Bệnh máu trắng có di truyền không?

Bệnh máu trắng tức ung thư bạch cầu là loại ung thư ác tính đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Bệnh ung thư này khó phát hiện do triệu chứng không rõ ràng và việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, rất nhiều người đặc biệt là những người có tiền sử gia đình bị căn bệnh này thường băn khoăn liệu bệnh ung thư máu có di truyền không?

Ghi chú cho đồ thị thống kê mức độ di truyền của 12 bệnh ung thư:

  • Phổi 1: Ung thư phổi tế bào nhỏ.
  • Phổi 2: Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.
  • Glioma: Ung thư tế bào glio trong não.
  • Glioblastoma: Thể nguy hiểm hơn của ung thư glioma trong đó tế bào không biệt hóa.

Thống kê 12 căn bệnh ung thư có di truyền

Tạp chí The Independent đưa tin về một công trình mới của Mỹ đã phát hiện mức độ di truyền của 12 căn bệnh ung thư không phải ở bạch cầu. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học nghiên cứu trên quy mô lớn về mối liên hệ giữa gen và ung thư, cũng như các đột biến có liên quan.

Theo đó, các tế bào mầm di truyền bị đột biến xuất hiện trong 19% trường hợp ung thư buồng trứng và 11% trường hợp ung thư dạ dày.

Theo báo cáo trên tờ Nature Communications, nhóm tác giả từ dự án Cancer Genome Atlas của chính phủ Mỹ đã sử dụng dữ liệu của 4.000 bệnh nhân ung thư rồi so sánh giữa các mô và khối u. Kết quả, họ phát hiện sự có mặt thường xuyên của các tế bào mầm đột biến người bệnh kết thừa từ cha mẹ.

Một trong các tác giả là tiến sĩ Li Ding từ Đại học Washington cho biết đột biến tế bào mầm được tìm thấy trong các khối u với "tần suất lớn". Tế bào mầm bị cắt ngắn liên quan đến 19% trường hợp ung thư buồng trứng và 11% trường hợp ung thư dạ dày.

Bà nói thêm, gen BRCA1 và BRCA2 vốn chỉ có ở ung thư vú cũng xuất hiện trong các ca ung thư dạ dày và ung thư tuyến tiền liệt. "Điều này chứng tỏ chúng ta cần xem xét cẩn thận khả năng ảnh hưởng của hai gen này đến các loại ung thư khác", tiến sĩ nhận định.

Đội ngũ nghiên cứu hy vọng công trình trên sẽ giúp cải thiện xét nghiệm nguy cơ ung thư dựa trên yếu tố di truyền.

Vậy bệnh ung thư máu thì sao?

Ung thư máu còn được gọi là bệnh bạch cầu hay bệnh máu trắng. Bệnh xảy ra khi các cơ quan tạo máu trong cơ thể sản sinh ra số lượng lớn các loại bạch cầu bất thường. Sự tăng sinh quá mức tế bào bạch cầu này sẽ ức chế sinh sản các tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu bình thường khác trong máu, gây ra tình trạng thiếu máu, chảy máu, viêm loét, máu khó đông và nhiễm trùng. Ngoài ra, có thể gặp một số triệu chứng khác như gan, phổi, lách, hạch bạch huyết bị sưng to.

Hiện nay, có nhiều nguyên nhân cũng như các yếu tố nguy cơ khác nhau gây bệnh ung thư bạch cầu. Trong đó, yếu tố môi trường được cho là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh ung thư nói chung cũng như ung thư bạch cầu nói riêng.

Nhiều người thường đặt ra câu hỏi bệnh ung thư bạch cầu có di truyền không? Để trả lời được chính xác câu hỏi này, cần được nghiên cứu và kết luận một cách khoa học với đầy đủ thông tin bằng chứng.

Trong các nghiên cứu về sự ảnh hưởng của yếu tố di truyền đối với căn bệnh ung thư, hiện chưa có bất cứ một kết luận cụ thể nào chứng tỏ hai vấn đề này có mối liên quan với nhau. Theo đó, hầu hết các trường hợp mắc ung thư máu là không do di truyền. Tuy nhiên, một số yếu tố có tính đột biến di truyền có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư máu. Ví dụ như những người mắc hội chứng Li-fraumeni, hội chứng down, hội chứng Noonan, U sợi thần kinh loại I, suy giảm hệ miễn dịch… có nguy cơ cao mắc ung thư bạch cầu trong điều kiện di truyền.

Mặc dù có nguy cơ mắc bệnh nhưng những người tiền sử gia đình có người thân bị mắc ung thư bạch cầu không cần quá lo lắng. Bởi vì thực tế cho thấy nhiều người mang trong mình các yếu tố nguy cơ lại không phát triển bệnh mà bệnh lại xuất hiện trên những người không có nguy cơ nào cả. Do đó, lựa chọn một lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lí, hoạt động thể chất đều đặn, thường xuyên và tầm soát ung thư định kỳ là những phương pháp tốt nhất giúp ngăn ngừa bệnh.

Để trả lời cho câu hỏi bệnh ung thư máu có di truyền không là một hành trình rất khó khăn và cần có những nghiên cứu chuyên sâu. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn nhất, những gia đình có người mắc bệnh ung thư máu nên đi khám và tầm soát ung thư máu định kỳ để được các bác sỹ chẩn đoán và điều trị sớm nhất trong trường hợp được phát hiện có mắc bệnh.

Chúng ta nên xây dựng một lối sống lành mạnh và phòng tránh bệnh ung thư bạch cầu bằng cách hạn chế với các tác nhân gây bệnh.

(VNN, NCC tổng hợp theo The Independent và Healthline.com)