Nhà thơ Nghiêm Huyền Vũ : Một tấm lòng Hà Nội
Có một khoảng thời gian khá dài, nhà thơ Nghiêm Huyền Vũ là cộng tác viên thường xuyên của Hà Nội mới cuối tuần và Hà Nội ngày nay, hai ấn phẩm của Báo Hà Nội mới. Mảng anh hay cộng tác là tản văn. Anh viết nhiều, viết đều và viết khỏe.
Nhiều số báo do in liền tù tỳ tản văn của anh nên tôi thường chủ động hoặc linh hoạt thêm các bút danh khác cho Nghiêm Huyền Vũ như Vũ Huyền, Vũ Nghiêm, Nghiêm Huyền… mà không ngại anh phiền lòng. Năm 2015, Nghiêm Huyền Vũ đã cho xuất bản một tập tản văn có tên “Cây sưa hoa trắng” trên cơ sở tập hợp và tuyển lựa những tản văn đăng tải trên báo từ những năm trước.
Tản văn của Nghiêm Huyền Vũ thiên viết về đề tài Hà Nội, đặc sệt chất Hà Nội và như được chưng cất từ Hà Nội. Nào là những chuyện về làng hoa Hà Nội. Nào là những chuyện quanh hồ Tây. Nào là những kỷ niệm ở bãi giữa sông Hồng. Nào là những quan sát về những con đường, con phố ở Thủ đô. Nào là những cảm xúc bừng rộ từ cây sưa hoa trắng…
Tôi có cảm giác như anh đang muốn lưu giữ những gì thật cố hữu, thật riêng của vẻ đẹp Hà Nội đang ngày lại ngày mai một dần trong con mắt và tấm lòng của một người say và yêu Đông Đô – Thăng Long – Hà Nội đến hết mình, theo cách của mình.
Mà đâu chỉ có tản văn. Trước đó, Nghiêm Huyền Vũ còn là tác giả tập thơ “Hà Nội của tôi” và đồng tác giả (cùng với nhà thơ Phạm Đức) tập thơ “36 bài thơ Thăng Long – Hà Nội và lời bình” nữa.
Nếu không say và mê Hà Nội, chắc chắn Nghiêm Huyền Vũ không thể có được một tập thơ 45 bài viết về Hà Nội, như để dành riêng cho Hà Nội, trong đó có những chi tiết thơ đắm đuối và thi sĩ như thế này: “Ngọn lá xanh tròng trành con thuyền nhỏ/ chở những ngày thương mến đã đi xa”; “Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc/ con mắt nhìn xanh biếc trăng non”; “Em là gió, thổi đến ngày kiệt sức/ rơi xuống chiều một tím hồ Tây/ anh chợt biết giấc mơ mình tuột mất/ tỉnh ra còn sóng vỗ trên tay”; “Bên hồ Tây tranh lụa mờ giăng/ trong một thoáng hồng hoang sót lại/ dẫu thành phố đã ngàn năm tuổi/ sương trắng mặt hồ vẫn buổi sơ sinh”, “Sông Hồng… Tôi qua sông trong đồng vọng ngàn năm/ cơn mưa đỏ ào ào trước mặt/ sông cuồn cuộn một niềm khao khát/ bay lên”, “Tôi có riêng Hà Nội là em/ nỗi mong mỏi chưa bao giờ ngơi nghỉ/ mắt chân thực và tình yêu giản dị/ như cây đường Hà Nội bốn mùa xanh”… Tôi cũng dám chắc, số nhà thơ có hẳn một tập thơ viết về Hà Nội và con người Hà Nội, cũng không nhiều nhặn gì cho lắm.
Còn trong “36 bài thơ Thăng Long – Hà Nội và lời bình”, tôi thấy thú vị khi được thưởng thức nguyên bài thơ “Có phải em mùa thu Hà Nội” của nhà thơ Tô Như Châu mà sự triển khai được bắt đầu bằng những câu thơ dạt dào cảm xúc: “Tháng tám mùa thu lá khởi vàng chưa nhỉ/ Từ độ người đi thương nhớ âm thầm/ Có phải em là mùa thu Hà Nội/ Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm/ Có phải em mùa thu xưa…” và kết thúc bằng những câu thơ bâng khuâng không dứt: “Có phải em là mùa thu Hà Nội/ Nghìn năm sau ta níu bóng quay về/ Ôi mùa thu của ước mơ”.
Về tác giả Tô Như Châu, Nghiêm Huyền Vũ nói: “Ông sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, là người chưa một lần đặt chân đến Hà Nội. Thuở còn trẻ, trong xóm nhỏ của ông bên bờ biển Sơn Trà có những người con gái Hà Nội theo gia đình tìm đến định cư. Không biết thanh lịch của người Tràng An đậm đà đến mức nào, không biết mối quan hệ của người Tràng An ấy với ông đằm thắm đến đâu mà cho ông có đủ tình yêu Hà Nội, tình yêu mùa thu Hà Nội để viết nên bài thơ của mình.
Ông viết bài thơ năm 1972, khi đất nước còn chia cắt, Hà Nội còn rất xa, bên kia chiến tuyến và chưa biết bao giờ đến được... Sau đó không lâu, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã phổ nhạc bài thơ này thành một ca khúc cùng tên. Thơ và nhạc của Tô Như Châu và Trần Quang Lộc có thể được ví như một thứ “song kiếm hợp bích” trong nghệ thuật vậy! Tôi tin ca khúc này sẽ còn đi cùng năm tháng.
Nhưng “36 bài thơ Thăng Long – Hà Nội và lời bình” còn là một tập hợp thơ của nhiều tác giả danh tiếng nữa như Nguyễn Du, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Công Trứ, Bà Huyện Thanh Quan, Tản Đà…”.
Khi bình “Có phải em mùa thu Hà Nội”, tôi đã viết: “Chỉ gặp một người rồi thầm thương trộm nhớ không dứt. Rồi cũng từ thầm thương trộm nhớ một người mà thầm thương trộm nhớ cả quê của người ấy không dứt, thì quả là có một không hai. Chính vì cái sự có một không hai ấy, mà thành thơ, lại thành thơ hay nữa, thế mới lạ!
Người ấy có thể là người tuy có thật nhưng lại là người trong cõi mộng. Chính vì là “người trong cõi mộng” mà “tuổi phong sương ta vẫn gắng đi tìm” và gọi luôn tên người ấy là “mùa thu Hà Nội”. Dẫu chỉ yêu bóng yêu hình thôi mà sẵn sàng yêu đến mức: “Ngày thu sang anh lót lá em nằm”, mà đến “nghìn năm sau, ta níu bóng quay về”, thì thiết tưởng ít có tình yêu nào tuy tuyệt vọng mà vẫn đắm đuối, mãnh liệt đến thế! Cảm nhận này là có cơ sở thực tế.
Có thể tác giả Tô Như Châu từng phải lòng một người con gái Hà Nội di cư vào Nam vào những năm 50 của thế kỷ trước và trước khi từ giã cõi đời này, ông vẫn chưa một lần ra Hà Nội. Và đấy cũng là mùa thu ước mơ của Tô Như Châu theo nghĩa đen”.
Ngoài làm thơ, viết tản văn, Nghiêm Huyền Vũ còn viết truyện ngắn và dịch thơ. Riêng ở mảng dịch thuật, Nghiêm Huyền Vũ thành thạo tiếng Nga và tiếng Anh. Ông bảo: “Viết văn, làm thơ nói chung và dịch thơ nói riêng, nhìn chung là để làm thỏa mãn những sở thích cá nhân mang ý nghĩa tinh thần là chính. Còn vật chất thì chả nên nghĩ đến làm gì.
Hay nói một cách khác: Nếu anh muốn kiếm tiền để mưu sinh thì nên đi làm một công việc khác. Tôi đã từng dịch đến 9 bài thơ của nhà thơ Thụy Điển Gunnar Ekelof khá cẩn thận, công phu với gần 20 trang in trong tập “Thơ Thụy Điển” – sách được xuất bản trong khuôn khổ chương trình có hỗ trợ hẳn hoi, vậy mà tiền nhuận bút được trả không đủ mua một cuốn sách.
Nhân đây, cũng xin được nói thêm: Gunnar Ekelof sinh năm 1907, mất năm 1968. Khi mất vì ung thư, ông được coi là “nhà thơ trung tâm của Thụy Điển. Đến nay, vị trí đó vẫn không hề suy giảm theo thời gian”.
***
Nghiêm Huyền Vũ vốn là “dân” vật lý, từng du học ở một trường đại học thuộc Liên Xô (cũ). Năm 1974, sau khi ra trường, anh vào bộ đội, công tác ở Viện Kỹ thuật quân sự. Năm 1992, ra quân với quân hàm Trung tá, anh chuyển công tác về Nhà xuất bản Thế giới. Từ 1998 cho đến lúc nghỉ hưu, anh là chuyên viên cao cấp thuộc Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Có dạo anh là Thư ký tòa soạn của Tạp chí Vietnam Today – là một trong số tạp chí đầu tiên xuất bản bằng tiếng Anh ở Việt Nam.
Về gốc gác của mình, anh tâm sự: “Tôi là người gốc họ Nghiêm Hòa Xá, Ứng Hòa, Hà Đông (Hà Nội ngày nay). Đến đời thứ 17, gia đình tôi di dời vào Hà Tĩnh. Cụ tổ dòng họ tôi là Nghiêm Đình Tử từng được triều đình Lê – Trịnh phong hàm, vinh hàm “thái tử thái bảo”.
Không đợi tôi hỏi thêm, anh giải thích: “Các quan ngày xưa thường được phong chức, tước, phẩm, hàm. Thuở ấy, việc phong hàm, vinh hàm thường có mấy cấp. Cao nhất là Tam công (thái sư, thái phó, thái bảo). Rồi đến Tam thiếu (thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo). Dưới nữa là gắn thêm chữ Thái tử (thái tử thái sư, thái tử thái bảo…) Anh nói vui: “Từ nhiều năm nay, cho đến bây giờ, tôi là “người Hà Nội gốc Hà Tĩnh” rồi”.
Những năm 2000, để “thay đổi không khí”, để “nạp cảm xúc”, thỉnh thoảng tôi cùng Nghiêm Huyền Vũ hay đi một số nơi như Nghệ An, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… Chúng tôi gọi đó là những cuộc “nhị nhân đồng hành”. Khi đã gần gũi và thân quen Nghiêm Huyền Vũ, tôi nhận ra anh là một người tuy hay rủ rỉ rù rì nhưng lại rất hài hước và sâu sắc. Anh cũng là người một khi đã không làm một việc gì thì thôi, còn khi đã muốn làm một việc gì thì thường thích “đến nơi tới chốn”.
Tôi nhận ra anh là con người không thích nửa vời khi có một lần tham dự Ngày thơ Việt Nam ở Hải Dương, nghe anh đọc “Nửa vời”:
Vòng tay em nửa vời
Ôm không tròn khát vọng
Ánh mắt em nửa vời
Nói không tròn đằm thắm
Cái hôn em nửa vời
Như chạm vào trái đắng
Tình yêu em nửa vời
Nửa như là gánh nặng
Em ơi đường xa lắm
Mái chèo em nửa vời
Buồm em căng một nửa
Biết bao giờ xa khơi…
Nghiêm Huyền Vũ bảo: “Đây là bài thơ gần như đầu tiên của tôi, được đăng báo đầu tiên của tôi, được viết vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Cả đời tôi, từ lúc còn trẻ cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ như thế. Và tôi sợ nhất sự nửa vời”.
Đặng Huy Giang