Giọng nói và văn hóa thủ đô

Ha Noi

Nhân có cuộc tranh luận trên mạng với các ý kiến khá khác nhau về "dân gốc" và "giọng Hà Nội" tôi xin tóm tắt trước (chi tiết xin xem ở dưới) 3 suy nghĩ riêng:

  • "giọng chuẩn" hiện nay của Hà Nội tôi chưa biết là gì nhưng có thể tìm thấy ở những thầy cô giáo giỏi môn tiếng Việt hoặc ca sĩ tân nhạc và phát thanh viên được lòng người nghe nhất.
  • có "giọng chuẩn" chưa chắc có văn hóa và có văn hóa chưa chắc nói được "giọng chuẩn". Tuy nhiên có thể và nên viết chuẩn như sách giáo khoa cho thống nhất cả nước.
  • như mọi thủ đô hoặc thành phố lớn khác, Hà Nội thời nào cũng hội tụ tinh hoa và cả xấu xa của mọi miền, kể cả từ quốc tế. Ai cũng có thể tìm thấy bạn bè ưa thích và những kẻ đáng ghét của mình ở nơi hầu hết tổ tiên vốn là người tứ xứ. "Dân gốc" nên hiểu theo nghĩa những gia tộc đã có vài đời giữ gìn truyền thống và hấp thu tinh hoa văn hóa mọi miền và chỉ nên gắn với từng khu vực nhỏ và giai đoạn cụ thể.

Khái niệm "giọng Hà Nội" có lẽ chưa chính xác và dễ gây hiểu nhầm. Chuẩn mực ở đâu? Nghe nói tiếng Anh chuẩn lấy giọng từ thành phố nhỏ Oxford là một trung tâm học vấn lâu đời chứ không phải từ London, dù rất gần nhau. Tỉnh Hà Nội mới lập từ năm 1831. Xưa hơn nữa, xung quanh Hoàng thành Thăng Long có nhiều làng ấp định cư hàng chục vạn quý tộc và nô lệ do các đoàn quân viễn chinh mấy thời Lý, Trần, Lê bắt về. Bên trong đình làng Đông Thiên ở phố Vĩnh Hưng đến nay dân còn thờ một đôi vợ chồng vua Champa. Tương truyền chùa Soài ven Hồ Tây thờ bà cung nữ Champa dạy nghề dệt lĩnh Bưởi. Chùa Bà Già gần cầu Nhật Tân từng là nơi thái úy Trần Nhật Duật thường cưỡi voi đến bàn luận với sư trụ trì Champa theo Phật giáo Nam tông. Các nài voi xưa toàn là người thuộc các dân tộc thiểu số miền Trung hoặc Tây Nguyên mà tại chùa Phổ Giác cạnh Văn Miếu có thờ. Hình như đến hát quan họ Kinh Bắc cũng bị ảnh hưởng từ âm điệu Champa. Rồi biết bao người và nghề từ phương Bắc truyền sang, ví dụ nghệ nhân Mông Cổ bị bắt trong đám quân Nguyên đã dạy diễn tuồng cho các ca sĩ và nhạc công nhà Trần v.v..

Còn xét "dân gốc" thì phải tìm chuẩn mực ở đâu? Trong nhiều làng xã Bắc Bộ trước kia, trừ trường hợp đặc cách hoặc có công lớn, dân ngụ cư ít nhất phải vài đời mới được định cư. Đến thái thú Sĩ Nhiếp có gia tộc đã 6 đời sống ở Thuận Thành, Kinh Bắc mà vẫn bị đa số sách lịch sử gọi là người Tàu, dù được phong 4 chữ "Nam Giao Học Tổ" (南郊學祖). Khu "phố cổ Hà Nội" chủ yếu gồm các phường nghề thủ công, ẩm thực, đông y, v.v., với những khách hàng giàu sang, thu hút giới tinh hoa, nghệ nhân, thương gia từ các vùng lân cận (Kinh Bắc, Sơn Nam, xứ Đông, xứ Đoài) và của người Hoa, cho nên pha nhiều giọng nói và văn hóa khác nhau. Chỉ các làng cổ ven đô mới dễ dàng bảo lưu được giọng cổ, phải chăng nhờ nhiều "lớp ông đồ" và gia tộc sinh ra học giả? (bia Văn Miếu Hà Nội và Huế có ghi quê các tiến sĩ).

Tuy nhiên khi văn hóa Pháp, Trung quốc, Liên Xô, Mỹ tràn sang, rồi nay "thế giới phẳng", "toàn cầu hóa" thì việc pha tiếng càng là tất yếu, chả cứ thủ đô. Cách đây khoảng 50-70 năm, phần lớn các phát thanh viên đầu tiên không có ai là dân "phố cổ". Nhưng nếu buộc phải so sánh thì giọng những MC Bích Loan, Kiều Trinh, Long Vũ, Lê Bình v.v. bây giờ có khác gì người thường? Trong khi giọng các cô, bác Ái Liên, Tuyết Mai, Kiên Cường... tròn vành rõ tiếng như phường ca trù, mặc dù thiết bị bá âm thời ấy còn xoàng xĩnh.

Phải chăng đó là kết quả biến giọng tự nhiên sau hơn nửa thế kỷ, khi số người "nhập hộ khẩu Hà Nội" đã vượt xa số dân thời thuộc Pháp? Phải chăng giọng "Hà Nội mới" đã pha giọng của các vùng Vĩnh-Phú, Hà-Bắc, Hà-Nam-Ninh? Đó là chưa kể ảnh hưởng của các giọng địa phương đặc biệt như Sơn Tây, Hải-Hưng, Nghệ-Tĩnh và các vùng xa hơn. Trước 1966 nhiều dân ở làng tôi (cách Hoàng thành chỉ 2km) và vài nơi ngoại thành như làng Lủ, Mọc, Mỗ, La, Canh, Cót, Vòng, Chèm, Vẽ... vẫn còn phân biệt khá rõ r-gi-d, tr-ch, s-x, nhưng nay thì hiếm, chưa kể còn bị ngọng l-n.

Nhưng ai gặp may hoặc chịu kén thầy học thì sớm nói đúng thôi, chả cần gốc gác lâu đời. Các ca sĩ Quốc Hương, Trần Khánh, Mỹ Linh, Thái Thanh, Ánh Tuyết, Đàm Vĩnh Hưng, v.v. và cả hoa hậu mới đây đều toàn từ tỉnh lẻ mà nói hay hơn đa số dân nội thành thủ đô bây giờ. Còn khi chưa học vẫn phải nói theo giọng của "thầy" tự nhiên như mẹ, cha, bà giúp việc, cô dạy trẻ, thậm chí của lũ bạn nhóc nếu chẳng may bị gia đình bỏ quên.

Nói thêm là người có học lẽ ra phải biết viết chuẩn, dù nói có thể kém. Con cái các giáo viên môn Tiếng Việt dù chỉ bậc tiểu học ở Mù Cang Chải, Đồng Văn, Phú Quốc, Pleiku... thường viết đúng. Nhưng các từ điển cũng có nhất quán đâu? Bản thân tôi cũng phải rất chú ý mới không bị độc giả bắt lỗi.

Đông Tỉnh