Thế giới quan khoa học (6)
Hàn Thuỷ
Hàn Thuỷ3.Thời Sơ Sử (tiếp)
Từ tiếng nói đến chữ viết
Thời sơ sử, cũng thường được gọi là thời đại đồ đồng, có những đặc trưng như: nền kinh tế nông nghiệp, sự xuất hiện thành thị, nghề đúc đồng mun, thương mại có tổ chức trên những địa bàn rộng, mẫu quyền trở thành phụ quyền (1), xuất hiện chữ viết...
Qua những đặc trưng ấy, liệu chúng ta có thể mường tượng độ phức tạp trong tư tưởng con người thời sơ sử là như thế nào? Những chứng từ cụ thể của hoạt động tư tưởng, như các hiện vật và những hình thức kiến trúc mà khảo cổ học đã phát hiện, cho thấy một trình độ kỹ thuật thủ công khá cao. Còn lại, vừa trừu tượng hơn vừa gần với tư duy hơn, là ngôn ngữ; được ghi lại qua những hình thức chữ viết từ sơ khai đến hoàn chỉnh. Tuy nhiên, bài này chưa đề cập đến những hiểu biết về xã hội loài người thời ấy, đã được người đương thời ghi lại bằng chữ viết. Vì đó đã là những sự thật lịch sử rồi (tuy rằng những hiểu biết này cần được phê phán và điều chỉnh, vì quan niệm ngày xưa về lịch sử cũng không hẳn như hiện nay). Chỉ riêng việc hình thành chữ viết, và ảnh hưởng của chữ viết trên tư tưởng con người, đã là một chủ đề quan trọng và thú vị cho bài này.
Nhưng trước đó cũng xin nhắc lại: ở đây chỉ nói về mặt « hình nhi thượng », tức về những « di truyền » văn hoá mà con người được thừa hưởng cho tới nay, trong những môi trường khá khác biệt. Còn về mặt di truyền sinh học thì những thay đổi về khả năng tư duy bẩm sinh giữa các chủng tộc loài người (đặc biệt là giữa những chủng tộc có chữ viết và những chủng tộc không có chữ viết) là hoàn toàn không đáng kể.
1. Nguồn gốc các chữ viết hiện nay
Theo nhà nhân chủng học Jack Goody [1, tr.44–53], thì ở các cựu lục địa chỉ có 7 hệ thống chữ viết cổ:
● Chữ của người Sumer–accadien (Uruk) tại vùng Lưỡng Hà, khoảng từ năm –3100 đến năm +75 theo mốc Tây lịch; biến thiên từ hình vẽ sang cách viết « ấn góc » hay “hình nêm” (cunéiforme) trên đất sét, có thể nung để giữ.
● Chữ của người Elam, cũng tại vùng này, khoảng từ –3000 đến –2200;
● Chữ Ai Cập, từ khoảng –3100 đến khoảng +200;
● Chữ của người Indus cổ, khoảng từ –2200 đến –1000;
● Hai loại chữ tuyến tính ở vùng đảo Crète và Hy Lạp (Linéaire A và Linéaire B) khoảng từ –2000 đến –1100;
● Chữ của người Hittite, vùng Anatolie (Syrie) khoảng từ –1500 đến –700;
● Chữ Hán, kể từ khoảng –1500, là thứ chữ duy nhất được phát triển liên tục từ thời sơ sử mà không chết.
- Biến thiên của chữ Hán « Ngư » (cá) [2, tr.484]
Trong số 7 loại chữ này có 3 loại hiện chưa giải mã được, đó là chữ Elam, chữ Indus và chữ Linéaire A.
Ngoài ra tại châu Mỹ cũng có bốn thứ chữ cổ của người Maya, người Zapotèque, người Aztèque và người Mixtèque [1, tr.36–39], chưa được giải mã đầy đủ.
- Hình thành và biến dạng của chữ « ấn góc » [3, tr.590]
Tất cả những chữ viết thời hiện đại chỉ có hai nguồn gốc độc lập mà thôi. Thứ nhất là loại chữ tượng hình / biểu ý: chữ Hán với các biến thể như chữ Nhật, chữ Triều Tiên và chữ Nôm. Thứ hai là các loại chữ tượng thanh bằng một số mẫu tự rất nhỏ (trên dưới 30) trong một bảng chữ cái, tất cả (2) đều thoát thai từ chữ của người Phénicien (Bờ Đông của Địa Trung Hải: Israël, Palestine, Liban ngày nay). Hiện nay người ta nghĩ rằng vào khoảng thời gian –1300, xuất hiện chữ Phénicien [4], với chỉ có 22 ký tự. Đây là một đột biến táo bạo, nảy sinh sau một thời gian cọ sát giữa nhiều thứ chữ cổ giao lưu với nhau qua vùng ngã tư Cận Đông, khi các thứ chữ đó đều đang trên quá trình đi từ tượng hình đến tượng thanh (3). Chữ Phénicien được truyền đi, biến dạng theo nhu cầu, để ghi lại được mọi loại tiếng nói. Ba nhánh chính là: Ở tại chỗ thành hình các loại chữ Do Thái, Ả Rập; đi về phía Tây thành loại chữ Hy Lạp – Latinh – Cyrilic; truyền sang phía Đông thành các loại chữ Pali và Sanscrit của Ấn Độ, và các biến thể khác ở Đông Nam Á (Lào, Thái, Campuchia, Indonesia...).
Qua tóm tắt trên đây và nhìn lại lịch sử bành trướng của người Hán [5, tr.90–95], của văn hoá Hy Lạp – La Mã tại châu Âu, ta thấy rằng: a) trong những điều kiện kinh tế xã hội nhất định của loài người thì việc nảy sinh ra chữ viết là một quy luật tự nhiên. b) Nhóm dân cư đầu tiên có chữ viết trở nên ưu việt hơn hẳn những nhóm dân cư chung quanh, họ dễ dàng bành trướng hay/và chữ viết của họ được dễ dàng đón nhận. Đó là lý do tại sao có rất ít nguồn gốc chữ viết: sẽ có, và chỉ có, những hệ thống chữ viết khác nhau khi các tập đoàn dân cư biệt lập với nhau và đạt đến một hình thái xã hội nhất định (trường hợp châu Mỹ).
- 22 chữ cái Phénicien, từ nguyên, cách đọc, và hậu duệ latinh [4]
Vậy những yếu tố nào đã thúc đẩy sự hình thành chữ viết? Và tại sao việc có chữ viết đã đem lại những ưu thế ghê gớm như thế? Nói bằng khái niệm hiện đại thì cũng đơn giản: chữ viết là một phương tiện lưu trữ và xử lý thông tin bền vững và hữu hiệu. Thế mà, tự cổ xưa cho đến nay, xử lý thông tin là một đòn bẩy phổ quát cho mọi hoạt động của con người: kinh tế, quân sự, giáo dục... dù người ta xử lý thông tin một cách có ý thức hay không.
Ở thời sơ sử, khi nền kinh tế nông nghiệp được ổn định và bắt đầu hình thành các đô thị và thương nghiệp, thì nhu cầu xử lý thông tin cao hơn trước, và hệ thống chữ viết thoả mãn được những nhu cầu cao ấy: tính toán, mua bán (« văn tự » vừa là « chữ nghĩa » mà vừa là « giấy mua bán ruộng/nhà... »! ) v. v. Đồng thời ý thức về cộng đồng cũng được củng cố qua việc truyền bá dễ hơn các huyền thoại và sử thi, một nguồn gốc của văn chương.
Phải nói rằng ngôn ngữ truyền khẩu cũng đã là một phương tiện xử lý thông tin rất cao rồi. Các xã hội không có chữ viết vẫn giữ lại được từ đời này sang đời kia những huyền thoại tuyệt vời, cũng như những hiểu biết thực tế về toán học, về thiên văn, về y học. Điều này bây giờ đã hiển nhiên, qua những nghiên cứu nhân chủng học người ta hiểu rõ các phương thức « di truyền văn hoá » như các nghi thức sinh hoạt săn bắn, hội hè, tế lễ..., với những vai trò đặc biệt của các « thầy mo », « phù thuỷ », « già làng »... Phương tiện truyền tin là tiếng nói, « bộ nhớ » là những bộ óc của các nhân vật đó, cộng với một số phương tiện cụ thể giúp trí nhớ khác như hình vẽ, nét khắc, tiền thân của chữ viết.
Rồi sau mấy nghìn năm loài người có chữ viết, dần dần huyền thoại trở thành lịch sử, ma thuật trở thành khoa học, và đồng thời xã hội phân hoá mạnh hơn. Đó là những điểm ta sẽ tiếp tục nói đến sau đây.
2. Huyền thoại và sử thi
Hai hình thức tồn tại của huyền thoại (myth, mythe) và sử thi (tên khác là anh hùng ca) là một, người ta chia ra hai loại văn chương truyền khẩu này do nội dung của chúng: Anh hùng ca, hay sử thi, (epic, épopée) nhằm kể lại những đấu tranh của bộ lạc, gây ý thức về cộng đồng. Cũng như những chuyển biến trong quan hệ nam/nữ. Nó nói nhiều đến quan hệ giữa các nhóm người. Trong khi đó huyền thoại là một hình thức giải thích thế giới và sự hiện hữu của loài người, nói nhiều đến quan hệ giữa người và tự nhiên. Để gộp chung lại hai khái niệm thật ra cũng không phân chia rạch ròi này, xin dùng chữ « huyền sử »
Huyền sử chiếm một vị trí bản lề đặc biệt trong các nghiên cứu về sự chuyển biến từ văn hoá truyền khẩu đến văn hoá chữ viết. Chính vì người ta biết huyền sử đã có từ các nền văn hoá truyền khẩu, sau được ghi lại khi con người có chữ viết. Nhiều nơi trên thế giới chưa có chữ viết nhưng đã có những huyền sử dài và đẹp, thí dụ như những sử thi Tây Nguyên ở Việt Nam... Và, theo các nghiên cứu nhân chủng học, các bộ tộc chưa có chữ viết tại châu Phi, châu Úc, châu Mỹ, đều có huyền thoại hay/và sử thi cả.
Huyền thoại (myth, mythe) là một hình thức giải thích thế giới và sự hiện hữu của loài người. Muốn có giải thích tức là đã có câu hỏi, có câu hỏi tức là đã có quan sát. Nhưng ở huyền thoại việc quan sát thế giới được dính liền với nhiều tưởng tượng chủ quan, và việc giải thích thì không bận tâm về những mâu thuẫn lôgíc nội tại. Đó là những cấu trúc xây dựng tuỳ tiện khi cần thiết, theo dòng các câu hỏi đặt ra: người ta sáng tạo một vị thần ở đằng sau mỗi hiện tượng cụ thể như thần sấm, thần gió... theo mô hình con người, với cả hỷ nộ ái ố, cộng thêm những khả năng siêu nhiên.
Như thế là tư duy thần thoại đã đạt đến một trình độ trừu tượng nào đó, nếu hiểu tư duy trừu tượng là biết dùng « biểu tượng », dùng một hình tượng cụ thể để nói về một hiện tượng tự nhiên khác. Tuy nhiên, biểu tượng trong thần thoại chính là lấy mẫu từ con người với những dục vọng và tình cảm của nó, chỉ có những hoạt động cụ thể trong những hoàn cảnh cụ thể, không bao giờ lặp lại giống hệt nhau. Để đạt đến việc sáng tạo những biểu tượng bất biến, với những thao tác lặp lại được, như những hoạt động của biểu tượng khoa học sau này thì con đường còn dài. Cho nên những giải thích trừu tượng trong thần thoại nhằm đến sự yên ổn về tâm lý chứ không nhằm sự hữu hiệu trong hành động, khác với khoa học ở chỗ đó.
Tuy rằng ngày nay đã được tách ra khỏi tư duy khoa học, huyền sử, qua những biểu tượng của nó, vẫn là một kích thước không thể thiếu trong tư duy thẩm mỹ và ý thức về bản sắc của con người. Do đó các huyền sử trên thế giới vẫn được nghiên cứu nhiều, và các nhà nghiên cứu vẫn dựa trên huyền sử để đưa ra nhiều giả thiết khác nhau về tâm lý sâu thẳm của con người.
Nhận xét cuối cùng về huyền sử là: Có sự khác biệt lớn giữa những huyền sử được ghi âm lại từ lời kể của các bộ tộc hiện còn sống theo văn hoá truyền khẩu, và những pho huyền thoại đồ sộ của Hy Lạp, của Ấn Độ... đã được truyền lại hàng nghìn năm nay qua hình thức chữ viết rồi. Điều này chứng tỏ những huyền thoại « viết » đã được « viết lại » bởi những bộ óc chọn lọc của một nền văn hoá cao, có chữ viết giàu về mặt khái niệm và phức tạp về cơ cấu, có toán học, y học hiệu quả. Và như thế phải nói rằng tư duy huyền sử không phải chỉ là « giai đoạn trước » của tư duy khoa học, khi đã có khoa học rồi thì không cần đến nữa. Mặt khác những huyền sử truyền khẩu tuy không đồ sộ nhưng cũng đã quá phức tạp để có thể tự nhiên có ngay một hệ thống chữ viết để ghi lại. Bước nhảy vọt của con người không thể xa thế. Rất lâu sau khi có những chữ đầu tiên mới có thể có văn chương.
3. Quá trình hình thành chữ viết
- Nút giây ghi số của người Inca, hệ thập phân [6, tr.15]
Về mặt lịch sử tư duy khoa học thì vấn đề quan trọng là sự chuyển tiếp từ tư duy bằng huyền thoại đến tư duy bằng lý tính (từ mythos đến logos). Tuy nhiên, nói như thế chỉ đúng một nửa. Bởi vì, ngoài tư duy bằng huyền thoại với các biểu tượng « hướng nhân » (anthropomorphe) rất trừu tượng, như đã nói ở trên, con người tiền/sơ sử còn dùng những biểu tượng khác, tạm gọi là biểu tượng vật chất, đến thẳng từ những sinh hoạt cụ thể, và chính từ đó mới nảy sinh chữ viết.
Hình vẽ bên cạnh cho thấy hệ thống kế toán của người Inca, trong đó mỗi sợi dây là một con số, Người Inca không phải là những người độc nhất dùng giây thắt nút để làm kế toán, ghi nhớ nợ nần... có lẽ dùng nhiều là để ghi nhớ số con trong một đàn cừu hay đàn bò. Và người ta đã thấy những người sử dụng thường là không biết chữ, ngay cả khi họ sống trong một nền văn hoá có chữ viết.
- Bảng đất nung của người Sumer ghi số theo cơ số 60 [6, tr.15]
Tương tự như vậy, cái bảng bằng đất sét (nung hay phơi khô) của người Sumer, trong đó người ta đọc được ở dòng đầu: 145 cái túi (đựng gì đó không giải mã được); dòng thứ nhì là: 15 con (gà?); các dòng sau chưa giải mã được. Có thể đây là một hợp đồng đổi chác, hay một bản ghi nhớ của cải, của ai đó. Bảng này thì rõ ràng là ở thời sơ khai của văn minh chữ viết. Với thời gian, các hình vẽ được « chuẩn hoá » dần và trở thành chữ, số. Chuẩn hoá, có nghĩa một sinh hoạt xã hội rất có trật tự, có bàn thảo, so sánh chọn lựa... đi đến đồng thuận (quá trình này có thể không tự giác), hoặc qua mệnh lệnh, hoặc qua bắt chước nhau... Phải có tổ chức xã hội cao lắm mới có được chữ viết. Kể cũng hay, công việc chuẩn hoá chữ viết này tính ra thì chưa bao giờ ngưng nghỉ trong xã hội loài người. Chuẩn chữ viết quan trọng được thực hiện gần đây nhất chính là chuẩn Unicode, với nó người Việt Nam viết và đọc trên máy tính được dễ dàng, như giờ đây tôi đang viết bài này hầu bạn đọc...
Trở lại những nhu cầu xử lý thông tin mà chỉ có chữ viết mới giải quyết được trong một xã hội nông nghiệp: Để mua bán, kiểm soát của cải... người ta cần các biểu tượng vật chất, chứ không chỉ dựa trên trí nhớ. Cũng như vậy, công việc làm lịch, rất quan trọng cho cày cấy... cần đến quan sát thiên văn và ghi nhớ vị trí các vì sao để đo thời gian... Chính ở đây mà các nhà nhân chủng học, như Jack Goody [7, tr.160], nhận thấy một điều độc đáo: ngay từ đầu, chữ viết đã không phải chỉ là sự ghi nhớ tiếng nói. Trong ngôn ngữ viết có những điều không có trong ngôn ngữ nói. Đây là điều quan trọng mà ngay cả những nhà ngôn ngữ học lớn nhất, như Ferdinand de Saussure, cũng không thấy (« Lý do hiện hữu độc nhất của chữ viết là để ghi lại tiếng nói », F. de Saussure viết trong giáo trình ngữ học tổng quát; trích theo [7, tr.144] ). Thật vậy, chữ viết đem lại cho nội dung thông tin những cấu trúc rõ ràng hơn tiếng nói rất nhiều. Cụ thể là những hiện vật khảo cổ mang chữ viết sớm nhất đều là những danh sách, bảng biểu, tức là những thông tin hai chiều, chứ không phải chỉ có một chiều tuyến tính như tiếng nói. Cũng có thể nói thêm, ngay trong chiều tuyến tính thì với các dấu ngắt câu... chữ viết cũng đã chính xác hơn tiếng nói nhiều rồi. Ngược lại với câu của de Saussure, những phát biểu quan trọng nhất trong lịch sử loài người hiện nay đại đa số là đọc bài viết sẵn, trong đó tiếng nói chỉ là cái phát ra chữ viết. Những sai lầm của các bác học lớn đều phong phú.
Đến đây chúng ta chạm đến ảnh hưởng ngược lại của chữ viết lên trên đời sống con người, trong phát triển văn học, khoa học, kinh tế, học thuật... Vì vấn đề quá lớn, mà bài đã dài, sau đây chỉ có thể xới lên vài điểm.
4. Ảnh hưởng của chữ viết trên đời sống con người
Trước hết, chúng ta không nên quên là văn hoá truyền khẩu vẫn tồn tại một cách sống động, song song với chữ viết, trong một thời gian rất dài. Trước khi mà chữ viết trở thành phổ quát trong thời hiện đại – Cách mạng Pháp 1789 thiết lập cưỡng bức giáo dục với hiến pháp 1793; vậy có thể nói khoảng 200 năm trước đây không ở đâu trên thế giới có số người biết chữ nhiều hơn số người mù chữ. Việt Nam, trước Cách Mạng tháng tám cũng vậy... – thì nó vẫn chỉ là công cụ của một số người tương đối nhỏ trong dân số. Vậy thật ra xã hội hiện đại là xã hội phân hoá, trong đó người không biết chữ bị thiệt thòi và bị bóc lột. Chỉ cần nhớ đến những tiểu thuyết mô tả sự chiếm hữu đất đai của nông dân: sau khi họ khai phá rừng hoang, bỗng một ngày có người đến chìa ra tờ giấy chứng minh người ấy là chủ sở hữu của mảnh đất ấy...
Điểm thứ hai quan trọng là sự chuyển đổi từ giáo dục truyền khẩu sang giáo dục qua sách vở thể nào cũng có ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ óc con trẻ. Người không biết chữ tư duy theo một cách, và người biết chữ tư duy theo một cách khác. Sản phẩm của những tư duy đó là học thuật, văn chương, cũng khác nhau. Thơ có vần chủ yếu là di sản của thời truyền khẩu, với văn hoá nặng về chữ viết thì thơ không vần đã nảy sinh. Nền giáo dục nhồi sọ và bắt học sinh học thuộc lòng quá nhiều cũng do cái truyền thống truyền khẩu ấy.
Và hình như hiện nay chúng ta lại đang chuyển từ văn hoá chữ viết sang văn hoá hình ảnh. Khoa học tâm lý giáo dục còn rất nhiều điều phải làm để làm chủ được những chuyển đổi này.
Chẳng hạn, gần đây người ta đã đo hoạt động điện từ trong bộ óc các học sinh các nước khi học viết chữ, và thấy rằng học sinh trung quốc sử dụng bán cầu phải của não nhiều hơn học sinh Tây Âu. Bán cầu phải nặng về tư duy tổng hợp, âm nhạc, nghệ thuật; và bán cầu trái nặng về lý luận, phân tích. Cũng dễ hiểu, vì chữ biểu ý có tính tổng hợp cao hơn.
Vậy phải chăng do chữ viết mà đã có khác biệt Đông Tây trong di truyền văn hoá từ mấy ngàn năm nay rồi?
Hàn Thuỷ
Kỳ 1
Tài liệu tham khảo
[1] Jack Goody, Entre l’oralité et l’écriture, NXB PUF, 1994. Nguyên bản tiếng Anh: The interface between the written and the oral. Cambridge University Press, 1993.
[2] Tìm về cuội nguồn chữ Hán; Lý Lạc Nghị; nxb Thế Giới, Hà Nội 1998.
[3] Understanding Early Civilisations; Bruce G. Trigger; Cambridge University Press, 2003.
[4] Trang Web của Thư viện quốc gia Pháp: L’invention de l’écriture, và L’écriture phénicienne
[5] Lê Thành Khôi, Quelques pas au sud des nuages, nxb Les Indes Savantes, Paris 2005.
[6] Marie–Claire Amouretti & George Comet: Homme et techniques de l’Antiquité à la Renaissance; nxb Armand Colin, Paris 1993.
[7] Jack Goody, La raison graphique, Les éditions de minuit, Paris 1979. Nguyên bản tiếng Anh: The domestication of the savage mind. Cambridge University Press, 1977.
Chú thích
(1) Xem chú thích "mẫu quyền" ở kỳ 5.
(2) Đính chính: Không đúng thế, ngoài ra còn chữ Nhật tượng thanh có gốc từ chữ Hán, và chữ Hàn Quốc là sáng tạo độc lập. Chữ Hiragana (với một biến thể là Katakana) của Nhật, với 46 chữ cái, có từ thế kỷ thứ 9 tây lịch, được dùng để viết các tiếng thuần Nhật hay để phiên âm các tiếng nước ngoài, đôi khi kể cả chữ Hán. Người Hàn quốc có bộ chữ Hangul với 28 chữ cái từ giữa thế kỷ 15. Sau một thời gian bị sao lãng, từ đầu thế kỷ 20 chữ Hangul đã trở thành quốc ngữ của Hàn Quốc cho đến nay. Bộ chữ hiện dùng đã bỏ bớt 4 chữ cái còn 24 chữ. (Diễn Đàn số 154, 9.2005)
(3) Quy luật tổng quát cho mọi thứ chữ viết, kể cả chữ Hán, là bắt đầu bằng tượng hình, sau chuyển dần sang tượng thanh, bằng cách dùng một chữ duy nhất, có âm X, để biểu thị âm X trong mọi chữ khác. Một thí dụ rất vui: chữ @ (a còng) vốn là một tự dạng của chữ « aleph », có nghĩa là « con bò » và nó xuất phát từ chữ tượng hình cổ, vẽ cái đầu bò. Có phải chữ Hán do đơn âm nên đã tiến triển theo cả hai hướng tượng thanh và biểu ý, và không đi đến cùng?