FPT buổi đầu (kỳ 4)
(GHI CHÚ: Một số độc giả cứ giục tôi viết tiếp cho nhanh để họ nhâm nhi nhân lễ sinh nhật thứ 28 của FPT. "Dục tốc bất đạt", "Phúc bất trùng lai", tiếng Việt vẫn trong sáng không cần Hán ngữ nhỉ. Dịp này tôi đang di chuyển ven biên giới Việt-Trung, đến tối thì dựng lều ngủ trên núi, không phải dễ tìm ra nơi vào được mạng Internet. Mặt khác xa nhà thì không có gì ngoài trí nhớ vốn đã mong manh sau cú đột quỵ thứ hai. Thôi thì hôm nay tạm dùng nó còn khi về HN sẽ cập nhật ảnh để đáp ứng bạn đọc.)
TƯ LIỆU VÀ LỊCH SỬ
Hơn chục năm trước, đại phẫu thành công, tôi nằm dưỡng bệnh suốt 10 tháng tại một căn phòng thuê. Lúc đó, hai con tôi đã lớn nên cần chỗ riêng, tức là phải bỏ ngôi nhà ấm cúng xưa kia các nhóm khởi nghiệp kể cả FPT từng đến hội họp nhiều lần. Những gì có vẻ sạch sẽ, mới mẻ trong đống sách vở, phim ảnh, băng đĩa... để lung tung khắp nơi của tôi được cô giúp việc nhặt nhạnh vội vàng và chia thành từng bọc buộc dây chặt chẽ để gửi sang láng giềng.
Sau khi từ cõi chết trở về, phát hiện đau đớn đầu tiên là kha khá kỷ niệm bị lẫn vào số mà bà đồng nát mang đi hoặc bị mối mọt và thời gian hủy hoại. Chẳng hạn hàng nghìn trang bản thảo của tôi với nét bút đẹp của cô thủ thư ngày nào nắn nót ghi lại trên giấy xấu. Và vài thứ quý nữa như cuộn phim chụp Bùi Xuân Phái trong triển lãm ở phố Hàng Buồm và bức tranh khỏa thân nho nhỏ với chữ ký của chính họa sĩ.
Vậy là phải lập thư viện để không bị thất thoát nữa. Dần dần tôi bày lên mấy kệ sách những tài liệu cần dùng, sách mới mua hoặc mới được tặng, còn 4 cái tủ vẫn đang chứa các bọc chưa được mở ra. Liệu những thư từ, biên bản và nhật ký có còn không ? May mà mấy chục cuộn phim nhựa khác của tôi chưa vượt quá ngưỡng mốc. Tôi đem chúng đi rửa và giá trị kết quả thì các bạn có thể tự nhận định qua những hình tôi đang đăng dần lên mạng dù chất lượng nhiều khi rất xoàng.
Từ hồi lớp 5 tôi đã yêu thích môn sử, khi lên đại học lại được nhiều bạn gọi đùa là "nhà khảo cổ" vì hay lục mua sách cũ và thăm viếng các di tích. Nhờ có dịp may mắn chạm đến những nền văn minh khác nhau và đọc khá kỹ sử nhà, tôi thấy rằng chúng ta hoặc không có ý thức hoặc không biết cách thu thập và bảo vệ tư liệu thì chỉ có thể viết được dã sử. Cuốn “Sử ký FPT” dù qua biết bao tay biên tập và in ấn tuyên truyền công phu cũng chẳng đạt được kỳ vọng của Trương Gia Bình...
Tôi xin quay trở lại năm 1989, khi Bình, Ngọc ra nước ngoài, Kỳ, Tiến, Hà và anh chị em ở lại vật lộn chèo chống con thuyền nhỏ FPT. Như đã nói, phần lớn chúng tôi xuất thân hàn lâm. Mỗi mình anh Nhuận và đám quân của anh từng lăn lộn trong kinh tế thị trường lâu hơn cả. Nhưng đáng tiếc rằng anh Nhuận phải đi đâu đó suốt ngày, rất ít khi tôi được gặp để học hỏi kinh nghiệm. Đám Cơ-Điện-Lạnh do anh kéo về FPT là đông nhất, chủ yếu gồm dân kỹ thuật áo xanh, rất khéo tay và có thể uống cồn pha loãng, tính cách nói chung cũng rất khác lũ “viện sĩ” áo trắng đeo kính.
Giữa thời kỳ trứng nước của FPT và nước sôi lửa bỏng của Việt Nam, bắt đầu có những sự kiện bất chợt đến với tôi...
Trời đang hửng nắng và có thể chụp ảnh. Phải chăng đã đến lúc nói lời tạm biệt ?
(trở về Hà Nội sẽ biên tiếp)
NCCông (FB: Cong Chi Nguyen)