Bảo vệ di sản Việt Nam
TS Trịnh Sinh
Việt Nam có những di sản được xếp hạng thế giới, trong đó có sự góp sức của các nhà khoa học Italia. Hội thảo về di sản vừa qua là một dịp nhìn lại một chặng đường hợp tác.
Ngày 21 và 22.5, tại Bảo tàng Lịch sử VN diễn ra Hội thảo "Tìm lại quá khứ" về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá". Hội thảo có mặt nhiều nhà khoa học Italia, VN và quốc tế. Đặc biệt, sự tham dự của Đại sứ Italia - ngài Alfredo Matcotta Cordella - và nhiều quan chức ngành văn hoá VN đã cho thấy sự trân trọng đối với di sản văn hoá VN và cũng là di sản văn hoá chung của nhân loại.
Tại hội thảo, nhiều bản báo cáo đã được trình bày về thành tựu cũng như phương pháp bảo tồn di sản của VN, những nét chung cũng như nhiều lĩnh vực cụ thể như khảo cổ học dưới nước ở VN, bảo tồn di tích thành cổ Thăng Long, kinh thành Huế, đô thị cổ Hội An, tháp Chăm, đình Chu Quyến... Toàn những vấn đề nóng đối với nước ta vì chỉ mới được xáo xới lên một cách mạnh mẽ cách đây vài chục năm, còn nhiều bỡ ngỡ.
Italia là quốc gia có bề dày bảo tồn di tích thuộc loại nhất thế giới. Những đấu trường La Mã cổ đại, đền đài, tháp cổ... đã qua hai cuộc thế chiến khốc liệt mà vẫn sừng sững. May mắn đã đành mà phần lớn cũng bởi người Italia có ý thức cao. Chính vì nắm trong tay một phần những di sản văn hoá lẫy lừng thế giới mà họ biết được sức mạnh hái ra tiền nhờ các hoạt động du lịch văn hoá di sản.
Vì thế, những ngành bảo tàng, khảo cổ học ở đây hết sức phát triển. Một số báo cáo trong hội thảo đề cập đến những phương pháp chung, phương pháp mới về bảo tồn bên cạnh những vấn đề cụ thể hơn như: Triển vọng của khảo cổ học dưới nước, khôi phục diện mạo thành Venice.
Hấp dẫn và chiếm gần trọn một ngày là các bản báo cáo về bảo tồn và trùng tu di tích Mỹ Sơn - một trong 3 di sản thế giới ở miền Trung nước ta. Cũng cần nhắc lại rằng, tham gia nghiên cứu Mỹ Sơn có nhiều nhà khoa học các nước như Ba Lan, Nhật Bản, Italia... Mỗi nước có một thế mạnh riêng. Từ năm 1997, các nhà khoa học Italia đã cùng UNESCO và VN có một dự án nghiên cứu bảo tồn Mỹ Sơn.
Họ đã chọn một cụm tháp cổ "xương" nhất, gần biến thành phế tích-cụm tháp G- để nghiên cứu một cách bài bản từ địa chất, địa mạo, cảnh quan, môi trường, khai quật khảo cổ, phương pháp bảo tồn. Từ bấy đến nay, các nhà khoa học Italia đã dựng lại được cảnh quan cổ nơi đây.
Trước khi bắt tay thực sự vào trùng tu tháp cổ, các nhà khoa học Italia nghiên cứu khá kỹ chất liệu gạch xây tháp, chất kết dính khi xây là những vấn đề còn... bỏ ngỏ, chưa có câu giải đáp chính thức từ khi người Pháp nghiên cứu tháp Chăm đến giờ.
Bản báo cáo của Luigia Binda đã cho thấy sự nghiêm túc và công phu khi thu thập các mẫu gạch ở tháp G1 Mỹ Sơn và chất kết dính còn vương trên gạch để mang về TP.Milan, Italia nghiên cứu. Kết quả phân tích cho thấy gạch được nung với độ nung khoảng 800 độ, chất kết dính mịn có thành phần hữu cơ, không có đá vôi, phù hợp với thành phần hữu cơ của chất keo chế từ dầu thực vật của một vài loại cây địa phương, hiện còn... bán đầy ngoài chợ.
Các nhà khoa học Italia chứng minh được rằng, một viên gạch Chăm chịu lực kém nhưng nhờ có chất kết dính, 2 viên gạch ghép lại có sức chịu lực lớn hơn nhiều lần. Phát hiện này của các nhà khoa học Italia đã góp phần tạo ra một công nghệ và đẩy nhanh tiến độ trùng tu tháp Chăm.
Hội thảo cũng đã nhắc đến công lao của nhà khoa học Ba Lan đối với di tích Mỹ Sơn. Đó là Kazimier-Kwiatkowski - chuyên gia đầu tiên về bảo tồn di tích - đã sát cánh cùng các nhà khoa học VN từ buổi đầu trùng tu Mỹ Sơn, năm 1980, khi Mỹ Sơn còn là... rừng hoang, bom mìn đầy rẫy.
Song song với hội thảo là trưng bày thành tựu khảo cổ học dưới nước của Italia. Đây là một ngành khoa học... sắp có ở ta. Vì đã khai quật nhiều con tàu đắm ngoài biển khơi mà trên toàn cõi VN chưa có một bộ môn khảo cổ học dưới nước hay có một phòng nghiên cứu mang tên gọi như vậy, mà tàu đắm thì nhiều, trong khi biển thì rộng và dài.
Rất tiếc là cuộc trưng bày mới chỉ có hình ảnh mà chưa có hiện vật hoặc tiêu bản phục chế, nhưng cũng mang lại sự cảm phục của người xem về một công cuộc khám phá đáy biển, đáy sông, đáy hồ đầy hấp dẫn và bằng những phương tiện hiện đại nhất thế giới của một cường quốc di sản có tên gọi là Italia.
PGS.TS Trịnh Sinh,
Lao Động số 120 ngày 28/05/2007