Khái niệm “thông tin”

writing

Trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình, con người thường xuyên cần đến thông tin. Ngày nay, với sự bùng nổ thông tin, thông tin càng trở thành một trong những nhu cầu sống còn của con người và khái niệm "thông tin" đang trở thành khái niệm cơ bản, chung của nhiều khoa học.

Nhưng từ "lăng kính" của mỗi khoa học ấy chúng ta chỉ nắm bắt được khái niệm thông tin ở từng phương diện. Để làm rõ bản chất chung nhất của thông tin chúng ta phải tiếp cận với nó từ góc độ triết học, cũng có nghĩa là tiếp cận với khái niệm "thông tin" ở hai mặt: bản thể luận và nhận thức luận của nó. Như vậy chúng ta sẽ đáp ứng được tốt hơn, hiệu quả hơn nhu cầu làm chủ thông tin hiện nay. Trong các từ điển triết học cũng như trong các sách báo triết học người ta thường mới chỉ đề cập đến bản thể luận và nhận thức luận với tư cách là học thuyết về bản thân sự vật, về sự tồn tại của sự vật và học thuyết về quá trình nhận thức sự vật của con người: "Bản thể luận là học thuyết về những quy luật phát triển chung nhất của tồn tại" và "Nhận thức luận là lý luận nhận thức... nó nghiên cứu bản chất của quan hệ nhận thức của con người đối với thế giới". Nhưng từ cấp độ là học thuyết, chúng ta có thể rút ra bản thể luận và nhận thức luận là hai mặt của khái niệm: mặt bản thể luận của một khái niệm nói lên sự vật mà khái niệm đó phản ánh là gì, bản chất của nó như thế nào, nó có nguồn gốc từ đâu, nó vận động và phát triển ra sao, còn mặt nhận thức luận của khái niệm nói lên sự vật và khái niệm đó phản ánh được con người nhận thức như thế nào.

Cùng với sự phát triển của lý thuyết thông tin, điều khiển học, tin học là những khoa học trực tiếp nghiên cứu thông tin, triết học đã không ngừng cố gắng làm rõ bản chất chung nhất, khái quát nhất của thông tin. Cho đến nay, tuy có những vấn đề còn phải tiếp tục nghiên cứu nhưng một định nghĩa của triết học về thông tin đã được nêu ra khá xác đáng, đó là: "Thông tin là cái đa dạng được phản ánh". Với định nghĩa này chúng ta sẽ tiếp cận với hai mặt bản thể luận và nhận thức luận của khái niệm thông tin. Từ đó làm sáng rõ thêm bản chất của thông tin và chỉ ra mặt hạn chế của định nghĩa trên.

Bản thể luận của khái niệm thông tin

Thứ nhất, Thông tin là một hiện tượng vốn có của vật chất, là thuộc tính khách quan của thế giới vật chất. Nếu trong một sự vật đang diễn ra những biến đổi phản ánh sự tác động của một sự vật khác, thì có thể nói rằng sự vật thứ nhất đang trở thành vật thể mang thông tin về sự vật thứ hai. Nội dung của thông tin chính là những thuộc tính, tính chất vốn có của sự vật với các sự vật hiện tượng được bộc lộ ra, thể hiện thông qua tác động qua lại của sự vật ấy với các sự vật khác. Thông tin, vì thế là sự phủ định, sự xoá bỏ tính không khác nhau, nói cách khác, thông tin có thể giải thích như là tính không khác nhau bị xoá bỏ, là tính đa dạng... Thông tin có mặt ở nơi nào có tính đa dạng, tính không đồng nhất.

Nhưng, nếu chỉ thấy mặt bản thể luận của khái niệm thông tin là "cái đa dạng" thì chưa phân biệt rõ thông tin với bản thân các thuộc tính của sự vật, hiện tượng. Vì vậy khái niệm "thông tin" cũng chưa được phân rõ so với khái niệm "thuộc tính" của sự vật. Chúng ta phải thấy rằng "cái đa dạng" của sự vật chỉ là thông tin khi nó "được phản ánh".

Do đó, nội dung thứ hai của mặt bản thể luận của khái niệm thông tin là: Thông tin luôn luôn gắn với quá trình phản ánh. Phản ánh là năng lực của hệ thống vật chất này tái hiện ở trong nó (dưới dạng ít hay nhiều đã biến đổi) những đặc điểm, thuộc tính của một hệ thống vật chất khác khi nó chịu tác động của hệ thống vật chất ấy. Những dấu ấn để lại chính là những thông tin của hệ thống vật chất này đối với hệ thống vật chất khác. Và phản ánh của vật chất là phản ánh thông tin. Như vậy bản chất của thông tin về sự vật được quy định bởi những thuộc tính khách quan vốn có của sự vật và năng lực phản ánh những thuộc tính đó của sự vật khác trong sự tác động lẫn nhau với sự vật ấy. Vì vậy, không có thông tin chung chung mà thông tin là thông tin về sự vật A đối với sự vật B nào đó. Như chúng ta biết, Galoa, một nhà toán học vĩ đại Pháp (mất khi chưa đầy 21 tuổi) đã tìm ra điều kiện cần và đủ để một phương trình đại số bậc 5 trở lên có thể giải được. Trước Galoa, rõ ràng tính chất có thể giải được (với điều kiện nhất định) của phương trình đại số bậc 5 trở lên chưa nằm trong trường thông tin của nó vì nhận thức của loài người chưa phát hiện ra, chưa phản ánh được mặc dù đó là tính chất vốn có của nó. Nhưng khi tính chất đó được con người phát hiện ra thì nó trở thành thông tin đối với những người có nhu cầu nghiên cứu loại phương trình này.

Như vậy, về mặt bản thế luận, thông tin mang tính khách quan. Nó bắt nguồn từ tính đa dạng, nhiều vẻ về cấu trúc cũng như về các mối quan hệ của các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan, nó còn bắt nguồn từ thuộc tính khách quan, phổ biến của vật chất từ thuộc tính phản ánh. Do đó “vạch ra bản chất của thông tin qua cái đa dạng và giải thích nó như cái đa dạng được phản ánh là cơ sở đầy đủ cho luận đề về tính khách quan của thông tin”.

Hiện nay có một số khuynh hướng giải thích thông tin gắn liền với phản ánh chỉ là biểu thị mặt nhận thức luận của nó. Nếu vậy mặt bản thể luận của khái niệm thông tin bị thu hẹp và chúng ta chưa thấy rõ được bản chất của thông tin là "cái đa dạng được phản ánh". Mặc dù đối với tổ chức xã hội, mặt bản thể luận của nó chính là sự thống nhất giữa tính khách quan và tính chủ quan, có nghĩa là thông tin vừa là "cái đa dạng" vốn có của vật chất, vừa mang dấu ấn của chủ thể phản ánh nó, tức là còn mang tính chủ quan. Cái đa dạng được phản ánh đó là cái đa dạng của cái bị phản ánh mà đối tượng phản ánh chứa đựng, tức là cái đa dạng mà nguồn gốc của nó là ở đối tượng bị phản ánh, còn đối tượng phản ánh thì thu nhận, xác lập cái đa dạng đó về hình thức, về cấu trúc của nó...

Từ việc tiếp cận mặt bản thể luận của khái niệm thông tin một vấn đề đặt ra là: Khái niệm thông tin là cái đa dạng được phản ánh có bao quát được dạng thông tin tiềm năng không? Hay, nói cách khác, thông tin tiềm năng có thuộc ngoại diên của khái niệm thông tin được định nghĩa như trên không?

Theo các nhà lý thuyết thông tin và các nhà triết học thì thông tin tiềm năng chính là cái đa dạng của khách thể tự nó, là cấu trúc, tổ chức của nó, có khi gọi vắn tắt là thông tin cấu trúc. Do vậy, định nghĩa thông tin là cái đa dạng được phản ánh còn hạn chế chưa khái quát được một dạng thông tin đặc biệt - thông tin tiềm năng. Chính hạn chế này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện thêm khái niệm thông tin: một khái niệm trừu tượng ở tầng triết học. Việc nhận thức nó đòi hỏi phải có sự khái quát triết học trên cơ sở những kết quả nghiên cứu của các khoa học cụ thể, đặc biệt là các khoa học chung, liên ngành như điều khiển học, tin học.

Mặt nhận thức luận của khái niệm thông tin

Thông tin là một hiện tượng vốn có của thế giới vật chất. Nhưng không phải ngay từ đầu thông tin đã được con người nhận thức ở cấp độ khái niệm. Lần đầu tiên thông tin được con người chú ý nghiên cứu về mặt ý nghĩa xã hội của nó và được đề cập đến trong lý thuyết báo chí vào những năm 20 - 30 của thế kỷ XX. Theo cách hiểu kinh điển thì thông tin chính là những cái mới khác với những điều đã biết. Kế thừa tư tưởng trên, khái niệm thông tin đi vào khoa học hiện đại, trước hết là lý thuyết thông tin của C.Sênôn (Shannon) [1]. Và thông tin đã trở thành đối tượng nghiên cứu chủ yếu, trực tiếp của điều khiển học, của lý thuyết thông tin và tin học. Từ đó có rất nhiều định nghĩa về thông tin. Nhìn chung, những định nghĩa đó đều cố gắng tiếp cận với bản chất của thông tin nhưng chỉ từ những góc độ, phương diện nhất định nào đó của nó. Có thể xem xét thông tin từ góc độ phân biệt các loại thông tin như thông tin kinh tế, thông tin khoa học - kỹ thuật, thông tin văn hoá - xã hội… Chẳng hạn, "thông tin kinh tế là các tín hiệu mới được thu nhận, được thụ cảm (hiểu) và được đánh giá là có ích cho việc ra quyết định quản lý". Cũng có thể xem xét thông tin từ góc độ đánh giá vai trò của thông tin, như nhà khoa học Đức E.Pietch đã chỉ ra "Thông tin là một sản phẩm mà với ý nghĩa, công dụng của nó có thể xem ngang hàng với trữ lượng nguyên liệu của nước đó”…

Ngoài những cách tiếp cận theo từng góc độ trên, một số cách tiếp cận đã có tầm khái quát hơn, chẳng hạn "thông tin là dữ liệu mà có thể nhận thấy, hiểu được và sắp xếp lại với nhau để hình thành kiến thức", hay "thông tin là sự truyền đưa độ đa dạng" (R.Esbi) hoặc "Thông tin là nội dung thế giới bên ngoài được thể hiện trong sự nhận thức của con người" (N.Viener). Nhưng để tiếp cận với bản chất chung nhất của thông tin - hiện tượng vốn có của thế giới vật chất, có thể nói lại một lần nữa chúng ta được chứng kiến vai trò khái quát của triết học!

Nhờ lý thuyết phản ánh của Lênin cùng với sự phát triển của khoa học hiện đại, đặc biệt là lý thuyết thông tin, điều khiển học và tin học, chúng ta đã tiếp cận được với bản chất của thông tin, đó là: "Cái đa dạng được phản ánh". Như vậy, thông tin gắn liền với phản ánh, thông tin không phải là phản ánh nhưng cũng không nằm ngoài phản ánh. Tiếp cận với khái niệm thông tin, vì vậy, không thể không bắt đầu từ phạm trù "phản ánh " của triết học. Chính mặt bản thể luận của vật chất như phân tích ở phần trên đã quy định mặt nhận thức luận của nó. Có nghĩa là con người sẽ không nhận thức được bản chất của thông tin nếu thông tin là một mặt của phản ánh và phản ảnh của vật chất chính là phản ánh thông tin. Thuật ngữ do R.Esbi nêu lên "truyền cái đa dạng" được giải thích cụ thể hơn trên cơ sở phạm trù phản ánh. Đồng thời chính khái niệm thông tin đã làm sâu sắc thêm phạm trù "phản ánh" trong triết học.

Tóm lại, trong thời đại thông tin hiện nay, để có thể làm chủ được thông tin, khai thác và sử dụng nó một cách có hiệu quả, chúng ta phải chú ý không chỉ nội dung, tính chất, đặc điểm của mỗi thông tin cụ thể mà còn phải thấy được đằng sau cái cụ thể là cái bản chất chung nhất của thông tin, đó là: "Cái đa dạng được phản ánh". Nắm vững mặt bản thể luận và mặt nhận thức luận của khái niệm thông tin sẽ cho chúng ta phương pháp luận chung nhất để tiếp cận và xử lý thông tin.

Lê Thị Duy Hoa (Tạp chí Triết học)

[1Năm 1948, bài báo "Một lý thuyết toán về truyền thông" công bố trên tạp chí Bell System Technical của C. Shannon đã đặt nền tảng cho lý thuyết thông tin (ĐT chú thích)