Vi khuẩn làm liền vết nứt bê tông

Khi thời tiết thay đổi, tường bê tông sẽ bị nứt. Nước mưa sẽ ngấm qua tường và làm hoen rỉ cốt sắt bên trong, những vết nứt sẽ ngày càng lan rộng. Cho đến nay bao nhiêu phương pháp xử lý đều tỏ ra kém hiệu quả.

Những vết nứt bê tông

Cho dù là nhà ở hay văn phòng làm việc, hầu hết các công trình xây dựng hiện đại đều sử dụng cấu trúc bê tông khá cứng giòn, vì thế những vết nứt là điều không bao giờ tránh được khi thời tiết thay đổi. Phải cần một khoảng thời gian để những vết nứt hình thành, thế nhưng đối phó với chúng thì lại là cả một vấn đề lâu dài và nan giải.

Ngày nay, gần 70% các nhà ở hay văn phòng đã được làm bằng bê tông cốt thép, công tác bảo trì hằng năm tốn kém đến 6 tỷ euro riêng chỉ ở Tây Âu. Không những thế, gần 10% tổng khí thải CO2 của thế giới là do quá trình sản xuất vật liệu xây dựng những công trình bê tông cốt thép.

Bê tông tự lành nhờ... vi khuẩn

Một giải pháp đã được đưa ra, đó là dùng những vi khuẩn đặc biệt có khả năng chịu được nhiệt độ cực đoan. Chúng có tên khoa học là Bacillus pseudofirmus hoặc loài Sporosarcina pasteurii. Với thời gian ẩn náu trong kén gần 200 năm, chúng hoàn toàn phù hợp với những công trình của chúng ta.

Ông Hendrik Marius Jonkers, người Hà Lan, đã khám phá ra phương pháp dùng những vi khuẩn đặc biệt này để hàn những vết nứt trên tường bê tông.

Trong quá trình thi công xây dựng, vi khuẩn và thức ăn cho chúng được trộn vào bê tông thông thường. Khi trời mưa, nếu nước thâm nhập vào trong tường sẽ đánh thức vi khuẩn. Chúng sẽ sử dụng thức ăn có sẵn rồi thải ra vật liệu như đá vôi lấp kín khe nứt.

Tác giả của nghiên cứu, ông Hendrik đã được đề cử vào danh sách những nhà phát minh của năm 2015. Nếu thành công, trong tương lai không xa, những bức tường bê tông tự liền sẽ sớm được áp dụng vào xây dựng thực tế.

Theo https://www.epo.org/learning-events/european-inventor/finalists/2015/jonkers.html