủ cạnh tranh. Không nhân viên nào thực hiện các quyết định cho vay của ngân hàng được tính tiền thưởng bởi điều này có thể tạo ra rủi ro. Thay vào đó, ngân hàng sẽ chia 1/3 lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và phân chia bình đẳng cho các nhân viên. Số tiền này chủ yếu được dùng để đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng và chỉ được nhận khi nhân viên bước sang tuổi 60. Ngân hàng này lớn thứ 2 của Thụy Điển với giá trị vốn hóa thị trường đạt 145 tỷ tỷ kronna (hơn 21 tỷ USD), nó có 140 chi nhánh ở Anh[11].

Nói tóm lại, cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu (2008) và khủng hoảng nợ công châu Âu (2009) đã tác động mạnh mẽ và làm cho nền kinh tế Thụy Điển bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy buộc Thụy Điển phải có sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc lại nền kinh tế đất nước theo xu hướng: chuyển đổi mô hình “nhà nước phúc lợi hào phóng” sang “nhà nước đầu tư xã hội” với sự kiểm soát chặt chẽ, hạch toán kinh doanh của nhà nước đối với hệ thống phúc lợi xã hội. Thụy Điển lấy “tăng trưởng xanh” làm trung tâm trong tái cơ cấu kinh tế, duy trì vị thế cạnh tranh của đất nước sau khủng hoảng. Thụy Điển đầu tư nhiều tiền của trong các gói kích thích kinh tế để đầu tư cho các dự án năng lượng sạch, tăng thuế bảo hiểm môi trường, có kế hoạch giảm dần các ngành kinh tế công nghiệp khai khoáng, hóa chất, khai thác rừng… gây ô nhiễm môi trường sang các ngành có giá trị gia tăng cao, đảm bảo xanh sạch, có hàm lượng tri thức cao. Bên cạnh đó, Thụy Điển đang tiến hành cải cách cơ cấu thị trường hàng hóa, đa dạng hóa các thị trường ở châu Á, Phi, Mỹ la tinh, cải cách mạnh mẽ thị trường lao động,nghiên cứu và phát triển, giáo dục và đào tạo. Thụy Điển còn đẩy mạnh cải cách quản lý kinh tế vĩ mô, kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách linh hoạt. Thụy Điển đã tìm ra các giải pháp tốt nhất để đối phó với vấn đề già hóa dân số, vấn đề lao động việc làm, lao động nhập cư, những nhóm người yếu thế dễ bị tổn thương trong xã hội. Những cải cách đó của Thụy Điển đã ít nhiều đem lại được những thành tựu đáng ghi nhận cho đất nước. Ngày 8/2/2014 vừa qua, Thụy Điển được hãng kiểm toán PWC có uy tín trên thế giới, dựa trên tiêu chuẩn đánh giá mới về phát triển và tăng trưởng kinh tế tại 42 nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm các tiêu chí như: sự ổn định và tăng trưởng kinh tế, tính liên kết và phát triển xã hội, ý nghĩa thông tin, các thể chế lập pháp, pháp lý và chính trị, sự phát triển bền vững của môi trường, đã xếp Thụy Điển trở thành nền kinh tế số một toàn cầu[12].