Kertész Imre (1929-2016)

Nhà văn, dịch giả Kertész Imre, người Hungary duy nhất được giải Nobel Văn chương cho tới nay, đã từ trần tại nhà riêng ở Budapest vào 4h sáng hôm 31-3-2016 sau một thời gian dài lâm trọng bệnh, hưởng thọ 87 tuổi.

Kertész thường nói, ông không được chuẩn bị, không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nhà văn, và khi đã viết, không bao giờ ông viết để trở nên nổi tiếng, hoặc trở thành nhà văn lớn. Năm 2002, khi trao giải cho Kertész, Ủy ban Giải thưởng Nobel của Thụy Điển đã tôn vinh các tác phẩm của ông là “một sự nghiệp văn học nói lên trải nghiệm mỏng manh của cá nhân, đối lập với sự độc đoán tàn bạo của lịch sử”.

Kertész sinh tại Budapest năm 1929 trong một gia đình gốc Do Thái. Mùa hè 1944, ông cùng nhiều bạn bè bị đưa vào trại tập trung Auschwitz, rồi đến Buchenwald. May mắn thoát chết và được giải cứu bởi quân đội Mỹ vào ngày 11-4-1945, Kertész hồi hương rồi viết báo, làm công nhân.... Từ năm 1953, ông trở thành một dịch giả văn học Đức. Tuy nhiên có thể nói, cả đời ông đi tìm lời đáp cho câu hỏi: vì sao con người có thể trở thành kẻ sát nhân, hoặc nạn nhân vào bất cứ lúc nào?

Tác phẩm chính của ông, in lần đầu năm 1975, là tiểu thuyết đầu tay “Không số phận” viết mất 13 năm (1960-1973) trong căn hộ một buồng nhỏ xíu tại Budapest. Sách tập trung khắc họa bản năng sinh tồn và thích ứng của con người với thế giới xung quanh để giành giật sự sống trước tử thần thường trực rình rập. Nhân vật Köves gần như là chính tác giả, sau khi hồi hương đã thấy mọi thứ đổi khác. Và đổi khác lớn nhất chính là ở chỗ, bản thân Köves đã thay đổi: những tháng ngày trong các trại tập trung và hủy diệt khiến cậu không còn khả năng tái hội nhập vào cuộc sống mới, trở thành kẻ lạ lẫm, bơ vơ và mang trong lòng tâm cảm lưu đày ngay tại quê nhà. Ám ảnh nhất, có lẽ là thái độ của cậu bé Köves: có cái gì đó dửng dưng, chấp nhận số phận, bình thản trước mọi sự, không tỏ ra ngạc nhiên, bất bình hay phản kháng, và cũng không tìm lối thoát. Thậm chí, cậu còn có những khoảnh khắc hạnh phúc bên cái chết cận kề.

Ngoài “Không số phận”, ông còn có tác phẩm tiếp nối rất quan trọng “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời” ấn hành năm 1990 cùng truyện vừa “Thất bại” ra đời năm 1988. Cộng với nhiều tiểu luận, những trang nhật ký, hồi tưởng, cả sự nghiệp sáng tác của Kértész được giới nghiên cứu đánh giá là lời phê phán nghiêm khắc “tất cả các thể chế độc tài, đã bần cùng hóa những cơ chế xã hội được đặt cơ sở trên sự tôn trọng cá nhân”. Điều khiến Kertész vượt qua được nhiều đồng nghiệp viết cùng một thể loại, là ông quan niệm diệt chủng sắc dân Do Thái “không phải là một hiện tượng riêng lẻ, mà cần phải xem xét nó trong mối tương quan với một trải nghiệm lớn khác của thời đại: chủ nghĩa toàn trị”.

Dù “Không số phận” được dựng phim, sách của Kertész được in ấn đầy đủ thì ông vẫn gây nhiều tranh cãi ngay tại quê hương. Mười năm cuối đời, gần như Kertész chuyển hẳn sang sống ở Berlin. Năm 2013, một kho lưu trữ gần 35 ngàn trang thư từ, bản thảo, nhật ký và tư liệu khác của ông đã được mở tại Viện Hàn lâm Nghệ thuật Berlin, nơi nhà văn là thành viên lâu năm.

“Khởi đầu là một tù nhân ở Auschwitz, rốt cục tôi đã được nhận phần thưởng lớn nhất của Nhà nước Đức. Điều này thật nực cười và không thể giải thích được...”, Kertész nói. Chính Kertész bị người Hung bắt đeo ngôi sao Do Thái, bị người Hung giam vào biệt khu, và hiến binh Hung bắt đưa đi Auschwitz. Nhưng rồi rốt cục, những tháng cuối đời, nhà văn vẫn rời Berlin, về chết trên quê hương mà ông không hề chối từ...

(Tóm tắt bài của Hoàng Nguyễn, Budapest)