Trang nhà > Bạn đọc > Nhàn đàm > 1991—BI KỊCH HAY HÀI KỊCH CỦA NƯỚC NGA?
1991—BI KỊCH HAY HÀI KỊCH CỦA NƯỚC NGA?
Thứ Bảy 20, Tháng Tám 2016, bởi
Cánh nhà báo thường dịch là “Cuộc đảo chính Xô viết năm 1991” hay "Chính biến tháng Tám" từ tiếng Anh “1991 Soviet coup d’état attempt” hoặc "August Putch” và người Nga cũng dùng từ “putch”. Nếu chỉ theo mô tả của các chứng nhân tại chỗ về không khí "thanh bình" và “lễ hội” trên các đường phố Moscow trong hầu hết các diễn biến hồi ấy thì khó có thể hiểu nổi sự sụp đổ nhẹ nhàng của siêu cường này.
Sau thời gian đủ lâu và tập hợp đủ sự kiện người ta mới có thể hiểu được bản chất vấn đề, chứ ngay lúc đó đến tầng lớp cầm quyền của CCCP còn chưa hiểu chuyện gì, thì người dân và người nước ngoài làm sao đánh giá được. Xin đưa ra một lời giải thích cụ thể về nguyên nhân và diễn biến sự việc để mọi người tham khảo—cũng xin nói luôn đây là một trong những cách giải thích chính đáng nhất về “Putch tháng 8” tại Nga hiện nay, do những yếu nhân, những nhân chứng lịch sử tại thời điểm đó, những nhà sử học không phụ thuộc... đưa ra sau 25 năm nhìn lại, tác giả cũng không thể có cái nhìn tổng quát và phân tích sâu sắc như thế được, chỉ viết lại dễ hiểu hơn một chút cho người đọc Việt và có thể bỏ qua một số chi tiết và nhân vật không thật gần gũi đối với chúng ta.
TRÒ LỪA THÔ BẠO—SỰ PHẢN BỘI TRẮNG TRỢN—ĐỔ MÁU—TAN VỠ
Trước hết xin nhìn lại, xem người dân Nga đánh giá thế nào về “Putch 1991” nhé. Năm 2015 người ta đã làm cuộc trưng cầu dân ý và 41% người được hỏi đánh giá nó là sự kiện “bi thảm”, “tác hại chết người” đối với đất nước và nhân dân, 32% coi đó là “sự giành giật quyền lực”, 10% coi đó là “chiến thắng của dân chủ” và 17% chả có chính kiến gì. Vậy phải có cái gì đó mà người Nga đã hiểu ra, rằng vào mùa hè năm 1991 xa xôi ấy họ chính là những người thua cuộc...
Thế tại sao đã có Putch? Thực ra chỉ là “chính biến” vì chẳng có cuộc đảo chính nào ở đấy cả, tất cả chỉ là một màn kịch vĩ đại nhưng còn khá vụng về. Điều này tại sao không được viết đến trong sách giáo khoa sử của Nga, hay của nước ngoài, hay của nước ta? Đơn giản là chỉ mới một phần tư thế kỷ trôi qua, vẫn chưa phải lúc, vẫn còn nhiều “diễn viên” đang hoàn thành nốt vai diễn lịch sử... tuy vậy người ta đã viết, đã nói rất nhiều về chuyện này, nếu ai muốn hiểu thì sẽ tìm hiểu được ra thôi !
Ai có quan tâm ít nhiều đến các cuộc cách mạng trong vòng nửa thế kỷ cuối, nhất là các cuộc “cách mạng nhung”— cách gọi nôm na về việc lật đổ chế độ độc tài ở một số quốc gia với việc ít đổ máu nhất, nhanh gọn và cảm tưởng như “nhẹ nhàng” nhất thì đều phải biết đến một cái tên—Gene Sharp. Ông được tôn vinh như “guru của lý thuyết lật đổ” và là “người cha tinh thần của mùa xuân Ả Rập”. Các cuốn sách của ông được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, được cả những kẻ muốn “lật đổ” lẫn “chống lật đổ” nghiên cứu kỹ lưỡng. Người ta không thể chứng minh được ông có liên hệ công việc gì trực tiếp với CIA hay chính phủ Mỹ không, và ông cũng không dính dáng trực tiếp đến bất cứ sự vụ “lật đổ” nào cụ thể, nhưng quả là thời 1990—1991 Sharp đang công tác tại các nước vùng Bantic, để tư vấn cho các nhà lãnh đạo giữ vững và phát huy quyền tự chủ của nước mình, và đây là công việc ông vẫn tự hào cho đến ngày hôm nay. Nhiều lần ông được hỏi có liên đới gì đến “Putch tháng 8” ở Moscow không, thì ông đều chối, và nói rằng “chính ông còn đã học rất nhiều từ người Nga”—vì quả thật những tác phẩm đầu tiên ông viết sau khi nghiên cứu rất kỹ cách mạng tháng 2 (ở Moscow, 1917 !) và các phương pháp đấu tranh bất bạo động của Ghandi ! Ông có thể không liên đới, nhưng USA thì có lẽ biết kỹ lưỡng mọi lý thuyết của ông...
Đúng là tầm cỡ ảnh hưởng của Gene Sharp lúc đó chưa đủ để gây ra sự kiện 1991, vậy thì ai? Trước đó thì tổng thống Reagan đã tiến hành một chính sách không khoan nhượng để lật đổ, chí ít thì cũng làm lung lay chính quyền Xô viết, và phải nói Mỹ đã thành công trong việc làm Liên Xô suy yếu. Liên Xô vừa là “anh cả” phải giúp đỡ hàng loạt nước trong khối XHCN, lại còn phong trào đấu tranh ở thế giới thứ ba, rồi mâu thuẫn dài hạn với “anh hai” Trung Quốc, và nhất là cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ làm CCCP kiệt quệ, cộng với những lỗi hệ thống vốn có của nền kinh tế phi thị trường, bộ máy cồng kềnh với trên 20 triệu đảng viên... tất cả điều đó được chính quyền Reagan lợi dụng một cách điêu luyện, với trò chơi giá dầu tụt giảm không phanh cộng với cuộc chiến tổn thất rất nhiều về người và của tại Apganistan khiến nền kinh tế Liên Xô khủng hoảng thiếu khá trầm trọng, tiền rúp mất giá gây nên đời sống vô cùng khó khăn, chế độ tem phiếu cũng không cứu vãn được tình hình vì làm gì đủ mà cung cấp ! Chưa kể về mặt đối nội Nga có những khó khăn riêng: trong thời gian rất ngắn từ trần hàng loạt tổng bí thư đảng (!!) như Breznev, Andropov, Chernenko —đến 1985 Mikhail Gorbachev lên giữ chức vụ cao nhất lúc 54 tuổi. Là một “lãnh tụ” bản chất không đủ độ tàn bạo để quản lý một đế chế vĩ đại trong vòng kim tỏa và tương đối trẻ hơn những người tiền nhiệm, phải nói rằng Gorbi có những tư tưởng khá tân tiến vào thời điểm đó (Glasnost—“công khai hóa”; Perestroika—“đổi mới” và sau này đặt ra vấn đề “đa đảng”... ) lại gặp vấn đề nan giải cả đối nội lẫn đối ngoại nên vô cùng lúng túng, uy tín thậm chí không bằng một số “công thần” là lãnh đạo của các nước cộng hòa như Shevardnadze (Gruzia), Kravchuk (Ucraina), Nazarbaev (Kazakhstan)... Đã cực khổ vì việc phải xếp hàng mua đủ mọi thứ hàng hóa, lại thêm “khổ” vì luật cấm rượu nên dân Liên Xô rất bất bình với chính phủ, tuy nhiên phản bác chỉ gồm những tiếng nói đơn lẻ, dễ bị KGB dập tắt bất cứ lúc nào. Mặc dù cuối những năm 80 một số nước Đông Âu đã bỏ con dường XHCN nhưng trong nước Nga đúng là không có lực lượng đối lập nào đáng kể: Sakharov là ngọn cờ đấu tranh vì dân chủ thì không hề có đảng phái nào và cũng đã mất rồi, Yeltsin sau nhiều lần “lên voi xuốn chó” đến 1991 được bầu làm tổng thống Nga từ 12/6/1991, nhưng trong bình diện CCCP thì Gorbachev là Tổng bí thư ĐCS, còn Nazarbaev đang nhăm nhé lấy lại chức vụ đó, phong trào dân chủ trong giới trẻ và các phần tử quá khích được nước ngoài hậu thuẫn nhưng còn “trứng nước” lắm. Còn nước Nga (Liên Xô) gặp khủng hoảng về kinh tế thì cũng không phải lần đầu, dân cũng vẫn có truyền thống thắt lưng buộc bụng (xin nhớ lại riêng nạn đói khủng khiếp và nhân tạo ở Ucraina những năm 30 đã chết 6—7 triệu dân !!) thì các yếu tố thiên thời, địa lợi kể trên không thể đủ để quật ngã “con quái vật khổng lồ” là CCCP đâu. Nếu không có “công nghệ”... và “công nghệ” ở đây chính là “làm cho dân chúng hoảng sợ, khi đó họ bắt buộc chọn một trong hai phương án duy nhất có, họ sẽ tự chọn phương án an toàn hơn và đó chính là mục đích của “cách mạng”... !”
Nhiều nước Đông Âu “đàn em” đã bỏ CNXH, thậm chí đã thanh trừng những lãnh tụ cộng sản cũ. Các cộng hòa liên bang Xô viết tranh nhau tuyên bố độc lập. Liên bang Nga tuyên bố chủ quyền vào ngày 12 tháng 6 1990 và sau đó giới hạn áp dụng luật Xô viết, đặc biệt các luật lệ liên quan tới tài chính và kinh tế, trên lãnh thổ Nga. 1991 Estonia, Latvia, Lithuania, và Gruzia đã đổi tên nước hoặc chính thức tuyên bố độc lập từ Liên Xô rồi. Sau cuộc trưng cầu dân ý trên toàn Liên bang ngày 17 tháng 3, 1991 về việc có nên gìn giữ hình mẫu Liên bang Xô Viết không có 8 nước cộng hòa vẫn muốn vào Liên bang (tội gì không dựa vào “anh cả” trong lúc còn đang yếu ớt !) nên đã thông qua Hiệp ước Liên bang mới với một số điều kiện nhất định. Hiệp ước sẽ biến Liên bang Xô viết thành một liên bang của những nước cộng hòa độc lập với một vị tổng thống, chính sách đối ngoại và quân đội chung. Và Hiệp ước này được Nga, Kazakhstan, Uzbekistan dự định ký tại Moscow ngày 20/8/1991 ! Nazarbaev sẽ trở thành Tổng bí thư chứ không còn là Gorbachev nữa, Pavlov sẽ thành Thủ tướng, một nguy cơ CCCP mới sẽ lại hình thành...
Tổng thống Mỹ lúc này là Bush “cha”— cựu giám đốc CIA và phó tổng thống dưới thời Reagan—tất nhiên đã tận dụng những khó khăn này của Liên Xô và của riêng Gorbachev để tiếp tục công việc của người tiền nhiệm. Điều đó khá dễ thấy khi xem lại vai trò của ông trong các sự kiện “Bức tường Berlin” 1989 hay việc đối ngoại với các nước khối XHCN cũ. Hè năm 1991 Bush bay đến Moscow và gặp riêng với Gorbachev và Yeltsin, nội dung bàn bạc thì chắc không bao giờ có ai biết được. Sau đó 01/8 Bush bay tới Kiev và có bài diễn văn đọc trước Quốc hội Ucraina (do Condoleezza Rice viết) khen Gorbachev đến ngút trời—bài diễn văn lịch sử này sau đó được mang tên “thịt băm kiểu Kiev” (nhưng tiếng Anh lại gọi là “Chicken Kiev speech”). Bush “cha” thể hiện mong muốn CCCP vẫn tồn tại dưới sự lãnh đạo của Gorbachev, đó cũng là đường lối mà Kravchuk đang theo đuổi... Bây giờ nhìn lại khó có thể đánh giá, đấy là Bush nói thật lòng hay ngược lại, để đánh lạc hướng dư luận kể cả ở Mỹ, và che dấu kỹ kế hoạch đối phó với ngày 20/8/1991 đối với các lãnh tụ của các nước cộng hòa. Sau này nhiều nhà phê bình coi đây là “diễn văn kém nhất đã từng được một tổng thống Mỹ đọc”—nhưng Condoleezza Rice chống chế rằng phải hiểu là tuy Mỹ rất muốn CCCP tan rã, nhưng tan rã thế nào mới là quan trọng, chứ không thì nhiều nước cộng hòa lúc đó có vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ, không thể coi thường được, tốt nhất là để CCCP tự tan rã !
Muốn lật đổ chính quyền CCCP bằng vũ lực từ bên ngoài tất nhiên bất khả thi, chờ cho đất nước sụp đổ hẳn về kinh tế thì quá lâu vì cũng khó làm một đất nước giàu tài nguyên nhất thế giới thế này mà không tự lực nuôi nổi mình. Vậy theo “sách” thì chỉ còn cách gây mâu thuẫn nội bộ, dùng việc tranh giành quyền lực làm mồi nhử mới có thể thay đổi chính quyền, từ đó thay đổi được thể chế. Sau này người ta mới biết, đã có không ít phương án kịch bản cho việc thay đổi quyền lực tại Liên Xô—từ trên xuống dưới, từ ngoài đến trong đều hiểu là phải thay Gorbachev rồi, nhưng làm sao thay được ông này bằng người cần thiết, ví dụ như Yeltsin, thì không hề chắc nếu dùng phương án bầu cử công khai toàn quốc—vậy cần phải có “tình trạng khẩn cấp” (ví dụ như “nhà máy điện nguyên tử gần Leningrad bị bọn khủng bố chiếm giữ, phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc” là một phương án được xem xét, đánh giá không tồi—vì chỉ có “tình trạng khẩn cấp” mới có thể dẫn đến việc thay đổi quyền lực tối cao ngay và luôn... Tuy vậy có phương án còn ngoạn mục hơn, hãy chờ xem !). Mạng lưới tình báo của CIA ở tất cả các nước cộng hòa được yêu cầu ủng hộ Gorbachev và Yeltsin tối đa...
Vậy là 20/8/1991 sẽ có bước đầu cho sự ra đời một CCCP mới, đã đến lúc phải “ra tay” trước rồi ! Ai thực sự là người đưa ra “sáng kiến” thì chưa thể biết chắc, nhưng “the show must go on !”. Vở diễn bắt đầu:
— “Người bị hại” Gorby đi nghỉ với vợ ở quê hương Crimea, làng Foros, nhà nghỉ cho nguyên thủ quốc gia. “Bọn xấu” xuất hiện, giam lỏng lãnh tụ, đấy chính là 8 lãnh đạo cao nhất của nhà nước, tự xưng là “Ủy ban Khẩn cấp Nhà nước (GKChP)”, gồm: Phó tổng thống CCCP Yanaev, Thủ tướng Pavlov, Bộ trưởng Bộ nội vụ Pugo, Bộ trưởng Quốc phòng Yazov, Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Kriuchkov... Một loạt các thủ lĩnh của GPChK bay xuống Crimea ngày 18/8 để ép Gorbachev tuyên bố tình trạng khẩn cấp và chuyển giao quyền lãnh đạo cho GKChP. Gorby không phản đối, nhưng lấy cớ sức khỏe có vấn đề, để không tự ra thông báo như vậy. Mọi liên lạc của Gorby với bên ngoài bị cắt đứt hoàn toàn—thế nhưng có một nhà báo ở Leningrad vẫn quay số và nói chuyện với Gorby bình thường, như không có gì xảy ra !? Sau này người ta có thể hình dung ra như sau: trước đấy Gorby đã có thỏa thuận với những lãnh đạo thân tín này, rằng để cải tổ đất nước, phải tiến hành những biện pháp mạnh mẽ, mà Gorby là “nhà dân chủ” nên không thể lãnh đạo được, phải có bộ máy khác—muốn thế phải có cách để loại chính Gorby ra khỏi ghế lãnh đạo, cần một tình trạng khẩn cấp mới có thể giải quyết được việc đó...
— Nửa đêm 18/8 sang ngày 19/8 phó tổng thống Yanaev tự ký thông cáo chuyển mọi quyền hành của Gorbachev sang bản thân mình. Quan trọng nhất: GKChP tuyên bố từ ngày hôm này, Thỏa thuận về việc thành lập CCCP từ 1922 đã mất hiệu lực pháp lý (đây có lẽ là mục đích quan trọng nhất !). Sau này GKChP giải thích mục đích của họ chính là gìn giữ CCCP, không cho đất nước tan hoang...
— “Ngưòi anh hùng” xuất hiện cứu quốc gia: Boris Yeltsin lập tức tuyên bố GKChP là “những kẻ phản bội”, hành động của GKChP là “hành động lật đổ quốc gia”, và đến 20/8 ông tuyên bố tất cả các cơ quan hành pháp của CCCP sẽ được đặt dưới sự lãnh đạo của chính phủ Nga, tức là dưới quyền kiểm soát của chính ông (hãy nhớ là CCCP nhé, trong khi ông là Tổng thống Nga—nhưng vì Gorbachev là lãnh tụ cao nhất của CCCP nên lúc này Yeltsin làm vậy cũng không mấy ai thấy “chướng tai gai mắt”—đang lúc nước sôi lửa bỏng mà ! )
— Sự việc xảy ra lúc 04 giờ sáng ngày 19/8/1991 tại nhà nghỉ Foros, mà mới 04h15 Boris Yeltsin đã biết ngay “từ đài báo, truyền hình” (?!) và thế là đang từ Alma—Ata ông bay về Moscow (mà không hề sợ GPChK, và cũng không hề có bất cứ trở ngại nào từ phía GKChP đối với tổng thống này !). Sứ quán Mỹ đề nghị Yeltsin tạm trú tại đấy trong trường hợp nguy cấp, nhưng ông từ chối. Ngày hôm sau Mỹ đề nghị cung cấp cho bộ máy của Yeltsin mọi thông tin cần thiết từ mạng lưới tình báo của CIA tại các nước cộng hòa nếu cần.
— GKChP tuyên bố về bản thân Ủy ban này, ban bố về tình trạng khẩn cấp toàn quốc , cấm một vài báo đài... Nhưng ngay lúc đó nhiều người đã khó hiểu về cách điều hành quá kỳ lạ, lúng túng của GKChP —đáng nhẽ ra họ toàn những kẻ kỳ cựu trong bộ máy lãnh đạo, nắm trong tay cả quân đội, nội vụ, an ninh, truyền thông... toàn CCCP (!) thì phải khác lắm. Đằng này đài, báo của các nhóm dân chủ được vẫn hoạt động bình thường, thực chất tình trạng khẩn cấp, lệnh giới nghiêm... chỉ có tác dụng chút ít ở trung tâm Moscow và Leningrad, còn khắp CCCP chả có ảnh hưởng bất kỳ nào, “không khí lễ hội” (đúng như Minh Triết miêu tả) khắp nơi, người dân tò mò đổ ra đường xem có gì xảy ra không, tại sao lại có cả đoàn xe tăng, xe bọc thép đi vào thủ đô làm gì (đó thực ra GKChP muốn làm cho có vẻ căng thẳng một chút, chứ chẳng lẽ không làm gì cả, kịch bản có sẵn rồi... )? Người dân sau này vẫn nhắc mãi đến Yanaev, Kriuchkov... khi họp báo mà tay cứ run run ! Rõ ràng họ đang phải diễn những vai mà chưa được tập dượt, chứ không phải thực tâm họ muốn làm những việc như vậy !
Có thể “đảo chính” được không, nếu hôm đó đích thân Kriuchkov còn họp với các cấp dưới của mình trong Ủy ban An ninh quốc gia về việc phân công đi thu hoạch khoai tây cho vụ mùa sắp tới?
— “cách mạng” phải có đổ máu, mà do tội ác của lũ “kẻ xấu” khát máu, trong GKChP còn đang run như cầy sấy như thế thì đổ máu thế nào? Muốn thế chỉ có cách kích động đám đông vô thức—cái việc mà cả cộng sản, cả CIA đều thuần thục. Địa điểm lựa chọn là một nơi trên đường phố chỉ cách “nhà trắng” của chính phủ có 1,5 km. Theo lời tướng Varennikov kể lại: Một chiến lũy được dựng lên, cả hai bên chiến tuyến đều là những chàng trai trẻ, các phóng viên của các thông tấn xã nước ngoài đã được báo trước để có mặt quay phim... Một đoàn xe quân sự đang đi tuần theo lộ trình, chẳng ảnh hưởng đến ai, không chẹt, không bắn, không bắt bớ ai... bỗng dưng bị chặn trên đường, tấn công bởi một đám đông được khích động sẵn, bằng đủ các thứ chai lọ, bom xăng... Thanh niên nhảy lên xe bọc thép, lấy thân mình che hết cửa sổ để nhìn (lái tăng không nhìn thấy rất dễ đâm vào đám đông, may mà điều này không xảy ra, thậm chí dân tình còn mở cả nóc xe tăng để lôi lính lái tăng ra, và thế là súng nổ (đúng theo điều lệnh thôi), có 3 thanh niên xấu số đã tử thương, đó là tất cả thương vong của August Putch 1991 ! Ngay đến công an, quân đội cũng không thể nào ngờ đến kịch bản này ! Mục đích đã đạt được vào ngày 21/8/1991 đó: ở CCCP xảy ra thảm kịch, Tổ quốc lâm nguy... Sau này tòa án đã tha bổng cho tất cả binh sỹ của sự kiện này, vì họ đã thực hiện đúng phận sự !
— rất nhiều các lãnh đạo các nước cộng hòa cũng như các tỉnh, các quân khu trong buổi sáng 19/8 ấy đã tuyên bố ủng hộ đường lối của GKChP, đến chiều ngày hôm ấy đã lập tức đổi giọng, sang ngày hôm sau tuyên bố ủng hộ Yeltsin, và sau này rất ít khi nhắc lại hành xử của chính mình trong những giờ khắc “nguy nan” đó. Ở khắp nước Liên Xô rộng lớn người dân (và cả chính quyền) không thấy có gì khác thường, chỉ dài cổ ngóng tin tức trên TV.
— Hàng chục ngàn người (cũng như tất cả nhân dân CCCP, thậm chí đại đa số các quốc gia) bị lừa ngoạn mục, đã tự nguyện xuống đường đấu tranh bảo vệ “Nhà trắng”, theo lời kêu gọi của Boris Yeltsin, dường như để chống lại một cuộc tấn công sắp xảy ra, trong đó có cả nhạc công vĩ đại Rostropovich, tên trùm khủng bố sau này Shamil Basaev, người giàu nhất nước Nga sau 10 năm nữa và tù nhân chính trị nổi tiếng nhất Khodorcovsky, phó thị trưởng thành phố Moscow Luzkov với người vợ đang chửa, rất nhiều nhà văn hóa lớn, sinh viên, cựu chiến binh Afganistan, thậm chí những ông bà già đã về hưu cũng xuống đường bảo vệ “Nhà trắng”—thực ra sau này khi ra tòa thì nhân chứng của cả 2 phía đều thống nhất, chưa bao giờ có ai ra lệnh tấn công cả, nên chuyện “bảo vệ” ở đây là hoang tưởng...
— Trong cuộc họp báo đầu tiên, câu hỏi của một nữ phóng viên trẻ 24 tuổi dành cho Yanaev—thủ lĩnh của GKChP (thực ra sau này mọi người ưa đổ vai trò thủ lĩnh cho trùm KGB Kriuchkov), rằng “Các ông có biết việc đêm qua mình làm là đảo chính quốc gia không, và các ông thấy nó giống đảo chính nào hơn, năm 1917 hay 1964?” thì thủ lĩnh của bọn “kẻ xấu” run rẩy trả lời, đại ý là từ năm 1985 ngài Gorbachev cầm quyền đã làm được rất nhiều việc tích cực, bản thân tôi coi Misha là bạn, ông ấy đang ở nhà nghỉ và tuyệt đối không có gì đe dọa ông ta hết, còn hy vọng rằng sau khi bồi bổ sức khỏe Gorby sẽ quay lại vai trò lãnh đạo và chúng tôi sẽ cùng hợp tác... Quả là cái này không thể có trong kịch bản bất kỳ cuộc “đảo chính” nào được !
— quân đội đóng tại Moscow nhưng chẳng có hoạt động nào cụ thể, các dân biểu đi kêu gọi tướng tá theo bên này, bên kia... Yeltsin phát biểu tại cuộc mitting kỷ lục có tới 200000 người dân, gọi bọn GKChP là “tội phạm hình sự” . Bọn “tội phạm” thực sự hoàn toàn có thể chiếm quyền lãnh đạo CCCP, nhưng đó không phải là “kịch bản” thế nên chúng lúng túng đến mức chẳng biết làm gì, bàn chuyện bay đến Foros gặp Gorbachev !! Bên chính phủ Nga cũng cử đoàn quan chức, tướng tá bay máy bay khác, cũng đến Crimea nơi có Gorby...
— 21/8/1991: chiều hôm ấy Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao CCCP ra quyết định không công nhận hợp pháp việc GKChP truất quyền Gorbachev, cách chức Yanaev và hủy bỏ mọi quyết định của GPChK. Yanaev ngoan ngoãn ký sắc lệnh giải tán GKChP. Đêm đó Viện trưởng Viện kiểm sát Liên bang ra lệnh bắt giữ những kẻ liên quan.
— 22/8/1991 ban đêm cả hai máy bay từ Crimea quay lại Moscow, trong đó Gorby đã không còn ốm yếu gì nữa, ngồi chung máy bay với “kẻ xấu” Kriuchkov (!?). Khi máy bay hạ cánh thì tất cả những kẻ liên quan đến GKChP đều bị bắt giữ, và 6h sáng hôm đó Yanaev bị bắt tại nhà riêng... Tức là sau chỉ 3 ngày “đảo chính” đã bị dập tắt, GKChP bị bắt toàn bộ, thêm một số lãnh đạo tối cao nữa, ví dụ Lukyanov—Chủ tịch Hội đồng Xô viết tối cao CCCP (và sau đó vài giờ cả Khazbulatov—vì tội “bênh Lukyanov !!” Từ những cuộc thẩm vấn đầu tiên Kriuchkov, Yazov ... đều không công nhận rằng đã có một cuộc đảo chính, và họ hoàn toàn vô tội ! Bộ trưởng Nội vụ Pugo và vợ tự tử ở nhà, bắn từ một khẩu súng lục nhưng ai bắn ai trước đến bây giờ vẫn chưa xác định xong, tin đồn vẫn dai dẳng rằng đầu của Pugo bị trúng 2 viên đạn, và cái chết này bắt đầu cho một chuỗi vụ tự tử khá kỳ lạ của quan chức cấp cao KGB. Nếu nói rằng có “Putch 8/1991” ở Moscow, thì phải nói rằng nó bắt đầu 22/8 và đã rất thành công !
— 23/8: Yeltsin đến Kreml gặp Gorbachev, bảo ông này phải bãi bỏ tất cả sắc lệnh đã ký từ hôm qua—cách chức thành viên của GPChK và thay tạm bằng người mới, và từ nay trở đi chỉ được ký những gì Yeltsin đã duyệt. Lúc đầu Gorbachev định không chấp nhận (lý do yếu ớt là “đã trót in ra rồi”) nhưng Yeltsin đòi hỏi bằng được ! Rồi ngay tại cuộc họp Hội đồng Xô viết tối cao CCCP Yeltsin đã tự ký lệnh (!! Mặc cho Gorbachev phản đối !?) tạm dừng hoạt động của Trung ương Đảng cộng sản Nga, với lý do đã dám ủng hộ GKChP !
(Tòa nhà Trung ương Đảng CS được cho 45 phút để sơ tán người, tất cả tài liệu và vật dụng phải để lại, và thế là trong vòng 45 phút tất cả chạy sạch sành sanh, từ các ủy viên trung ương đến cán bộ công nhân viên... Quả là chẳng còn một ai đấu tranh cho “lý tưởng” !). Sau đó vài tháng Yeltsin đã cấm luôn đảng cộng sản trên toàn quốc !
— 24/8 Gorbachev — đương kim Tổng thống CCCP tuyên bố rời khỏi chức vụ Tổng bí thư Đảng cộng sản và đề nghị tất cả đảng viên tự giải tán (cấm hoạt động rồi thì còn làm ăn gì !?). Nguyên soái Akhromeev tự tử tại cơ quan, sau khi để lại bức thư: “ Tôi không thể sống được, khi Tổ quốc tôi tan vỡ, và người ta phá hủy đi mọi thứ tôi đã từng coi là thiêng liêng... Tôi đã chiến đấu đến cùng”. Sau đó còn một loạt quan chức cao cấp cứ thế ngã từ ban công...
— tháng 12/1991 Liên bang CCCP không còn tồn tại nữa !
— tội “phản quốc” này chắc phải là nặng nhất trong các tội hình, vậy thì kết cục của những kẻ tội đồ này ra sao? Năm 1994 tất cả những kẻ còn sống đều được ân xá, trừ một “người đàn ông đích thực”— Varenikov, Tổng tư lệnh bộ binh Nga— từ chối nhận ân xá mà đòi xử để giải oan, và cuối cùng Tòa án tối cao đã phải tha bổng, vì ông khẳng định mình “đã chiến đấu chống lại sự gục ngã của Tổ quốc thân yêu”... Lẽ nào những kẻ phản bội Tổ quốc, lật đổ tổng thống lại được ân xá dễ như vậy? Đơn giản vì làm gì có “Putch” nào !
Hãy nghe chính Yeltsin nói: “Tôi để ý đến điện thoại, tất cả đều hoạt động, chứng tỏ mọi việc bình thường... Đây rõ ràng không phải một cuộc đảo chính quân sự”.
Yanaev nói nhiều lần: tài liệu của GKChP được soạn thảo theo chỉ đạo của Gorbachev !? Và “Tôi tuyệt đối chưa bao giờ công nhận rằng mình đã làm đảo chính. Chúng tôi chưa giải tán bất cứ một cơ quan nào, chưa bắt giữ bất cứ ai, kể cả thị trưởng Moscow Popov, người mà mỗi ngày 5—6 lần mang những thông tin tế nhị đưa vào đại sứ quán Mỹ”.
Tại tòa, Varenikov hỏi Gorbachev: “Sau khi chúng tôi gặp ông tại nhà nghỉ ở Crimea, ông còn coi mình là Tổng thống CCCP nữa không?” Gorbachev trả lời: “Tôi vẫn là Tổng thống”.
Gorbachev sau này 2008 nói về quan hệ của mình và Yeltsin: “Đã sai lầm rằng tôi không cử Yeltsin đi đâu đấy sản xuất thực phẩm gì đó từ chuối... Khi ông ta đòi tiến hành Hội nghị đảng đáng nhẽ phải khai trừ. Nhiều người đã đòi khai trừ ông ta vì những gì ông ta gây ra”. 17/8/2011 tại cuộc họp báo kỷ niệm “Putch 1991” Gorbachev công nhận rằng ông đã được báo trước rất nhiều lần về kế hoạch của GKChP...
Robert Michael Gates –giám đốc CIA thời đó và năm 1992 là giám đốc CIA đương nhiệm duy nhất từng thăm Moscow, đã đứng ở quảng trưởng Đỏ và nói rất khệnh khạng rằng: “Tôi đứng đây và chỉ huy đoàn quân duyệt binh, ngay ở nơi trái tim của kẻ khổng lồ đã gục ngã... ”
3/6/1992 Kriuchkov phát biểu về Yeltsin rằng ông này đã đổ mọi tội lỗi oan ức về việc phá vỡ Liên bang Xô viết lên đầu các thành viên GPChK. Sau này có thời gian Kriuchkov đã làm cố vấn cho Giám đốc An ninh Liên bang V.Putin. Điếu văn tại lễ tang Kriuchkov năm 2007—kẻ được coi là cầm đầu 8 tên lật đổ chính quyền Gorbachev— với sự có mặt của các quan chức cao cấp nhất của chính phủ và Ủy ban an ninh Nga trừ Putin nói: “Cuộc đời của tướng quân đội Kriuchkov là tấm gương phục vụ quên mình cho Tổ quốc và nhân dân !”.
Vậy phải hiểu sự kiện “August Putch” thế nào cho đúng?
Tóm lại như sau: Gorbachev thỏa thuận với GKChP trước, và sau khi GKChP bắt đầu hành động thì đã phản bội chính thuộc cấp của mình, qua đó cũng lừa bịp luôn cả nhâdn dân của Liên bang Xô viết ! Theo kịch bản thì Yeltsin là kẻ phải được hưởng lợi từ Gorbachev và sẽ phải thực hiện một số cam kết, tuy nhiên Yeltsin có vẻ cũng không hề thực hiện đúng và đủ như đã cam kết, nên quan hệ giữa hai nhân vật này trước sau gì vẫn luôn căng thẳng. Kẻ hưởng lợi nào nữa sau lưng Yeltsin thì chỉ có thể đoán ra, chỉ biết rằng trong thời gian các chương trình vận động bầu cử sau này Yeltsin đã tin tưởng giao nhiệm vụ bảo vệ mình—tổng thống Nga—cho đặc vụ Mỹ. GKChP bị Gorbachev đẩy vào chỗ trở thành tội đồ, trong số đó đau đớn nhất là Bộ trưởng Nội vụ Pugo, người đã tin tưởng hoàn toàn vào sếp của mình. Chẳng có “Putch” nào cả, cũng như 1917 đã không có Putch, theo một kịch bản giống hệt ! Khi đó Kerensky (đứng đầu chính phủ Nga bấy giờ) ra lệnh cho Lavr Kornilov—tổng chỉ huy tối cao của quân đội—đem quân vào Petrograd để lập lại trật tự. Khi Kornilov bắt đầu thực hiện nhiệm vụ được giao thì chính Kerensky tuyên bố đấy chính là kẻ phản bội và bắt giữ ông ta cùng với hàng loạt sỹ quan cao cấp, kết tội họ có âm mưu cướp chính quyền, một việc mà đến trong ý nghĩ những vị tướng Nga trung thành này có lẽ cũng chả bao giờ dám nghĩ ! Sau đó Kerensky thả hết những người bônsevich ra khỏi nhà tù và cấp cho họ vũ khí, và thế là chính những người bônsevich này sau hai tháng nữa đã lật đổ chính Kerensky và “Chính phủ lâm thời” của ông ta ! Sau đó hậu quả cũng tương tự: đất nước tan rã, nội chiến triền miên (vâng, sau 1991 cuộc chiến tranh với Chechnya chính là nội chiến, khi người Nga bắn giết người Nga).
Đây cũng là một cuộc “cách mạng nhung” mà ngay quốc tế cũng khó nhận biết ra sớm. Đúng như Lenin đã dạy: một cuộc cách mạng sẽ thành công khi người ta không chống lại nó ! Vai trò lịch sử của Gorbachev thật khó đánh giá sau một phần tư thế kỷ. Ông ta—vị tổng thống duy nhất trong lịch sử CCCP— quả là xứng danh “đồ phản bội”—đại đa số dân Liên Xô cũ ngày nay đều gọi ông như thế, cũng đáng thôi vì ông không chỉ phản lại những nguyên tắc của Đảng cộng sản mà chính ông là Tổng bí thư, mà còn đã phản lại chính những thuộc cấp của mình, những thành viên GKChP. Tuy vậy nhờ sự nhu nhược của ông mà Liên bang Xô viết tan vỡ hoàn toàn, Đảng cộng sản bị cấm hoạt động rồi giải thể... dù sao cũng ít đổ máu, thương vong. Đa số dân Nga liên tưởng những ngày tháng 8 năm 1991 với sự tan rã của Liên bang Xô viết, chứ không phải với chiến thắng trước chế độ độc tài ! Năm 1989 tại Thiên An Môn đã có một thử thách với “cách mạng nhung” như thế này, nhưng chính quyền Trung Quốc đã dã man gây ra cái chết của hàng trăm sinh viên, làm bị thương hàng ngàn người. Sau này lãnh đạo Trung Quốc kẻ cả nói với các dân biểu Nga: “Sai lầm và nỗi khổ của các vị là đã không tiến ra quảng trường, như chúng tôi đã làm năm 1989. Vâng, chúng tôi đã tàn sát vài nghìn người nhưng đã cứu được hơn một tỷ người Trung Quốc. Ngày nay Trung Quốc là một đất nước hùng cường, tiến bước những bước khổng lồ vào tương lai. Các vị đã đánh mất tương lai của mình ngay từ 8/1991”. Nếu kẻ độc tài khác ngồi ở địa vị Gorbachev , ví dụ Đặng Tiểu Bình thôi, thì có lẽ đã có một cuộc tắm máu rồi !
Đánh giá Yeltsin khó hơn nhiều. Yeltsin đã làm được một việc vĩ đại, nhưng quả là ông đã thấm nhuần phương châm“mục đích bào chữa cho biện pháp”. Gần chục năm cầm quyền của ông sau August Putch 1991 đã là một chục năm đen tối nhất của nước Nga mới, và dù có mưu lược bao nhiêu đi nữa, thì ông vẫn đi vào lịch sử như một tổng thống “nát rượu” chứ người ta chẳng còn nhớ đến các công trạng khác của ông. Người đồng nghiệp của ông, George Bush còn mất chức sớm hơn, đối với cử tri Mỹ thì việc Liên Xô tan vỡ hoàn toàn không có trong chương trình bầu cử trước đó của Bush ‘’cha” nên ông đã thua năm 1992. Tháng 8/1991 là thời điểm vinh quang nhất trong cuộc đời tổng thống Yeltsin, nhưng việc ông nắm được nhiều quyền lực quá lại biến chính ông thành một nhà độc tài mới ở nước Nga. Và thế nên lịch sử nước Nga sẽ còn biết một “Putch” nữa, năm 1993...
Bây giờ các bạn chắc đã hiểu tại sao Gene Sharp bảo “chính ông đã học ở người Nga rất nhiều” và “nếu người Nga chối rằng phương pháp đấu tranh chống bạo động không phải của họ, thì họ đã chối từ lịch sử, cái đó là rất dở !” (Ở đây phải hiểu “người Nga” bao gồm cả các dân tộc khác thuộc về Liên Xô cũ). Trước đó tại Algeria năm 1958 và tại Pháp năm 1972 các cuộc đảo chính thành công bằng con đường dọa nhân dân rằng sắp xảy ra cuộc nội chiến đẫm máu, cần phải có một lãnh tụ với bàn tay sắt (trong trường hợp này là tướng Charles De Gaulle) Trong vòng 25 năm sau trên lãnh thổ Liên Xô cũ đã xảy ra khá nhiều “đảo chính” tương tự, có thể kể đến đảo chính tại Gruzia, Kirgizia, Mondavia và hai cuộc “cách mạng da cam” ở Ucraina. Đã có những cố gắng tiến hành chống đối tại Armenia và Bạch Nga. Cuộc lật đổ cuối cùng ở Kiev cũng có nhiều điểm giống Maidan “của Yeltsin” năm 1991 hay năm 1917. Và the show must go on !
Tái bút: Gene Sharp tuy chỉ là một mắt xích nhỏ trong câu chuyện này, nhưng rõ ràng lý thuyết của ông đã được đưa vào thực tiễn một cách rất thành công, tuy rằng khá lộ liễu. Thêm vài lời về ông: suốt hơn 6 thập niên dày công nghiên cứu và đóng góp, nhưng ông vẫn nghĩ là việc làm của mình chưa xong—ông vẫn còn muốn viết một quyển sách về Albert Einstein. Chính quan tâm của Einstein về những chế độ độc tài toàn trị đã khiến Sharp đặt tên cho viện nghiên cứu nhỏ của ông lập ra là Albert Einstein Institution (Einstein cũng là người đã viết lời giới thiệu cho quyển sách đầu tay của Sharp nói về Ghandi).
Các nhà bình luận cho rằng, nếu Albert Einstein là thiên tài của khoa học thì Gene Sharp là thiên tài của tự do. 2 tác phẩm quan trọng nhất: “Từ chế độ độc tài đến dân chủ” viết dành tặng Myanmar và ngọn cờ của dân tộc này— Aung San Suu Kyi—vào năm 1993. Cuốn “198 phương pháp đấu tranh bất bạo động” cũng nổi tiếng—trong đó có một mục bị chỉ trích mạnh mẽ, đó là mục 148 —“nổi loạn”(Rebelion).
Ông chưa từng lấy vợ dù suýt thành hôn 3 lần. Ông không có con và chẳng biết có còn thân nhân nào ngoài cô phụ tá Jamila thương ông như Cha và thần phục ông như Thầy. Chính cô đã phải chạy trốn khỏi quê hương từ năm 5 tuổi khi đất nước Afghanistan của cô bị Liên Xô xâm chiếm. Ông cũng coi nền dân chủ ở Mỹ còn lâu mới hoàn hảo, do đó ông khẳng định không hề yêu nước Mỹ cho lắm mặc dù không chối rằng đã có quan hệ nhất định với chính quyền Mỹ— ông bảo “nước Mỹ thì không giống thiên thần tí nào !”. Có lẽ vì vậy mà “nhà cách mạng lý thuyết” này đã được đề cử nhận giải Nobel Hòa bình tới 4 lần mà chẳng được lần nào !
Putch 1993 lại là một câu chuyện khác nữa...
Nam Nguyen