Đông Tác

Blog

Trang nhà > Nghệ thuật > Tạo hình > NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN TRANH XUÂN CUNG

NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN TRANH XUÂN CUNG

Chủ Nhật 29, Tháng Giêng 2017, bởi Hoanh_Hai_Nguyen

BA TIÊU (CÂY CHUỐI)
Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem
(Nguyễn Trãi, thơ chữ Nôm)

Khác xa phong cách kín đáo nhẹ nhàng như trong bài thơ trên, xin giới thiệu một dòng sáng tác hội họa có từ rất xưa của phương Đông.

Tranh của Kunichika (1835-1900)

Tranh Xuân Cung, từ Hán-Việt là Xuân Cung Đồ (chungongtu) hay Xuân Họa [1], tên gọi một loại nghệ thuật hội họa tình dục của người Nhật, xuất hiện vào thế kỷ 7, phát triển mạnh trong TK 18-19, sau đó rất thịnh hành ở Nhật và được thế giới chú ý, có ảnh hưởng tới một số danh họa trong giới mỹ thuật phương Tây (như Toulouse-Lautrec, Beardsley, Rodin, Picasso…). Loại tranh dân gian này tương tự tranh Đông Hồ ở Việt Nam thường được in khắc gỗ, nhưng chỉ lấy đề tài sex.

Vì là tranh dân dã nên tranh Xuân Cung khá tục, diễn tả nhiều tư thế giao hoan nam nữ, thường dùng thủ pháp khoa trương kích thước bộ phận sinh dục đàn ông, không chú ý tỷ lệ cảnh vật và tính chân thực mà chú trọng làm nổi bật sắc mặt nhân vật, thể hiện nội tâm. Thông thường các nhân vật giao hoan trong tranh Xuân Cung thời xưa không khỏa thân 100% mà ít nhất đều có mảnh vải che thân, nhưng văn thơ đề trên tranh rất phóng túng... [2]

Nếu hội họa sex ở phương Tây chú trọng diễn tả cảm giác sung sướng của nam nữ khi giao hoan thì tranh Xuân Cung của người Nhật dường như diễn tả cảnh bạo dâm, nét mặt nhân vật thường là đau khổ. Người ta đoán đó là do các sextoy mà cánh đàn ông sử dụng gây ra. [3]

Thoạt tiên loại tranh Xuân Cung chủ yếu phục vụ y học, các thầy thuốc dùng tranh để dạy học trò. Tranh Xuân Cung do vị đứng đầu một viện tu đạo nam giới vẽ hồi TK11 có tên “Thi bộ phận sinh dục đàn ông” khởi đầu loại tranh Xuân Cung không phục vụ y học. Tranh này đã thất truyền. Bức tranh Xuân Cung cổ nhất hiện còn giữ được là tranh vẽ hoạt động đồng tính của các nhà sư đạo Phật.

Tranh Xuân Cung phản ánh đời sống sex của người Nhật. Từ TK 7, các đô thị nước này phát triển mạnh, kỹ nghệ sex phát triển theo. Tại Edo (Giang Hộ, nay là Tokyo) có riêng một khu vui chơi, hồi TK 19, nơi này có 394 quán trà, 153 kỹ viện (“lầu xanh”) với hơn 3000 kỹ nữ, kèm một đội ngũ đông đảo người phục vụ ăn theo. Vào mùa xuân khi hoa anh đào nở rộ, khách khứa nườm nượp kéo đến khu này.

Tranh Xuân Cung phản ánh quan điểm dân gian coi tình dục là thiên tính và nguồn hạnh phúc của con người, khác với quan điểm của đạo Phật. Nhưng sau TK 19, văn hóa Nho giáo và văn hóa thương cảm đã phổ biến chiếm chỗ trong lòng người Nhật, họ không còn theo đuổi cái hạnh phúc lớn nhất (hoạt động tình dục) nữa mà chấp nhận một triết lý mới về cuộc sống.

Nguyễn Hải Hoành


[1BBT: tiếng Anh là Shunga

[2BBT: thời xưa người Nhật không coi khỏa thân là khiêu dâm, nam nữ vẫn thường tắm chung.

[3BBT:Theo thống kê thế giới, hiện nay dương vật đàn ông Nhật ngắn nhất so với các sắc dân khác nhưng số phim cấp 3 sản xuất tại đảo quốc này lại nhiều nhất.