Trang nhà > Hà Nội > Nhân vật > Nguyễn Gia Thiều (1741-1798)
Nguyễn Gia Thiều (1741-1798)
Thứ Ba 23, Tháng Giêng 2007
Mộ Nguyễn Gia Thiều
Nguyễn Gia Thiều hiệu là Tân Trai và có bốn hiệu khác nữa. Ông quê ở làng Liễu Ngạn, tổng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại, xứ Kinh Bắc, nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Xuất thân trong một gia đình danh giá: ông tước Công, cha tước Hầu, mẹ là Quận chúa (con của chúa Trịnh Cương). Là quý tộc, quốc thích, ông cũng là 1 nghệ sĩ đa tài sớm nổi tiếng thời cuối Trịnh và Tây Sơn.
Nguyễn Gia Thiều 18 tuổi đã lĩnh chức Hiệu uý, 30 tuổi lên đến chức Tổng binh, tước Ôn Như Hầu. Đối với họ Trịnh, ông là cháu ngoại chúa Trịnh Cương, gọi chúa Trịnh Doanh là cậu ruột, con cô con cậu với chúa Trịnh Sâm; vợ ông là con gái trưởng của quan Đại tư đồ Bùi Thế Đạt. Tây Sơn ra Bắc Hà, ông chạy lánh ở vùng núi Hưng Hóa. Sau vua Quang Trung cho triệu vào Kinh đô Phú Xuân, ông bất đắc dĩ phải tuân mệnh, nhưng chán chường con đường công danh, suốt ngày cuồng say men rượu.
Ông mất ở tuổi 57. Con gái ông lấy Nguyễn Điều (anh ruột thi hào Nguyễn Du). Ông để lại một số bài thơ chữ Nôm, cùng bản Cung oán ngâm khúc nổi tiếng và tác phẩm hợp soạn cùng ba người em trai gọi là Tứ Trai thi tập. Về âm nhạc ông có bản Sơn trung tâm, Sở từ điệu. Về hội họa ông có bức tranh hoành tráng Tống sơn đồ. Về kiến trúc, là người được giao nhiệm vụ trang hoàng Phủ chúa và chỉ huy xây tháp chùa Thiên Tích.